Liệu pháp SGLT2i giúp bệnh nhân đái tháo đường type 2 mới mắc ngăn chặn biến chứng suy tim, suy thận
Trong khuôn khổ của Hội nghị Cập nhật Chẩn đoán và điều trị Đột quỵ - Từ lý thuyết đến thực hành lần thứ 6, TS.BS Trần Viết Thắng - Phó Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề “SGLT2i - Liệu pháp nền tảng cho bệnh nhân đái tháo đường type 2 mới mắc và ngăn chặn biến chứng cơ quan đích”.
TS.BS Trần Viết Thắng cho biết: “Những yếu tố nguy cơ như béo phì, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu hoặc liên quan đến lối sống như hút thuốc lá, ít vận động,… cùng với tình trạng tăng đường huyết, hoạt hóa các yếu tố gây viêm sẽ dẫn đến vòng xoắn về biến chứng tim mạch và thận. Điều này thấy rõ trong những nghiên cứu dân số hoặc nghiên cứu đoàn hệ”.
Theo nghiên cứu của châu Âu, thực hiện trên 700 bệnh nhân đái tháo đường type 2, hoàn toàn chưa có bệnh lý khác vào thời điểm chẩn đoán. Khi theo dõi bệnh nhân, trung bình trong vòng khoảng 2 - 4 - 6 năm sau đó, tần suất của những biến cố về bệnh lý tim mạch, thận gia tăng một cách đáng kể và tần suất của các bệnh lý đột quỵ, nhồi máu cơ tim cũng gia tăng theo thời gian.
Theo hướng dẫn của các hiệp hội, ở bệnh nhân đái tháo đường ngoài mục tiêu đường huyết luôn kèm những mục tiêu về huyết áp, mỡ máu, cũng như kiểm soát các yếu tố nguy cơ đi kèm. Hầu như không có khuyến cáo nào chỉ đề cập đến mục tiêu đường huyết và luôn luôn đề cập đến những yếu tố nguy cơ đi kèm để làm sao có thể quản lý được các yếu tố nguy cơ này và cắt được vòng xoắn bệnh lý.
Theo Hiệp hội Đái tháo đường 2024, để tiếp cận điều trị bệnh nhân đái tháo đường cần đạt được 4 mục tiêu là: kiểm soát đường huyết, kiểm soát cân nặng, kiểm soát yếu tố nguy cơ tim mạch và dùng thuốc hạ đường huyết bảo vệ tim mạch - thận.
Thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh ức chế SGLT2 có lợi trên chuyển hóa, tim mạch và thận cho bệnh nhân đái tháo đường type 2 có tổn thương cơ quan đích hoặc có đa yếu tố nguy cơ tim mạch. Bên cạnh đó, lợi ích tim mạch - thận của thuốc ức chế SGLT2 có thể thông qua hiệu quả trên các yếu tố nguy cơ và nhiều cơ chế khác trong quá trình tiến triển của bệnh nhân tim mạch và bệnh thận trên bệnh nhân đái tháo đường type 2. Khi cân nhắc lợi ích tim mạch và thận, ức chế SGLT2 được ưu tiên trên bệnh nhân đái tháo đường type 2 có yếu tố nguy cơ tim mạch cao hoặc bệnh tim mạch, suy tim hoặc bệnh thận mạn có sẵn.
Ở nhóm bệnh nhân đái tháo đường type 2 có HbA1c, cân nặng và huyết áp tâm thu cao hơn, Empagliflozin giúp cải thiện cân nặng, cải thiện một phần về huyết áp, bên cạnh hiệu quả giảm đường huyết. Theo nghiên cứu, đối với bệnh nhân đái tháo đường nếu kiểm soát đường huyết sớm trong giai đoạn đầu tiên, ở thời điểm mới chẩn đoán, về lâu dài có thể làm giảm biến cố về nguy cơ tim mạch.
Dữ liệu đời thực từ dân số đái tháo đường tại châu Á cho thấy Empagliflozin có liên quan với giảm nguy cơ nhập viện vì suy tim, tử vong do mọi nguyên nhân và bệnh thận mạn giai đoạn cuối.
Ức chế SGLT2 cho thấy lợi ích trên các thông số chuyển hóa ngắn hạn ở đái tháo đường type 2, bao gồm giảm HbA1c, huyết áp, cân nặng, vốn là các yếu tố nguy cơ tiến triển các biến chứng tim mạch và thận dài hạn. Bằng chứng từ đời thực cũng cho thấy, ở bệnh nhân có hoặc không có bệnh tim mạch, khởi trị ức chế SGLT2 (Empagliflozin) có liên quan với nguy cơ thấp hơn các kết cục dài hạn, bao gồm nhập viện vì suy tim, tử vong do mọi nguyên nhân và bệnh thận mạn giai đoạn cuối.
TS.BS Trần Viết Thắng thông tin: “Từ năm 2016, SGLT-2i đã được đưa vào hướng dẫn điều trị của các hiệp hội uy tín trên thế giới bởi những lợi ích trên tim - thận - chuyển hóa”.
Ức chế SGLT2 có hồ sơ an toàn đồng nhất: nguy cơ nhiễm trùng niệu dục thường nhẹ đến vừa và đáp ứng với thuốc kháng nấm, không tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu với ức chế SGLT2. Tuy nhiên, ức chế SGLT2 nên sử dụng cẩn trọng trên bệnh nhân đái tháo đường type 2 có tăng nguy cơ nhiễm toan ceton và nên ngưng ngay lập tức nếu nghi ngờ nhiễm toan ceton.
Các hướng dẫn lâm sàng toàn cầu và các báo cáo đồng thuận khuyến cáo sử dụng SGLT2 trên bệnh nhân đái tháo đường type 2 và bệnh tim mạch (hoặc nguy cơ tim mạch cao/rất cao), suy tim và/hoặc bệnh thận dựa trên các bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng gần đây.
Một nghiên cứu khác, khi đánh giá ở bệnh nhân sử dụng đồng vận GLP1 hoặc ức chế SGLT2 như là thuốc điều trị đầu tay thấy rằng, có lợi ích cải thiện kết cục cho bệnh nhân nhưng cần giảm chi phí của 2 thuốc này khoảng 70% để đem lại lợi ích kinh tế và hiệu quả, vì chi phí đôi khi sẽ làm ảnh hưởng đến điều trị sau này. Đây là điều cần cân nhắc khi điều trị cho bệnh nhân.
Chuyên gia nhất mạnh: “Chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường type 2 đòi hỏi tiếp cận sớm, lấy bệnh nhân làm trung tâm, đa yếu tố, không chỉ cải thiện kiểm soát đường huyết và các yếu tố nguy cơ trong ngắn hạn mà còn giảm nguy cơ biến chứng liên quan tim mạch và thận trong dài hạn.
Việc sử dụng ức chế SGLT2 sớm trong điều trị đái tháo đường type 2 như một trị liệu nền tảng giúp giải quyết các yếu tố nguy cơ chính bằng cách giảm HbA1c, cân nặng và huyết áp”.
>>> Hội nghị Cập nhật Chẩn đoán và điều trị Đột quỵ - Từ lý thuyết đến thực hành lần thứ 6
>>> Phải có đơn vị đột quỵ, điều trị dự phòng tái phát mới đạt hiệu quả
Hội nghị Cập nhật Chẩn đoán và điều trị Đột quỵ (Stroke Intervention School) lần thứ 6 do Liên Chi hội Can thiệp Thần kinh TPHCM cùng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tổ chức với chủ đề “Cập nhật Chẩn đoán và điều trị Đột quỵ - Từ lý thuyết đến thực hành”. Chương trình diễn ra trong 3 ngày (13 - 15/6/2024) thu hút hơn 200 lãnh đạo, báo cáo viên, y bác sĩ đến từ các bệnh viện trong và ngoài nước. Hội nghị bao gồm 16 phiên hội thảo chính với 55 bài báo cáo được chọn lọc kỹ lưỡng từ các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế được báo cáo bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Thông qua đó, cung cấp nhiều kiến thức chuyên môn hữu ích cho các bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh, ngoại thần kinh, chẩn đoán hình ảnh và cấp cứu. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình