Hotline 24/7
08983-08983

Tạng hiến từ chàng trai 18 tuổi chết não đã được ghép cho 7 bệnh nhân khắp Bắc - Trung - Nam

Sau khi biết nam bệnh nhân không thể qua khỏi, được nghe các bác sĩ trao đổi về việc hiến tạng, người nhà rất cởi mở với việc này. Dù rất đau lòng nhưng bà nội của anh nói rằng: “Nếu không cứu được cháu thì cứu những người khác”.

Ngày 26/11/2024, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) cho biết đã phối hợp với các đơn vị khác tổ chức lấy, vận chuyển 7 đơn vị tạng từ một chàng trai chết não và ghép thành công cho những người nhận. Sức khỏe các bệnh nhân được ghép tạng cũng đang phục hồi tốt.

Bệnh nhân nam 18 tuổi nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất ngày 17/11/2024, trong tình trạng chấn thương sọ não rất nặng, dập não, tụ máu màng cứng, hôn mê sâu. Các bác sĩ nhanh chóng hồi sức và đặt nội khí quản, đồng thời mời hội chẩn khoa phẫu thuật gây mê hồi sức và ngoại thần kinh phẫu thuật cứu bệnh nhân.

Tuy nhiên do tình trạng quá nặng, mặc dù được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa, bệnh nhân dần rơi vào tình trạng chết não tiềm năng.

Chi hội Vận động Hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Thống Nhất đã tiếp xúc và giải thích với cha mẹ, ông bà nội của bệnh nhân. Sau đó, gia đình có nghĩa cử rất cao đẹp đó là đồng ý hiến tặng các tạng khi bệnh nhân chết não.

Đến ngày 24/11, khi có kết luận của hội đồng đánh giá tình trạng chết não, Bệnh viện Thống Nhất đã chủ trì hội chẩn chuyên môn cùng các chuyên gia đến từ Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Chợ Rẫy....

Sau 3 lần đánh giá chết não, mỗi lần cách nhau 6 tiếng, nam bệnh nhân 18 tuổi được đưa vào phòng mổ, chuẩn bị cho công tác lấy tạng

Các chuyên gia đã thống nhất và quyết định phẫu thuật lấy tạng vào lúc 10h25 cùng ngày. Ca phẫu thuật thành công, 7 đơn vị tạng được vận chuyển nhanh chóng đến các bệnh viện để ghép cho người nhận.

Cụ thể, 7 đơn vị tạng bao gồm: 2 quả thận ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Thống Nhất, 1 quả tim và 1 phần gan ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức, 1 phần gan được ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, 2 giác mạc được ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Việc chia gan để ghép có nhiều ý nghĩa, trong đó quan trọng nhất là tiết kiệm được nguồn tạng hiến, cứu sống đc nhiều người bệnh hơn

TS.BS Trần Công Duy Long - Khoa Ngoại Gan Mật Tụy - Ghép gan, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, sau khi nhận được thông báo có người hiến tạng, bệnh viện đã kiểm tra danh sách bệnh nhân chờ ghép tạng, đánh giá bệnh nhân nào phù hợp nhất.

“Suốt đêm thứ 7, chúng tôi hầu như không ngủ được, trao đổi tin nhắn liên tục để tìm bệnh nhân phù hợp. Qua kiểm tra, bệnh viện có một bệnh nhân là cháu bé 3 tuổi đang bị xơ gan giai đoạn cuối và ở phía Bắc có bệnh nhân bị ung thư gan cũng đang được chờ ghép - TS.BS Trần Công Duy Long kể lại.

TS.BS Trần Công Duy Long - Khoa Ngoại Gan Mật Tụy - Ghép gan, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Ê-kíp của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và Bệnh viện Việt Đức phối hợp tách đôi lá gan của người hiến cho hai bệnh nhân trên. Sau khi ghép gan, cả hai bệnh nhân đã phục hồi tốt. Riêng bệnh nhi tại Bệnh viện Đại học Y Dược, đến sáng hôm sau đã tự thở và nói được những câu đầu tiên.

TS.BS Ninh Việt Khải - Phó Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông tin, sau ghép tạng, chức năng gan của bệnh nhân tốt, được rút ống thở.

Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế, tình hình bệnh nhân được ghép giác mạc cũng ổn định, đang được theo dõi sát sao.

ThS.BS Phạm Thị Đào - Phụ trách Phòng Tư vấn, Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia chia sẻ: “Trong 14 năm đi vận động, tôi luôn đau đáu trước câu hỏi vì sao số lượng hiến xác tại khu vực miền Nam rất nhiều nhưng số lượng hiến mô tạng từ bệnh nhân chết não lại ít.

Khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Thống Nhất, tôi đã có mặt tại bệnh viện và tiếp cận với gia đình bệnh nhân chết não. Nghe trao đổi, người nhà rất cởi mở với việc này. Dù rất đau lòng nhưng người bà nói rằng, nếu không cứu được cháu thì cứu những người khác. Điều đó khiến tôi rất xúc động”.

PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế – Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất - Chi hội trưởng Chi hội Vận động Hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Thống Nhất

PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế – Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất - Chi hội trưởng Chi hội Vận động Hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Thống Nhất nhấn mạnh: “Tại miền Nam, tỷ lệ hiến tạng, mô, bộ phận cơ thể từ người cho chết não còn rất hạn chế. Tuy nhiên, trong năm qua, tỷ lệ hiến từ người cho chết não đã tăng lên.

Sau đúng 3 tuần kể từ khi Chi hội Vận động Hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Thống Nhất được ra mắt vào ngày 2/11/2024, đến ngày 23, chúng tôi vận động một gia đình đồng ý hiến mô và bộ phận cơ thể để cứu sống nhiều người bệnh”.

>>> Ra mắt Chi hội Vận động Hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Thống Nhất

Để bày tỏ lòng biết ơn và trân trọng nghĩa cử cao đẹp của nam bệnh nhân 18 tuổi và gia đình, Ban giám đốc Bệnh viện Thống Nhất đã phân công các bộ phận tổ chức hậu sự chu đáo, sau đó đưa em về an táng tại quê nhà.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X