Bỏng tay: Coi chừng di chứng
Đôi bàn tay là nơi thường bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tai nạn bỏng và cũng khó khắc phục di chứng nhất.
Trong quá trình điều trị cho Nguyễn Thị Kim Linh, bé gái bị mẹ đốt do không bán
hết vé số, một trong những điều mà các bác sĩ (BS) Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM) luôn chú
trọng ở mọi giai đoạn là tìm cách cứu lấy đôi bàn tay, bởi đây là nơi bé bị bỏng nặng nhất (độ 4).
Tại cuộc họp báo hôm 9/9, tức 2 tuần sau khi vụ tai nạn xảy ra, BS Phan Vũ Bảo, quyền Trưởng Khoa Bỏng - Tạo hình, mới dám khẳng định rằng đã có hy vọng bảo toàn được đôi bàn tay cho Linh. Đương nhiên, việc bảo toàn đôi tay không chỉ đơn giản là làm cho nó lành lặn trở lại mà còn là một quá trình dài tập luyện để phục hồi chức năng, hạn chế di chứng ở một vùng cơ thể vốn rất tinh tế.
Trẻ em dễ bị di chứng
"Chúng tôi gặp không ít trường hợp vùng thương tổn trong tai nạn bỏng là đôi tay hoặc bỏng diện rộng nhưng đôi tay là nơi bị nặng nhất. Đơn giản vì đôi bàn tay rất linh hoạt, thường xuyên hoạt động trong nhiều tình huống nên rất dễ tổn thương khi gặp tai nạn. Ở trẻ em có thể là bỏng nước sôi, ở người lớn là bỏng nhiệt do tia lửa điện, hóa chất, pháo nổ, bỏng vôi..." - TS-BS Nguyễn Tiến Lý, Phó Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, cho biết.
Theo BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, rắc rối còn nằm ở chỗ đôi tay, do các cấu trúc giải phẫu và chức năng tinh tế, là một trong những nơi mà thương tổn do bỏng khó xử lý nhất, dễ để lại di chứng nhất. Đặc biệt, tai nạn bỏng ở tay còn gặp nhiều ở trẻ em vốn là đối tượng dễ gặp di chứng nặng nề nhất.
"Trẻ em vẫn còn tăng trưởng. Khi trẻ lớn lên, vùng da xung quanh phát triển theo nhưng vết sẹo bỏng vẫn không thay đổi, gây co kéo, kìm hãm các vùng cơ, xương, khớp... ở vị trí đó, gây biến dạng dần và có thể mất hoặc giảm đi một số chức năng nếu không được điều trị tích cực" - BS Ánh giải thích.
BS Ánh lưu ý rằng vùng bỏng càng rộng và sâu, nguy cơ để lại di chứng càng nhiều. Tuy nhiên, với một vùng cơ thể có cấu trúc phức tạp như đôi bàn tay, đôi khi một vết sẹo nhỏ cũng có thể để lại di chứng lớn. BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng từng phẫu thuật cho một bệnh nhi tên H.V.N (2 tuổi, quê Cà Mau) cách đây vài năm. N. bị bỏng lúc 1 tuổi vì vô tình chạm tay vào bếp điện đang nấu. Thấy vết bỏng nhỏ nên mẹ N. đưa bé tới trạm y tế xã băng bó, sau đó thấy vết sẹo chỉ "chút xíu" nên không để ý lắm. Thế nhưng, sau 1 năm, tức lúc nhập viện phẫu thuật, ngón tay số 4 của bé đã bị quặp, hầu như dính hẳn vào lòng bàn tay!
Quan trọng là sơ cứu và phục hồi chức năng
Theo BS Lý, việc chỉ chú trọng vào giai đoạn băng bó và làm lành vết bỏng mà quên mất giai đoạn sơ cứu, phục hồi chức năng là nguyên nhân chủ yếu khiến bệnh nhân khó tránh di chứng ở đôi tay.
"Sơ cứu cho một nạn nhân bỏng ở tay khá đặc biệt, không chỉ đơn thuần là làm mát, quấn băng lại rồi đưa đến BV. Ví dụ, một di chứng thường gặp là bị dính ngón sau bỏng hoàn toàn có thể phòng tránh nếu người sơ cứu biết cách băng tách các ngón tay ra. Việc cố định khi sơ cứu cũng nên đúng với tư thế chức năng. Đặt nạn nhân ở tư thế thoải mái khi di chuyển, không nên quấn, buộc quá mạnh tay và làm bàn tay bị ép vào những tư thế vặn vẹo không hợp lý vì như thế sẽ gây trở ngại nhiều cho việc điều trị sau này" - ông Lý khuyến cáo.
Một số người sau vài tuần điều trị, được ra viện nhưng lại... "quên" luôn những bài tập phục hồi chức năng mà BS dặn. Một phần vì họ suy nghĩ đôi tay bỏng cần được nghỉ ngơi, phần do một số bài tập ít nhiều cũng gây đau và khó chịu.
Theo BS Lý, điều này là hoàn toàn sai lầm, bởi sẹo bỏng thường cần 6-18 tháng sau mới có thể coi là ổn. Trong thời gian này, nếu không tuân thủ các bài tập phục hồi chức năng thì nguy cơ làm tăng nặng di chứng là rất cao. Mặt khác, một số bệnh nhân còn được phát dụng cụ cố định, như nẹp tay khi ngủ, cần phải tuân thủ yêu cầu của BS.
Trò chơi cũng là bài tập vật lý trị liệu TS-BS Nguyễn Tiến Lý cho biết đối với trẻ, BS thường hướng dẫn tham gia một số trò chơi ngay từ khi các bé còn ở viện. Các trò chơi này thực chất là những bài tập phục hồi chức năng. Khi chơi, trẻ sẽ phải làm những động tác mà BS yêu cầu. Đây là một cách để trẻ vui vẻ chấp nhận bài tập. Khi trẻ ra viện, nếu BS yêu cầu và hướng dẫn phụ huynh tiếp tục làm đồ chơi thì nên tuân thủ nghiêm ngặt, giúp các bé thực hiện thường xuyên những trò chơi này. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình