Biến chứng thần kinh khu trú (Focal neuropathy) từ bệnh đái tháo đường
Có gần 6% người đái tháo đường bị hội chứng ống cổ tay, chèn ép dây thần kinh giữa. Dây thần kinh nói chung có tỷ lệ tổn thương 5 - 12% làm bàn chân rũ. Người bệnh có thể có bất thường cảm giác nhưng không đau hay dị cảm.
1. Biến chứng thần kinh khu trú ở bệnh nhân đái tháo đường là gì?
Viêm dây thần kinh đái tháo đường thường xảy ra cấp tính và không đối xứng, liên quan chủ yếu các dây thần kinh sọ, vùng thân và ngoại biên. Bệnh thoái triển tự phát sau 3 - 12 tháng, có trường hợp kéo dài đến nhiều năm.
Bệnh nhân bị viêm một dây thần kinh có thể bị thay đổi thị lực hoặc yếu các cơ liên quan các dây thần kinh sọ não như dây III, IV, ngay cả dây VII. Tổn thương dây III gây liệt nhãn cầu, sụp mi mắt và nhìn đôi kèm rối loạn về đồng tử, phản ứng đồng tử có thể chậm ở bệnh nhân đái tháo đường.
Ngoài ra còn gặp viêm rải rác các dây thần kinh và viêm các rễ thần kinh do đái tháo đường thường không đối xứng hai bên. Bệnh nhân thường đau ở lưng, hoặc mông - đùi 1 bên, hay đau chân ở một bên, nặng lên về đêm. Đau phối hợp với teo cơ vùng chậu - đùi một bên rồi sau đó sang bên kia.
2. Biểu hiện biến chứng thần kinh khu trú do tiểu đường
Các biến chứng thần kinh khu trú do tiểu đường thường xuất hiện đột ngột, liên quan tới một sợi thần kinh độc lập, thường gặp trên bệnh nhân lớn tuổi. Bệnh thần kinh khu trú do tiểu đường có thể gây đau đớn và biến mất sau vài tuần hay vài tháng với những triệu chứng gồm:
- Mắt khó tập trung, nhìn đôi hay đau phía sau mắt.
- Liệt một bên mặt (Bell’s palsy)
- Đau ở cẳng chân hay bàn chân.
Đôi khi bệnh thần kinh khu trú xảy ra do sợi thần kinh bị chèn ép. Hội chứng ống cổ tay là dạng thường gặp nhất của bệnh thần kinh khu trú trên bệnh nhân đái tháo đường. Triệu chứng của hội chứng ống cổ tay:
- Tê, sưng hay châm chích ở ngón tay khi lái xe hay khi giữ tờ báo.
- Đau lan rộng từ cổ tay lên cánh tay, vai hay lan xuống lòng bàn tay, ngón tay.
- Cảm giác yếu ở bàn tay và có xu hướng làm rơi đồ vật.
Xem thêm: Biến chứng thần kinh gốc (Proximal neuropathy) là gì?
3. Nguyên nhân gây biến chứng thần kinh khu trú (Focal neuropathy)
Một hệ thống thần kinh phức tạp chạy khắp cơ thể, nối não với cơ, da và những cơ quan khác. Qua những sợi thần kinh này, não sẽ cảm nhận được đau và nhiệt độ, kiểm soát hoạt động của cơ và công việc tự động như tiêu hóa. Đường huyết cao có thể gây:
- Tổn thương sợi thần kinh. Nguyên nhân có thể do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm thần kinh và mạch máu.
- Làm khả năng tuyền tín hiệu của thần kinh bị suy giảm.
- Ảnh hưởng đến mao mạch cung cấp máu và dinh dưỡng cho sợi thần kinh.
Những yếu tố khác góp phần gây bệnh thần kinh do đái tháo đường:
- Glycate hóa Protein: Quá trình glycate hóa protein xảy ra khi đường huyết tương tác với proteins, làm thay đổi proteins. Quá trình này được cho là liên quan tới biến chứng của đái tháo đường, bao gồm bệnh thần kinh do đái tháo đường.
- Đáp ứng tự miễn gây viêm sợi thần kinh: Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào các cơ quan của cơ thể.
+ Yếu tố gen: Làm cho bệnh nhân dễ bị tổn thương sợi thần kinh.
+ Nghiện rượu và thuốc lá: Gây tổn thương cả thần kinh và mạch máu, đồng thời tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.
4. Các yếu tố nguy cơ
Bất cứ bệnh nhân đái tháo đường nào cũng có thể bị biến chứng thần kinh, tuy nhiên một số yếu tố làm tăng khả năng bị tổn thương sợi thần kinh:
- Kiểm soát đường huyết kém: Đây là yếu tố nguy cơ lớn nhất cho mọi biến chứng của đái tháo đường, trong đó bao gồm biến chứng thần kinh. Giữ đường huyết ổn định là cách tổt nhất để bảo vệ thần kinh và mạch máu.
- Thời gian bị đái tháo đường: Nguy cơ bệnh thần kinh do đái tháo đường tăng lên theo thời gian bị đái tháo đường, đặc biệt nếu đường huyết không được kiểm soát tốt. Bệnh thần kinh tự động có thể tác động đến hệ tiêu hóa, bàng quang và chức năng tình dục, xảy ra chủ yếu trên bệnh nhân đái tháo đường không được kiểm soát đường huyết tốt hay bị đái tháo đường hơn 20 năm. Tỷ lệ bị bệnh thần kinh ngoại biên xảy ra cao nhất trên bệnh nhân đái tháo đường hơn 25 năm.
- Tuổi: Bệnh nhân càng lớn tuổi càng có nguy cơ bị thần kinh do đái tháo đường.
- Giới tính: Đàn ông dễ bị bệnh thần kinh do đái tháo đường hơn phụ nữ.
- Tăng cholesterol: Tăng LDL-cholesterol (cholesterol xấu) tổn thương những mạch máu nhỏ nuôi dưỡng sợi thần kinh.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm động mạch bị hẹp và cứng lại và làm giãm dòng máu tới chân. Làm vết thương chậm lành và làm tổn thương thần kinh ngoại biên.
Xem thêm: Biến chứng thần kinh ngoại biên do đái tháo đường nguy hiểm như thế nào?
5. Xét nghiệm và chẩn đoán
Bệnh thần kinh do đái tháo đường thông thường được chẩn đoán dựa trên triệu chứng, tiền sử bệnh và khám lâm sàng.
- Bác sĩ sẽ khám trương lực cơ, phản xạ gân xương, cảm giác chạm, cảm giác nhiệt và cảm giác rung.
- Khám bằng monofilament.
- Khám cảm giác chạm nhẹ thường được đánh giá bằng một sợi nylon mềm. Nếu bệnh nhân không cảm nhận được sợi nylon trên bàn chân đó là dấu hiệu của mất cảm giác.
Trong một số trường hợp, những xét nghiệm có thể cần thiết gồm:
- Đánh giá dẫn truyền thần kinh: Xét nghiệm này dùng để đánh giá tốc độ dẫn truyền của sợi thần kinh ở chi, thường dùng để chẩn đoán hội chứng ống cổ tay.
- Điện cơ Electromyography (EMG): Thường thực hiện cùng với đánh giá dẫn truyền thần kinh.
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa kỳ khuyến cáo, tất cả bệnh nhân đái tháo đường phải được khám chân ít nhất một lần/năm. Kiểm tra bàn chân để phát hiện những dấu hiệu sưng, nứt da, cục chai, biến dạng khớp xương mỗi lần đi khám bệnh.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình