Bệnh viện Thống Nhất là cơ sở y tế đầu tiên ở Việt Nam đạt chứng nhận ISO 9001:2015 về thận nhân tạo. Việc áp dụng tiêu chuẩn này sẽ giúp bệnh viện hạn chế sai sót, giảm quá tải và cải thiện được chất lượng lọc máu trong chạy thân nhân tạo cho người bệnh.
Sáng ngày 10/7/2019, Tổ chức Chứng nhận TNV Việt Nam liên kết với tổ chức Chứng nhận TNV Vương quốc Anh đã trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2015 cho khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Thống Nhất. Chứng nhận có hiệu lực 3 năm kể từ ngày được trao.
Đây là đơn vị đầu tiên trên cả nước có đơn nguyên Thận nhân tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế trong việc điều hành, quản lý các quy trình trong thận lọc máu.
=Đại diện Tổ chức Chứng nhận TNV Việt Nam trao chứng nhận cho GS.TS Nguyễn Đức Công Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (thứ 2 từ phải sang) và TS.BS Nguyễn Bách - Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu (thứ 2 từ trái sang). Ảnh: BVCC
PGS.TS Lê Đình Thanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, để đạt được chứng nhận này bệnh viện trải qua nhiều khó khăn bởi tình trạng quá tải, số lượng bệnh nhân lọc máu ngày càng gia tăng, các bác sĩ phải tập trung vào chuyên môn khám chữa bệnh, có ít thời gian nên khó phối hợp với nhau…
Tuy nhiên, sau gần 1 năm nỗ lực không ngừng, khoa Thận nhân tạo đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về trang thiết bị, chuyên môn, quy trình kỹ thuật, giám sát sủi ro, chất lượng an toàn… để được trao chứng nhận ISO 9001:2015.
PGS Thanh nhận định: "Khi áp dụng các tiêu chuẩn này, bác sĩ, nhân viên sẽ làm việc hiệu quả hơn nhờ tất cả các quy trình của khoa đã biên soạn như quy trình quản lý, quy trình chuyên môn, phác đồ điều trị, hướng dẫn, quy định… Có mô tả công việc cho từng vị trí trong đơn vị, phân công chức năng nhiệm vụ rõ ràng cụ thể, xây dựng mục tiêu và kế hoạch hoạt động mỗi năm. Khi có sự cố xảy ra thì có thể xem xét quy trình chuyên môn và các sự cố đều được báo cáo minh bạch".
TS.BS Nguyễn Bách chia sẻ về quá trình cũng như tiêu chí để được trao chứng nhận ISO 9001:2015
ISO 9001:2015 được xem như “hàng rào” bảo vệ cả người bệnh lẫn nhân viên y tế. Theo TS.BS Nguyễn Bách - Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu - Bệnh viện Thống Nhất, tại khoa mỗi ngày trung bình có gần 100 bệnh thận chạy thận, liên tục trong 3 ca, 200 bệnh nhân chạy thận định kỳ.
Vì vậy, khi đạt được chứng nhận này, bệnh nhân là người được hưởng nhiều lợi ích, an toàn, giảm rủi ro tai biến, cải thiện được chất lượng lọc máu trong chạy thân nhân tạo. Bởi mỗi năm tổ chức trao chứng nhận sẽ kiểm tra, đánh giá về mức độ cải tiến, chất lượng và an toàn. Nếu “dậm chân tại chỗ” sẽ không đảm bảo được các tiêu chí tái đánh giá chứng nhận ISO.
Mặt khác, ISO còn giúp phân tầng trách nhiệm, quản lý, nhận diện rủi ro, đảm bảo tính minh bạch cho nhân viên y tế.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Thống Nhất
“Làm việc tại khoa Thận Nhân tạo như một dây chuyền, mỗi khâu, mỗi bộ phận sẽ chịu trách nhiệm khác nhau. Ở nước ta phần lớn chỉ quan tâm đến quy trình chuyên môn nhưng với tiêu chuẩn ISO lại phân định rõ ràng đầu vào, đầu ra, rủi ro quy trình chỗ nào, ai là người chịu trách nhiệm chính trong quy trình này. Từ đó giúp giám sát, có báo cáo minh bạch khi chẳng may xảy ra sự cố” - TS.BS Nguyễn Bách chia sẻ.
Hệ thống xử lý nước RO đạt tiêu chuẩn châu Âu được Bệnh viện Thống Nhất đầu tư từ năm 2017
ISO 9001:2015 là phiên bản mới nhất của Tiêu chuẩn ISO 9001 (Hệ thống Quản lý chất lượng) do Tổ chức Tiêu chuẩn hoá Quốc tế (ISO) ban hành, đưa ra các chuẩn mực cho hệ thống quản lý chất lượng và có thể áp dụng cho mọi tổ chức. Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 đang được ứng dụng rộng rãi cho hơn 1 triệu tổ chức từ 178 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trước đây, phần lớn chỉ quan tâm đến quy trình chuyên môn...
Nhưng với tiêu chuẩn ISO sẽ phân định rõ ràng đầu vào, đầu ra, rủi ro
quy trình chỗ nào, ai là người chịu trách nhiệm chính trong quy trình
này
Chia sẻ bên lề, TS.BS Nguyễn Bách cho hay hiện nay bệnh thận mạn ngày càng gia tăng. Điều đáng tiếc là ở nước ta, khi phát hiện bệnh thận đã ở giai đoạn muộn, phải lọc máu.
Tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp viêm cầu thận mạn càng cao và sự già hóa dân số là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Suy thận mạn dẫn đến nhiều hệ lụy. Trong đó, kinh tế là vấn đề nặng nề nhất với thân nhân và người bệnh. Trung bình ở Việt Nam, một người bệnh chạy thận nhân tạo sẽ tiêu tốn 6.000 USD, con số này sẽ gấp đôi ở Trung Quốc và gấp 5 lần tại Mỹ.
Những dấu hiệu nhận biết bệnh thận là cao huyết áp, phù chân, da xanh xao, thiếu máu, ăn uống kém… Mỗi người cần quan tâm đến sức khỏe của mình nhiều hơn, nên xét nghiệm nước tiểu định kỳ như thói quen đo huyết áp. Chỉ cần lấy nước tiểu xét nghiệm 1 năm 1 lần, nếu có bất thường sẽ được điều trị ngay, đừng để đến lúc xét nghiệm máu phát hiện suy thận thì đã quá muộn.
|
Phương Nguyên
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com