Hotline 24/7
08983-08983

Bé gái tím tái, khó thở vì hạt hồng xiêm "chui" vào khí quản

Trong lúc ăn trái cây, một bé gái ở An Giang đã vô tình bị hóc hạt sapoche dẫn đến tím tái, khó thở. Sau một ngày điều trị ở Bệnh viện Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt tỉnh An Giang bé đã hồi tỉnh. Một lần nữa, đây là hồi chuông báo động cho các bậc cha mẹ khi cho con ăn những thực phẩm có hạt cứng, nếu không cẩn thận khiến trẻ bị hóc dị vật gây tắc đường thở.

Ngày 1/12, Bệnh viện Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt tỉnh An Giang đã tiếp nhận một bé gái trong tình trạng tím tái, khó thở. Qua nội soi, các bác sĩ đã phát hiện dị vật là hạt sapoche nằm trong khí quản. Ngay lập lức, các bác sĩ đã tiến hành gắp khẩn cấp. Đến ngày 2/12, sức khỏe của bệnh nhân đã hồi phục.

Hóc dị vật là một trong những tai nạn thường gặp ở trẻ, nếu cấp cứu chậm sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng vì ngạt đường thở dễ dẫn đến tử vong.

Dị vật đường thở hay gặp là hạt lạc, ngô, hạt dưa, hạt na, hạt chôm chôm, hạt nhãn, mẩu xương, đốt xương cá, đồ chơi…

Khi bị hóc, nghẽn đường thở, người bị nạn thường có những biểu hiện ho sặc sụa, tím tái mặt mày, khó thở do dị vật mắc vào thanh quản. Nhiều trường hợp giãy giụa, mặt đỏ bừng, ngã vật xuống vì thiếu ôxy.

Lúc này cha mẹ cần giữ bình tĩnh, cần tránh cố gắng móc dị vật ra khỏi miệng vì chưa chắc lấy ra được mà có khi đẩy dị vật vào sâu hơn. Việc móc họng hay dùng vật cứng móc, ngoáy họng sẽ làm trầy xước gây nên những tai biến: Viêm thanh quản, viêm tấy có mủ… Với trẻ nhỏ, nhiều cha mẹ khi thấy con bị nôn ói, sặc lại lấy tay vuốt xuôi. Điều này vô tình làm dị vật chui sâu vào phổi, khiến tình trạng trở nên nguy hiểm hơn.

Theo BS.CKII Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Nguyên Phó Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, có hai thể mà chúng ta có thể nhận biết được, là:

- Nếu trẻ ho rũ rượi mặt đỏ tía tai những vẫn có thể nói được "mẹ ơi" thì đấy là tắc một phần của đường thở. Lúc này, chúng ta không nên làm bất cứ điều gì, chẳng hạn như moi hoặc móc bất cứ thứ gì từ trong họng của trẻ ra bởi như vậy có thể làm cho dị vật chui vào sâu, hơn nữa còn làm xây xát các vùng khác mà cần gọi ngay cấp cứu. Lưu ý, bố mẹ cũng cần biết chọn cơ sở y tế khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ hóc dị vật. Thuận tiện nhất là đưa trẻ đến bệnh viện Tai Mũi Họng nơi có thể soi gắp được. Hoặc đến bệnh viện Nhi gần nhất mà chúng ta chắc rằng nơi đây sẽ có các công cụ gắp được dị vật ra cho trẻ. Trong khi đang đợi xe cấp cứu chúng ta cần giữ trẻ ngồi yên để dị vật không chạy sâu xuống dưới.

- Nếu trẻ có các triệu chứng như trên nhưng lại không thở được nói được thì đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo trẻ gần như đã tắc hoàn toàn đường thở. Lúc này tâm lý bố mẹ có thể rơi vào hoảng sợ, tuy nhiên chúng ta cần biết rằng phải giữ bình tĩnh để cứu được tính mạng của trẻ.

Nếu như trẻ còn nhỏ thì bố mẹ có thể làm động tác vỗ lưng và ấn ngực. Chúng ta cho trẻ nằm sấp xuống vỗ lưng 5 cái rồi lật ngược lại và ấn vào vùng ức 5 cái theo chiều từ trên xuống dưới đến khi nào trẻ bật được ra dị vật thì thôi. Hoặc nếu trẻ lớn hơn một chút thì bố mẹ có thể đứng đằng sau vòng hai tay như quả đấm vào phía dưới ức, ấn mạnh từ trên xuống dưới từ trong ra ngoài để làm sao đứa trẻ có thể họ bật ra. Đây là những vấn đề cần thực hiện nhanh nhất để cứu được tính mạng đứa trẻ.

Lưu ý, sau các bước sơ cứu nếu dị vật hóc ra được thì vẫn cần đưa nạn nhân đến bệnh viện kiểm tra đề phòng dị vật có thể sót.

Phương Nguyên (Tổng hợp)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X