Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhân nhồi máu cơ tim chụp mạch vành không thấy tắc nghẽn, không phải vào nhầm khoa

Phiên thứ 4 của Hội nghị Cập nhật Chẩn đoán và điều trị Đột quỵ - Từ lý thuyết đến thực hành lần thứ 6 (tổ chức tại Cần Thơ), các chuyên gia đã cập nhật về nhồi máu cơ tim với bệnh mạch vành không tắc nghẽn, dự phòng và điều trị đột quỵ ở bệnh nhân suy tim, kiểm soát huyết áp trong phòng ngừa đột quỵ…

PGS.TS.BS Hồ Thượng Dũng - Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất

Mở đầu bài đầu tiên của phiên với đề tài “Nhồi máu cơ tim với bệnh mạch vành không tắc nghẽn: những góc nhìn mới hiện nay”, PGS Hồ Thượng Dũng - Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất đưa ra một bức tranh vui về việc một bác sĩ nói với bệnh nhân nhồi máu cơ tim rằng: “Kết quả chụp mạch vành của bác bình thường, bác vào viện nhầm khoa rồi!

Đó là vì với bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim cấp, trước đây các bác sĩ xem kết quả chụp mạch vành là tiêu chuẩn vàng. Một trường hợp nhồi máu cơ tim cấp ở mức độ cao là tắc nghẽn 1 nhánh mạch vành gây hoại tử một vùng cơ tim. Tuy nhiên ngày nay nhiều trường hợp đủ tiêu chuẩn chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp nhưng chụp mạch vành không thấy tắc nghẽn. Đây là vấn đề cần xem xét.

Bệnh nhồi máu cơ tim không tắc nghẽn mạch vành (MINOCA) là vấn đề cần được xem xét hết sức cẩn thận

Sau khi nhắc lại trình tự thời gian của khái niệm bệnh nhồi máu cơ tim không tắc nghẽn mạch vành (MINOCA), PGS Hồ Thượng Dũng trình bày tiêu chuẩn chẩn đoán của bệnh này theo AHA 2019, định nghĩa mới nhất và tần suất của MINOCA, biểu hiện lâm sàng và đặc tính cơn đau ngực của MINOCA. Ngoài siêu âm và OCT thì MRI là phương tiện chẩn đoán rất tốt cho MINOCA, do đó sau khi chụp mạch vành mà nghi ngờ nhồi máu cơ tim cấp không tổn thương có ý nghĩa thì MRI tim sẽ là chỉ định tiếp theo.

Các trường hợp MINOCA, trong đó không có viêm cơ tim và hội chứng Takotsubo

Tiếp theo, PGS đưa ra những hình ảnh chụp OCT so sánh mảng xơ vữa của MINOCA và MICAD (nhồi máu cơ tim tổn thương tắc nghẽn): vỡ mảng xơ vữa, xói mòn mảng xơ vữa, xuất huyết trong mảng xơ vữa, mảng xơ vữa nhiều lớp (giống núi lửa phun trào hình thành nhiều lớp nham thạch)…

Hình ảnh mảng xơ vữa được chụp bằng OCT

PGS Hồ Thượng Dũng còn đưa ra cách phân biệt MINOCA và “giả MINOCA” để ứng dụng trong thực hành chẩn đoán, tiếp đó là điều trị đặc hiệu của MINOCA theo nguyên nhân.

Cuối bài báo cáo, PGS đúc kết:

MINOCA thường gặp ở tuổi trẻ, khởi phát triệu chứng thường không do gắng sức, nữ nhiều hơn nam. Nguyên nhân do cả 2: xơ vữa động mạch và không do xơ vữa động mạch, nếu do xơ vữa động mạch thì thể tích mảng xơ vữa thường không lớn. Chẩn đoán xác định nguyên nhân được thực hiện bằng cả OCT đa nhánh và đặc biệt là CMR (MRI tim mạch) để loại trừ viêm cơ tim và hội chứng Takotsubo.

Trong nghiên cứu sơ bộ đa trung tâm HARP thì tổn thương hình thái khá điển hình (nứt vỡ hay xói mòn mảng xơ vữa) là ít phổ biến trong nhóm MINOCA , đặc biệt là xuất huyết trong mảng xơ vữa và mảng xơ vữa nhiều lớp sẽ gặp nhiều hơn.

Trở lại với bức tranh vui lúc mở đầu, câu nói của vị bác sĩ đã được sửa lại: “Kết quả chụp mạch vành của bác bình thường. Chúng tôi phải tiến hành thêm một số kỹ thuật chẩn đoán khác nữa để xác định nguyên nhân và hướng điều trị cụ thể”.

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường - trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ

Tiếp nối là bài báo cáo “Dự phòng và điều trị đột quỵ trên bệnh nhân suy tim” của ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường - Bệnh viện S.I.S Cần Thơ, cho thấy suy tim và đột quỵ sẽ thúc đẩy lẫn nhau, cần theo dõi, đánh giá huyết khối ở bệnh nhân suy tim để có chiến lược phòng ngừa đột quỵ. Kháng đông ở bệnh nhân suy tim không rung nhĩ cần được nghiên cứu thêm để có chỉ định phù hợp làm giảm biến cố xuất huyết. Điều trị suy tim tích cực là phương pháp giảm được biến cố đột quỵ não.

TS.BS Tôn Thất Minh - Giám đốc Bệnh viện tim Tâm Đức

Cũng đề cập tới suy tim, TS.BS Tôn Thất Minh - Giám đốc Bệnh viện tim Tâm Đức đem đến đề tài: “Dự phòng và điều trị suy tim: Xu hướng từ ACC 2024”, cho thấy suy tim làm tăng nhập viện, nhập viện làm tăng tử vong. Thuốc SGLT2i được khuyến cáo để dự phòng suy tim ở người bệnh đái tháo đường type 2, và để điều trị suy tim ở những bệnh nhân có hoặc không có đái tháo đường type 2. EMPACT-MI: empagliflozin không giảm rõ rệt nguy cơ nhập viện do suy tim hoặc tử vong tim mạch sau nhồi máu cơ tim. Empagliflozin giảm 33% số lần nhập viện do suy tim và có hồ sơ an toàn nhất quán với các nghiên cứu trước đây.

TS.BS Bùi Thế Dũng - Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM

TS.BS Bùi Thế Dũng - Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM với bài báo cáo “Kiểm soát huyết áp trong phòng ngừa đột quỵ”, đề cập tới vấn đề rất được quan tâm, ở các hội nghị quốc tế năm nay cũng tập trung vào 2 vấn đề là phối hợp thuốc và tuân thủ điều trị. Mà muốn tuân thủ điều trị thì phải phối hợp thuốc sao cho đơn giản thì bệnh nhân mới tuân thủ được. Trong đó, TS Dũng đưa ra các thuốc cần phối hợp dành cho các trường hợp phòng ngừa đột quỵ tiên phát, bệnh nhân có tiền sử đột quỵ và bệnh nhân chưa kiểm soát huyết áp với phối hợp đôi.

BS.CK2 Nguyễn Đăng Khoa - nguyên trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Chợ Rẫy

Cuối cùng là bài “Chiến lược phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ” của BS.CK2 Nguyễn Đăng Khoa - nguyên trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Chợ Rẫy giúp mọi người thấy được những công việc lặng thầm của công tác PHCN, đưa đến những hỗ trợ rất cần thiết cho bệnh nhân, và những kỹ thuật tiến bộ ở trong và ngoài nước có thể ứng dụng cho bệnh nhân đột quỵ.

>> Phải có đơn vị đột quỵ, điều trị dự phòng tái phát mới đạt hiệu quả

>> Liệu pháp SGLT2i giúp bệnh nhân đái tháo đường type 2 mới mắc ngăn chặn biến chứng suy tim, suy thận

Hội nghị Cập nhật Chẩn đoán và điều trị Đột quỵ (Stroke Intervention School) lần thứ 6 do Liên Chi hội Can thiệp Thần kinh TPHCM cùng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tổ chức với chủ đề “Cập nhật Chẩn đoán và điều trị Đột quỵ - Từ lý thuyết đến thực hành”.

Chương trình diễn ra trong 3 ngày (13 - 15/6/2024) thu hút hơn 200 lãnh đạo, báo cáo viên, y bác sĩ đến từ các bệnh viện trong và ngoài nước. Hội nghị bao gồm 16 phiên hội thảo chính với 55 bài báo cáo được chọn lọc kỹ lưỡng từ các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế được báo cáo bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Thông qua đó, cung cấp nhiều kiến thức chuyên môn hữu ích cho các bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh, ngoại thần kinh, chẩn đoán hình ảnh và cấp cứu.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X