Biến chứng bệnh tiểu đường gây hại gì đến sức khỏe răng miệng?
Người mắc tiểu đường dễ bị các vấn đề về răng miệng do lượng đường trong máu cao làm tăng lượng đường trong nước bọt. Vi khuẩn trong mảng bám, màng dính tích tụ trên răng ăn các loại đường này gây bệnh về răng và nướu, dẫn đến viêm nướu, viêm nha chu, sâu và rụng răng… Bệnh tiểu đường cũng làm suy yếu hệ thống miễn dịch khiến nhiễm trùng khó lành hơn và khó kiểm soát các vấn đề trong miệng hơn, tăng nguy cơ mắc bệnh răng miệng.
I. Ảnh hưởng của biến chứng tiểu đường đến sức khỏe răng miệng?
Tiểu đường và bệnh răng miệng luôn song hành với nhau:
Ở những bệnh nhân tiểu đường hàm lượng đường trong nước bọt sẽ cao hơn nhiều so với người bình thường. Đây là cơ hội và môi trường lý tưởng cho vi khuẩn có hại sinh sôi và phát triển nhanh nhiều. Vi khuẩn kết hợp thức ăn trong miệng tạo thành các mảng bám gây nên hiện tượng sâu răng, viêm nướu răng, áp xe răng hoặc làm cho hơi thở bệnh nhân có mùi hôi khó chịu.
Lượng đường trong máu cao gây tổn thương mạch máu và hẹp các mạch máu. Từ đó dẫn đến làm giảm lưu lượng máu đến nuôi dưỡng nướu răng.
Khi bị tiểu đường sức đề kháng của bệnh nhân bị suy giảm hơn bình thường làm tăng nguy cơ nhiễm trùng răng lợi và bệnh nha chu cho bệnh nhân.
Ngoài ra bệnh tiểu đường còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tưa miệng, khô miệng, viêm loét miệng và một số bệnh lý nhiễm trùng do nấm gây nên.
II. Biến chứng tiểu đường gây ra bệnh lý gì về sức khỏe răng miệng?
Nguy cơ mắc các bệnh răng miệng ở bệnh nhân đái tháo đường sẽ cao hơn nhiều so với người bình thường. Một số bệnh răng miệng thường gặp do bệnh tiểu đường gây nên:
Sâu răng: Các mảng bám trên răng được hình thành do sự kết hợp giữa thức ăn dư thừa bám trên kẽ răng và vi khuẩn nếu không được vệ sinh thường xuyên và đúng cách, về lâu dài sẽ sản sinh ra acid, tấn công lên bề mặt răng của bệnh nhân gây nên hiện tượng sâu răng.
Viêm nướu răng: Theo thời gian, những mảng bám trên răng sẽ chuyển thành vôi răng nếu không được làm sạch, loại bỏ đúng cách. Vôi răng sẽ kích thích nướu răng, làm cho nướu bị sưng đỏ, chảy máu và dẫn đến nướu răng bị viêm.
Viêm nha chu: Đây là tình trạng nặng của bệnh viêm nướu răng nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm. Viêm nha chu làm phá hủy các mô mềm, xương và dây chằng nâng đỡ răng, khiến răng của bệnh nhân trở nên lỏng lỏng, tụt lợi và có thể dẫn đến mất răng (tiểu đường rụng răng).
Viêm nha chu gây ảnh hưởng rất lớn đến những bệnh nhân bị bệnh tiểu đường do bệnh làm tăng mức đường huyết và làm giảm khả năng kiểm soát đường huyết của bệnh nhân.
Bệnh tưa miệng: Đây là bệnh lý do nấm Candida gây nên. Dấu hiệu nhận biết bệnh lý tưa miệng gồm: đau, có những đốm trắng hoặc đỏ trên lưỡi, má hoặc vòm miệng, nướu răng bị sưng, hình thành các vết thương hở.
Bệnh tưa miệng sẽ phát triển nhanh nếu lượng đường huyết của bệnh nhân không được kiểm soát chặt chẽ. Để hạn chế tối đa bệnh lý này, bệnh nhân cần phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ và thường xuyên, nếu được chẩn đoán bị tưa miệng do nấm candida gây nên, bệnh nhân có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc kháng nấm để điều trị.
Khô miệng: Đây là hiện tượng thường hay gặp ở bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Khi bị tiểu đường, quá trình bài tiết nước bọt bị suy giảm, dẫn đến thiếu nước bọt và gây nên tình trạng khô miệng cho bệnh nhân. Khô miệng cũng là một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân dễ mắc các bệnh lý vùng miệng như viêm loét, sâu răng, viêm nướu răng, tưa miệng,...
Xem thêm: Bệnh tiểu đường gây hôi miệng: Nguyên nhân và cách kiểm soát
III. Biểu hiện thường gặp khi mắc bệnh răng miệng ở người bệnh tiểu đường
Các biểu hiện thường thấy khi bị bệnh răng miệng ở người bị đái tháo đường bao gồm: Chân răng và nướu răng bị chảy máu thường xuyên, đặc biệt là khi đánh răng hoặc xỉa răng; nướu bị đỏ và sưng, ở giữa kẽ và nướu răng thường xuyên có mủ; khi nhai thường có cảm giác đau; răng bị lung lay, tụt lợi, hàm răng không ăn khớp với nhau; lợi bị tách ra khỏi răng, có thể làm cho răng trong dài hơn và lớn hơn; hôi miệng kéo dài, thậm chí là đã đánh răng rất kỹ và rất sạch.
IV. Làm sao để phòng ngừa bệnh răng miệng ở người bệnh tiểu đường?
Chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt, kiểm soát đường huyết và chăm sóc răng miệng hàng ngày là các yếu tố quan trọng để phòng ngừa các biến chứng răng miệng ở người tiểu đường: Người bị tiểu đường không nên quá nhiều các thực phẩm có chứa đường và tinh bột; hạn chế tối đa thói quen hút thuốc lá vì hút thuốc lá làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm nha chu và bệnh tưa miệng.
Người bệnh cần kiểm soát tốt đường huyết: Theo dõi, kiểm tra đường huyết thường xuyên, tuân thủ đúng các chỉ dẫn của bác sĩ để giữ đường huyết luôn được ổn định. Nếu phát hiện các thuốc điều trị tiểu đường gây hiện tượng khô miệng cần báo ngay cho bác sĩ điều trị để được xử lý sớm. Làm sạch răng ít nhất 2 lần 1 ngày; khi đánh răng, tránh chà xát mạnh, nên sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm và kem đánh răng có chứa thành phần Flo, điều này giúp người bệnh tiểu đường phòng tránh được các bệnh răng miệng; khi làm sạch răng nên sử dụng chỉ nha khoa để làm loại bỏ các mảng bám trong kẽ răng thay vì sử dụng tăm để xỉa; sử dụng nước muối sinh lý để súc miệng sau mỗi bữa ăn; đến các bệnh viện uy tín để làm sạch vôi răng định kỳ.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình