Hotline 24/7
08983-08983

Băng huyết sau sinh - nỗi đau của bà hoàng xa xưa

Từng có dịp ghé Taj Mahal (Ấn Độ), bằng con mắt của người làm sản khoa, tôi cảm nhận nơi mà còn thấp thoáng nỗi đau thầm kín của một bà hoàng.

Theo truyện kể, vợ vua đã chết vì băng huyết trong lần sinh cuối cùng. Đây cũng là vấn đề mà từ hàng ngàn năm trước cho đến bây giờ, vẫn luôn ám ảnh nhiều người.

 

Nỗi đau vì đâu?

 

Băng huyết sau sinh được định nghĩa là khi lượng máu mất sau sinh nhiều hơn 500ml. Tuy nhiên, trên những người có sức khỏe kém, đã có tiềm tàng thiếu máu, thì không đợi đến mất ngưỡng máu quy định mới nguy hiểm tính mạng.

 

Phân chia băng huyết sau sinh có thể theo mức độ nặng nhẹ, tuỳ lượng máu mất, tỷ lệ máu mất trên tổng số thể tích máu và tốc độ mất máu. Ngoài ra, còn phân ra băng huyết sau sinh nguyên phát, xảy ra trong vòng 24 giờ sau sinh và băng huyết sau sinh thứ phát, xảy ra trễ hơn, bao gồm cả băng huyết sau sinh muộn trong 1 - 2 tuần sau sinh.
 
Băng huyết sau sinh - vấn đề xưa nhưng không cũ vì tai biến vẫn xảy ra, tử vong vẫn xảy ra

 

Để xử trí tốt băng huyết sau sinh

 

Cần theo dõi đánh giá sát tình hình sức khoẻ người mẹ sau sinh, chứ không chỉ con ra đời là đã tốt đẹp. Theo dõi sổ nhau, mất máu và tử cung gò sau đó. Tuy nhiên, việc đánh giá chính xác lượng máu mất sau sinh vẫn còn nhiều bất cập, đưa đến không phát hiện và xử trí kịp thời băng huyết sau sinh.

 

Đã có trường hợp mất máu vì băng huyết sau sinh, nhưng bù máu trễ dẫn tới hư não, bệnh nhân được cứu sống nhưng phải sống đời thực vật sau đó.

Sau khi phát hiện, phải nhanh chóng cầm máu bằng cách tìm và xử trí vết thương trên đường sinh dục, làm mọi cách để tăng sức gò tử cung. Tiếp đó, can thiệp bù máu kịp thời nếu cần thiết.

 

Mất máu nhiều sẽ làm kém đi tình trạng co hồi tử cung và làm tăng mất máu từ vết nhau bám, tạo thành vòng lẩn quẩn: chảy máu nhiều - mất máu - tử cung gò kém - cầm máu dở - mất máu tiếp diễn… 
 

Chính vì vậy, đánh giá chính xác lượng máu mất sau sinh được xem là thực hành đầu tiên có hiệu quả nhằm ngăn ngừa và phát hiện băng huyết sau sinh. Kế đó là can thiệp sổ nhau sớm, làm giảm thời gian chờ đợi sổ nhau, thúc đẩy tử cung gò tốt sau sổ nhau.

 

Theo dõi huyết áp cũng rất cần thiết. Thông thường phải mất tới 20 – 25% tổng lượng máu thì mới bắt đầu có biến động huyết áp: da nhợt nhạt, mạch nhanh, đổ mồ hôi có thể xuất hiện sớm hơn… Nếu đợi đến lúc đó mới báo động thì có khi không kịp can thiệp hiệu quả hay phải tốn kém nhiều sức lực hơn.

 

Tránh sinh nhiều, sinh dày

 

Để dự phòng băng huyết sau sinh, cần tránh những yếu tố nguy cơ như không sinh nhiều lần, hạn chế sinh mổ nhiều lần. Khi khám thai, luôn cần phát hiện tình trạng thiếu máu để bổ sung các chất đầy đủ hoặc có trị liệu kịp thời, tránh thiếu máu mãn tính.

 

Trên những thai kỳ có nguy cơ băng huyết sau sinh, phát hiện sớm nguy cơ, cảnh báo cả thai phụ và nhân viên y tế trong lúc khám thai. Đồng thời luôn cẩn trọng theo dõi sát sao lúc chuyển dạ, dự phòng trước khi tai biến xảy ra.

 

Trở lại câu chuyện ngôi đền Taj Mahal, thời của ông vua Ấn Độ đó, có lẽ vì chưa có cách ngừa thai hiệu quả, và vua thì lại yêu tha thiết hoàng hậu. Mặn nồng nhiều thì dễ có thai. Sinh nhiều thì khả năng băng huyết sau sinh cao. Nguy cơ chết là thấy trước mắt. Chưa kể, sinh nhiều còn làm suy yếu sức khoẻ phụ nữ. Bà hoàng mới có 35 tuổi mà đã sinh con thứ 14. Nếu không mất, không biết vị vua đó còn tiếp tục “yêu” để cho ra đời thêm mấy đứa nữa?

 

Ngày nay, khoa học phát triển, đã có cách ngừa thai hiệu quả mà không ảnh hưởng sức khoẻ phụ nữ. Tránh sinh nhiều, sinh dày, không những góp phần bảo vệ phụ nữ khỏi băng huyết sau sinh, mà còn giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn, có nhiều thời gian và sức lực chăm sóc, nuôi dạy con cái, cũng như sự phát triển riêng của bản thân mình.

 

Theo ThS.BS Đặng Lê Dung Hạnhsgtt.vn 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X