Nếu không có vắc xin, nguy cơ đông máu khi con người nhiễm COVID-19 sẽ cao hơn
Hiện tượng tăng đông máu chỉ xảy ra ngay khi tiêm vắc xin COVID-19 mũi 1 và mũi 2, không kéo dài đến bây giờ. Nếu không có vắc xin, vấn đề tăng đông khi con người nhiễm COVID-19 sẽ nặng hơn. Đó là lời khẳng định của ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
1. Sử dụng thuốc loãng máu có thể gây xuất huyết não, xuất huyết nội tạng
Nhiều người hoang mang vì đã tiêm vắc xin AstraZeneca, nên muốn đi xét nghiệm để kiểm tra nguy cơ hình thành cục máu đông và dùng thuốc làm loãng máu. Theo BS, điều này có nên không, vì sao?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Về mặt chuyên môn, việc đi xét nghiệm kiểm tra nguy cơ hình thành cục máu đông ở những người chích vắc xin AstraZeneca là không cần thiết. Bởi vì, chỉ nghe loại vắc xin này có nguy cơ hình thành cục máu đông mà đi làm loại xét nghiệm đang “hot trend” trên mạng là không hiểu về chuyên môn.
Xét nghiệm D - dimer là loại xét nghiệm có từ rất lâu. Khi kết quả tăng cao, nghĩa là cơ thể từng có những đợt hình thành máu đông. Tuy nhiên, đó là cơ chế của cơ thể, bởi vì khi bị thương, việc đông máu giúp cầm máu.
Loại xét nghiệm này phải phối hợp với khám bệnh lâm sàng và các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khác. Không thể dựa trên một xét nghiệm nguy cơ tăng đông để uống thuốc loãng máu, bởi vì loại thuốc này có tác dụng phụ gây xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết nội tạng. Do đó, cần dùng đúng chỉ định, thậm chí, khi đúng chỉ định, bác sĩ phải cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ, cần thiết và tốt với bệnh nhân sẽ cho dùng thuốc.
2. Nếu không có vắc xin, vấn đề tăng đông khi nhiễm COVID-19 sẽ nặng hơn
Nhiều người tin rằng sau đại dịch số người có nguy cơ tăng đông máu nhiều hơn trước. BS có thể giải thích hiện tượng này?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Sau đại dịch, các nhà huyết học cho rằng, do loài người phải thích nghi với vắc xin COVID-19 nên ngưỡng tăng đông sẽ cao hơn so với trước đây. Tuy nhiên không phải ai từng chích ngừa COVID-19 cũng cần lo ngại về nguy cơ này. Tùy bệnh cảnh lâm sàng, thường có thuyên tắc phổi và viêm tắc tĩnh mạch chân, cần có bác sĩ chỉ định xét nghiệm để tầm soát và kết hợp các xét nghiệm khác.
Thực tế lâm sàng và trải nghiệm của bác sĩ chúng tôi trong quá trình điều trị COVID-19 thời gian đại dịch bùng phát, vắc xin giúp loài người vượt qua đại dịch. Nếu không có vắc xin, vấn đề tăng đông khi con người nhiễm COVID-19 sẽ nặng hơn.
Bên cạnh đó, hiện tượng tăng đông máu chỉ xảy ra ngay khi tiêm mũi 1 và mũi 2, không chờ đợi quá lâu đến bây giờ. Sự thật về việc tăng đông là đúng, nhưng chỉ xảy ra ngay thời điểm chích vắc xin 1-2 mũi đầu và tỷ lệ hiếm.
Theo quan điểm của bác sĩ, các vấn đề trên rất bình thường. Việc nào cũng có 2 chiều. Ví dụ, bệnh nhân tiểu đường cần uống thuốc điều trị, nhưng thuốc trị tiểu đường có nguy cơ làm tụt đường, bệnh nhân vẫn phải uống thuốc. Hay thuốc trị cao huyết áp, có nguy cơ tụt huyết áp, chóng mặt, tuy nhiên, bệnh nhân cần uống để điều trị bệnh.
3. Cơ chế đông máu như thế nào?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Vấn đề này cần được giải thích bằng sinh lý bệnh, hiểu đơn giản, trong cơ thể con người hàng ngày đều hình thành cục máu đông và có cơ chế tan cục máu đông, như sự thống nhất và đấu tranh giữa hai mặt đối lập của triết học Mác - Lênin. Mỗi ngày, đều có những vấn đề chảy máu nhỏ trong nội tạng cơ thể, nhờ cục máu đông cầm lại, sau đó, cơ thể sẽ có cơ chế dọn sạch cục máu đông.
Con người khi vận động, luôn có hiện tượng rung lắc, sâu trong các mạch máu li ti hàng ngày đều có hiện tượng xuất huyết, hai quá trình song song là máu đông và dọn máu đông sẽ diễn ra liên tục.
Sau khi dọn máu đông sẽ có chất gọi là “rác”, khi xét nghiệm ra sẽ có loại chất này, và nghĩ cơ thể bệnh nhân có đông máu. Tuy nhiên, loại chất này giống những chất sinh ra trong quá trình mang thai, sảy thai, nhiễm trùng, nhiễm các loại bệnh khác, suy gan không thải được độc tố, thận suy yếu,… đều tạo ra các loại chất giống “rác” sau quá trình dọn máu đông.
Tóm lại, không nên theo “hot trend” tạo ra tâm lý lo lắng. Cục máu đông không hoàn toàn gây hại. Nếu không có hai quá trình song song: đông máu và dọn máu đông, vấn đề chảy máu trong nội tạng sẽ vô cùng nguy hiểm. Ngoại trừ trường hợp bệnh lý tim mạch, mạch máu gây hẹp quá mức, không thể mở hết mạch máu, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc loãng máu với liều phù hợp, giúp máu dễ dàng đi qua các vị trí hẹp, đây là phương pháp tạm chấp nhận khi gặp trường hợp này.
4. Vì sao không nên thực hiện xét nghiệm D-Dimer đại trà trong cộng đồng?
D-Dimer là xét nghiệm được nhắc đến nhiều nhất trong bối cảnh này. Nhờ BS giải thích kỹ hơn cho khán thính giả hiểu thêm D-Dimer là xét nghiệm gì, có tác dụng ra sao và được chỉ định trong tình huống nào?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Không nên theo “hot trend” mà đến các cơ sở y tế yêu cầu được xét nghiệm D-Dimer. Điều đó không mang lại ý nghĩa gì cho con người.
Giả sử kết quả xét nghiệm của bạn tăng so với 1000 người bình thường khác, nhưng với bạn, không chắc chắn đó là bệnh mà còn phải dựa trên bệnh cảnh lâm sàng.
Khi kết quả hơi vượt mức bình thường mọi người cho đó là bệnh và bắt đầu có tâm lý lo lắng. Ví dụ, chiều cao trung bình của người Việt từ 1m50 - 1m65, con mình vượt ngưỡng 1m80 thì cho đó là không bình thường, đó là quan điểm sai. Y học không phải toán học, chỉ nằm trong cách tính tương đối.
Không nên xét nghiệm D-Dimer đại trà trong cộng đồng, đây là điều không cần thiết. Tùy vào tình huống, đến hiện nay, chưa có khuyến cáo nào với nội dung chích vắc xin của AstraZeneca phải đi làm xét nghiệm đại trà. Nếu có kết quả tăng đông máu cũng không thể xác định được vấn đề, vì có rất nhiều nguyên nhân gây tăng đông.
Bên cạnh đó, việc tăng đông máu xuất hiện ở nhiều nhóm người như: phụ nữ mới mang thai, phụ nữ mới phá thai, phụ nữ vừa sinh con, sốt xuất huyết, nhiễm siêu vi, gan yếu, thận yếu, nhiễm trùng huyết, sâu răng,… Nếu nhóm người này thực hiện xét nghiệm nguy cơ tăng đông máu, kết quả cho ra đều nằm trong nhóm nguy cơ. Vì vậy, người bình thường không nên thực hiện xét nghiệm này.
Loại xét nghiệm này chỉ được khuyến cáo cho nhóm người có nguy cơ tắc mạch ngoài chi như viêm tắc tĩnh mạch hoặc vấn đề tắc mạch phổi. Tuy nhiên, đây chỉ là xét nghiệm cộng thêm với chẩn đoán hình ảnh để cho ra kết quả chính xác nhất, có tác dụng tầm soát.
5. Làm sao để hạn chế hình thành cục máu đông?
Chúng ta có thể làm gì để hạn chế nguy cơ hình thành cục máu đông gây hại sức khỏe ạ?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Việc đơn giản nhất là cần tập thể dục, uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh.
Chỉ với vận động và tập luyện hàng ngày, sẽ giúp mạch máu lâu lão hóa, mỡ máu không đóng tại thành mạch, giúp máu di chuyển dễ dàng, giảm nguy cơ hẹp thành mạch gây hình thành cục máu đông.
Nên uống đủ nước và thức uống có lợi cho sức khỏe như nước cam, nước chanh, trà xanh, rau xanh, cà phê nguyên chất,… Ăn nhiều rau xanh, trái cây, quả mọng, đặc biệt là loại trái chín, nhiều nước.
Bên cạnh đó, tránh hút thuốc lá vì đây là nguy cơ hình thành cục máu đông. Hút thuốc lá làm mạch máu sần sùi, đóng bợn rất nhiều tại thành mạch.
Những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, nên điều trị tốt, kiểm soát đường huyết để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Bởi vì, tiểu đường không được điều trị tốt sẽ gây hẹp thành mạch.
Những bệnh nhân tim mạch, bệnh nhân nhồi máu não đã có sẵn nguy cơ tăng đông máu, trường hợp hẹp nhẹ, bác sĩ sẽ cho sử dụng thuốc loãng máu để cục máu đông di chuyển dễ dàng qua mạch máu hẹp.
6. Chưa có báo cáo chích vắc xin AstraZeneca ngừa COVID-19 gây mất trí nhớ
Nhân chuyện AstraZeneca thừa nhận vắc xin COVID-19 gây tác dụng phụ cục máu đông, giảm tiểu cầu, nhiều người tại nhắc đến tác dụng phụ gây mất trí nhớ, rụng tóc kéo dài đến tận nay là do vắc xin COVID-19. Quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào ạ?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Hiện nay, vẫn chưa có báo cáo chích vắc xin AstraZeneca ngừa COVID-19 gây mất trí nhớ. Trong giai đoạn đại dịch căng thẳng đã nảy sinh rất nhiều vấn đề (không đủ vắc xin tiêm ngừa, số lượng tử vong cao, thời gian giãn cách xã hội kéo dài…) gây stress, từ đó làm giảm trí nhớ.
Rụng tóc chỉ xảy ra trong 6 tháng đầu chích vắc xin, còn đến thời điểm hiện tại, rụng tóc không liên quan đến chích vắc xin.
7. Vắc xin AstraZeneca ngừa COVID-19 có công hay có tội?
Chúng ta không thể phủ nhận tác dụng của vắc xin mang lại trong cuộc chiến chống đại dịch cũng như các tác dụng phụ của chúng gây ra. Mức độ ảnh hưởng của tác dụng phụ do vắc xin COVID-19 gây ra cho đến nay, sau 2-3 năm tiêm ngừa ra sao?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Chưa có báo cáo về mức độ ảnh hưởng của vắc xin.
Vấn đề gây lo lắng nhất với con người là ngay lúc tiêm, xảy ra tình trạng sốc, dị ứng và những tác dụng phụ nhất thời, tuy nhiên, thực tế cả thế giới đều được tiêm ngừa COVID-19 nhưng tỷ lệ xảy ra tác dụng phụ trên hàng tỷ người được chích vắc xin là rất thấp.
Trong cuộc sống, đôi khi cần chọn lựa. Thời điểm đó, không đủ vắc xin, con người giành nhau để được chích vắc xin, lo lắng về mạng sống và cái chết, vắc xin đã làm được một điều là giảm tỷ lệ bệnh nặng và tử vong. Thời điểm đó, nhìn theo số đông, ai cũng muốn được chích vắc xin, bởi khi dịch bùng lên, tử vong rất nhiều, ai cũng hoảng sợ, có được vắc xin nhiều người vui mừng.
Thực tế, chúng tôi là các bác sĩ ở trong tâm dịch, chứng kiến những người được tiêm vắc xin dù chỉ có 1 mũi, khả năng được cứu sống rất cao, còn những người không được chích vắc xin, để cứu chữa rất khó khăn.
Vì vậy, tác dụng phụ của vắc xin rất thấp so với hiệu quả đạt được là điều cần thừa nhận.
Lý do thời điểm 2-3 năm trước AstraZeneca chưa thừa nhận tác dụng phụ đông máu là vì để kết luận một vấn đề nào trong khoa học, cần thời gian nghiên cứu.
Cụ thể, thời gian đại dịch, khi vắc xin AstraZeneca được chích cho cộng đồng, đã có một số báo cáo về vấn đề tác dụng phụ, nhưng đồng thời bệnh nhân cũng mắc COVID-19. Vì vậy, cần lấy số liệu để phân tích sâu hơn, loại trừ những trường hợp xảy ra đồng thời hoặc những nguyên nhân khác. Từ đó, có thể đưa ra kết luận chính thức.
Sau thời gian đại dịch đi qua, tổng kết các báo cáo mới có thể kết luận, và con số cũng rất thấp.
- Giờ đã lỡ chích rồi, việc phải lựa chọn ở thời điểm đó là bất khả kháng và giờ chúng ta nên đón nhận các vấn đề này như thế nào ở thời điểm hiện tại, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Nếu xảy ra tình trạng tăng đông thì sẽ xảy ra từ thời điểm tiêm mũi 1, mũi 2, sau đó mọi người đều sống bình thường đến thời điểm hiện tại.
Dự đoán sau thông tin AstraZeneca được công bố, sẽ có nhiều “hot trend” lên sóng như phương pháp thải độc, phương pháp làm sạch tác dụng phụ của vắc xin, xét nghiệm và thuốc cho những người chích vắc xin COVID-19,… có thể sẽ xuất hiện trước sự hoang mang của người dân. Chúng tôi khuyến cáo nên tránh những vấn đề này.
Hiện tại, chúng ta không nên quá lo lắng, sinh hoạt điều độ và khám sức khỏe định kỳ là đủ.
>>> Phần 1: Biến chứng tăng đông của vắc xin COVID-19 hãng AstraZeneca chỉ xảy ra ở 1-2 mũi đầu
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình