Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhân bị mỡ máu nên kiêng ăn gì và lưu ý gì?

Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng để giúp làm giảm mỡ máu và phòng ngừa các bệnh về tim mạch. Để cải thiện sự mất cân bằng giữa cholesterol tốt và xấu, người bệnh nên tránh những thực phẩm làm tăng mức cholesterol xấu, ngoài ra nên kết hợp ăn uống với những biện pháp khác phù hợp để đạt hiệu quả cao. 

I. Những thực phẩm người bệnh mỡ máu cần hạn chế sử dụng

1. Thực phẩm chứa hàm lượng cholesterol cao

Những thực phẩm chứa lượng cholesterol cao gây ảnh hướng đến tình trạng máu nhiễm mỡ, dưới đây là những thực phẩm có mức cholesterol cần hạn chế ăn:

- Thực phẩm chứa cholesterol và nhiều chất béo bão hòa như phô mai, sữa chua, kem, bơ thực vật, mỡ lợn; các sản phẩm thịt chế biến như xúc xích.

- Một số thực phẩm ít chất béo bão hòa nhưng lại nhiều cholesterol như trứng, gan, pate gan, nội tạng và một số động vật có vỏ.

- Hạn chế sử dụng những thực phẩm có lượng cholesterol cao như thịt bò nướng, sườn lợn, thịt bò xay,…Thay vào đó nên bổ sung nguồn protein động vật ít chất béo như thịt gia cầm bỏ da.

- Bệnh nhân bị máu nhiễm mỡ cũng cần lưu ý cắt giảm những thực phẩm như nội tạng động vật (gan, thận, tim, lòng), tôm, cua, mực, bạch tuộc,…

2. Chất béo no

Chất béo no có nhiều trong các thành phần mỡ động vật, chúng có tác dụng không tốt đối với chuyển hóa mỡ, ảnh hưởng đến tình trạng của gan. Một chế độ ăn với nguồn năng lượng cao và nhiều mỡ động vật làm tăng lượng cholesterol trong máu. 

Vì vậy, khi cần thêm chất béo để nấu ăn, hãy sử dụng các loại dầu thực vật tốt cho sức khỏe để chế biến như dầu ô liu, dầu đậu nành,... để làm giảm cholesterol thay vì chất béo rắn như bơ, bơ thực vật, mỡ lợn hoặc nội tạng động vật nói riêng, các loại thực phẩm chứa nhiều axit béo no nói chung.

Một số thực phẩm chứa nhiều chất béo no mà bạn nên tránh xa như: Đồ ăn nhanh, khoai tây chiên hoặc sấy, các món tráng miệng có đường,…

3. Đồ uống có cồn

Khi bạn dùng rượu bia, những thức uống này sẽ bị phân hủy và xây dựng lại thành chất béo trung tính, cholesterol trong gan. Nếu mức chất béo trung tính quá cao thì sẽ tích tụ trong gan, gây ra bệnh gan nhiễm mỡ. Gan không thể hoạt động tốt như bình thường và không thể loại bỏ cholesterol khỏi máu, do đó mức cholesterol tăng lên. Không những vậy, việc lạm dụng rượu, bia còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh cơ tim, gây rối loạn nhịp tim.

4. Đường

Đường và bất kỳ thực phẩm nào có thêm đường đều có thể làm tăng chất béo trung tính và cholesterol LDL. Đặc biệt cần tránh các sản phẩm có hàm lượng fructose cao.

Thực phẩm thường có thêm đường mà người bị máu nhiễm mỡ không nên dùng như: Nước ngọt, bánh ngọt, món tráng miệng, đồ ăn nhanh, nước xốt,…

5. Thuốc lá

Thuốc lá không chỉ gây hại cho phổi, mà còn tác động đáng kể đến sức khỏe tim mạch. Hút thuốc có thể làm tăng LDL, hay cholesterol “xấu” trong máu và làm giảm HDL, hay cholesterol “tốt”. Mức cholesterol xấu cao trong máu dẫn đến sự tích tụ mảng bám trong động mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đau tim và đột quỵ.

Hút thuốc và cholesterol cao là sự kết hợp đặc biệt nguy hiểm cho tim. Do đó, bỏ hút thuốc có thể làm giảm mức cholesterol và cải thiện sức khỏe tổng thể.

6. Thịt chế biến sẵn

Những thực phẩm này làm tăng mức cholesterol LDL và chất béo trung tính. Do chứa một lượng lớn muối và chất bảo quản, vì vậy thịt chế biến sẵn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Một số loại thịt chế biến sẵn, như là: Giăm bông nguội, xúc xích, lạp xưởng, thịt xông khói,…

7. Thức ăn quá mặn

Sử dụng những thức ăn quá mặn với lượng muối ăn cao sẽ gây tăng huyết áp và xơ cứng mạch máu, động mạch. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim và khả năng tử vong sớm cao hơn. Do đó, bạn nên cân nhắc về lượng muối trong khi chế biến món ăn hằng ngày. Đồng thời, tránh xa những thực phẩm có chứa nhiều muối như thực phẩm đóng hộp, thịt hun khói, những thực phẩm được ngâm muối sẵn,…

Xem thêm: 20 loại thực phẩm người bệnh mỡ máu nên sử dụng

II. Cần lưu ý gì trong sinh hoạt hằng ngày để giảm mỡ máu cao?

1. Chọn các loại thịt có ít chất béo bão hòa hơn

Nhiều loại thịt đỏ làm tăng mức cholesterol xấu LDL do chứa nhiều chất béo bão hòa. Vì vậy, người bệnh nên chọn thịt gà không da trong các bữa ăn lành mạnh của mình. Nên tránh các loại thịt đã qua chế biến để giảm nguy cơ lượng mỡ máu trong cơ thể quá cao.

Song song đó, có thể bổ sung thêm cá vào chế độ ăn uống. Cá có ít chất béo bão hòa và nhiều loại có chứa axit béo omega-3, có lợi cho sức khỏe tim mạch và giúp tăng mức cholesterol HDL tốt.

2. Chế biến thực phẩm giúp giảm cholesterol một cách tự nhiên

Cân nhắc cắt bỏ mỡ và bỏ da (trước khi nấu hoặc trước khi ăn) đối với thịt hoặc cá. Điều này giúp có được protein trong khi giảm lượng chất béo. Lựa chọn dạng nấu như luộc, nướng sẽ tốt hơn so với chiên ngập dầu hoặc tẩm bột (có thể làm tăng thêm chất béo).

3. Ăn chay

Bằng cách chọn một bữa ăn chay, người bệnh đang đạt được nhiều mục tiêu giảm cholesterol cùng một lúc, như là ăn nhiều chất béo lành mạnh hơn và nhận được nhiều chất xơ hòa tan hơn.

4. Ăn nhạt

Ăn nhạt, chỉ nên dùng ít hơn 5g muối mỗi ngày. Bên cạnh đó, cũng cần hạn chế các loại thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn,... vì chúng có chứa rất nhiều muối.

5. Cung cấp đủ nước

Để việc sử dụng thực phẩm giảm mỡ máu hiệu quả cần chú ý cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể, bao gồm cả trà xanh. Nhưng cần hạn chế hoặc tránh sử dụng thức uống có cồn như rượu, bia,...

6. Không ăn tối quá muộn

Nếu dùng thực phẩm giảm mỡ máu trong bữa tối, người bệnh nên sử dụng sớm, tránh ăn tối quá muộn để tăng hiệu quả điều trị mỡ máu.

7. Tăng cường vận động và tập thể dục vừa phải

Bằng cách giữ cho cơ thể được di chuyển nhiều, cholesterol HDL tốt sẽ được tăng lên, kiểm soát tốt mức huyết áp và nhiều lợi ích khác cho tim mạch. Lý tưởng nhất là hoạt động thể chất vừa phải mỗi tuần, từ 150 phút trở lên.

Ngoài ra, nếu cảm thấy khỏe có thể tham gia các hoạt động thể chất cường độ cao khác như bơi lội, chạy bộ hoặc yoga. Tập thể dục thường xuyên và nhất quán không chỉ giúp kiểm soát lượng cholesterol, mà còn giúp giảm huyết áp, xây dựng sức khỏe tổng thể về thể chất, tinh thần và cảm xúc.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X