Bệnh ghẻ, trị sao cho hiệu quả?
Bệnh ghẻ là bệnh ngoài da phổ biến, có thể lây từ người qua người khi tiếp xúc trực tiếp. Nếu chẳng may bị ghẻ người bệnh sẽ có cảm giác rất ngứa và phải gãi liên tục, càng ngứa càng gãi. Vậy làm sao để trị dứt điểm bệnh này?
Bệnh ghẻ là gì?
Bệnh ghẻ nước là tình trạng ngứa da do một loại ký sinh trùng ghẻ (Sarcoptes scabie hominis) gây ra.
Ký sinh trùng ghẻ Sarcoptes scabie hominis (ghẻ cái) dài 0,3 - 0,5mm có màu trắng bẩn, có 4 chân, 2 chân trước có kèm theo các ống giác để hút, hai chân sau có các sợi lông dài có thể di động.
Cái ghẻ này sẽ đào hang ở lớp sừng sau đó đẻ trứng làm cho vùng da đó ngứa dữ dội do cơ thể phản ứng dị ứng với tác nhân lạ là rệp. Tình trạng ngứa sẽ dữ dội hơn về đêm khiến bạn gãi nhiều, dẫn đến các tình trạng xấu hơn như lở loét, nhiễm trùng da. Chu kỳ hơn 20 ngày ký sinh trùng ghẻ sẽ trưởng thành, sau 3 tháng ký sinh trùng ghẻ cái có thể đẻ 150 triệu con.
Bệnh thường được ghi nhận ở những nơi có quần thể dân cư sống đông đúc, chật chội, điều kiện vệ sinh thấp kém, ăn ở không sạch sẽ... Trẻ con là đối tượng có nhiều nguy cơ bị mắc bệnh ghẻ nhất.
Bệnh ghẻ phỏng là một dạng của bệnh ghẻ, do cái ghẻ hình cầu gây ra. Bệnh gây ra một vài nốt phỏng trên da như ghẻ nước nhưng khi khỏi được mà không để lại sẹo. Chỉ có điều là có thể tái phát nhiều lần. Ghẻ phỏng hay gặp ở trẻ nhỏ, đối tượng có sức đề kháng yếu, rất dễ gây viêm cầu thận. Chính bởi vậy, hãy cẩn trọng với những triệu chứng của bệnh.
Ghẻ ruồi là những tổn thương xuất hiện rải rác trên da như nốt ruồi. Cùng là một dạng của bệnh ghẻ, ghẻ ruồi gây ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của bệnh nhân.
Nguyên nhân bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ có lây không? Đây là thắc mắc của hầu hết những người lần đầu nghe nhắc đến hoặc mắc phải căn bệnh này.
Ghẻ thường lây truyền trực tiếp do việc tiếp xúc gần gũi giữa con người với con người như những người cùng ngủ chung một giường, mặc chung quần áo, sử dụng chung đồ, tiếp xúc trực tiếp với người bị ghẻ nước… Hầu hết sự lây truyền bệnh ghẻ xảy ra mang tính chất gia đình vì nếu một thành viên trong nhà bị bệnh ghẻ thì khả năng những người khác trong gia đình sẽ bị mắc bệnh ghẻ theo.
Ngoài ra, vào mùa mưa bão, nguồn nước ô nhiễm khiến các vi khuẩn và ký sinh trùng phát triển mạnh, trong đó có ký sinh trùng Sarcoptes Scabiei. Nếu phải tiếp xúc liên tục với chúng như lội nước, đi giày ướt, lười tắm gội... mà không vệ sinh sạch sẽ thì nguy cơ bị ghẻ nước là rất cao.
Bệnh ghẻ cũng là một loại bệnh nằm trong nhóm các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Nguy hiểm ở chỗ một người có thể lây ghẻ ngứa ngay cả khi chưa phát triệu chứng (thời gian ủ bệnh) và bệnh không thể phòng tránh bằng biện pháp bảo vệ an toàn tình dục thông thường.
Thời kỳ ủ bệnh ghẻ có thể thay đổi khác nhau từ 2 đến 40 ngày, thời gian trung bình từ 10 đến 15 ngày. Lúc đầu người bệnh sẽ thấy ngứa ở các kẽ như kẽ dưới vú (ở phụ nữ), kẽ ngón tay, kẽ mông ở trẻ em, rãnh bao quy đầu (nam giới)... Tình trạng ngứa khắp người và ngứa nhiều về ban đêm.
Triệu chứng bệnh ghẻ
Khi tiếp xúc lần đầu với cái ghẻ, triệu chứng ngứa và rát xuất hiện sau 6-8 tuần, khi đã tiếp xúc trước đó với cái ghẻ, các triệu chứng xuất hiện sớm hơn, trong vòng vài ngày do có sự mẫn cảm trước đó với cái ghẻ.
Khi bị bệnh ghẻ, người ngứa rất dữ dội và tăng lên vào ban đêm. Thương tổn đỏ, bong vảy da, thỉnh thoảng có các nốt và sẩn đóng vảy, thường gặp ở các nếp kẽ, bờ bên các ngón tay, nếp gấp cổ tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, nách, bìu, dương vật, môi lớn, quầng vú ở nữ. Đỏ da rải rác ở thân mình thể hiện một phản ứng tăng nhạy cảm với kháng nguyên của KST ghẻ.
Đặc trưng của bệnh là các luống ghẻ có cấu trúc dạng sợi chỉ, mảnh, thẳng, dài 1-10 mm, hình thành do sự di chuyển của cái ghẻ trong lớp sừng. Các vị trí nhìn thấy luống ghẻ rõ nhất là các nếp gấp, cổ tay, khuỷu. Tuy nhiên khó có thể nhìn thấy chúng ở giai đoạn sớm của bệnh hoặc khi da bị trầy xước.
Ở trẻ em dưới 2 tuổi, da mặt và da đầu có thể bị bệnh, trong khi đó ở người lớn thì rất hiếm. Các sẩn cục ngứa, màu đỏ tới tím thường gặp ở vùng nách và thân mình (trẻ em), vùng bìu (người lớn), nguyên nhân cũng là do phản ứng quá mẫn đối với kháng nguyên của KST ghẻ. Các sẩn cục này vẫn tồn tại trong nhiều tuần sau khi cái ghẻ đã bị loại trừ. Mụn nước và bọng nước có thể xuất hiện, đặc biệt là ở lòng bàn tay, lòng bàn chân.
Như vậy, các thương tổn cơ bản trong bệnh ghẻ thường là:
- Mụn nước sắp xếp rải rác, riêng rẽ ở vùng da mỏng như kẽ ngón tay, đường chỉ lòng bàn tay, mặt trước cổ tay, cẳng tay, nếp vú, quanh thắt lưng, rốn, kẽ mông, mặt trong đùi và bộ phận sinh dục. Ở trẻ sơ sinh mụn nước có thể xuất hiện ở lòng bàn chân. Ở quy đầu, ghẻ có thể gây ra vết trợt được gọi là săng ghẻ, dễ nhầm với săng giang mai.
- Sẩn cục hay sẩn huyết thanh: hay gặp ở nách, bẹn, bìu.
- Đường hầm ghẻ hay còn gọi là luống ghẻ, rất đặc hiệu, nhưng không phải lúc nào cũng dễ tìm thấy. Luống ghẻ do ghẻ cái tạo thành dài, 3-5mm, bên trên mặt da là một mụn nước nhỏ, lấy kim chích dịch chay ra, để lộ màu xám hoặc đen, dùng kim khêu sẽ bắt được cái ghẻ bám trên đầu kim. Đường hầm thường tìm thấy ở kẽ ngón tay, đường chỉ lòng bàn tay, nếp gấp cổ tay và quy đầu.
- Trên da có thể có những vết xước, vảy da, đỏ da, rát thâm. Có thể có bội nhiễm, chàm hóa, mụn mủ.
- Triệu chứng cơ năng: người bệnh ngứa, khó chịu, nhất là về đêm vì cái ghẻ đào hầm vào ban đêm.
Trong ghẻ vảy, các mảng dày sừng lan tỏa ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, kèm theo là sự dày lên và loạn dưỡng của các móng, khô các vùng da còn lại. Triệu chứng ngứa rất đa dạng và thậm chí là không ngứa. Có tới hàng triệu cái ghẻ ký sinh trên da và đây là nguồn lây bệnh lớn.
Làm thế nào để chẩn đoán bệnh ghẻ ngứa?
Chẩn đoán bệnh ghẻ dựa vào tiêu chuẩn vàng là tìm thấy cái ghẻ. Các phương pháp tìm cái ghẻ thường được áp dụng trong thực hành lâm sàng là soi tìm dưới kính hiển vi, có thể thấy cái ghẻ, trứng ghẻ, chất cặn thải của cái ghẻ.
Phương pháp khác mang tính chất in vivo là sử dụng dermoscopy. Ngoài ra, có thể sử dụng phản ứng khuếch đại chuỗi polymerase trong đó DNA của KST ghẻ được tìm ra từ vảy da. Tuy nhiên, không phải lúc nào xét nghiệm cũng tìm thấy cái ghẻ và các sẩn phẩm của chúng. Vì vậy, chẩn đoán dựa vào các đặc điểm lâm sàng và tính chất dịch tễ là rất quan trọng.
Điều trị bệnh ghẻ như thế nào?
Nguyên tắc điều trị là phải phát hiện sớm, điều trị sớm khi bệnh mới phát chưa có biến chứng; điều trị cùng 1 lúc cho tất cả những người bị ghẻ trong gia đình hoặc trong tập thể; bôi thuốc đúng phương pháp (bôi một lớp mỏng từ cổ đến chân, bao vây, bôi 2-3 đêm liên tục mới tắm) và bôi vào buổi tối trước khi đi ngủ; tránh kỳ cọ, cạo gãi vì gây viêm da, nhiễm khuẩn.
Một số thuốc có thể dùng để trị ghẻ thông thường như: Dung dịch DEP (Diethyl phtalate); mỡ lưu huỳnh 10% cho trẻ em, 30% cho người lớn; lindan 1 % (Cream và dung dịch); dầu Benzyl benzoate 33%...
Đối với ghẻ viêm da, bội nhiễm, cần điều trị viêm da, bội nhiễm chàm hoá trước sau đó mới bôi các thuốc ghẻ. Thường kết hợp các thuốc uống toàn thân như: Kháng sinh, kháng histamin, vitamin B1, C. Thuốc bôi chống bội nhiễm, viêm da có thể dùng oxy kẽm, mỡ kháng sinh, dung dịch milian, tím methy l 1% …
Tuy nhiên, việc dùng thuốc như thế nào, liều lượng ra sao thì người bệnh cần phải thăm khám với bác sĩ, vì tùy theo tình trạng, cơ địa của mỗi người mà sẽ có chỉ định khác nhau. Không nên tự ý mua thuốc điều trị.
Thói quen giúp phòng bệnh ghẻ ngứa
Tắm rửa sạch sẽ bằng xà phòng, lau khô người ngay khi tắm là một trong những thói quen tốt giúp phòng ngừa bệnh ghẻ
Nên rửa tay thường xuyên. Đây là biện pháp đơn giản nhưng vô cùng hữu hiệu để ngăn ngừa các bệnh mùa nóng.
Tắm rửa sạch sẽ bằng xà phòng, lau khô người ngay khi tắm, không mặc quần áo ẩm.
Luôn giặt chăn, màn, gối, đệm mỗi tháng ít nhất một lần. Giặt xong, nên phơi ở nơi khô ráo, sạch sẽ, có nắng to để diệt bớt các loại vi khuẩn, kí sinh.
Giữ gìn vệ sinh trong ăn uống: ăn chín, uống sôi. Bổ sung vitamin C vào chế độ ăn để nâng cao sức đề kháng vào mùa nắng và có chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Phúc An (Tổng hợp)
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình