Hotline 24/7
08983-08983

Bị uốn ván chỉ vì một vết xước nhỏ

Ông H. người Nam Định đang bị hôn mê sâu, chưa biết sống chết thế nào, tất cả chỉ vì một vết thương rất nhỏ ở ngón chân.

Chủ quan không tiêm phòng và vệ sinh sạch sẽ, nhiều người đã mắc uốn ván từ những vết trầy xước rất nhỏ. ThS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu và điều trị tích cực, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết một ca uốn ván phải nằm điều trị hàng tháng với chi phí thấp nhất là 100 - 150 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí tiêm vaccin phòng bệnh uốn ván chỉ hết vài chục nghìn đồng.

Dễ mắc bệnh vì chủ quan

Tại khoa Cấp cứu và điều trị tích cực, bệnh nhân H., 40 tuổi, ngụ Nam Xá, Nam Định đang ở trạng thái hôn mê sâu do uốn ván. Trong lúc làm việc, ông H. bị hòn gạch rơi vào ngón chân cái. Ông đã sát trùng bằng oxy già và vài ngày sau, vết thương khô miệng hoàn toàn. Vậy mà sau gần một tháng, ông bị cứng hàm, khó nuốt, khó há miệng, đau thắt lưng.

Bệnh nhân nhập viện khi đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu, người căng cứng và giật liên hồi. Bà Quế, vợ của bệnh nhân, vẫn còn bàng hoàng không hiểu vì sao chỉ một vết thương nhỏ do viên gạch rơi vào dù đã khô miệng lại có thể khiến chồng bà hôn mê, chưa biết sống chết thế nào.

Bệnh nhân T., 25 tuổi, ngụ Lương Đình Của, Hà Nội cũng đang phải thở máy, toàn thân co cứng. Theo lời kể của người nhà, T. đi đá bóng và bị thương ở ngón chân cái. Mười ngày sau, anh có triệu chứng cứng hàm, đau mỏi toàn thân và được gia đình đưa vào cấp cứu tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương. Các bác sĩ ở đây cho biết, anh được chẩn đoán mắc uốn ván, tiên lượng rất nặng vì thời gian khởi phát bệnh ngắn (chỉ trong vòng 10 ngày). Đến nay, dù đã có  gần nửa tháng nằm viện, bệnh nhân T. vẫn trong tình trạng co giật, phải dùng thuốc an thần liều cao, thở máy và mở khí quản.

Một bệnh nhân uốn ván đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ. Ảnh: XT

Từ đầu năm đến nay, BV đã tiếp nhận 43 trường hợp bị uốn ván.  Hiện tại, các bác sĩ đang cấp cứu và điều trị cho 6 ca uốn ván, hầu hết đều nặng, phải thở máy, mở khí quản và dùng thuốc an thần liều cao.

Vaccin uốn ván chỉ có tác dụng trong 10 năm

Theo BS Cấp, nha bào uốn ván tồn tại nhiều trong môi trường đất, cát, phân súc vật và sống rất dai dẳng. Khi thâm nhập vết thương, nha bào sẽ phát triển thành vi khuẩn uốn ván. Các vi khuẩn này sẽ tiết ra độc tố gây bệnh uốn ván. Điều nguy hiểm là ngay cả khi vết thương đã khô miệng, vi khuẩn uốn ván vẫn có thể sinh sôi nảy nở và tiết ra độc tố bên trong vết thương mà không gây sưng nề, nên người bệnh khó nhận biết bằng mắt thường.   

Theo BS Cấp, cách phòng tránh uốn ván tốt nhất là tiêm phòng. Hiện Việt Nam triển khai khá tốt chương trình tiêm phòng cho trẻ em và phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, với các trường hợp được tiêm đầy đủ số mũi, vaccin cũng chỉ bảo vệ được trong vòng 10 năm. Điều này lý giải vì sao nhóm tuổi lao động có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.

Do đó, cần phải tiêm phòng lại sau 10 năm. Với những trường hợp chẳng may bị sây sát, bầm dập, ngay lập tức phải tiêm huyết thanh kháng uốn ván (SAT), tức là các kháng thể có sẵn, nếu vi trùng uốn ván xâm nhập, kháng thể sẽ tiêu diệt. Tuy nhiên, sau đó phải tiêm cả vaccin vì SAT chỉ có tác dụng chống lại vi khuẩn trong một tuần.

Khi bị thương, sây sát, người bệnh cần lấy hết dị vật (đất, cát, gai, dằm…) trong vết thương. Sau đó, sát trùng vết thương bằng các dung dịch khử khuẩn như oxy già. Và phải đi tiêm phòng đầy đủ cả huyết thanh và vaccin phòng uốn ván nếu chưa tiêm hoặc tiêm trước đó quá 10 năm.

 
AloBacsi.vn
Theo Xuân Trường - Báo Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X