Hotline 24/7
08983-08983

Có những cuộc đời bắt đầu từ dấu chấm hết: Bác sĩ cúi đầu trước chàng trai 18 tuổi hiến đa tạng cứu người

Khi nam thanh niên 18 tuổi rơi vào tình trạng chết não, gia đình em đã nén đau thương, đưa ra một quyết định hết sức nhân văn và cao cả: “Nếu không cứu được cháu thì cứu những người khác”. Nghĩa cử cao đẹp này đã thắp lên hy vọng sống cho 7 bệnh nhân hiểm nghèo đang ngày ngày cầu mong phép màu.

Ngày 17/11/2024, Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận một bệnh nhân nam 18 tuổi trong tình trạng chấn thương sọ não rất nặng, dập não, tụ máu màng cứng, hôn mê sâu. Các bác sĩ nhanh chóng hồi sức và đặt nội khí quản, đồng thời mời hội chẩn khoa phẫu thuật gây mê hồi sức và ngoại thần kinh phẫu thuật cứu bệnh nhân. Tuy nhiên do tình trạng quá nặng, mặc dù được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa, bệnh nhân dần rơi vào tình trạng chết não tiềm năng.

Chi hội Vận động Hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Thống Nhất đã tiếp xúc và giải thích với cha mẹ, ông bà nội của bệnh nhân. Sau đó, gia đình có nghĩa cử rất cao đẹp đó là đồng ý hiến tặng các tạng khi bệnh nhân chết não.
Sau 3 lần đánh giá chết não lần lượt vào 23h30 ngày 23/11, 1h30 và 7h30 ngày 24/11, hội đồng xác định bệnh nhân chết não hoàn toàn.

PGS.TS.BS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất đã chủ trì hội chẩn chuyên môn cùng các chuyên gia đến từ Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

10h25 ngày 24/11, bên trong phòng mổ chỉ còn tiếng bíp bíp của máy theo dõi dấu hiệu sinh tồn.

Tập thể y bác sĩ cúi đầu và đọc lời tri ân nam bệnh nhân.

Sau khi hoàn tất các khâu chuẩn bị, ê-kíp phẫu thuật bắt đầu lấy tạng.

13h27, trái tim rời khỏi lồng ngực bệnh nhân, được đặt vào thùng bảo quản. 
13h46, trái tim xuất phát từ Bệnh viện Thống Nhất, cấp tốc đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Đội xe dẫn đường của Phòng CSGT CA quận Tân Bình túc trực ở cổng bệnh viện sẵn sàng đưa các tạng hiến đến sân bay, bệnh viện nhận tạng.

Các bộ phận, tạng được đặt vào thùng chuyên dụng, để bảo quản tốt nhất trong thời gian di chuyển đến bệnh viện khác.

Tim và một phần lá gan được chuyển ra Hà Nội để ghép cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức. Ngay sau khi hạ cánh tại Sân bay Nội Bài lúc 16h27 ngày 24/11, hai ekip gồm 4 bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã nhanh chóng vận chuyển mô tạng, tiếp tục hành trình mang sứ mệnh “hồi sinh”.
Ê-kíp của Bệnh viện Trung ương Huế sẵn sàng để vận chuyển những tạng hiến khác ra sân bay về bệnh viện.
Ê-kíp của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và Bệnh viện Việt Đức phối hợp tách đôi lá gan của người hiến cho hai bệnh nhân. Việc chia gan để ghép có nhiều ý nghĩa, trong đó quan trọng nhất là tận dụng tối đa được nguồn tạng hiến, cứu sống được nhiều người bệnh hơn.

Phần gan còn lại được ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Người nhận tạng là bệnh nhi 3 tuổi bị xơ gan giai đoạn cuối, đang chờ được ghép gan.
Hai quả thận được ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Thống Nhất. Đây là ca ghép thận thứ 19 của đơn vị này và là trường hợp ghép thận đầu tiên trên người bệnh chết não. Giác mạc của nam thanh niên được ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế.

GS.TS.BS Đỗ Kim Quế – Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất - Chi hội trưởng Chi hội Vận động Hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Thống Nhất chia sẻ, sau đúng 3 tuần được ra mắt vào ngày 2/11/2024, Chi hội Vận động Hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Thống Nhất đã vận động một gia đình đồng ý hiến mô và bộ phận cơ thể để cứu sống nhiều người bệnh
“Một ngọn nến đã tắt đi nhưng rất nhiều ngọn nến khác đã được thắp lên, đây là nghĩa cử hết sức tốt đẹp” - PGS.TS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất chia sẻ trong buổi họp báo chiều 26/11/2024.

>>> Ca lấy - ghép tạng từ người cho chết não đầu tiên tại Bệnh viện Thống Nhất

>>> Tạng hiến từ chàng trai 18 tuổi chết não đã được ghép cho 7 bệnh nhân khắp Bắc - Trung - Nam

>>> PHÓNG SỰ ĐẶC BIỆT: Tuổi 18 dừng lại, 7 cuộc đời được tái sinh...

Sáng 19/5/2024, tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ phát động phong trào "Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người - Cho đi là còn mãi"; cùng các đại biểu đăng ký hiến mô tạng.

Thủ tướng Chính phủ đã đăng ký hiến tạng và kêu gọi mọi người dân Việt Nam trưởng thành, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, lứa tuổi, vùng miền hãy tình nguyện đăng ký hiến tạng trên tinh thần "Mở lòng nhân ái - Lan tỏa yêu thương - Thắp sáng niềm tin - Tiếp nối hy vọng - Gieo mầm sự sống" vì "cho đi là còn mãi", một người có thể cứu nhiều người.

TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội vận động hiến tặng mô tạng, bộ phận cơ thể người Việt Nam trao thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng cho Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Trong những năm qua, tại Việt Nam đã có những tiến bộ để tăng nguồn hiến mô tạng từ người chết não. Tỷ lệ người chết não hiến mô tạng năm 2023 tăng 15% so với năm 2022. Trong 4 tháng đầu năm 2024, số người chết não hiến mô tạng tăng gấp đôi so với năm 2023.

Trước đây, chỉ có 5 bệnh viện Trung ương (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân Y 103, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy) thực hiện được kỹ thuật ghép tạng, thì đến nay Bộ Y tế đã cấp phép cho 29 bệnh viện thực hiện kỹ thuật này.

Theo Hội Vận động hiến tặng mô tạng Việt Nam, tính tới thời điểm hiện tại Việt Nam đang đứng đầu các nước Đông Nam Á về ghép tạng với hơn 1.000 ca mỗi năm. Điều đặc biệt là chúng ta đã làm chủ hầu hết các kỹ thuật ghép tạng.

Tính từ ca ghép thận đầu tiên năm 1992 đến tháng 8/2024, cả nước ghi nhận có 9.089 ca ghép tạng được thực hiện; trong đó ghép thận 8.331 ca, ghép gan 649 ca, ghép tim 90 ca, ghép phổi 11 ca, ghép tụy 1 ca, còn lại là các ca ghép ruột, ghép đa tạng khác.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X