Hotline 24/7
08983-08983

BS Trương Hữu Khanh: Phải làm gì khi gần nhà có ca COVID-19?

BS Trương Hữu Khanh hướng dẫn cách phòng tránh trong các tình huống: gần nhà có ca COVID-19, đi đến bệnh viện có bệnh nhân COVID-19, giao dịch với người về từ Đà Nẵng...

Tiếp theo bài trước: Mỗi người xác định mình là F mấy và bình tĩnh phòng ngừa

Phải làm gì khi gần nhà có ca COVID-19

Cơ quan có người đi Đà Nẵng, tôi phải làm gì?

BS Trương Hữu Khanh:

Người đi Đà Nẵng là F1, mình là F2. Người F2 phải mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người khác. F2 vận động F1 đi kê khai y tế, và chờ kết quả xét nghiệm của người đó. Hỏi kỹ người F1 đi về bao lâu, đi tới đâu ở Đà Nẵng để đánh giá nguy cơ.

Nếu F1 xét nghiệm âm tính thì mình không phải là F nào cả (ra khỏi F). Nhưng người đi từ Đà Nẵng về dù là âm tính vẫn cách ly tại nhà 14 ngày, bản thân người đó và người tiếp xúc với người đó vẫn phải mang khẩu trang.

Lưu ý là kể từ thời điểm âm tính trở về trước đó thì F1 từ Đà Nẵng không lây cho ai. Những người tiếp xúc F1 này tính từ thời điểm F1 âm tính về trước không bị lây, không phải là F2 (không phải F nào cả).

Tôi đi vào Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 20/7, nơi bệnh nhân 449 đã đến, liệu tôi có bị lây?

BS Trương Hữu Khanh:

Phải coi mình vào chỗ nào của Bệnh viện Chợ Rẫy? Đường đi của bệnh nhân 449 trong Bệnh viện Chợ Rẫy đã được vẽ ra rồi, nếu mình đi không đúng đường bệnh nhân 449 đã đi thì rất khó bị lây. Cho nên người đến Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 20/7 nên liên lạc với bệnh viện này hoặc y tế địa phương để xem mình có đi chung đường đi với bệnh nhân 449 hay không.

Sau 20/7 thì có khả năng virus vẫn còn và lây lòng vòng thì đó là chuyện bệnh viện phải lo.

Tương tự, mọi người đi vào các bệnh viện khác đều nên nhớ kỹ mình đi lối nào, đến khoa phòng nào.

Status của BS Trương Hữu Khanh nhấn mạnh việc hạn chế người thăm nuôi trong bệnh viện

F0 suy đoán từ đâu? Có phải F0 của đợt bùng phát này từ nước ngoài vào?

BS Trương Hữu Khanh:

Chắc chắn F0 đầu tiên là từ nước ngoài vào, còn F0 mới hiện nay ở trong nước thì nhiều lắm, đó là những người F1 đã chuyển thành F0 (mười mấy ca mới phát hiện). Khi nào hết bệnh thì F0 ra khỏi F.

Bây giờ F0 trong nước đã có rồi, lo mà phòng thủ, không cần suy đoán mãi về F0 đầu tiên nữa. Nếu tìm ra thì bây giờ người đó có thể là người lành mang trùng, hoặc đã khỏi bệnh.

Đi đứng, giãn cách nhau 2m đủ để tránh lây SARS-CoV-2 chưa?

BS Trương Hữu Khanh:

Cách 2m là ổn, nhưng ổn nhất cần phải mang khẩu trang nữa.

Người ta lẽ ra phải cách ly nhưng vẫn đến nơi công cộng thì mình phải làm gì?

BS Trương Hữu Khanh:

Bản thân mình khi đến nơi công cộng phải mang khẩu trang. Mình đừng ỷ y vào ý thức của người khác, bản thân mình phải tự giác trước tiên. Còn việc người ta không có ý thức thì mình nhắc nhở hoặc báo với cơ quan chức năng.

Người chưa hết hạn cách ly 14 ngày mà đến ngân hàng giao dịch thì sao?

BS Trương Hữu Khanh:

Nhân viên ngân hàng đừng băn khoăn người trước mặt mình có phải từ Đà Nẵng về hay không, cách ly đủ 14 ngày hay chưa… mà phải xem tất cả những người đến giao dịch đều có yếu tố nguy cơ, có thể lây bệnh cho mình để mà chú ý phòng vệ. Phải mang khẩu trang và thường xuyên lau chùi bàn ghế, các vật dụng ở chỗ làm của mình. Thỉnh thoảng phải mở cửa ra cho thông thoáng.

Status của BS Trương Hữu Khanh nhấn mạnh việc bảo vệ người cao tuổi, người có nhiều bệnh nền

Mua đồ ăn thức uống có lây SARS-CoV-2 không?

BS Trương Hữu Khanh:

Dù có COVID-19 hay không thì khuyến cáo lâu nay đồ ăn thức uống khi mua về phải nấu chín kỹ. Nếu ở vùng lạnh thì thức ăn có thể tồn tại virus lâu hơn. Tôi nghĩ việc lây SARS-CoV-2 qua thực phẩm chưa phải vấn đề, mà đường lây cần quan tâm nhất là qua hô hấp, kế tới phải chú ý bàn tay mình sạch hay không, đã rửa chưa. Nhân viên phục vụ nhà hàng phải mang khẩu trang.

Gần nhà có người F1, ca COVID-19 mới thì tôi phải làm gì?

BS Trương Hữu Khanh:

Trường hợp ca mới và F1 của ca đó chắc chắn được vây lại rồi. Những ca COVID-19 mới đều được công bố lịch trình, nếu mình đi chung đường với họ cùng thời điểm đó thì mình ra khai báo, còn không thì tiếp tục đeo khẩu trang và rửa tay thôi.

Tôi vừa xét nghiệm SARS-CoV-2, sức khỏe bình thường nhưng vẫn lo quá?

BS Trương Hữu Khanh:

Mình lo lắng nhưng vẫn phải chờ kết quả xét nghiệm thôi, và nhớ đeo khẩu trang. Tùy thời điểm lấy mẫu, và tùy số lượng xét nghiệm mà kết quả có thể nhanh hay chậm. Mọi người cũng nên thông cảm cho bộ phận làm xét nghiệm, cố gắng bình tĩnh chờ đợi.

Tôi mới đi Hà Nội về, trong người thấy mệt mỏi?

BS Trương Hữu Khanh:

Phải nhớ kỹ lộ trình mình đã đi những đâu, đeo khẩu trang và đi khám bệnh thông thường. Nhân viên y tế sẽ xem yếu tố dịch tễ của mình và tư vấn tiếp.

Trích livestream của BS Trương Hữu Khanh

Hồng Nhung (ghi)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X