Hotline 24/7
08983-08983

Bác sĩ kể chuyện trực tổng đài 1022: vừa ngắt cuộc gọi trước, chuông đã réo cuộc sau

Đại dịch COVID-19 đợt bùng phát thứ 4 hết sức nghiêm trọng, gây ra tâm lý lo lắng và hoảng sợ cho cộng đồng. Tổng đài 1022 tư vấn y tế đi vào hoạt động trong thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” đã đem lại hiệu quả tích cực, giúp xoa dịu tâm lý người dân và đưa ra hướng dẫn y khoa chính xác, kịp thời.

Buổi trực tổng đài 1022 trong 2 giờ, bác sĩ nhận gần 60 cuộc gọi

Bệnh viện Thống Nhất là một trong các bệnh viện tham gia chống dịch cùng thành phố ngay từ những ngày đầu. Ngày 12/7/2021 đội tình nguyện đầu tiên của Bệnh viện Thống Nhất với 91 cán bộ y tế lên đuờng đi tham gia chống dịch tại TP. Thủ Đức.

Khi số ca nhiễm tăng vọt, để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho người dân TPHCM nói riêng và cho cả nước nói chung, tổng đài 1022 đã được thành lập. Thầy thuốc ưu tú - PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế - Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất nhận lời mời của Hội Y học TPHCM tham gia trực tổng đài 1022, với tư cách là một người thầy thuốc nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, đồng thời dày dặn kinh nghiệm thực tiễn từ nhiều ngày chống dịch tại bệnh viện dã chiến.

Thầy thuốc ưu tú - PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế được mệnh danh là người khai mở phẫu thuật tim tại Bệnh viện Thống Nhất, đảm nhận vị trí trưởng nhóm bác sĩ Mạch máu - Xương khớp - Tiêu hóa trực tổng đài 1022

Tại tổng đài 1022, PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế đảm nhận vị trí trưởng nhóm bác sĩ tư vấn Mạch máu - Xương khớp - Tiêu hóa. Buổi trực đầu tiên, trong vòng 2 tiếng đồng hồ, PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế tiếp nhận gần 60 cuộc gọi, vừa ngắt cuộc gọi trước là chuông đã réo cuộc sau.

Người dân hỏi quá nhiều, bác sĩ phải có kinh nghiệm, mới nghe đã nắm được trọng tâm để trả lời vừa nhanh vừa đủ, tránh những cuộc gọi dài để còn giải đáp cho người tiếp theo. Cụ thể, PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế nhận thấy người dân rất lo lắng về tình hình dịch bệnh, sức khỏe bản thân và gia đình, vấn đề an sinh xã hội…

4 lợi điểm mà tổng đài 1022 đem lại, trấn an tâm lý là số 1

Theo PGS Quế, các cuộc tư vấn không chỉ là đưa ra các hướng dẫn mà còn có tác dụng trấn an tâm lý: “Thật ra thì COVID-19 có 70-80% người bệnh tự khỏi, diễn tiến nhẹ nhàng. Thế nhưng vì người dân hoang mang quá mức, nhiều trường hợp bệnh COVID thì ít - bệnh tâm lý thì nhiều, cho nên việc giải thích cho người dân hiểu và bớt lo lắng là lợi điểm số 1 của tổng đài 1022”.

Lợi điểm thứ 2 là hướng dẫn được cho người dân: nếu không may bị dương tính SARS-CoV-2 thì phải làm gì, theo dõi tại nhà ra sao, người thân chăm sóc thế nào, nếu bệnh trở nặng thì đi đâu điều trị… trong thời điểm số ca tăng vọt, thành phố trở tay không kịp, lực lượng y tế không thể lo cho người bệnh một cách nhanh chóng, đầy đủ nhất.

PGS Quế hướng dẫn các gia đình F0 đến từng việc cụ thể như: cả nhà cùng đeo khẩu trang chứ không chỉ riêng người F0, uống nhiều nước khi bị sốt, ăn món dễ tiêu và không ngồi cùng mâm, hay chuyện đơn giản như pha nước muối để súc miệng, xịt mũi… cũng được ông chỉ dẫn tận tình.

Lợi điểm thứ 3 mà tổng đài hướng dẫn cho người dân là biết được khi nào bệnh trở nặng, nhất là với những gia đình không có máy đo SpO2, đó là dựa vào nhịp thở: thở nhanh, thở mệt, thở liên tục… và sau đó là lợi điểm thứ 4: tìm được bệnh viện để đến trong lúc khắp nơi đều quá tải. “Rất may là tôi tham gia điều hành một số bệnh viện điều trị COVID-19 nên biết rõ những nơi nào có thể tiếp nhận ca nặng” - PGS Quế cho biết.

Có những lúc bác sĩ tư vấn phải dừng lại để tự trấn an mình

Theo PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế, trấn an tâm lý là lợi ích đầu tiên mà tổng đài 1022 làm được cho người dân trong lúc họ căng thẳng tột độ, nhưng đây cũng là công việc khó khăn nhất. Có người gọi đến la lối om sòm, có người nói liên tu bất tận, cướp lời bác sĩ…: “Nếu mình không hiểu tâm trạng người bệnh, mình sẽ tưởng họ không hợp tác, quấy phá tổng đài. Nhưng chúng tôi hiểu rằng họ đang có biểu hiện rối loạn tâm lý - tâm thần, họ cần giúp đỡ”.

“Thú thật là có những người bức xúc quá mà tôi không thể trấn an họ được, chỉ có nghe thôi chứ không trả lời, sau đó tạm ngắt cuộc gọi, đợi họ qua cơn xúc động. Và tôi cũng phải tự trấn an mình, lấy lại bình tĩnh, đặt mình vào tình huống của họ rồi mới gọi lại tư vấn tiếp” - PGS Quế chia sẻ.

PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế chia sẻ câu chuyện trực tổng đài 1022 với AloBacsi

Bên cạnh đó, nhiều cuộc khó trả lời vì người gọi đến hỏi “đủ thứ trên đời”, nằm ngoài khả năng giải quyết của bác sĩ trực tổng đài: tại sao tôi không được hỗ trợ thực phẩm, sao tổng đài gọi mãi không nghe máy, tại sao không có nhân viên y tế đến xét nghiệm cho tôi, tại sao tôi bệnh không có ai đến phát thuốc… Các bác sĩ họp lại cùng nhau, đề ra giải pháp là mở rộng thêm lực lượng tư vấn viên, soạn sổ tay hướng dẫn, tập huấn cho các bạn tư vấn viên cùng tham gia trả lời, để đáp ứng nhanh nhất có thể cho người dân.

Bác sĩ tổng đài “đi theo” bệnh nhân COVID-19 từ nhà đến khách sạn cách ly, vào cả bệnh viện

Rất nhiều trường hợp, việc tư vấn không kết thúc khi bấm ngắt cuộc gọi tổng đài, mà PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế còn cho cả số điện thoại cá nhân để tiếp tục dõi theo bệnh nhân suốt nhiều tuần sau.

Một trong số đó là đôi vợ chồng già, ông 86, bà 81 tuổi, có lúc ông trở nặng nhập viện, có lúc chỉ số SpO2 của bà xuống dưới 85%, nhưng cuối cùng hai vợ chồng “bát thập cổ lai hi” cũng chiến thắng “con COVID”  trong niềm vui của gia đình và cả bác sĩ tư vấn Đỗ Kim Quế.

Trường hợp khác là một gia đình người Ấn Độ. Đầu tiên, người chồng bị bệnh COVID-19, vào khách sạn cách ly trong tâm trạng hoang mang tột độ. Vài ngày sau, vợ con ông cũng dương tính, cùng vào khách sạn nhưng ở phòng khác. Hơn 1 tuần sau, ông chồng trở nặng, PGS Quế lại tiếp tục “theo” quá trình điều trị của ông trong 2 tuần tại bệnh viện dã chiến. Đến giai đoạn hậu COVID, ông vẫn giữ liên lạc với PGS Quế. Rồi đến lượt các đồng nghiệp Ấn Độ cũng nhiễm, ông gửi gắm PGS Quế luôn.

Những trường hợp kết nối với số máy cá nhân, thậm chí 1-2 giờ sáng điện thoại vẫn reng, và đó thường là các cuộc gọi liên quan đến sinh mạng. Còn trong những phút ngơi tay ở bệnh viện dã chiến, PGS Quế lại đem điện thoại đi dò chỗ nào sóng mạnh, để xem video bệnh nhân gửi qua zalo. Qua đó, bác sĩ nghe được giọng nói, quan sát biểu hiện, xem được chỉ số huyết áp, chỉ số SpO2 của người bệnh. Cách làm này của nhóm bác sĩ Mạch máu - Xương khớp - Tiêu hóa đã giúp được rất nhiều gia đình F0 điều trị tại nhà.

Nhưng có những lúc, các bác sĩ cảm thấy bất lực khi chứng kiến người bệnh từ giai đoạn nhẹ diễn tiến nặng dần, thấy đồng nghiệp làm việc đến kiệt sức mà bệnh nhân vẫn ra đi…

Sài Gòn ốm nặng rồi Sài Gòn từng bước phục hồi. Bước qua tháng 10, cuộc gọi đến tổng đài 1022 thưa dần. Mỗi người đi qua đại dịch COVID-19 đều có câu chuyện của riêng mình. Với các bác sĩ chống dịch, đây là quãng thời gian khốc liệt không thể nào quên. Với đội ngũ bác sĩ trực tổng đài 1022, họ cảm nhận đây là công việc ý nghĩa vô cùng, “giúp được người dân dù là một chút cũng vui”. Dù là không trực tiếp bắt mạch kê toa, nhưng công việc hướng dẫn, trấn an tâm lý cũng như liều thuốc không viên, giúp mọi người nhanh chóng vượt qua cơn bạo bệnh.

Hồng Nhung - ảnh Văn Đạt

PGS Quê theo dõi liên tục

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X