Bệnh cường giáp là gì? Ai có nguy cơ mắc bệnh cường giáp?
Bệnh cường giáp xảy ra khi tuyến giáp tạo ra nhiều hormone tuyến giáp hơn nhu cầu của cơ thể. Đây là bệnh lý rất phổ biến ở phụ nữ và người lớn tuổi. Cường giáp cũng không phải là căn bệnh nan y mà hoàn toàn có thể chữa lành được và đưa người bệnh trở lại với đời sống lao động, sinh hoạt bình thường.
1. Bệnh cường giáp là gì?
Cường giáp là tình trạng hoạt động quá mức của tuyến giáp làm gia tăng sản xuất hormone tuyến giáp T3 (liothyronin) và T4 (levothyroxin) vào máu gây ra những rối loạn chuyển hóa của cơ thể.
Bình thường tuyến giáp sản xuất hormone T3 và T4 dưới sự điều khiển của tuyến yên nằm trên não, thông qua hormone tuyến yên là TSH (Thyroid Stimulating Hormone).
Các hormone tuyến giáp có ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và chức năng của cơ thể như ảnh hưởng đến nhịp thở, nhịp tim, cân nặng, tiêu hóa và tâm trạng.
Do đó, nếu tình trạng cường giáp không được điều trị có thể gây ảnh hưởng đến tim, xương, cơ, chu kỳ kinh nguyệt và cả khả năng sinh sản. Vì vậy, bệnh cường giáp cần được phát hiện và điều trị sớm.
2. Nguyên nhân nào gây bệnh cường giáp?
Cường giáp có thể xảy ra do các nguyên nhân sau:
- Bệnh Basedow (Graves): Là tình trạng rối loạn tự miễn mà hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công tuyến giáp, khiến tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra cường giáp.
- Chửa trứng (choriocarcinoma - carcinoma đệm nuôi).
- U quái giáp buồng trứng (struma ovarii).
- Ung thư tuyến giáp.
- Adenom thùy trước tuyến yên tiết quá nhiều TSH.
Cường giáp cũng có thể xảy ra do một phần mô chủ tuyến giáp tăng sinh và trở nên cường chức năng. Nguyên nhân là do:
- Bướu tuyến giáp đơn nhân hoặc đa nhân có cường giáp.
- Viêm tuyến giáp: viêm tuyến giáp bán cấp, viêm tuyến có đau, viêm tuyến giáp thầm lặng, viêm tuyến giáp sau sinh.
- Bổ sung iod quá liều.
- Do dùng quá nhiều thuốc hormone tuyến giáp.
Xem thêm: Top 10 thắc mắc thường gặp về bệnh cường giáp
3. Ai có nguy cơ mắc bệnh cường giáp?
Một người có nguy cơ mắc bệnh cường giáp cao hơn những người khác nếu:
- Là phụ nữ.
- Trên 60 tuổi.
- Phụ nữ đã mang thai hoặc vừa sinh con trong 6 tháng.
- Đã từng phẫu thuật tuyến giáp.
- Đang bị một bệnh lý tuyến giáp, ví dụ như bướu cổ.
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp.
- Bệnh thiếu máu ác tính (tình trạng cơ thể không tạo đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh do thiếu vitamin B12).
- Bị bệnh đái tháo đường type 1 hoặc type 2.
- Suy tuyến thượng thận nguyên phát.
- Chế độ ăn có quá nhiều thực phẩm chứa nhiều iod.
- Sử dụng thuốc hoặc chất bổ sung chứa iod.
4. Triệu chứng của bệnh cường giáp là gì?
Bệnh thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, rất ít khi gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi. Các triệu chứng thường gặp của cường giáp là:
- Bướu giáp: Thường lớn lan tỏa cả 2 thùy, có khi lớn ở 1 thùy nhiều hơn thùy kia, có thể có 1 hoặc nhiều nhân.
- Rối loạn điều hòa nhiệt: Sợ nóng, da nóng ẩm và sốt nhẹ, bàn tay ẩm ướt, khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều.
- Cân nặng: Gầy sút nhanh, mặc dù vẫn ăn bình thường có khi ăn nhiều hơn, có khi tăng cân nghịch thường ở một số người trẻ.
- Biểu hiện ở cơ bắp: Teo cơ, yếu cơ, ngồi xổm tự đứng dậy không được; Có thể có giả liệt chu kỳ hai chân; Tiêu chảy nhiều lần trong ngày, không đau quặn bụng.
- Thần kinh: Bồn chồn lo lắng, tính khí thất thường, dễ cáu gắt. Rối loạn tâm thần có thể xảy ra nhưng hiếm; Run ở đầu ngón tay; Rối loạn vận mạch: đỏ mặt từng lúc, toát mồ hôi.
- Tim mạch: Tim đập nhanh, thường trên 100 lần/phút; Hồi hộp trống ngực, rối loạn nhịp tim; Suy tim.
- Ở bệnh Basedow, hơn 50% trường hợp có thêm biểu hiện lâm sàng ở mắt. Mắt có thể to ra vì mi trên nâng lên, một hoặc cả hai mắt bị lồi ra, cảm giác chói mắt, cộm hoặc đau nhức hốc mắt, phù nề, sung huyết, nhìn đôi…
Các triệu chứng trên có thể khác nhau ở mỗi người. Người lớn trên 60 tuổi khi bị cường giáp có thể có các biểu hiện khác với người trẻ, ví dụ chán ăn hoặc trở nên trầm lặng, ít giao tiếp với người khác. Vì vậy, đôi khi tình trạng này có thể nhầm lẫn với trầm cảm hoặc sa sút trí tuệ.
5. Bệnh cường giáp gây nên những biến chứng nguy hiểm nào?
Bạn cần đi khám nếu gặp các triệu chứng của cường giáp. Vì nếu cường giáp không được điều trị, có thể gây ra:
- Gầy nhanh, vã nhiều mồ hôi.
- Sốt cao, vật vã, kích động, đôi khi mệt lả.
- Tim đập rất nhanh 180 - 200 lần/phút, loạn nhịp tim, trụy tim mạch
- Nhịp tim không đều có thể dẫn đến đông máu, đột quỵ, suy tim và các vấn đề tim khác.
- Bệnh mắt Basedow (nhìn đôi, nhạy cảm với ánh sáng, đau mắt), một số trường hợp có thể dẫn đến mất thị lực.
- Loãng xương
- Các vấn đề về khả năng sinh sản ở phụ nữ
- Biến chứng thai kỳ: Sinh non, sinh con nhẹ cân, tăng huyết áp thai kỳ, sảy thai.
Vì cường giáp ảnh hưởng đến khả năng mang thai nên phụ nữ khó mang thai cũng thường được yêu cầu kiểm tra chức năng tuyến giáp.
6. Bị cường giáp khi mang thai có nguy hiểm không?
Người bị cường giáp nhẹ khi mang thai, thường không phải là vấn đề. Nhưng nếu bị cường giáp nặng khi mang thai mà không điều trị thì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Vì vậy tốt nhất là phụ nữ nên kiểm tra chức năng tuyến giáp trước khi mang thai. Nếu phụ nữ bị cường giáp thì hãy đảm bảo rằng tình trạng bệnh đã được kiểm soát tốt trước khi quyết định có thai.
Xem thêm: 11 dấu hiệu cảnh báo bệnh lý cường giáp cần đi khám ngay
7. Chẩn đoán cường giáp bằng cách nào?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán cường giáp qua tiền sử bệnh, triệu chứng, khám lâm sàng kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng.
Chẩn đoán và kiểm tra cường giáp bằng các xét nghiệm:
- Xét nghiệm máu kiểm tra hormone tuyến giáp: TSH, T3, FT3, T4, FT4.
- Xét nghiệm hấp thu iod phóng xạ.
- Xét nghiệm định lượng nồng độ các tự kháng thể.
- Một số xét nghiệm máu khác: CBC, cholesterol, glucose, calci…
- Siêu âm tuyến giáp.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).
8. Điều trị bệnh cường giáp như thế nào?
Bệnh cường giáp không tự khỏi mà cần phải điều trị. Bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng vẫn có thể tái phát và dẫn đến suy giáp do tai biến điều trị.
Mục tiêu đầu tiên khi điều trị cường giáp là đưa người bệnh về tình trạng bình giáp (cân bằng hormone tuyến giáp). Việc điều trị sẽ ngăn ngừa và điều trị các biến chứng sức khỏe lâu dài, đồng thời làm giảm các triệu chứng khó chịu.
Có các phương pháp điều trị là điều trị nội khoa, điều trị bằng iod phóng xạ và phẫu thuật tuyến giáp. Tùy vào nguyên nhân gây ra cường giáp, mức độ cường giáp và tình trạng sức khỏe của mỗi người mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
a. Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa sử dụng thuốc để điều trị như: thuốc chống lại tổng hợp hormone tuyến giáp (thuốc kháng giáp, iod và các chế phẩm chứa iod), thuốc ức chế beta giao cảm, thuốc kháng giáp tổng hợp với thyroxin, corticoid, thuốc an thần, vitamin và khoáng chất…
Trong đó, thuốc kháng giáp khiến tuyến giáp tạo ra ít hormone tuyến giáp hơn. Điều trị bằng thuốc kháng giáp có thể kéo dài 1 đến vài năm.
Thuốc chẹn beta ngăn chặn tác động của hormone tuyến giáp lên cơ thể, có tác dụng nhanh làm giảm các triệu chứng của cường giáp như run, đánh trống ngực, hồi hộp… cho đến khi các phương pháp điều trị khác phát huy tác dụng.
b. Điều trị bằng iod phóng xạ
Iod phóng xạ - một đồng vị của iod phát ra bức xạ, được sử dụng là phương pháp điều trị bệnh cường giáp trong trường hợp:
- Điều trị nội khoa không có hiệu quả.
- Người bệnh trên 40 tuổi có bướu giáp không lớn lắm.
- Tái phát sau phẫu thuật.
- Người bệnh bị suy tim nặng.
Liệu pháp iod phóng xạ là cách điều trị phổ biến và hiệu quả với bệnh cường giáp. Ở phương pháp này, iod phóng xạ từ từ phá hủy các tế bào tuyến giáp sản xuất hormone mà không gây ảnh hưởng đến các mô khác của cơ thể.
Khá nhiều trường hợp sau khi điều trị cường giáp bằng iod phóng xạ đều bị suy giáp sau đó. Tuy nhiên, thực tế thì suy giáp dễ điều trị hơn bằng cách bổ sung hormone tuyến giáp mỗi ngày và cũng ít gây ra các vấn đề sức khỏe lâu dài hơn so với cường giáp.
c. Phẫu thuật
Điều trị phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp:
- Bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa.
- Điều trị nội khoa hiệu quả kém, hay tái phát.
- Bướu giáp quá to.
- Basedow ở trẻ em.
- Phụ nữ có thai và trong thời gian cho con bú không thể dùng thuốc kháng giáp.
- Không có điều kiện điều trị nội khoa.
Thông thường, phẫu thuật tuyến giáp sẽ cắt một phần tuyến giáp. Trong một số trường hợp sẽ cần cắt gần như toàn bộ tuyến giáp. Nếu cắt toàn bộ tuyến giáp thì người bệnh sẽ phải dùng thuốc điều trị tuyến giáp trong suốt cuộc đời.
Phẫu thuật tuyến giáp có một tỷ lệ nhỏ biến chứng là: chảy máu sau mổ, gây khàn hoặc mất tiếng, cơn tetani (hạ canxi máu do suy tuyến cận giáp), cơn nhiễm độc giáp kịch phát, suy chức năng tuyến giáp, tái phát bệnh, tử vong (tỷ lệ dưới 1%).
Nhìn chung, nếu bạn bị giảm cân không rõ nguyên nhân, nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi bất thường, sưng ở cổ hoặc các triệu chứng khác của bệnh cường giáp, thì bạn nên đi khám nội tiết. Sau khi được chẩn đoán cường giáp, bạn sẽ cần tái khám thường xuyên để theo dõi và đánh giá. Ngoài ra, quan trọng là bạn không được sử dụng quá nhiều iod. Hãy trao đổi thêm với bác sĩ về chế độ ăn phù hợp cho tình trạng cường giáp của bạn.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình