Hotline 24/7
08983-08983

Biến chứng tăng đông của vắc xin COVID-19 hãng AstraZeneca chỉ xảy ra ở 1-2 mũi đầu

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, biến chứng tăng đông máu của vắc xin COVID-19 AstraZeneca chỉ xảy ra nhất thời tại thời điểm tiêm 1 - 2 mũi đầu tiên. Nếu không xảy ra bất thường, mũi tiêm thứ 3 trở đi mọi người đều an toàn.

1. AstraZeneca là loại vắc xin BS Lưu Phương được tiêm trong dịch COVID-19

Trước tiên, xin hỏi BS, trong đại dịch, BS Lưu Phương đã tiêm loại vắc xin COVID-19 nào để phòng bệnh?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Là một nhân viên y tế, nằm trong lực lượng phòng chống dịch, và là một trong những người được ưu tiên tiêm vắc xin đầu tiên, thời điểm đó chỉ mới xuất hiện vắc xin AstraZeneca nên bác sĩ đã tiêm đủ liều của loại vắc xin này.

2. Tác dụng phụ của vắc xin AstraZeneca chỉ thoáng qua

BS có thể chia sẻ cảm xúc của BS khi đón nhận thông tin vắc xin COVID-19 của hãng AstraZeneca có thể gây cục máu đông, hội chứng tiểu cầu thấp?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Ngay thời gian đầu, khi được tiêm vắc xin AstraZeneca, vấn đề có thể xảy ra tác dụng phụ như cục máu đông đã được biết đến.

Trong đại dịch COVID-19, quy trình tìm và phát minh ra vắc xin được rút ngắn nhưng vẫn đầy đủ từng bước. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân tham gia chích thử nghiệm thời điểm dịch bệnh không thể đáp ứng như các thuốc thông thường. Trong thời gian theo dõi vắc xin ngắn và cơ bản, không nhận thấy tác dụng phụ nào xảy ra.

Thời điểm đó, vắc xin AstraZeneca đã được WHO công nhận, và có thể tiêm ngừa trong đại dịch COVID-19. Tại châu Âu cũng được áp dụng và tiêm đại trà do đại dịch bắt đầu bùng lên.

Trong thời gian đó, có một số ca được báo cáo tình trạng tiêm AstraZeneca dễ xuất hiện đông máu hơn so với bình thường. Tuy nhiên, không gây hậu quả nghiêm trọng, chỉ giảm tiểu cầu thoáng qua. Một số tài liệu các bác sĩ được đọc về vắc xin AstraZeneca, khi loại vắc xin này mới được đưa vào áp dụng, đã có các thông tin về tác dụng phụ của loại vắc xin này.

Vắc xin được điều chế từ thành phần giống virus để cơ thể “tập trận giả”, đến khi gặp virus thật, cơ thể đã quen. Có thể so sánh như binh lính được huấn luyện quân trường đầy đủ, hay như trận tập huấn đá banh giữa Việt Nam và Hàn Quốc, đến trận chung kết, hai quốc gia thật sự gặp nhau.  

Việc mắc COVID-19 có nguy cơ làm tăng đông, vấn đề đông máu trầm trọng hơn so với vắc xin AstraZeneca. Khi mắc COVID-19, sẽ xảy ra một số biến chứng, do đó, thời điểm đại dịch số lượng tử vong rất nhiều. Vì vậy, khi thông tin của AstraZeneca được công bố là điều bình thường.

Sau 3 năm đại dịch, những báo cáo về các số liệu đều được công bố. Tuy nhiên, khoa học và sự thật là hai vấn đề riêng biệt, những biến chứng như cục máu đông rất hiếm gặp trên thực tế, không nên quá căng thẳng.

3. Tác dụng phụ gây cục máu đông của vắc xin AstraZeneca rất hiếm gặp

Thực tế, tỷ lệ người sau tiêm có hiện tượng xuất hiện huyết khối có phổ biến? Tỷ lệ gặp tác dụng phụ này so với số lượng người được tiêm trên toàn thế giới là nhiều hay ít?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Tỷ lệ tác dụng phụ theo quan điểm của tôi là “rất rất thấp”. Hàng chục triệu người được tiêm vắc xin AstraZeneca nhưng số ca có biến chứng không nhiều, chỉ đếm trên hàng chục và hàng trăm. Tuy nhiên, so với những loại vắc xin khác, biến chứng này thật sự có ở nhóm người chích vắc xin AstraZeneca và đã được ghi nhận.

Tất cả các loại thuốc đều có tác dụng phụ, vấn đề là ít/ nhiều và ở mức độ nào. Riêng với tác dụng phụ cục máu đông khi chích vắc xin AstraZeneca là hiếm.

4. Mắc COVID-19 làm hệ số đông máu ở người bệnh cao hơn bình thường

Biến chứng tăng đông của vắc xin COVID-19 càng dấy lên lo ngại ở những người mắc bệnh nền - vốn dĩ có nguy cơ hình thành cục máu đông cao hơn người khỏe mạnh. Nỗi lo này của họ liệu có cơ sở?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Không nên căng thẳng với vấn đề này.

Thứ nhất, đặc điểm của bệnh COVID-19, dù có hay không được tiêm vắc xin, cơ chế bệnh có thể làm hệ số đông máu ở người mắc cao hơn bình thường. Bệnh nhân không cần quá căng thẳng và nghĩ đến vấn đề gây nghẹt mạch máu. Bởi vì, cơ thể có cơ chế điều hòa tốt, việc chích vắc xin AstraZeneca gây ra đông máu chỉ xảy ra nhất thời. Vì vậy, nếu đã qua được đại dịch, đây không còn là vấn đề quan trọng.

Biến chứng gây hình thành cục máu đông liên quan đến miễn dịch, phản ứng của cơ thể với virus COVID-19 hoặc loại vắc xin đó.

Về sau, những nhà huyết học lâm sàng, chuyên các bệnh về máu nhận thấy cần điều chỉnh lại chuẩn mới. Cụ thể, sau đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, các xét nghiệm về đông máu của loài người cần ở một ngưỡng khác, bởi vì, ngưỡng đông máu sau đại dịch đã cao hơn so với trước đây. 

5. Nếu ngay sau khi chích ngừa không bị tắc mạch do biến chứng tăng đông thì hiện tại đã an toàn

Thậm chí có người còn tiêm đến 3-4 mũi, hoàn toàn đều là AstraZeneca. Điều này dẫn đến lo ngại, liệu tiêm nhiều mũi như vậy có làm nguy cơ đông máu càng thêm chồng chất?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Theo lý thuyết, biến chứng tăng đông hiếm gặp thường xảy ra ở 1-2 liều vắc xin đầu tiên, việc tăng đông máu sẽ không xảy ra ở mũi thứ 3 trở đi.

Bản thân bác sĩ chích đủ 4 liều và đến nay cơ thể không có gì thay đổi. Những ngày đầu khi vắc xin AstraZeneca mới được đưa vào chích cho cộng đồng, đã có các bài báo cáo nói về vấn đề tăng đông. Trong phác đồ của Bộ Y tế có hướng dẫn xử lý nếu có biến chứng tăng đông xảy ra.

Tuy nhiên, trên thực tế theo dõi, không xảy ra các vấn đề nghiêm trọng, những biến chứng thường xảy ra nhất thời, không thể kéo dài đến nay. Thậm chí, nếu hiện tại chích liều 5, liều 6 cũng không xảy ra bất thường.

Hiện nay, cộng đồng không còn cần đến vắc xin ngừa COVID-19, và nhờ các mũi vắc xin được WHO công nhận, đã giúp loài người giảm tỷ lệ nhiễm, giảm tỷ lệ tử vong. Đồng thời, khi có vắc xin, nếu con người không may bị nhiễm COVID-19, diễn tiến bệnh nhẹ hơn, đồng thời, nếu xảy ra tăng đông cũng không xuất hiện bất thường, giảm được những biến chứng nặng.

Nếu không tiêm vắc xin, khi nhiễm COVID-19, tỷ lệ người bị biến chứng đông máu sẽ tiến tiến nặng, gây suy hô hấp, nghẹt mạch máu phổi và tử vong. Đến nay, loài người đã quen với COVID-19, do đó, công nên quá căng thẳng, mệt mỏi với những thông tin vắc xin AstraZeneca gây tăng đông được công bố như hiện nay.

Sau 3 năm kể từ khi COVID-19 bùng phát, đến nay đã không xảy ra vấn đề, mọi người đều bình thường. Nếu có biến chứng tăng đông, chỉ có thể xảy ra ở mũi 1, mũi 2, và biến chứng tăng đông ảnh hưởng sẽ gây tắc mạch não, tắc mạch bụng, tắc mạch chi,… ngay thời điểm đó. Vì vậy, đến nay, mọi người đã được an toàn.

>>> Phần 2: Nếu không có vắc xin, nguy cơ đông máu khi con người nhiễm COVID-19 sẽ cao hơn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X