BS Võ Văn Tự Hiến: Cắm implant gồm những bước nào? Rút ngắn thời gian được không?
Nhờ có implant, mất răng không còn là cơn “ác mộng” đối với mọi người. BS Võ Văn Tự Hiến, Chủ tịch Liên chi hội Cấy ghép Nha khoa thông chia sẻ những thông tin chính xác về cấy ghép implant với bạn đọc AloBacsi: Cắm implant gồm những bước nào? Có thể rút ngắn thời gian được không?...
BS Võ Văn Tự Hiến, Chủ tịch Liên chi hội Cấy ghép Nha khoa
Nha khoa hiện đại ngày nay với các bước tiến vượt bậc không thể bỏ qua thành tựu ấn tượng của kỹ thuật cấy ghép implant nhằm thay thế răng mất. Nhờ có implant, mất răng không còn là cơn “ác mộng” đối với mọi người.
Tuy nhiên, đây là kỹ thuật cao, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối ở mỗi khâu trong quy trình thực hiện cũng như các vấn đề chăm sóc để khôi phục hàm răng chắc khỏe.
Vì vậy, để quý khán giả có đầy đủ kiến thức về cấy ghép Implant và sẵn sàng cho một hành trình mới, hôm nay chúng ta sẽ có cơ hội gặp gỡ vị bác sĩ Việt Nam đầu tiên được đào tạo tại Mỹ về cấy ghép nha khoa. Đó là bác sĩ Võ Văn Tự Hiến, Chủ tịch Liên Chi Hội Cấy ghép Nha khoa TPHCM.
I. Cắm implant giải quyết những vấn đề gì trong nha khoa?
1. Xin bác sĩ cho biết cấy ghép implant (cắm implant) ở Việt Nam được tiến hành từ năm nào, kỹ thuật này giúp giải quyết những vấn đề gì trong nha khoa ạ?
BS Võ Văn Tự Hiến:
Ca implant đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện vào năm 1994, sau ca implant đầu tiên của thế giới khoảng 30 năm. Đến năm 1999 khoa Implant đầu tiên của Việt Nam ra đời tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương TPHCM. Có thể xem đây là thời điểm kỹ thuật cấy ghép nha khoa chính thức được thực hiện và phổ biến tại Việt Nam, tính đến nay đã 21 năm.
Ban chấp hành đầu tiên của Hội Cấy ghép nha khoa TPHCM chụp cùng các đại diện của Hội Y học TPHCM
Cấy ghép nha khoa là một cuộc cách mạng kỹ thuật lớn trong ngành nha. Nhờ kỹ thuật này mà những người mất răng có thể có những răng giả gần giống răng thật nhất.
Trước khi có kỹ thuật implant, khi mất răng thì có 2 cách phục hình:
- Cầu răng: Bác sĩ sẽ mài nhỏ những răng kế cận để làm trụ cầu. Như vậy các răng trụ này vừa bị tổn thương vừa phải gánh thêm lực nhai của răng bị mất nên tuổi thọ giảm đi.
- Hàm tháo lắp: Hàm có thể lấy ra lắp vào, chức năng nhai kém, lỏng lẻo, vướng víu trong miệng.
Ngày nay, với kỹ thuật implant, bác sĩ đặt những trụ titan vào trong xương hàm chỗ mất răng, sau đó làm răng giả trên các trụ implant này. Do đó răng trên implant vững chắc trên cung hàm và không ảnh hưởng đến các răng thật khác.
Một điều đặc biệt nữa là nhờ được cắm vào xương nên răng trên imolant chuyển lực nhai vào xương, giúp ngăn chặn quá trình tiêu xương, mà 2 kỹ thuật phục hình thông thường trước đây không làm được.
Nhiều trường hợp lâm sàng trước đây không giải quyết được, nhưng ngày nay được kỹ thuật implant giải quyết một cách rất dễ dàng.
Tôi xin ví dụ:
Những người mất toàn bộ răng hàm dưới, mang hàm giả một thời gian thì hàm lỏng lẻo do tiêu xương. Khi tiêu xương đến một mức nào đó thì hầu như hàm không còn dính và không thể chỉnh sửa được nữa, bệnh nhân phải chấp nhận việc ăn nhai, nói năng rất khó khăn. Ngày nay với trường hợp này, bác sĩ chỉ cần đặt 2 mini implant thì có thể giúp cho hàm giả vững ổn chỉ trong 1 lần hẹn. Hoặc đặt 4 implant, trên đó gắn một cầu răng, bệnh nhân ăn nhai thoải mái như răng thật của chính mình.
Với những ưu việt đó, ngày nay implant là chỉ định đầu tiên cho các trường hợp mất răng. Chỉ khi nào bệnh nhân không có điều kiện làm implant, như không đủ tài chánh, không có thời gian, không đủ sức khỏe do có bệnh toàn thân… thì mới đành phải làm phục hình theo cách thông thường.
II. Implant nha khoa làm bằng chất liệu gì, bệnh nhân có chụp MRI được không?
2. Implant trong nha khoa được làm bằng chất liệu gì ạ? Có chất liệu nào không chống chỉ định với việc chụp MRI không?
BS Võ Văn Tự Hiến:
Implant nha khoa được làm bằng titanium, hợp kim titanium và Zirconia. Đây là những vật liệu tương hợp sinh học và có tính tích hợp xương. Các vật liệu này không phải là kim loại sắt từ (ferromagnetic metals) nên an toàn khi chụp MRI.
III. Quy trình cấy ghép implant
3. Xin bác sĩ cho biết quy trình cấy ghép implant sẽ gồm những bước nào?
BS Võ Văn Tự Hiến:
Trước hết bác sĩ chuyên khoa cần khám và đánh giá sức khoẻ toàn thân, sức khoẻ răng miệng và đặc biệt là tình trạng xương và nướu vùng mất răng. Phim CT vùng hàm mặt có vai trò rất quan trọng để đánh giá xương và vị trí các cấu trúc giải phẫu kế cận. Từ đó đưa ra một kế hoạch điều trị cấy ghép phù hợp.
Việc tiến hành cấy ghép implant gồm 3 bước:
- Bước 1: Phẫu thuật đặt implant vào xương hàm và để yên như vậy từ 2-6 tháng cho implant gắn kết với xương hàm, gọi là “tích hợp xương”.
- Bước 2: Gắn một trụ lành thương vào implant. Cần 3 tuần cho nướu lành xung quanh trụ đó
- Bước 3: Lấy dấu và chuyển dấu đến labo làm mão hay cầu răng sứ. Sau đó gắn mão hay cầu răng sứ vào implant bằng xi măng hoặc bằng ốc vít.
Tùy thực tế lâm sàng bác sĩ có thể rút ngắn các giai đoạn:
- Đặt implant và đặt trụ lành thương ngay (bỏ qua bước 2).
- Đặt implant và làm phục hình ngay.
- Nhổ răng, đặt implant và phục hình ngay.
Với nhiều ưu điểm, ngày nay implant là chỉ định đầu tiên cho các trường hợp mất răng
IV. Cắm implant tiến hành trong bao lâu? Có rút ngắn thời gian được không?
4. Việc cắm implant thường tiến hành trong bao lâu ạ? Nhiều người muốn rút ngắn thời gian này (như Việt kiều về nước) hay giảm bớt những lần tái khám (nhà bệnh nhân ở xa) có được không thưa bác sĩ?
BS Võ Văn Tự Hiến:
Với quy trình cấy ghép như trên, thông thường cần thời gian từ 2-6 tháng. Những trường hợp phải ghép xương, nâng xoang thì cần thời gian lâu hơn, có thể đến 1 năm, thậm chí 2 năm mới hoàn tất.
Nhiều trường hợp cũng có thể hoàn tất điều trị trong 1 ngày - “one day implant”. Khi bạn có một chiếc răng cần nhổ, bác sĩ có thể nhổ răng, đặt implant và gắn phục hình ngay trong một buổi hẹn. Bạn bước vào phòng nha với cái răng hư, bước ra với một răng implant mới. Nhưng thường đây là răng tạm, vài tháng sau bạn quay lại để làm răng chính thức. Kỹ thuật này được gọi là implant tức thì và chịu lực ngay.
Ngày nay với kỹ thuật CAD/ CAM người ta có thể làm sẵn một cầu răng trước khi đặt implant. Đến buổi hẹn bệnh nhân được đặt implant và ngay sau đó gắn một cầu răng đã làm sẵn.
Tuy nhiên phải có những điều kiện rất thuận lợi thì mới làm được như vậy. Bác sĩ cần khám kỹ trên lâm sàng, nghiên cứu kỹ trên phim CT để chọn một kế hoạch tốt nhất, an toàn nhất.
V. Chỉ định và chống chỉ định của cắm implant
5. Xin bác sĩ cho biết cắm implant được chỉ định trong những trường hợp nào, khi nào chống chỉ định ạ? Với những đối tượng nào thì việc cắm implant buộc phải tiến hành trong bệnh viện chứ không được làm tại phòng nha?
BS Võ Văn Tự Hiến:
Hẩu hết những trường hợp mất răng: mất 1 răng, mất một số răng hay mất toàn bộ răng đều có thể làm implant.
Những trường hợp sau đây nên tránh đặt implant:
- Không làm implant cho trẻ vị thành niên, nữ < 16 tuổi và nam < 18 tuổi. Khi đó xương chưa phát triển đầy đủ, đặt implant sẽ cản trở sự phát triển của xương.
- Những người bị bệnh loãng xương đã dùng Biphosphonate tiêm tĩnh mạch, không nên đặt implant vì có nguy cơ hoại tử xương
- Những người đã xạ trị chữa ung thư vùng hàm mặt sẽ gây trở ngại cho sự lành thương, tích hợp xương. Tránh đặt implant trong vòng 2 năm sau khi chạy tia xạ.
- Người bị tiểu đường không kiểm soát cũng gây nhiều nguy cơ cho cấy ghép răng. Cần phải kiểm soát bệnh trước khi đặt implant.
- Nghiện thuốc lá ảnh hưởng nhiều đến việc điều trị cấy ghép, thuốc lá liên quan đến việc bung chỉ, bất lợi cho sự tích hợp xương và sự lành xương ghép. Cần kiêng thuốc lá 2 tuần trước khi đặt implant và 6 tuần sau khi đặt implant.
- Không nên đặt implant trên BN đang bị nha chu viêm vì sẽ dễ dàng bị viên quanh implant
- Vấn đề chăm sóc răng miệng rất quan trọng cho sự thành công của implant. Những người bị mất răng thường là do thiếu sót trong vệ sinh răng miệng. Nếu làm implant cho những bệnh nhân mà người đó không cải thiện việc chăm sóc răng miệng thì chắc chắn các implant cũng thất bại. Vệ sinh răng miệng cho răng implant cần kỹ lưỡng hơn trên răng thật vì sự bám dính của nướu vào implant không chặt chẽ như nướu bám vào răng thật. Chính vì vậy không đặt implant cho bệnh nhân vệ sinh răng miệng kém.
Phần lớn các trường hợp cấy ghép răng đều có thể thực hiện tại phòng nha.
Những trường hợp nên làm ở bệnh viện là những ca cần gây mê, những ca lớn, thời gian mổ kéo dài hoặc những bệnh nhân có bệnh lý toàn thân cần theo dõi và xử lý kịp thời tại bệnh viện.
VI. Sau khi nhổ răng bao lâu nên đặt implant?
6. Sau khi nhổ răng thì khi nào nên đặt implant? Nếu đặt trễ có sao không ạ?
BS Võ Văn Tự Hiến:
Nguyên tắc chung là đặt implant càng sớm càng tốt, để giảm thiểu sự tiêu xương và teo nướu theo thời gian. Nếu đặt được implant ngay khi nhổ răng thì là hay nhất. Như vậy chúng ta cần đến bác sĩ implant khám trước khi nhổ răng, để biết lúc nào thích hợp nhất cho việc đặt implant.
Có 3 thời điểm đặt implant:
- Đặt implant ngay thời điểm nhổ răng: Nếu có đủ xương, đủ nướu, đủ giữ implant ổn định
- Đặt implant 2 tháng sau khi nhổ răng: Là thời gian nướu lành, có thể đặt implant và ghép xương
- Đặt implant 4 tháng sau khi nhổ răng: Đây là lúc xương đã lành trong hốc răng, đủ cứng chắc để giữ implant. Không nên để lâu hơn 6 tháng.
Dẫn chương trình Ngọc Hương
VII. Nhổ răng không sang chấn là gì?
7. Nghe nói khi nhổ răng đặt implant thì phải nhổ răng với kỹ thuật không sang chấn. Vậy nhổ răng không sang chấn là sao bác sĩ?
BS Võ Văn Tự Hiến:
Nhổ răng theo cách thông thường là dùng nạy tựa vào xương ổ 2 bên để bẩy cái răng ra và dùng cây kềm lắc cái răng theo chiều ngoài - trong, ép cho các vách xương ổ rộng ra để rút răng ra khỏi xương ổ. Với cách như vậy thì xương ổ bị tổn thương và sẽ bị tiêu rất nhiều sau nhổ răng.
Trong kỹ thuật làm implant, có được 1-2 mm chiều cao xương là rất quý. Vì vậy ngày nay nên nhổ răng theo kỹ thuật không sang chấn, nghĩa là tìm cách làm đứt các dây chằng nối răng với xương ổ, rồi lấy răng ra một cách nhẹ nhàng nhất, tránh ảnh hưởng đến xương ổ.
Với kỹ thuật này thì trong bộ nhổ răng không dùng cây nạy, thay vào đó là một dụng cụ mỏng nhỏ để len vào chân răng làm đứt các dây chằng. Cây kềm thì không được dùng để bẻ răng theo chiều ngoài trong, mà chỉ dùng để xoay chiếc răng theo trục răng, từ từ làm đứt dây chằng và lấy chiếc răng ra theo chiều dọc. Để thực hiện được động tác xoay răng này, các răng có 2 chân phải được chia đôi, răng 3 chân phải được chia ba và dùng kềm xoay từng chân răng rồi mới rút ra một cách nhẹ nhàng.
Có thể nói nhổ răng không sang chấn là nhổ từng chân răng, trừ phi răng đã bị tiêu xương và lung lay nhiều.
(Còn tiếp)
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình