Bệnh nhân hen suyễn thường gặp sai lầm gì khi điều trị tại nhà?
TS.BS Nguyễn Như Vinh - trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM chỉ ra các sai lầm thường gặp khi chăm sóc bệnh nhân hen suyễn tại nhà.
Để điều trị đúng mức hay chăm sóc một bệnh mạn tính đúng mức cũng gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, bệnh huyết áp, bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Một vài năm đầu, bệnh nhân tuân thủ tốt nhưng vài năm sau họ lơ là. Chúng tôi có thể nêu ra một số sai lầm mà người bệnh hay mắc.
TS.BS Nguyễn Như Vinh - trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM
1. Tự bỏ thuốc sau nhiều năm điều trị bệnh hen suyễn
Vấn đề thứ nhất là có những giai đoạn của bệnh hen có biểu hiện rất tốt: bệnh nhân không còn cảm giác khó thở mệt mỏi nữa. Nhiều người tưởng rằng bệnh đã hết rồi, người bệnh không đi tái khám và bỏ thuốc. Cho đến một ngày nọ họ vô tình hít phải một tác nhân kích thích, họ sẽ bị khó thở và đến đi cấp cứu. Đó là sai lầm của bệnh nhân mà chúng tôi thường chứng kiến ở phòng khám vì nhiều người điều trị thấy đỡ thì không uống thuốc nữa.
2. Tự giảm liều thuốc khi bệnh hen suyễn có cải thiện
Sai lầm thứ hai chính là tự giảm liều, một số người nghĩ rằng thuốc này nhiều tác dụng phụ nên họ không còn tuân thủ liều dùng của bác sĩ. Tuy nhiên bệnh nhân không dám dừng hẳn việc sử dụng thuốc vì thật sự có thuốc họ cảm thấy khỏe hơn.
Việc giảm bớt thuốc có thể khiến cho triệu chứng không được ổn định lắm. Quan trọng hơn hết, đó là mức độ viêm của đường thở (cơ chế của bệnh hen) vẫn còn. Tiến triển của bệnh sẽ ngày càng nặng, sau này chữa trị cho bệnh nhân sẽ khó vì ngay từ đầu chúng ta không khống chế bệnh tốt.
3. Tự mua thuốc điều trị hen suyễn mà không đi khám
Sai lầm thứ ba chính là một số người không đi khám bác sĩ mà tự đi mua thuốc để uống. Một số loại thuốc chỉ được sử dụng điều trị cắt cơn, nhưng bệnh nhân lại lấy thuốc đó làm cách điều trị chính. Điều đó có thể khiến họ bị lờn thuốc, thuốc sẽ không còn hiệu quả nữa.
4. Uống thuốc không chính thống
Một sai lầm bệnh nhân thường hay mắc phải là uống thuốc không chính thống, nhiều biện pháp dân gian biện pháp truyền miệng xuất hiện nhiều trên mạng, được quảng cáo giúp chữa trị bệnh hen.
Những sản phẩm này uống vào ban đầu người bệnh thấy khỏe hơn, họ ăn uống cảm thấy ngon miệng và bớt khó thở. Tuy nhiên, tác dụng phụ rất nhiều. Không ít bệnh nhân uống lá cây hoặc uống một số loại thuốc để trị hen, khi vào phòng khám chúng tôi thấy họ bị hội chứng Cushing do có chứa corticoid trong thuốc không chính thống đó. Toàn thân của họ phù lên vì cơ thể họ giữ nước do thuốc đó. Chúng để lại nhiều hậu quả như tăng đường huyết, loét bao tử hay loãng xương…
Một số người đang điều trị ổn định bỗng chuyển sang phương pháp không chính thống nhưng không hiệu quả, làm bệnh hen trở nặng hơn và khi bệnh nhân quay lại khám bác sĩ, việc khống chế bệnh hen sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
5. Xịt thuốc cắt cơn không đúng cách
Một vấn đề quan trọng chúng tôi cần nói chính là xịt thuốc không đúng.
Thuốc xịt tương đối an toàn và ít tác dụng phụ và cũng có hiệu quả rất cao nhưng đòi hỏi kỹ năng xịt thuốc khó hơn thuốc uống. Thuốc uống đa phần bệnh nhân uống đúng hết, khó có người uống sai.
Còn với thuốc xịt, nhiều người tưởng rằng mình xịt thuốc đã đúng nhưng thực ra là sai. Vì vậy, bác sĩ thường đề nghị bệnh nhân đem chai thuốc xịt theo, xịt tại phòng khám để bác sĩ coi đúng cách hay chưa.
Nếu chúng ta xịt không đúng, chúng có thể gây tác dụng phụ ở vùng họng: bị khàn tiếng, nang họng hoặc bệnh nhân tưởng đó là do bệnh khác, thậm chí tưởng thuốc dỏm.
6. Nhiều người trong nhà dùng chung bình xịt hen
Chúng ta cần ghi nhớ dụng cụ xịt là dụng cụ cá nhân, bệnh hen có tính chất gia đình nên trong nhà có thể có nhiều người mắc bệnh hen. Chúng ta dùng chung bình xịt là không tốt bởi vì khi ngậm trong miệng, miệng chúng ta có thể chứa mầm bệnh truyền từ người này sang người khác.
7. Vệ sinh bình xịt hen chưa đúng cách
Mỗi hãng cung cấp thuốc xịt hay hít sẽ có hướng dẫn cách vệ sinh dụng cụ đó. Tuy nhiên, sau khi ngậm chúng ta cần làm vệ sinh ống ngậm để đảm bảo vệ sinh.
Một số bình thuốc cho phép chúng ta lấy dụng cụ ra khỏi ống ngậm để chúng ta làm vệ sinh ống ngậm đó, ta cần làm một tuần một lần để tránh chất bẩn hay thuốc đọng lại ở trong.
Nói chung việc làm vệ sinh không có gì khó cả, chúng ta cứ làm vệ sinh bên ngoài rồi tháo một số dụng cụ ở bên trong ra để làm vệ sinh.
Đó là một số sai lầm thường hay gặp ở bệnh nhân đến khám ở bệnh viện chúng tôi.
Trọng Dy
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình