Biện pháp phòng ngừa bệnh gout
Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại và lối sống sinh hoạt, bệnh gout được hình thành do tác động của môi trường và cách sinh hoạt hàng ngày, đang trở thành nỗi lo của rất nhiều người, vì thế việc hiểu biết về bệnh để sớm có biện pháp phòng ngừa, điều trị hiệu quả đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
1. Tổng quan về gout
Bệnh gout (gút) là một loại viêm khớp mạn tính được hình thành do rối loạn chuyển hóa purin gây nên tình trạng tăng mức acid uric trong máu dẫn đến hình thành các tinh thể uric trong các khớp và mô xung quanh gây viêm.
Gout thường gây ra những cơn đau và sưng tại các khớp, đặc biệt là ở ngón chân, ngón tay, cổ chân và đầu gối. Theo từng giai đoạn tiến triển của bệnh, triệu chứng và tổn thương khớp sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.
2. Nguyên nhân gây bệnh gout
Nguyên nhân chính gây bệnh gout là sự tạo thành và tích tụ acid uric trong cơ thể. Acid uric là một chất tự nhiên được tạo ra khi cơ thể phân giải purin - một hợp chất có trong các loại thực phẩm như hải sản, nội tạng động vật, thịt đỏ,…
Bình thường chỉ số acid uric trong máu được duy trì ở mức cố định đối với nam giới: 210 - 420 umol/L và 150 - 350 umol/L đối với nữ giới.
- Nguyên nhân nguyên phát: Đa số người bị bệnh gout do nguyên nhân này, thường gặp ở đối tượng nam giới độ tuổi trên 40, có thói quen sinh hoạt và ăn uống không lành mạnh, ăn thực phẩm có chứa hàm lượng purin cao như gan, thận, tôm, cua, lòng đỏ trứng, nấm, uống nhiều bia rượu…
- Nguyên nhân thứ phát: Tình trạng tăng acid uric máu do một số bệnh khác hay một số nguyên nhân khác.
+ Suy thận và các bệnh lý làm giảm độ thanh lọc acid uric của cầu thận.
+ Mắc một số bệnh lý về máu như bệnh đa hồng cầu, leucemie kinh thể tủy, hodgkin, sarcoma hạch, đau tủy xương,…
+ Sử dụng thuốc khi điều trị bệnh lý ác tính.
Xem thêm: Bệnh gout: Chẩn đoán và điều trị
3. Biểu hiện của bệnh gout
Triệu chứng bệnh gout thường xảy ra đột ngột và vào ban đêm. Một số triệu chứng và dấu hiệu cấp tính của bệnh gout có thể kể đến như:
- Đau khớp, sưng đỏ khớp, thường sẽ đau đột ngột, dữ dội.
- Đau đột ngột vào ban đêm và tại chỗ khớp viêm biểu hiện là sưng, nóng, đỏ, đau, hạn chế vận động.
- Vị trí đau: Khoảng 80 - 90% cơn gout đầu tiên sẽ xảy ra ở một khớp và thường gặp nhất là khớp ngón chân. Kế tiếp là các khớp khác như: mu bàn chân, cổ chân, gót chân, gối, cổ tay, ngón tay, khuỷu tay...
- Đau thường xuất hiện đột ngột hoặc sau bữa ăn nhiều protid, gắng sức, căng thẳng, nhiễm lạnh, chấn thương… đặc biệt là sau khi uống rượu bia.
- Tình trạng đau thường xảy ra trong 24 - 48 giờ và kéo dài từ 3 đến 10 ngày rồi tự khỏi
- Càng về sau đợt viêm cấp càng kéo dài, không tự khỏi, biểu hiện ở nhiều khớp, đối xứng và để lại các di chứng cứng khớp, teo cơ, hạn chế vận động...
4. Các đối tượng có nguy cơ mắc phải bệnh gout
Gout là bệnh lý toàn thân ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trên cơ thể. Chính vì vậy, đối tượng nào dễ bị mắc bệnh là điều mà không ít người quan tâm. Tuy nhiên với mức độ phổ biến và trẻ hóa như hiện nay, bệnh có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, một số đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh như:
- Nam giới sau tuổi 40: Theo nghiên cứu, có đến hơn 80% người bệnh gout là nam giới từ 40 tuổi trở lên, việc có chế độ sinh hoạt không lành mạnh, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích, tiêu thụ nhiều đạm động vật trong khẩu phần ăn làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Phụ nữ ở tuổi mãn kinh: Ở tuổi mãn kinh, phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ bị rối loạn nội tiết tố, đặc biệt là rối loạn estrogen, đây là hormon chính giúp thận bài tiết acid uric ra ngoài. Tuy tỷ lệ mắc bệnh gout ở phụ nữ ít hơn so với đàn ông. Tuy nhiên một lối sống không lành mạnh, sử dụng nhiều rượu bia sẽ khiến nhóm đối tượng này dễ mắc bệnh hơn.
- Di truyền: Nghiên cứu cho thấy có trên 5 loại gen di truyền có liên quan đến nguyên nhân gây bệnh và người có tiền sử gia đình bị bệnh có nguy cơ cao hơn những người bình thường.
- Lối sống không lành mạnh: Tình trạng lạm dụng rượu bia sẽ cản trở việc loại bỏ acid uric ra khỏi cơ thể và chế độ ăn nhiều purin cũng làm tăng lượng acid uric trong cơ thể.
- Người đang sử dụng thuốc: Một số loại thuốc có thể làm tăng nồng độ acid uric trong cơ thể như: thuốc lợi tiểu, thuốc có chứa salicylate…
- Thừa cân, béo phì: Thừa cân làm tăng nguy cơ mắc bệnh vì có nhiều mô cơ thể luân chuyển hơn, đồng nghĩa với việc sản xuất nhiều acid uric hơn dưới dạng chất thải chuyển hóa. Nồng độ chất béo trong cơ thể cao hơn cũng làm tăng mức độ viêm toàn thân do các tế bào chất béo sản xuất ra các cytokine gây viêm.
- Các vấn đề sức khỏe khác: Suy thận và các bệnh lý về thận có thể gây ảnh hưởng đến khả năng loại bỏ các chất thải của cơ thể, dẫn đến nồng độ acid uric tăng cao. Các bệnh khác liên quan đến bệnh gout có thể kể đến như tăng huyết áp, tiểu đường…
Xem thêm: Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh gout
5. Những biện pháp phòng ngừa bệnh gout
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của bệnh gout:
- Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh không nên được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc bỏ thuốc được kê toa.
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến bệnh cũng như tình trạng sức khỏe.
- Điều trị tốt các bệnh lý gây bệnh gout thứ phát như suy thận, các bệnh lý chuyển hóa,...
- Tập thể dục hằng ngày.
- Duy trì cân nặng hợp lý.
Đặc biệt cần duy trì chế độ ăn uống hợp lý:
- Tránh ăn nội tạng, nhất là gan, cá mòi.
- Tránh ăn hải sản và thịt đỏ.
- Ăn ít chất béo bão hòa và các sản phẩm chứa ít chất béo.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như dưa leo, củ sắn, cà chua,…
- Thay thế dùng đường tinh luyện bằng đường tự nhiên trong rau củ và ngũ cốc.
- Uống nhiều nước: uống từ 2,5 - 3 lít nước mỗi ngày.
- Giảm sử dụng các thức uống có cồn, đặc biệt là bia rượu.
- Không uống cà phê, trà, nước uống có ga.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình