11 dấu hiệu cảnh báo bệnh lý cường giáp cần đi khám ngay
Các bệnh về tuyến giáp thường ít biểu hiện rõ ràng nên có từ 20 - 60% trong tổng số người bị bệnh lý tuyến giáp không được phát hiện sớm khiến cho quá trình điều trị trở nên khó khăn hơn. Dưới đây là 11 dấu hiệu cảnh báo bệnh lý tuyến giáp, không nên bỏ qua.
I. Các dấu hiệu cảnh báo bệnh lý cường giáp
1. Thay đổi cân nặng
Trường hợp bị cường giáp, các hormone trong cơ thể sẽ sản sinh liên tục, làm người bệnh nạp nhiều năng lượng hơn so với bình thường tuy nhiên cân nặng vẫn theo chiều hướng giảm. Nếu bị suy giáp, dù có cảm giác không muốn ăn hoặc không ăn nhưng cân nặng vẫn tăng lên một cách bất thường. Chính vì vậy, nếu đột nhiên cân nặng có sự thay đổi thất thường hoặc thay đổi khẩu phần ăn thì khả năng là do các bệnh lý về tuyến giáp.
2. Mệt mỏi, trầm cảm và lo âu không lý do
Nếu luôn có cảm giác lo lắng, mệt mỏi, lo lắng, hoảng sợ và rơi vào trầm cảm mà không biết lý do hoặc đã từng điều trị những dấu hiệu này nhưng không khỏi thì nên sàng lọc bệnh lý tuyến giáp vì khả năng có thể bị rối loạn hormone tuyến giáp. Việc mắc các bệnh về tuyến giáp khiến cho hormone bị suy giảm gây ra tình trạng mệt mỏi hoặc có các triệu chứng như mất ngủ, ngủ không sâu giấc, thậm chí trầm cảm. Ngoài ra, chức năng tuyến giáp bị rối loạn sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống serotonin khiến bệnh nhân cảm thấy chán nản và mệt mỏi.
3. Huyết áp tăng
Trong hoạt động hàng ngày của tim mạch, tuyến giáp đóng vai trò quan trọng và ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy huyết áp có thể thay đổi tăng hoặc giảm tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng cường giáp hoặc suy giáp.
4. Thay đổi thói quen đại tiện
Theo các chuyên gia, hormone tuyến giáp có thể ảnh hưởng tới hầu hết hoạt động của các bộ phận bên trong cơ thể trong đó có hệ tiêu hóa. Nếu gặp phải tình trạng táo bón thường xuyên có thể đã bị suy giáp. Trường hợp thường xuyên tiêu chảy và đau bụng có thể do mắc cường giáp.
5. Lượng cholesterol trong máu thay đổi
Thông thường tỷ lệ cholesterol trong máu của những bệnh nhân mắc các bệnh lý tuyến giáp hay thay đổi thất thường. Hàm lượng cholesterol trong máu tăng hoặc giảm sẽ phụ thuộc vào các nguyên nhân gây ra tình trạng suy hoặc cường giáp tương ứng.
6. Giảm ham muốn
Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ làm mất cân bằng nội tiết tố. điều này khiến người bệnh không còn ham muốn. Bệnh lý tuyến giáp đặc biệt có tác động tới quá trình sinh tinh cũng như chu kỳ rụng trứng.
7. Kinh nguyệt không đều
Nếu kỳ kinh không đều, thường thưa hoặc ít kinh thậm chí vô kinh, bạn có thể bị cường giáp. Do nồng độ hormone bị biến đổi, ảnh hưởng đến kinh nguyệt khiến chu kỳ thay đổi.
8. Tóc xơ, da khô
Nếu quan sát thấy tóc xơ, giòn, dễ gãy hơn, đồng thời da trở nên khô, dễ bong tróc, có thể đã mắc các bệnh lý tuyến giáp do rối loạn sản xuất hormone tuyến giáp, trong đó thường là suy chức năng tuyến giáp.
9. Đau cơ khớp, yếu cơ hay bị chuột rút
Đây là một trong những triệu chứng của suy tuyến giáp. Việc thiếu hụt lượng hormone tuyến giáp sản xuất dẫn đến giảm tốc độ dẫn truyền thông tin từ thần kinh đến các cơ.
10. Thay đổi về việc nuốt hay nói
Lâu dài gây ra tình trạng khó nói hoặc khàn tiếng hay nuốt nghẹn.
11. Thay đổi hình thể của cổ
Phía cổ trước đầy hoặc to hơn bình thường.
Cường giáp là tình trạng rối loạn hormone tuyến giáp, có nhiều biểu hiện lâm sàng, gây ra các rối loạn chuyển hóa, tác động đến toàn bộ cơ thể.
Cường giáp có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì vậy khi gặp các dấu hiệu cảnh báo bệnh cường giáp, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Xem thêm: Các địa chỉ phòng khám điều trị bệnh cường giáp uy tín tại Hà Nội
II. Các biện pháp phòng tránh bệnh cường giáp
Thông thường, ở giai đoạn đầu bệnh cường giáp không gây ra các triệu chứng rõ ràng hoặc người bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vì vậy, để phòng tránh căn bệnh này, người dân cần có thói quen thăm khám và tầm soát sức khỏe thường xuyên bên cạnh đó thực hiện chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý bằng các biện pháp như:
1. Luyện tập thể dục thường xuyên
Việc tập luyện thể dục thường xuyên giúp cơ thể khỏe mạnh cũng như tăng cường hệ miễn dịch chủ động của cơ thể. Khi hệ miễn dịch hoạt động tốt, giảm nguy cơ mắc bệnh do kháng thể nhận diện và tiêu diệt nhầm tế bào tuyến giáp cũng được hạn chế.
2. Bổ sung đủ i-ốt
Việc thừa hoặc thiếu i-ốt có thể gây ra các vấn đề về bệnh lý tuyến giáp vì vậy chế độ dinh dưỡng hàng ngày cần được cung cấp đầy đủ lượng i-ốt cần thiết. Người bệnh có thể liên hệ với các bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn chi tiết về vấn đề này. Đặc biệt phụ nữ mang thai, người cao tuổi là đối tượng cần lưu ý về việc bổ sung đủ lượng i-ốt hàng ngày để tránh những vấn đề sức khỏe cho thai nhi, sản phụ cũng như người cao tuổi.
3. Dinh dưỡng hợp lý
Trong phòng ngừa và hạn chế tiến triển bệnh cường giáp, các loại thực phẩm giàu chất oxy hóa luôn là lựa chọn mà các chuyên gia khuyến cáo sử dụng. Các thực phẩm giàu oxy hóa có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm như trái cây, đặc biệt các loại quả mọng như việt quất, dâu tây…các loại ray xanh như cải xoăn, súp lơ…
Xây dựng cho bản thân lối sống lành mạnh, ăn đủ chất, luyện tập thể thao và ngủ đủ giấc, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán các đồ uống chứa cồn hoặc chất kích thích để phòng ngừa không chỉ bệnh lý tuyến giáp mà các bệnh lý sức khỏe nói chung.
Tầm soát các bệnh lý tuyến giáp nên được thực hiện hằng năm, đặc biệt ở đối tượng là nữ giới trên 20 tuổi. Việc tầm soát sớm có thể phát hiện bệnh và điều trị ngay từ giai đoạn chưa có triệu chứng, người bệnh ít bị ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe. Ngoài ra, khi phát hiện những triệu chứng cường giáp như mắt lồi, cổ to, đau họng, thân nhiệt cao, suy giảm thị lực…, người bệnh cần sớm đi khám tại chuyên khoa nội tiết của các trung tâm y tế, bệnh viện lớn trên cả nước.
Các gói khám sức khỏe chuyên sâu hiện nay cũng kiểm tra và sàng lọc sớm bệnh lý tuyến giáp, trong đó có cường giáp bởi căn bệnh này gây ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và năng suất lao động.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình