Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhân ung thư khám chữa bệnh thế nào trong thời gian giãn cách?

Việc phong tỏa, cách ly và hạn chế di chuyển ở một số địa phương do dịch COVID-19 đã khiến cho bệnh nhân ung nội trú và ngoại trú gặp khó khăn trong điều trị. ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ - Bệnh viện TP Thủ Đức sẽ có những hướng dẫn cho bệnh nhân.

1. Sự khác biệt khi điều trị bệnh nhân ung thư trong dịch COVID-19

Thưa BS, tình hình khám chữa bệnh cho đối tượng bệnh nhân ung thư trong thời điểm TPHCM thực hiện giãn cách xã hội có gì khác biệt?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ:

Tình hình dịch COVID-19 đang bùng phát, các ngành chức năng đã thực hiện một số biện pháp phong tỏa, cách ly để khống chế sự lây lan của dịch. Số lượng bệnh nhân ung thư đến khám và nhập viện tại Bệnh viện TP Thủ Đức giảm đáng kể.

Nguyên nhân là việc di chuyển của bệnh nhân ở tình xa sẽ khó khăn hơn do lệnh phong tỏa. Một số bệnh nhân có tâm lý e ngại dịch bệnh nên không đi tái khám theo lịch hẹn.

2. Khó khăn khi điều trị bệnh nhân ung thư trong dịch COVID-19

Dịch bệnh và nhất là đối với khu vực có liên quan đến dịch có gặp phải những khó khăn gì trong công tác điều trị bệnh cho bệnh nhân ung thư?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ:

Một số loại thuốc đặc trị nhập khẩu từ nước ngoài bị gián đoạn do dịch bệnh. Một số bác sĩ, điều dưỡng tham gia vào công tác chống dịch.

Bên cạnh đó, kinh phí của bệnh viện khá eo hẹp trong giai đoạn này, do đó, bệnh viện thiếu một số loại thuốc và thiết bị điều trị. Nhân viên y tế luôn cố gắng xoay sở trong khả năng của bệnh viện bằng cách thay thế thuốc điều trị có tác dụng tương tự, không để gián đoạn việc điều trị của bệnh nhân.

3. Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến bệnh nhân ung thư thế nào?

Thế còn đối với bệnh nhân, dịch bệnh có gây khó khăn gì không thưa bác sĩ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ:

Hầu hết các bệnh nhân đều khó khăn về kinh tế. Do thiếu hụt một số loại thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế nên chúng tôi sẽ động viên bệnh nhân cố gắng mau thuốc khác để dùng tạm.

Khi tình hình ổn định, thuốc sẽ nhập về nhiều hơn và bệnh nhân có thể quay lại dùng thuốc cũ.

Đối với những loại thuốc bảo hiểm, phải nhờ ban giám đốc bệnh viện cố gắng tìm những nguồn thuốc khác nhau, để duy trì điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Do dịch bệnh nên tâm lý bệnh nhân e ngại khi đi tái khám. Do đó, các bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân tiếp tục duy trì điều trị bằng nhiều phương pháp. Ví dụ, với bệnh nhân ung thư vú, ung thư phổi đang sử dụng thuốc đặc trị bằng đường uống, bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân mua thuốc tại địa phương để duy trì điều trị.

Một số bệnh nhân nặng nên đến bệnh viện để thăm khám và kiểm tra trực tiếp. Nếu bệnh nhân ở xa, không thể di chuyển đến bệnh viện nhưng chẳng may có vấn đề nghiêm trọng thì chúng tôi sẽ cung cấp hồ sơ bệnh án để các bác sĩ địa phương hỗ trợ điều trị.

3. Bệnh nhân ở tỉnh xa khó khăn khi di chuyển đến TPHCM phải làm sao?

Đối với những bệnh nhân ung thư không thể đến các bệnh viện tại TPHCM do lệnh cấm, hạn chế di chuyển thì phải làm sao thưa bác sĩ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ:

Đây là giai đoạn tạm thời, có thể chỉ kéo dài 1-2 tuần và sau đó sẽ ổn định nên chúng tôi sẽ động viên bệnh nhân có gắng vượt qua.

Về phía bệnh viện, chúng tôi luôn cố gắng cung cấp giấy tờ cần thiết như xét nghiệm khối u, kết quả chụp CT, MRI hoặc ghi đầy đủ quá trình điều trị trong giấy ra viện để tiện cho bệnh nhân điều trị tại bệnh viện gần nhất.

Bên cạnh đó, bệnh viện và bệnh nhân vẫn luôn giữ sự liên lạc thông qua mạng xã hội như zalo, facebook, tránh gián đoạn quá trình điều trị và theo dõi cho bệnh nhân

5. Bệnh nhân ung thư nên làm gì khi dịch COVID-19 bùng phát?

Tình hình khó khăn khiến bệnh nhân ung thư lại càng khó khăn thêm bội phần? Vậy bệnh nhân ung thư nên làm gì trong những dịp như thế này?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ:

Theo Tổ chức y tế thế giới, khoảng 77% bệnh nhân ung thư trên thế giới bị gián đoạn, hơn 1/3 bệnh nhân phải theo đổi phác đồ điều trị do dịch COVID-19.

Với giai đoạn khó khăn như hiện nay, đầu tiên là bệnh nhân phải bình tĩnh. Thứ hai, chúng tôi thường khuyên bệnh nhân nên mua thêm thuốc để phòng trường hợp dịch bệnh phức tạp gây thiếu thuốc.

Thứ ba, bệnh nhân phải luôn duy trì chế độ ăn đầy đủ và tinh thần lạc quan. Ngoài ra, bệnh nhân nên giữ sự liên lạc với bệnh viện để được tư vấn khi cần thiết.

Trường hợp bệnh nhân cần nhập viện, việc di chuyển sẽ khó khăn nhưng các lực lượng chức năng sẽ luôn tạo điều kiện. Nếu bệnh nhân chưa cần thiết phải nhập viện, người bệnh có thể đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ, sau đó, quay lại bệnh viện ban đầu.

5. Bệnh nhân ung thư bỏ điều trị theo phương pháp chính thống nhiều hay ít?

Không thể tới bệnh viện, không được hướng dẫn cụ thể khiến bệnh nhân dễ "tự bơi" bằng nghe theo điều trị bằng những bài thuốc không chính thống. Thưa bác sĩ, tỷ lệ này có nhiều không ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ:

Bệnh nhân có thể đến khám tại các khoa y học cổ truyền bài bản. Tuy nhiên, đối với những bài thuốc truyền miệng hay phương thuốc bí truyền, rất khó ngăn bệnh nhân tìm đến những bài thuốc này, vì họ tin rằng nó sẽ giúp ích cho căn bệnh của mình.

Tại Bệnh viện TP Thủ Đức, tôi không thấy nhiều bệnh nhân sử dụng những bài thuốc không chính thống. Tỷ lệ bệnh nhân bỏ hẳn phương pháp điều trị bệnh và theo bài thuốc gia truyền là không nhiều.

Tuy nhiên, các bác sĩ luôn động viên và hướng dẫn bệnh nhân trong trường hợp cần thiết.

7. Nếu bệnh viện phong tỏa do dịch COVID-19, bệnh nhân ung thư nên đến đâu?

Việc phong tỏa bệnh viện K tại Hà Nội vừa qua có thể nói khiến cho bệnh nhân ung thư chới với. Vậy bệnh nhân sẽ phải làm gì nếu một bệnh viện đang theo dõi và điều trị lỡ bị phong tỏa vì dịch COVID-19?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ:

Đây là tình huống rất khó giải quyết.

Đối với bệnh nhân ung thư nội trú thì vẫn tiếp tục được các bác sĩ và điều dưỡng chăm sóc. Với bệnh nhân ngoại trú, sẽ tùy theo tình huống mà có hướng giải quyết khác nhau.

Thông thường, bệnh viện có thể bị phong tỏa từ 1-2 tuần. Trong thời gian đó, bệnh nhân có thể ngưng dùng một số thuốc. Điều này sẽ không bị ảnh hưởng tới diễn tiến bệnh, cho đó bệnh nhân không nên quá lo lắng.

Thời gian này, bệnh nhân nên lưu giữ kỹ các kết quả xét nghiệm để không may xảy ra tình huống bất ngờ, người bệnh có thể đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ

8. Bệnh nhân nên bình tĩnh và tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ

Lời khuyên của bác sĩ đối với bệnh nhân ung thư an toàn trong mùa dịch

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ:

Dịch COVID-19 đã diễn ra hơn 1 năm và có thể kéo dài đến hết năm nay. Khi dịch bùng phát mạnh, lực lượng chức năng đã có những biện pháp hạn chế di chuyển để ngăn dịch lây lan.

Vấn đề khó khăn trong điều trị bệnh nhân ung thư là vấn đề của cả thế giới, không riêng Việt Nam.

Trong tình hình này, bệnh nhân nên bình tĩnh và cố gắng duy trì liên lạc với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn khi cần thiết can thiệp. Bởi nếu bệnh nhân cần nhập viện, lực lượng chức năng vẫn tạo điều kiện cho người bệnh di chuyển đến bệnh viện.

Bệnh nhân và bệnh viện cố gắng thông cảm cho nhau để có hướng điều trị tốt nhất, bởi việc gián đoạn thuốc là điều không mong muốn. Do đó, bác sĩ luôn tìm ra loại thuốc để thay thế cho bệnh nhân.

Dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến kinh tế của nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân nên cố gắng tuân thủ điều trị theo lời khuyên của bác sĩ.

Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X