Hotline 24/7
08983-08983

Bí quyết giải rượu ngày Xuân

Vui Xuân, chúc Tết chắc hẳn sẽ không thiếu chén rượu mừng. Nhưng khi “quá chén” có thể sẽ khiến cơ thể mỏi mệt dài ngày. Vậy làm thế nào để giải rượu ngày xuân?

Theo BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ, say rượu là tình trạng xuất hiện sau khi cơ thể tiêu thụ một lượng lớn rượu. Lượng rượu gây ra tình trạng say rượu không được xác định cụ thể là bao nhiêu. Một ly rượu có thể gây ra di chứng say rượu với người này trong khi một số người có thể dung nạp được cả lít rượu.

Mức độ say rượu phụ thuộc nhiều yếu tố, tùy thể trạng của mỗi người, trong đó “tửu lượng” kém thường là phụ nữ, người nhẹ cân, có bệnh yếu mệt, đang đói, uống lần đầu, ít khi uống, không hợp, hệ số oxy hoá cồn thấp. Ngoài ra, say rượu còn do cách uống như rượu pha trộn nước ngọt, nước có ga, vì điều này sẽ khiến hấp thu nhanh hơn; dùng rượu mạnh (nồng độ cồn cao), rượu rởm (chứa chất độc hóa học); uống nhiều; uông suông (uống không ăn)…

Khi bị say rượu, triệu chứng thường rất dễ thấy, đó là đau đầu sau khi uống rượu, chóng mặt, giảm tập trung chú ý, dễ lo lắng, xúc động, tính tình thay đổi, thường trở nên khó tính hơn, mệt mỏi, buồn ngủ. Ngoài ra, còn có các dấu hiệu khác như nhức mỏi cơ bắp toàn thân, da toàn thân đỏ ửng, hay gặp nhất là da mặt, hơi thở có mùi rượu, nước bọt tiết ra nhiều hơn, nhịp tim tăng nhanh, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, rối loạn tiêu hóa, sợ tiếng ồn, sợ ánh sáng.

BS Tấn Vũ cho biết: “Theo Y học cổ truyền, rượu uống với lượng vừa phải có tác dụng thông huyết mạch làm cho ruột và dạ dày nhuận lên, nhuận làn da, trừ hàn khí. Bên trong giúp cho trung khí (khí ở tỳ vị) khống chế được ngoại tà xâm nhập vào cơ thể.

Nếu uống nhiều vô độ, nhẹ thì làm tổn hại tỳ vị, nặng thì làm kiệt thần khí, làm mất tính người. Rượu làm cho cơ thể choáng váng, khốn đốn phiền loạn, buồn nôn, nôn khan, ăn vào lại nôn ra, tay chân rã rời, mình nóng, hung cách (vùng ngực) bế tắc, có khi lên cơn co giật, tâm thần hoảng loạn. Những chứng ấy đều do thấp và nhiệt của rượu gây ra, làm tiều tụy hình hài của cơ thể. Nếu uống lâu dài thì khí và huyết đều bi nhiễm độc nên hại đến các tạng như: tâm, can, tỳ, vị, thận và sinh ra các bệnh khó lường”.

I. 10 biện pháp giải rượu dễ thực hiện

Thông thường, các biểu hiện của di chứng say rượu sẽ tự biến mất mà không cần bất kỳ biện pháp can thiệp nào. Nhưng có một số cách giải rượu sẽ giảm các triệu chứng khó chịu khi say rượu theo kinh nghiệm của y học cổ truyền:

1. Giải rượu với trái cây:

Trái quýt: sau khi uống rượu bia, ăn một vài trái quýt hoặc ép trái quýt lấy nước uống sẽ giúp thanh nhiệt, giải độc, giải bia rượu, giảm say rất hay. Dưa hấu: ăn thịt trái dưa hấu hai và dùng vỏ quả dưa hấu xay lấy nước mà uống sẽ giúp giải rượu rất nhanh.

2. Giải rượu với lá dong

Trong cuốn sách “Những cây thuốc vị thuốc Việt Nam” của giáo sư Đỗ Tất Lợi có ghi rõ công dụng của lá dong như sau: Lá dong có khả năng chũa say rượu nhanh chóng; có công dụng làm mát gan, giải độc, hạ men gan; điều trị rắn độc cắn”.

Cách dùng: lấy một nắm lá dong, khoảng từ 100 g - 200 g rửa sạch để ráo nước, sau đó đem giã ra vắt lấy nước cốt cho người đang trong tình trạng say sỉn uống, cơn say sẽ biến mất chỉ trong vòng 20 phút, sau khi uống nước lá dong.

3. Giải rượu với hoa sắn dây tươi

Hoa sắn dây tươi 30 - 50g. Rửa sạch, giã nát, thêm 50ml nước chín quấy đều, ép vắt lấy nước uống 1-2 cốc (100 - 150ml).

4. Giải rượu với rau má

Rau má tươi 100g, 2 trai chanh, 1g muối ăn. Rau má tươi rửa sạch, giã nhỏ, ép lấy nước cốt, vắt thêm nước chanh trộn đều thêm muối, uống 1-2 cốc (150 - 300ml). Hoặc chỉ dùng rau má, rửa sạch, giã nhỏ ép lấy nước cốt, hoà thêm nước chín nguội, uống 2-3 cốc (200 - 300ml).

5. Giải rượu bằng của địa liền tươi

Củ địa liền tươi, rửa sạch, giã nhỏ ép lấy 100ml uống 1 lần.

6. Giải rượu bằng lá cây Kiến cò tươi (Bạch hạc)

Lá cây Kiến cò 50g, rửa sạch, giã nhỏ, hoà vào 200ml nước chín nguội quấy đều, gạn lấy nước trong uống.

7. Giải rượu bằng rễ cỏ tranh tươi

Dùng rễ cỏ tranh tươi 100g, rửa sạch, giã nhuyễn, thêm 100ml nước chín quấy đều ép lấy nước pha thêm 10 - 15g đường cát uống.

8. Giải rượu bằng chanh tươi

Chanh tươi 1 quả, vắt lấy nước cho uống hoặc thái mỏng cho ăn luôn cả quả càng tốt.

Chanh tươi là một thực phẩm giúp giải rượu dễ tìm và dễ thực hiện (Ảnh minh họa)

9. Giải rượu bằng vỏ quýt phơi khô

Vỏ quýt phơi khô (vị thuốc Trần Bì) 30g sao thơm tán vụn, mơ chua 2 quả bỏ hạt thái vụn. Hai vị đem sắc nhỏ lửa với 360 ml nước, sau 30 phút, lọc bỏ bã lấy nước cho uống. Nếu có thêm một chút nước gừng tươi hoặc trà thì càng hay.

10. Giải rượu bằng búp tràn và trái quất

Trà búp 5g, trái quất hoặc mứt quất 16g thái vụn. Hai thứ đem hãm với nước sôi, uống đặc. Hoặc Trà búp 9g, cà rốt tươi 60g, vỏ bí xanh 15g. Ba vị sắc uống.

II. Nên làm gì khi có các di chứng say rượu?

Bên cạnh 10 các giải pháp nói trên, BS Tấn Vũ đưa ra các khuyến cáo dành cho các quý ông, sau khi uống rượu nên uống nhiều nước, vì rượu khiến cơ thể tăng bài tiết nước tiểu dẫn đến tình trạng mất nước. Vì thế, uống nhiều nước là biện pháp đơn giản nhưng khiến bạn cảm thấy dễ chịu và đỡ mệt mỏi hơn.

Song song đó, nghỉ ngơi và ngủ sâu, ngủ đủ giấc cũng là biện pháp giúp khôi phục cơ thể và giảm nhẹ các biểu hiện khó chịu của say rượu. Đừng quên những bữa ăn đầy đủ, đừng để bụng rỗng trong và sau khi uống rượu. Bởi rượu khiến lượng đường trong máu giảm vì vậy những người sử dụng rượu cần ăn uống đủ để phòng tránh biến chứng hạ đường huyết. Đồng thời, khi đó lớp thức ăn lót dạ dày giúp bảo vệ niêm mạc, tránh kích ứng và giảm tốc độ hấp thu rượu vào cơ thể.

Nên nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc sau những cuộc vui "quá chén" rượu ngày Tết để phục hồi lại cơ thể (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, BS Tấn Vũ cũng lưu ý, những người gặp phải các triệu chứng say rượu nên đến cơ sở y tế gần nhất nếu xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm sau: Khó thở hoặc rối loạn nhịp thở; Da, niêm mạc nhợt nhạt, tím; Rối loạn nhịp tim; Lơ mơ, hôn mê, gọi hỏi không trả lời đúng; Co giật, động kinh; Nôn mửa nhiều lần.

III. Một số lưu ý để tránh nguy cơ say rượu, ngộ độc rượu?

BS Tấn Vũ nhấn mạnh, để giảm nguy cơ ngộ độc và say rượu, nên uống rượu một cách từ từ, chậm rãi để giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày, đồng thời có thời gian để gan kịp oxy hóa. Đặc biệt, những người đang dùng aspirin, không nên uống rượu bởi có thể gây chảy máu dạ dày khi đói, nồng độ cồn trong máu sẽ tăng nhanh. Trường hợp nếu phải điều trị bằng thuốc aspirin thì không uống rượu.

Không uống rượu cùng cafein (Ảnh minh họa)

“Lưu ý, không sử dụng đồng thời cả rượu và cafein. Rượu làm giảm hoạt động của não, giảm huyết áp, giảm khả năng phán đoán. Cafein gây kích thích tăng huyết áp, và nhịp tim. Khi kết hợp cả 2, không có sự trung hòa giữa chất gây ức chế và chất kích thích, có thể làm tăng nguy cơ tử vong do bị ngộ độc.

Khi uống rượu nên ăn rau xanh để làm loãng nồng độ cồn trong rượu. Nên uống nước lọc trước khi uống rượu. Đồ ăn có nhiều protein sẽ làm chậm quá trình hấp thụ rượu vào máu” - BS Tấn Vũ chia sẻ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X