Biến chứng thần kinh ngoại biên do đái tháo đường nguy hiểm như thế nào?
Bệnh thần kinh ngoại biên đái tháo đường là tổn thương dây thần kinh xảy ra do glucose máu tăng cao trong máu và có thể làm tổn thương các dây thần kinh trên toàn cơ thể. Tuy nhiên, ảnh hưởng thường rõ rệt nhất ở các dây thần kinh chi trên và chi dưới.
1. Bệnh tiểu đường là gì?
Tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường, là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường. Do cơ thể thiếu hụt về tiết insulin hoặc đề kháng với insulin hoặc cả 2, dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ, chất khoáng.
Khi mắc bệnh tiểu đường, bệnh nhân không thể tự chuyển hóa các chất bột đường từ các thực phẩm ăn vào hằng ngày để tạo ra năng lượng, lâu dần gây nên hiện tượng tăng dần lượng đường tích tụ trong máu. Nếu lượng đường trong máu luôn ở mức cao sẽ làm gia tăng các nguy cơ bệnh lý tim mạch, đồng thời gây tổn thương ở nhiều cơ quan bộ phận khác như thần kinh, mắt, thận và nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác.
Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới (IDF) cũng đưa ra những con số thống kê đáng chú ý về thực trạng bệnh tiểu đường trên toàn thế giới như sau:
- Mỗi năm thế giới có khoảng 132.600 trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, chỉ tính riêng số trẻ em bị bệnh tiểu đường tuýp 1 trong độ tuổi 0 – 19 tuổi là hơn 1 triệu.
- Hơn 21 triệu phụ nữ đang mang thai bị tăng đường huyết và dung nạp đường kém, chiếm tỷ lệ 1/6 tổng số phụ nữ mang thai.
- Khoảng 2/3 số bệnh nhân tiểu đường là người cao tuổi, tuy nhiên, số bệnh nhân tiểu đường trẻ tuổi cũng không ngừng gia tăng.
- Cứ 6 giây trôi qua sẽ có 1 người tử vong vì các biến chứng nguy hiểm của tiểu đường.
- Năm 2017, số bệnh nhân tử vong do tiểu đường là 4 triệu người. Chi phí điều trị bệnh tiểu đường toàn thế giới là 727 tỷ đô la, trở thành gánh nặng của toàn thế giới.
Xem thêm: Các biến chứng thần kinh nguy hiểm của bệnh tiểu đường
2. Bệnh thần kinh tiểu đường
Là hậu quả của thiếu máu thần kinh do bệnh vi mạch, ảnh hưởng trực tiếp của đường huyết lên tế bào thần kinh và những thay đổi trao đổi chất nội bào làm giảm chức năng thần kinh. Bệnh thần kinh đái tháo đường được chia ra nhiều dạng bao gồm:
- Bệnh thần kinh ngoại biên: bệnh thần kinh thường gặp nhất ở bệnh nhân tiểu đường, ảnh hưởng trên dây thần kinh bàn chân và cẳng chân, một số trường hợp bị ở bàn tay và cẳng tay. Khoảng ⅓ đến ½ bệnh nhân tiểu đường có biến chứng thần kinh ngoại biên. Triệu chứng bệnh bao gồm: tê, ngứa, mất cảm giác bàn chân,…
- Bệnh thần kinh tự chủ: Ảnh hưởng đến thần kinh tự chủ của hệ tiêu hóa, tim mạch, tiết niệu, cơ quan sinh dục, mắt, tuyến mồ hôi… gây mất khả năng nhận biết dấu hiệu hạ đường huyết.
- Bệnh đơn dây thần kinh: Tổn thương các dây thần kinh đơn lẻ thường gặp ở tay, đầu, thân mình hoặc chân. Tổn thương chèn ép lên dây thần kinh gây hội chứng ống cổ tay làm đau, tê, teo cơ bàn tay…
- Bệnh đám rối - rễ thần kinh: Tổn thương dây thần kinh gây teo cơ. Bệnh đa dây thần kinh, biểu hiện đau một bên đùi, sụt cân, yếu vận động.
3. Các biểu hiện thường gặp của bệnh thần kinh ngoại biên đái tháo đường
Biến chứng thần kinh ngoại biên ở bệnh tiểu đường thường gây ảnh hưởng đến 2 chi dưới với các triệu chứng bệnh lý như sau:
- Dấu hiệu sớm: Giảm cảm giác đồng đều ở 2 chân, chủ yếu là bàn chân, có thể lan đến cẳng chân nhưng ít khi vượt qua đầu gối.
- Cảm giác tê bì ở chân, đặc biệt là ngón chân và 2 bàn chân.
- Đau, nóng rát ở gan bàn chân, tình trạng tăng về đêm khiến bệnh nhân mất ngủ. Cơn đau có thể kéo dài hoặc xuất hiện từng đợt, không đáp ứng điều trị với thuốc giảm đau thông thường.
- Mất cảm giác 1 phần hoặc toàn bộ: Khi dây thần kinh ở chân bị tổn thương nặng, người bệnh bị rối loạn cảm giác hoặc mất cảm giác hoàn toàn ở khu vực này. Do đó bệnh nhân không thể nhận biết dấu hiệu nguy hiểm như nóng, đau do bỏng, vật lạ đâm,... cho đến khi chân sưng tấy hoặc nhiễm trùng nặng.
Triệu chứng tương tự cũng gặp ở chi trên và bàn tay nhưng thường đến muộn hơn. Nặng nhất là người bệnh mất cảm giác hoàn toàn, gây nguy cơ loét bàn chân. Bác sĩ có thể phải cắt cụt chi do biến chứng thần kinh ngoại biên ở bệnh tiểu đường xảy ra.
Ngoài ra, biến chứng thần kinh ở chân có thể gây biến chứng khớp xương bàn chân và cổ chân, điển hình là triệu chứng bàn chân charcot.
Xem thêm: Những điều cần biết về phương pháp chụp MRI não
4. Các phương pháp giúp phát hiện biến chứng thần kinh ngoại biên đái tháo đường
- Ở giai đoạn sớm, bệnh thần kinh ngoại biên đái tháo đường có thể không có triệu chứng.
- Kiểm tra sức mạnh của cơ bắp, sức căng của cơ, phản xạ gân cơ, cảm nhận của bệnh nhân với cảm giác xúc giác, nóng lạnh, độ rung của âm thoa.
- Bàn chân bệnh nhân cũng cần được kiểm tra mỗi năm một lần.
- Một phương pháp đơn giản để phát hiện biến chứng thần kinh là bác sĩ sẽ dùng một sợi cước ngắn chạm vào 1 số điểm ở bàn chân của bệnh nhân, nếu bệnh nhân không nhận biết cảm giác va chạm từ sợi cước, bệnh nhân đã bắt đầu có tổn thương thần kinh.
- Ngoài ra cũng cần tìm các biến dạng xương và khớp ở bàn chân, các vết chai, bóng nước, các vết nứt ở da.
- Một số nghiệm pháp phức tạp hơn, chỉ thực hiện tại các cơ sở chuyên khoa
+ Đo vận tốc dẫn truyền thần kinh
+ Đo điện cơ
+ Định lượng cảm giác: khảo sát đáp ứng của sợi thần kinh với độ rung và sự thay đổi về nhiệt độ.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình