Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhân nghiện rượu có thể dùng dao rạch lên cơ thể do chứng loạn thần gây ảo giác

BS.CK2 Tô Xuân Lân - Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 chia sẻ, nghiện rượu có thể gây thoái hoá nhân cách, rối loạn tâm thần, các trường hợp tử vong đáng lẽ không xảy ra. Bệnh nhân nghiện rượu trên 10 năm có thể gặp chứng loạn thần, gây ra hoang tưởng, ảo giác, tự dùng dao rạch lên cơ thể do cảm giác có sâu bọ, giòi bò trên da thịt.

Tác hại bệnh lý do rượu chỉ đứng sau tim mạch và ung thư

Trong phiên “Đột quỵ người trẻ - Sa sút trí tuệ” - Hội nghị Khoa học Thần kinh Quốc tế Việt - Mỹ 2024, BS.CK2 Tô Xuân Lân - Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 đã mang đến một vấn đề đáng được chú ý - “Các rối loạn tâm thần do rượu”.

Định nghĩa về rượu được chuyên gia chia sẻ, rượu là một thuốc tác dụng rất mạnh, nước uống có rượu chứa trong đó tỷ lệ phần trăm nhất định Ethanol. Tỷ lệ rượu càng cao biểu thị bằng độ của nước uống có rượu càng lớn, tác hại đến sức khỏe của người uống càng nhanh.

Bên cạnh đó, rượu có thể gây nhiễm độc cấp (gây nên say rượu thông thường hoặc say rượu bệnh lý) hoặc nhiễm độc mãn tính gây hại cho nhiều cơ quan phủ tạng ảnh hưởng đến sức khỏe, cả cơ thể lẫn tâm thần. Nếu lạm dụng rượu có thể gây ra các tác hại là say rượu bệnh lý như loạn thần (uống một lúc với lượng lớn, uống ít nhưng kéo dài nhiều ngày hoặc uống nhậu nhiều lần trong ngày, trong tuần, hoặc uống rượu cùng với các chất ma túy khác).

Ngoài ra, rượu còn là nguyên nhân của nhiều trường hợp tử vong đáng lẽ không xảy ra nhưng vì thói quen giao tiếp hàng ngày mà nhiều người coi rượu như một thức uống thông thường và sử dụng không kiểm soát, từ đó ngày càng lạm dụng.

BS.CK2 Tô Xuân Lân - Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã coi chương trình chống rượu là một nội dung trong chương trình chống nghiện các chất độc. Đồng thời, WHO đã xếp tác hại bệnh lý của rượu chỉ đứng sau bệnh tim mạch và ung thư.

Một số quốc gia đã ban hành luật, quy định rất chặt chẽ về những người có quyền sản xuất; người được phép mua bán; những địa điểm mua, uống, bán rượu cho trẻ dưới 18 tuổi được coi là phạm pháp. Còn ở Việt Nam đang mua bán rượu một cách tùy tiện cho bất kỳ nhóm người nào đến mua.

Theo thống kê, tại Úc có tới 90% người lớn đã uống rượu trong một dịp nào đó, 75% nam giới và 50% nữ giới được coi là hiện đang uống rượu, 30-35% học sinh trung học đã uống rượu thường lệ hoặc ít nhất hàng tuần, và có trên 5% người lớn đã nghiện rượu. Số liệu ghi nhận tại Pháp có 4% người đã uống rượu còn Ấn Độ tỷ lệ này chỉ có 3%...

Số giường bệnh của nhiều bệnh viện tâm thần tại các nước phát triển đã dành thêm 30% giường nội trú cho bệnh lý do rượu (ngoài các bệnh lý tâm thần thường nhật khác).

Bác sĩ cho biết, ngoài các ảnh hưởng tới cơ thể, nghiện rượu có thể gây ra các rối loạn tâm thần do rượu như:

Say rượu thông thường, người uống quá chén, nói không tự chủ, trong cơn say đã có các biểu hiện rối loạn tâm thần.

Say rượu bệnh lý, so với say rượu thông thường phải uống một lượng rượu lớn mới dẫn đến say, còn say rượu bệnh lý chỉ cần uống lượng nhỏ đã dẫn đến say trên nền tảng nghiện rượu lâu năm, gan bị tổn thương không thể chuyển hóa rượu.

Ngoài các hiện tượng say, người rối loạn tâm thần do rượu còn gặp các vấn đề: nghiện rượu mạn tính, sảng rượu, loạn thần do rượu ảo giác chiếm ưu thế, loạn thần do rượu hoang tưởng chiếm ưu thế, Wernicke-Corsacop do rượu, sa sút do rượu, xung động uống rượu.

Tuy nhiên, uống rượu vô tình hay để tuân thủ tập tục gây hại cho sức khỏe của bản thân đã được coi là lạm dụng rượu. Điều này dẫn đến các tác hại tức thì như mất khả năng kiềm chế và giữ gìn ý tứ; giảm hoặc mất khả năng điều phối hoạt động (chậm chạp phản ứng, loạng choạng, đờ đẫn); nôn mửa, đau bụng; giảm khả năng nhận thức; suy yếu các chức năng…

Về lâu dài, lạm dụng rượu có thể giảm hoặc mất sự thèm ăn uống các loại nước và thực phẩm khác, từ đó thiếu sinh tố do không hấp thụ được. Đặc biệt, bệnh nhân không hấp thụ được các sinh tố nhóm B (B1, B6, B2, PP, B15, B12…) dẫn đến viêm đa dây thần kinh, hay uể oải, mệt mỏi, thiếu sinh lực. Bên cạnh đó còn gây viêm, loét niêm mạc dạ dày; thoái hóa gan; các bệnh tim mạch…

Về mặt tâm thần, lạm dụng rượu về lâu dài gây thoái hóa, suy đồi tính cách; rối loạn nội tiết; đặc biệt ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của thai nhi (khi mẹ thụ thai, mang thai mà uống rượu)…

Tác hại của rượu sẽ tùy thuộc vào nồng độ của rượu trong máu. Hiện tại, có thể dùng thử nghiệm Breathalyzers phân tích hơi thở để đo lượng rượu trong máu. Đơn vị đo nồng độ rượu trong máu được tính bằng BAL (Breathalyzers Alcohol Level).

Theo đó, khi nồng độ rượu trong máu > 0,05% BAL tương ứng khoảng 0,2-0,3g/lít, người uống sẽ lâm vào trạng thái thoát ức chế biểu hiện, khoái cảm, nói nhiều, sàm sỡ, khóc/ cười thiếu kiềm chế.

Nồng độ rượu từ 0,05-0,08 BAL, tương ứng 0,4-0,7g/lít sẽ gây cho người uống rối loạn vận động, đi đứng loạng choạng, rối loạn sự xét đoán (giai đoạn báo động).

Nồng độ rượu trong máu từ 0,08-0,15% BAL, tương ứng 0,8-1g/lít, gây ra tình trạng nói chậm, đứng không vững, mắt mờ, buồn nôn, buồn ngủ, không đi lại được một mình (tình trạng nguy hiểm).

Nồng độ rượu trong máu 0,2-0,4% BAL, tương ứng 1-2g/lít, người uống rơi vào tình trạng say mèm, tiêu/ tiểu ra quần, mê man, rối loạn nhịp thở (giai đoạn say tê mê).

Nồng độ rượu trong máu 0,45-0,6% BAL (2-3g/lít), người uống sẽ trong tình trạng xanh tái hôn mê, có thể tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.

Về chẩn đoán nghiện rượu, bác sĩ Xuân Lân lưu ý, cần hiểu rằng từ lúc bắt đầu uống rượu đến nghiện rượu (bệnh lý rượu) thời gian dài ngắn khác nhau tùy từng cá thể, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lượng rượu uống vào nhiều hay ít; loại rượu có độ mạnh hay nhẹ; nhịp độ uống; sức khoẻ của người uống rượu: tầm vóc, cân nặng, giới tính, tuổi tác, trong đó phụ nữ và trẻ em sẽ chịu tác hại của rượu nhanh hơn và rõ hơn nam giới và người lớn; thức ăn dùng khi uống rượu; trạng thái tâm sinh lý khi uống.

Hiện tại, việc chẩn đoán nghiện rượu đang áp dụng tiêu chuẩn ICD.10. Đây là tiêu chuẩn không chỉ áp dụng riêng cho nghiện rượu, tất cả các loại nghiện khác như nghiện sex, nghiện game, nghiện ma túy… đều được chẩn đoán theo tiêu chuẩn này. Theo đó, một người được cho là nghiện rượu khi có 3/6 tiêu chuẩn sau:

  1. Thèm uống mạnh mẽ hoặc cảm thấy buộc phải uống rượu.
  2. Khó khăn kiểm tra về thời gian bắt đầu uống và kết thúc uống, mức độ uống hàng ngày.
  3. Khi ngừng uống rượu thì xuất hiện trạng thái cai, cụ thể là lo âu, vã mồ hôi, nôn mửa, co rút, trầm cảm, đau mỏi, rối loạn nhịp tim, cáu bẳn, thô bạo…, bệnh nhân có ý định uống rượu trở lại để né tránh hoặc giảm nhẹ hội chứng cai.
  4. Có bằng chứng về số lượng rượu uống ngày càng gia tăng (khả năng dung nạp).
  5. Sao nhãng những thú vui trước đây, dành nhiều thời gian để tìm kiếm rượu, uống rượu.
  6. Vẫn tiếp tục uống mặc dù đã hiểu rõ tác hại của rượu gây ra về cả cơ thể và tâm thần.

Việc dùng rượu lâu ngày sẽ dẫn đến nghiện rượu mạn tính, từ đó phải thường xuyên đi tìm rượu và uống rượu. Tuy nhiên không phải mọi trường hợp uống rượu thường xuyên đều có thể coi là nghiện rượu mạn tính.

Nhận biết, hậu quả và điều trị vấn đề do nghiện rượu gây ra

Các triệu chứng cơ bản đặc trưng cho nhóm bệnh này là hội chứng nghiện, hội chứng cai rượu, sự thay đổi khả năng dung nạp rượu, rối loạn tâm thần, biến đổi nhân cách.

Về hội chứng cai, đây là biểu hiện chủ yếu của hội chứng nghiện rượu, xuất hiện khi bệnh nhân đột nhiên ngừng uống rượu (thiếu rượu), có thể dẫn đến khí sắc trầm, bồn chồn, bứt rứt khó chịu, đứng ngồi không yên, lo âu, sợ hãi một cách mơ hồ, các ý tưởng liên hệ thô sơ. Bên cạnh đó có thể gây rối loạn giấc ngủ như giấc ngủ nông, dễ giật mình, dễ thức giấc hoặc gặp ác mộng hãi hùng, thậm chí mất ngủ hoàn toàn; bệnh nhân có triệu chứng run, rối loạn thần kinh thực vật…

Trong hội chứng cai rượu nặng, bệnh nhân có thể xuất hiện các cơn co giật giống động kinh, ảo giác về thị giác, thính giác xuất hiện thường xuyên và năng hơn vào buổi chiều và đêm.

Đặc trưng hội chứng cai là những biểu hiện trên sẽ dịu đi hoặc biến mất khi uống lại rượu, từ đó các biểu hiện ngày càng tăng dần, khiến người nghiện sau vài giờ phải uống một lượng rượu nhỏ để  làm dịu đi các triệu chứng trên. Hội chứng này sẽ kéo dài từ vài giờ đến 3-4 tuần tùy mức độ nghiện rượu.

Đồng thời với sự phát triển của hội chứng cai, ngưỡng dung nạp rượu của người bệnh cũng thay đổi. Nghiện rượu giai đoạn đầu phát triển, người bệnh uống lượng tăng dần nhưng càng về sau lượng rượu ngày một kém dần, đôi khi chỉ cần một lượng nhỏ đã khiến người uống say.

BS.CK2 Tô Xuân Lân cho biết, rối loạn tâm thần là đặc trưng của nghiện rượu mạn tính, đặc biệt là thay đổi cảm xúc, giai đoạn đầu sẽ xuất hiện tình trạng rối loạn khí sắc, khoái cảm chiếm ưu thế, khoan khoái dễ chịu, nói năng luyên thuyên, khoác lác, hay đùa cợt… sau đó chuyển sang quấy rầy, công kích, đánh nhau, độc ác vì lý do đơn giản. Nặng hơn là xuất hiện ảo giác, lo lắng, mơ hồ, hoang tưởng, chủ yếu về thị giác sẽ nhìn thấy rắn rết, sâu bọ, hổ báo… Trường hợp này bệnh nhân rất dễ tấn công những người xung quanh.

Bên cạnh đó, khả năng sáng tạo của bệnh nhân cũng bị thay đổi, sáng kiến đều giảm, tư duy trở nên thủ cựu (cổ hủ), người bệnh đi dần vào tình trạng sa sút tâm thần.

Uống rượu lâu ngày dẫn đến biến đổi nhân cách. Trong đó, đối với gia đình, người bệnh ngày càng trở nên ích kỷ, mất đi thích thú cũ, lãnh đạm hoàn toàn với người thân, đòi hỏi có tính chất vị kỷ, thô bạo đặc biệt đối với người thân, giảm sút tình cảm đạo đức, không quan tâm gia đình.

Họ có thể tiêu xài tất cả tiền kiếm được vào rượu. Tuy nhiên, những việc do người nghiện rượu làm ra họ không cảm thấy xấu hổ, không ân hận, thậm chí hậu quả nặng nề là ăn cắp tiền hoặc bán vật dụng trong nhà để đi mua rượu, tan vỡ hạnh phúc gia đình.

Đối với công việc, bỏ bê công việc thường xuyên, năng suất công tác giảm sút làm cho bệnh nhân sớm bị buộc thôi việc. Công việc thường bị gián đoạn, tiền lương kiếm được ngày càng giảm sút mặc dù bệnh nhân rất muốn kiếm ra nhiều tiền để uống rượu.

Đối với xã hội, địa vị xã hội của người bệnh dần bị hạ thấp, mối quan hệ xã hội bị thu hẹp dần, người bệnh mất dần mối quan hệ bạn bè thân thích… Phẩm chất xã hội thoái hóa dần và thường vi phạm pháp luật.

Về chẩn đoán nghiện rượu mạn tính sẽ dựa trên các biểu hiện thường xuyên thèm muốn uống rượu, hội chứng cai rượu, sự thay đổi về khả năng dung nạp rượu, sự biến đổi nhân cách và sa sút tâm thần.

Các phương pháp điều trị được vị chuyên gia đề cập. Trong đó, có thể điều trị nghiện rượu bằng thuốc trong giai đoạn mới nhập viện nhằm mục đích chữa các triệu chứng loạn thần. Hiện tại có một số loại thuốc điều trị dành cho bệnh nhân nghiện rượu có các hoang tưởng, ảo giác ; thuốc cho người bệnh khó ngủ, bồn chồn, lo lắng; thuốc cho người bệnh buồn rầu, lo lắng, trống trải; hay dùng các vitamin nhóm B liều cao (B1, B6, B12) để bổ sung cho bệnh nhân nghiện rượu, lưu ý phải sử dụng đường tiêm, vì bệnh nhân không hấp thu được qua đường uống.

Tuy nhiên, hiện có một số thuốc gây ra phản xạ ghét/ sợ rượu, khi bệnh nhân sử dụng thuốc sẽ có cảm giác khó chịu, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt…

Bên cạnh đó, cần sử dụng các liệu pháp tâm lý để giúp bệnh nhân bỏ rượu, giải thích, kiên trì làm bệnh nhân nhận thức được để từ bỏ thói quen uống rượu… Liệu pháp nhận thức giúp bệnh nhân hiểu được tác hại của rượu, sau đó sử dụng liệu pháp tác phong để thay đổi hành vi.

Một trong các rối loạn loạn thần do rượu rất nghiêm trọng là sảng rượu, đây là trạng thái loạn thần cấp tính và trầm trọng, xuất hiện ở những người bệnh nghiện rượu nặng mạn tính ít nhất 5 năm trở lên. Khi cơ thể suy yếu mệt mỏi rất dễ bị sảng rượu.

Vấn đề sảng rượu thường khởi đầu sau khi cai rượu tương đối hoặc tuyệt đối. Trong một số trường hợp sảng sẽ xuất hiện trong một giai đoạn bệnh nhân uống nhiều rượu.

Theo tiêu chuẩn ICD.10, sảng rượu được chia làm 2 mã: Một là nhiễm độc rượu cấp khi sử dụng rượu lượng lớn gây ngộ độc cấp, gây sảng (F10.03); hai là giảm rượu đột ngột dẫn đến hội chứng cai và có thể gây mê sảng (F.10.4). Vấn đề sản rượu thường gặp ở nhóm người trên 30, nam giới có tỷ lệ cao hơn nữ (4/1). Đặc biệt, sảng rượu chiếm 1/2-3/4 loạn thần do rượu ở những người nghiện rượu không dưới 5 năm.

Về đặc điểm lâm sàng của sảng rượu, tình trạng này khởi phát cấp tính hoặc từ từ, kéo dài vài ngày hoặc hàng tuần/ hàng tháng. Các biểu hiện chủ yếu là mệt mỏi, chán ăn, rối loạn giấc ngủ, ác môn, cơn hoảng sợ, kích động, rối loạn thần kinh thực vật…

Giai đoạn toàn phát của sảng rượu có tam chứng cổ điển bao gồm 3 triệu chứng chính: ý thức mù mờ, lú lẫn; các ảo tưởng và ảo giác sinh động; triệu chứng run nặng. Ngoài ra bệnh nhân thường xuất hiện hoang tưởng, kích động, mất ngủ hoặc đảo lộn nhịp thức ngủ và hoạt động thần kinh thực vật tăng mạnh.

Chẩn đoán xác định sảng rượu có thể dựa vào các biểu hiện rối loạn ý thức, rối loạn nhận thức, các rối loạn này thường xuất hiện cấp diễn trong vài giờ đến vài ngày và tiến triển có khuynh hướng dao động trong ngày bao gồm: tam chứng kinh điển, hoang tưởng, kích động, rối loạn giấc ngủ, rối loạn thần kinh thực vật, có bằng chứng nhiễm độc rượu…

Chẩn đoán phân biệt không có nhiều dấu hiệu, chỉ dựa trên tình trạng mất trí nhớ, tâm thần phân liệt, mê sảng.

Về nguyên tắc điều trị sảng rượu, đầu tiên phải điều trị loạn thần nhằm làm mất trạng thái loạn thần, sử dụng các thuốc chống loạn thần và thuốc giải lo âu, sử dụng vitamin B1 liều cao, đặc biệt cần hồi phục nước điện giải hợp lý, nếu không bệnh nhân có thể tử vong do rối loạn nước điện giải, rối loạn sinh tồn. Đến giai đoạn sau loạn thần, chủ yếu sẽ điều trị liệu pháp tâm lý để bệnh nhân không quay lại uống rượu.

Bệnh nhân loạn thần do rượu tự dùng dao rạch da do ảo giác

Bên cạnh các vấn đề trên, vị chuyên gia cũng nêu bật vấn đề loạn thần do rượu. Ông cho biết, loạn thần đã bao gồm cả sảng rượu, tuy nhiên vấn đề bác sĩ muốn đề cập là loạn thần có hoang tưởng, ảo giác chiếm ưu thế.

Các đặc điểm lâm sàng của loạn thần do rượu, vị chuyên gia nhấn mạnh đây không phải hội chứng cai, khi bệnh nhân sử dụng lượng rượu lớn và lâu ngày có thể gây ra loạn thần. Vấn đề này chỉ xuất hiện khi bệnh nhân sử dụng rượu >10 năm mới bắt đầu xuất hiện loạn thần, sau đó mỗi lần dùng rượu bất kể liều lượng nhiều hoặc ít đều có thể gây ra ảo giác.

Về đặc điểm lâm sàng, loạn thần do rượu có thể gây ra 2 vấn đề quan trọng là ảo giác và hoang tưởng.

Thứ nhất là ảo giác, bệnh nhân có nhiều ảo giác khác nhau như ảo thanh, nghe được các âm thanh không có thật; ảo thị thấy hình ảnh, màu sắc không có thật; ảo khứu, ngửi thấy các mùi hương không có thật.

Đặc biệt, đối với vấn đề ảo giác, bệnh nhân xuất hiện ảo giác xúc giác, cảm giác có sâu bọ, giòi bò trên da thịt của bệnh nhân, thậm chí nhiều trường hợp có cảm giác giòi bò dưới da khiến họ thấy khó chịu, thực tế đã có nhiều trường hợp dùng dao rạch hết da thịt toàn thân. Tuy nhiên, lúc này bệnh nhân không còn thấy đau, vì cảm giác khó chịu đã lấn át tất cả nhưng kết quả đó chỉ là bệnh nhân bị ảo giác.

Thứ hai là hoang tưởng, đặc trưng của hoang tưởng do rượu là hoang tưởng ghen tuông, được phát triển trên một nhân cách thoái hoá do rượu. Thời gian đầu những ý tưởng ghen tuông chỉ có trong khi say, sau đó dần trở nên bền vững và xuất hiện cả khi bệnh nhân không uống rượu.

Từ việc nghi ngờ, bệnh nhân đi đến khẳng định vợ không chung thủy. Bệnh nhân rình mò, tra khảo, bắt vợ phải nhận lỗi, bệnh nhân còn cho rằng người tình của vợ là những người quen biết.

Ngoài hai rối loạn trên, loạn thần do rượu còn có các rối loạn về cảm xúc và hành vi, nguyên nhân do hoang tưởng và ảo giác chi phối, khiến bệnh nhân sợ hãi, căng thẳng cao độ, dẫn đến các hành vi né tránh, chạy trốn hoặc tấn công người xung quanh, đặc biệt là người trong gia đình.

Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có tình trạng các bệnh cơ thể phối hợp như loét dạ dày, xơ gan, rối loạn huyết áp và thần kinh thực vật, nhiều bệnh nhân còn có biểu hiện suy kiệt do nhiễm độc rượu lâu ngày.

Để chẩn đoán xác định, các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác chiếm vị trí hàng đầu; có hội chứng nghiện rượu, hội chứng cai rượu. Có thể loại trừ loạn thần do rượu khi hoang tưởng, ảo giác xuất hiện trước khi bệnh nhân dùng rượu. Bệnh cảnh không diễn ra theo chiều hướng của sảng rượu tiến triển.

Về chẩn đoán phân biệt loạn thần do rượu có nhiều vấn đề loạn thần khác như tâm thần phân liệt, sảng rượu.

Đối với việc điều trị loạn thần do rượu với biểu hiện hoang tưởng, ảo giác chiếm ưu thế, các loại thuốc chống loạn thần sẽ được ưu tiên hàng đầu, kết hợp thuốc bình thản để giải lo âu, chống bồn chồn, các thuốc chống trầm cảm. Bên cạnh đó phải dùng liệu pháp vitamin liều cao qua đường tiêm; áp dụng liệu pháp tâm lý để cai rượu cho bệnh nhân.

Sau loạn thần, việc phục hồi chức năng tâm lý xã hội là điều quan trọng, tạo công ăn việc làm cho người bệnh để giúp bệnh nhân quên đi rượu.

Bên cạnh bài báo cáo của BS.CK2 Tô Xuân Lân, các chuyên gia còn mang đến phiên “Đột quỵ người trẻ - Sa sút trí tuệ” những vấn đề nổi bật bao gồm:

Bài báo cáo “Khảo sát các yếu tố tiên lượng hồi phục chức năng ở bệnh nhân xuất huyết não” do BS.CK2 Phạm Xuân Lãnh - Bệnh viện Chợ Rẫy trình bày
TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã “Cập nhật điều trị xuất huyết não” tại phiên báo cáo này
Chủ đề “Xuất huyết não có triệu chứng sau can thiệp lấy huyết khối cơ học ở bệnh nhân nhồi máu não tại bệnh viện Chợ Rẫy” được BS.CK2 Lê Nguyễn Nhật Tín báo cáo tại phiên

>> Các phương pháp điều trị huyết khối tĩnh mạch nội sọ và xuất huyết não

>> Những phương pháp tiếp cận và xử trí biến chứng sau điều trị viêm tủy

Hội nghị Khoa học Thần kinh quốc tế Việt Mỹ 2024 - “Cập nhật chẩn đoán và điều trị Đột quỵ - Đau - Các bệnh Thần kinh và các bệnh liên quan đến Thần kinh” do Sở Y tế Vĩnh Long phối hợp với Hội Thần kinh học Tiền Giang tổ chức.

Hội nghị diễn ra trong hai ngày 13 và 14/7/2024, tại TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long), với 1 phiên toàn thể, 14 phiên khoa học, tổng 69 bài báo cáo (14 bài báo cáo nước ngoài), cùng 1 workshop tổ chức tại 3 hội trường.

Sau hội nghị, chiều chủ nhật ngày 14/7, các chuyên gia sẽ ghé thăm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh long để khám, chẩn đoán và điều trị cho một số bệnh nhân bị đột quỵ, đau và các bệnh thần kinh khác.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X