Bệnh nhiễm trùng và virus 'teo não' sắp thành đại dịch sau Ebola
Bệnh melioidosis do loại vi khuẩn ít được biết đến giết nhiều người ngang bệnh sởi và virus Zika do muỗi truyền cũng đang phát triển một cách đáng lo ngại.
Sự bùng phát của Ebola ở Tây Phi năm ngoái cho thấy một căn bệnh không mấy phổ biến có thể đột ngột phát triển thành đại dịch nếu y học chưa tìm ra cách đối phó. Theo Fox News, trong tương lai con người sẽ phải đối đầu với hai hiểm họa khác là bệnh melioidosis và virus Zika.
Loại muỗi aedes aegypti truyền virus Zika. Ảnh: Times. |
Virus Zika được phát hiện lần đầu ở châu Phi vào những năm 1940 nhưng chỉ được phương Tây chú ý đến kể từ năm ngoái. Các chuyên gia y tế công cộng ghi nhận loại virus này đã xuất hiện ở Brazil, Panama, Venezuela, El Salvador, Mexico, Suriname, Cộng hòa Dominica, Colombia, Guatemala, Paraguay.
Virus được truyền bởi muỗi aedes aegypti (muỗi vằn), tập trung chủ yếu ở vùng khí hậu nhiệt đới và cũng mang các bệnh khác như sốt vàng da, sốt xuất huyết và chikungunya. Hàng nghìn người Brazil đã bị nhiễm Zika. Virus không gây chết người nhưng có liên quan đến dị tật teo não ở trẻ nhỏ, hạn chế tăng trưởng phần đầu cùng khả năng trí tuệ, thể chất của bé.
Trudie Lang, giáo sư thuộc Đại học Oxford giải thích Zika là một mối nguy bởi "khả năng lây lan nhanh chóng sang các khu vực khác" trong khi vẫn chưa tìm ra thuốc chữa. "Nó chắc chắn đang trở thành vấn đề, nhưng có quá ít nghiên cứu", bà nói.
Giáo sư kêu gọi cộng đồng phải hành động ngay để hiểu hơn về loại virus này cũng như cách thức lây bệnh và phương pháp điều trị hoặc văcxin chống lại nó. "Chúng ta cần rút kinh nghiệm từ đại dịch Ebola", Lang nhấn mạnh.
Vi khuẩn burkholderia pseudomallei gây ra bệnh melioidosis. Ảnh: CNN. |
Bên cạnh virus Zika, tờ Nature Microbiology cảnh báo bệnh nhiễm trùng melioidosis (hay bệnh whitmore) kháng nhiều loại thuốc kháng sinh cũng không thể xem thường. Vi khuẩn gây ra bệnh này là burkholderia pseudomallei được tìm thấy trong đất ở Đông Nam Á và Bắc Australia, lan sang các khu vực khác qua nhập khẩu động vật nhiễm bệnh.
"Melioidosis là kẻ mạo danh xuất sắc các bệnh khác và cần một phòng thí nghiệm vi sinh tốt mới đưa ra được chẩn đoán chính xác", Direk Limmathurotsakul, giáo sư vi trùng học ở Đại học Mahidol (Thái Lan) cho biết. "Nó tác động nghiêm trọng đến những vùng nông thôn nghèo ở xứ nóng, nơi người dân không được tiếp xúc với phòng thí nghiệm vi sinh và y tế công cộng bị đánh giá thấp".
Các nhà nghiên cứu ước tính thế giới có 165.000 ca mắc melioidosis ở người mỗi năm, trong đó 89.000 trường hợp gây tử vong. Tỷ lệ này tương đương với bệnh sởi và nhiều hơn bệnh sốt xuất huyết.
Các vùng dễ bùng phát melioidosis nhất là Nam Á, Đông Á và Thái Bình Dương, bao gồm rất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á, Australia, cận Sahara và Nam Mỹ. Ngoài ra Trung Mỹ, Nam Phi và Trung Đông cũng nhiều khả năng bị ảnh hưởng.
Theo Minh Nguyên - VnExpress
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình