Hotline 24/7
08983-08983

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh - mãn kinh

Tiền mãn kinh và mãn kinh là giai đoạn thay đổi sinh lý gây nhiều khó chịu cho chị em phụ nữ. Hiểu về tiền mãn kinh và mãn kinh để chuẩn bị tâm lý và kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho bản thân hoặc chăm sóc cho người phụ nữ thân yêu của mình.

Tiền mãn kinh - mãn kinh là gì? 
Mãn kinh là tình trạng hết kinh vĩnh viễn ở phụ nữ, thường bắt đầu từ 40 - 55 tuổi do buồng trứng ngưng tiết estrogen và được mô tả trong ba giai đoạn: tiền mãn kinh, mãn kinh và sau mãn kinh.

- Tiền mãn kinh là giai đoạn kéo dài từ 2-5 năm với những rối loạn kinh nguyệt trước khi kinh nguyệt dừng hẳn. Kèm theo đó là các rối loạn về thần kinh thực vật như cơn nóng bừng mặt (bốc hỏa), hồi hộp, trống ngực, vã mồ hôi, cáu gắt, các vòng kinh trong giai đoạn này thường không có phóng noãn; khả năng sinh sản của phụ nữ cũng giảm hẳn.

- Mãn kinh được định nghĩa là sau 12 tháng vô kinh tính từ chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường của người phụ nữ xảy ra khi nồng độ estrogen giảm, là tình trạng hết hẳn kinh nguyệt vĩnh viễn do sự suy giảm sinh lý, tự nhiên và không hồi phục của hoạt động buồng trứng; Khi một phụ nữ còn trẻ (dưới 40 tuổi mà vô kinh liên tiếp 12 tháng) hoặc một phụ nữ đã bị cắt tử cung mà có một số các triệu chứng cơ năng của mãn kinh, muốn chẩn đoán là mãn kinh cần làm các xét nghiệm định lượng nội tiết buồng trứng và tuyến yên; Mãn kinh thường là tự nhiên, nhưng cũng có thể do phẫu thuật cắt bỏ hai buồng trứng vì bệnh lý, do xạ trị.

- Sau mãn kinh được chia thêm làm 2 giai đoạn: Giai đoạn sớm được định nghĩa là trong 5 năm đầu tiên sau chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng, được đặc trưng bởi sự suy giảm hoàn toàn chức năng buồng trứng và sự tăng tốc độ mất xương. Giai đoạn muộn bắt đầu sau đó cho đến cuối đời.

- Tuổi mãn kinh trung bình từ 48 - 52 tuổi. Nếu mãn kinh trước 40 tuổi gọi là mãn kinh sớm, và nếu sau 55 tuổi gọi là mãn kinh muộn.

 Tiền mãn kinh - mãn kinh theo Y học cổ truyền (YHCT)
Theo thiên ‘Thượng Cổ Thiên Chân Luận”, YHCT cho rằng phụ nữ từ tuổi 42 thì tam dương suy, da mặt khô, tóc bạc, kinh nguyệt có thể rối loạn… và đến tuổi 49, mạch Xung Nhâm suy, tinh huyết suy, thiên quý sắp cạn… ở khoảng tuổi này phụ nữ hết sinh đẻ, chức năng tạng phủ suy dần mà chủ yếu là Can Thận hư suy, người phụ nữ bước vào thời kỳ tiền mãn kinh.

Thận suy, tinh huyết suy gây nên âm dương mất cân bằng, ảnh hưởng đến hoạt động của các tạng phủ khác và là nguyên nhân chính của hội chứng tiền mãn kinh.

Đây là quy luật tự nhiên sinh trưởng phát dục, sinh đẻ, suy lão của nữ, đa số phụ nữ vượt qua  thuận lợi nhưng một bộ phận phụ nữ do nhân tố thể chất, sản dục, bệnh tật, dinh dưỡng, hoàn cảnh xã hội, nhân tố tinh thần ảnh hưởng mà không thể điều tiết cái biến đổi sinh lý này, làm cho thất điều thận âm dương mà thành bệnh. Ngoài ra thận âm dương thất điều thường ảnh hưởng tới tâm can tỳ là chính.

Dấu hiệu tiền mãn kinh - mãn kinh là gì? 

- Tiền mãn kinh
+ Tăng tính thấm thành mạch khiến người phụ nữ bị đau vú, dễ bị phù. 
+ Chất nhờn cổ tử cung trong và lỏng suốt chu kỳ (giống như ở giai đoạn trước rụng trứng). 
+ Tăng hoạt động phân bào ở mô vú và nội mạc tử cung, có thể dẫn đến các tổn thương dị dưỡng hoặc tăng sinh nội mạc làm rối loạn kinh nguyệt, thậm chí tiến triển đến ung thư. 
+ Rối loạn kinh nguyệt có thể dưới dạng chu kỳ ngắn lại hoặc thưa ra, bị rong kinh, rong huyết hoặc cường kinh. 
+ Hội chứng tiền kinh xuất hiện hoặc nặng thêm nếu đã có sẵn: tăng cân, chướng bụng, trằn bụng dưới, đau vú, rối loạn tâm tính như lo âu, căng thẳng, bất an...

- Chẩn đoán tiền mãn kinh: Chủ yếu dựa vào lâm sàng.
Việc đo lường nồng độ nội tiết trong thời kỳ tiền mãn kinh không có ý nghĩa, vì thời kỳ này tự nó đã có sẵn một tình trạng nội tiết bất định. Tuy nhiên, nếu có rối loạn kinh nguyệt, sẽ rất khó phân biệt với một xuất huyết âm đạo bất thường do nguyên nhân thực thể, hoặc đau vú mà lại có khối u ở vú thì cần có những thăm dò đặc biệt để loại trừ một nguyên nhân thực thể, nhất là nguyên nhân ác tính.

- Mãn kinh
Sự mãn kinh có thể xảy ra một cách êm đềm hoặc kèm theo những xáo trộn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như giáo dục, trình độ văn hóa xã hội và tùy vào mức độ chuyển hóa androgen thành estrone. Các rối loạn trong giai đoạn tiền mãn kinh có thể kéo dài đến giai đoạn mãn kinh và kèm theo các triệu chứng sau:

+ Tắt kinh: mất kinh liên tiếp 12 tháng
+ Rối loạn vận mạch: Bốc hỏa và vã mồ hôi đêm.
Cơn bốc hỏa được định nghĩa là cơn phừng nóng thoáng qua và tái diễn ở mặt hoặc ngực và sau đó lan khắp cơ thể, kèm theo vã mồ hôi, cảm giác nóng toàn thân, hồi hộp đánh trống ngực, cảm giác lo lắng, và đôi khi kèm theo ớn lạnh sau đó. Cơn bốc hỏa kéo dài từ 1 đến 5 phút, trung bình 3 đến 4 phút. Các cơn bốc hỏa thường hay xảy ra vào ban đêm hoặc trong khi có stress, triệu chứng này thường kéo dài 6 tháng đến vài năm, có thể 2-3 năm nhưng cũng có người lên đến 5 năm.

Vã mồ hôi đêm là cơn bốc hỏa xảy ra vào ban đêm và thường can thiệp vào giấc ngủ. Nguyên nhân chính xác của các triệu chứng vận mạch chưa được biết đến nhưng được cho là có liên quan đến sự giảm estrogen (và có thể thay đổi FSH và inhinbin B), làm ảnh hưởng đến nồng độ endorphin ở vùng dưới đồi.

+ Các thay đổi tâm lý, rối loạn giấc ngủ và trí nhớ:
Những rối loạn về tâm lý thời kỳ mãn kinh chủ yếu là mất ngủ, dễ cáu gắt, lo lắng, trầm cảm, đặc biệt ở người có tiền sử tâm lý không ổn định trước mãn kinh. Đặc biệt rối loạn dạng trầm cảm chiếm khoảng 20% các phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh. Ở một số phụ nữ có thể gặp thay đổi tính tình, giảm ham muốn tình dục, giảm tập trung, mất ngủ.

+ Các thay đổi bệnh lý ở âm hộ - âm đạo:  Khô teo âm đạo
- Ở phụ nữ tiền mãn kinh, niêm mạc âm đạo dày, nhiều nếp gấp, mạch máu tốt, và bôi trơn. Sau mãn kinh, khi nồng độ estrogen suy giảm, niêm mạc âm đạo mỏng, trở nên khô và nhợt nhạt. Âm đạo trở nên kém đàn hồi, có thể thu hẹp và ngắn lại. Ước tính có khoảng 45% phụ nữ sau mãn kinh có những triệu chứng của viêm teo âm đạo. Khô âm đạo là triệu chứng thường được ghi nhận nhiều nhất, theo sau là giao hợp đau và kích ứng.

- Thiếu kích thích của estrogen nên tổ chức collagen trở nên đặc lại và lượng nước chứa trong tổ chức này cũng giảm đi, lớp mỡ dưới da tổ chức collagen giảm làm cho các mô ở thành âm đạo giảm tính đàn hồi, vách âm đạo trở nên khô, mỏng và nhợt nhạt, nếp âm đạo biến mất, niêm mạc bị teo mỏng khiến lòng âm đạo hẹp. Những thay đổi này có thể gây ra những chấm xuất huyết, những vết loét và chảy máu khi có những va chạm nhẹ, cho phép bệnh sinh xâm nhập.

- Không như triệu chứng vận mạch do mãn kinh xảy ra tức thời, những thay đổi teo này phải vài năm mới biểu hiện. Teo âm hộ bắt đầu khá sớm ở giai đoạn tiền mãn kinh, khoảng 10 - 20% bắt đầu có hiện tượng teo trong vòng 3 năm sau mãn kinh, 50% phụ nữ than phiền về triệu chứng của hệ niệu sinh dục, 10 - 20 năm sau mãn kinh, hầu hết phụ nữ có ít nhất một vấn đề do tình trạng teo liên quan đến thiếu hụt estrogen.

- Ở phụ nữ tiền mãn kinh, pH acid của dịch âm đạo là một thành phần quan trọng giúp chống lại mầm bệnh. Với sự tiết estrogen, các tế bào biểu mô âm đạo tạo ra glycogen, và sau đó tạo ra glucose. Lactobacillus chuyển hóa glucose và sản sinh ra acid lactic và có nhiệm vụ duy trì độ pH acid của âm đạo. Thiếu hụt estrogen dẫn đến giảm sản xuất glycogen và do đó sự có mặt của vi khuẩn lactobacilli giảm, lúc đó làm tăng nồng độ của pH âm đạo. pH âm đạo có thể tăng đến 5,0 hoặc hơn trong khi ở phụ nữ tiền mãn kinh, pH âm đạo chỉ ở mức 3,5 đến 4,5. pH âm đạo cao cho phép các mầm bệnh xâm nhập.

+ Suy giảm tình dục:
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sinh hoạt tình dục trong lứa tuổi mãn kinh, nhưng chỉ có hiện tượng giao hợp đau là có liên hệ rõ ràng với tình trạng suy giảm estrogen. Giao hợp đau luôn luôn kết hợp với giảm dịch nhờn âm đạo, giảm sung huyết vùng chậu, và viêm teo âm đạo, kết quả của giảm estrogen tuổi mãn kinh.

Triệu chứng về đường tiết niệu 

- Niệu đạo nữ chứa các thụ thể estrogen tập trung, có nguồn gốc phôi thai tương tự như âm đạo. Estrogen giảm sẽ dẫn đến teo mô niệu đạo. Mất độ dày niệu đạo và tính đề kháng có thể góp phần quan trọng của tiểu không tự chủ ở phụ nữ mãn kinh. Estrogen đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì biểu mô của bàng quang và niệu đạo. Thiếu hụt estrogen làm thay đổi hầu hết về giải phẫu, tế bào, vi trùng và sinh lý ở hệ niệu sinh dục sau mãn kinh.

- Thiếu estrogen đáng kể gây ra những thay đổi teo ở những cơ quan này, làm tăng viêm teo bàng quang với đặc điểm là gây tiểu gấp, són tiểu, tiểu nhiều lần.

- Estrogen còn có vai trò chủ chốt trong việc duy trì khả năng kiểm soát nước tiểu, thiếu estrogen có thể gây ra những rối loạn tiểu tiện có kiểm soát do biểu mô vùng tam giác bàng quang bị teo, dễ bị kích thích gây tiểu gắt, tiểu buốt.

- Phụ nữ lớn tuổi thường có tình trạng căng tức ở âm đạo, điều này có thể do teo hay kết hợp với sa tử cung, bàng quang, trực tràng.

- Són tiểu khi tăng áp lực ổ bụng hay là sự mất khả năng hoạt động của cơ thắt ở đường tiểu, được biểu hiện dưới vài giọt tiểu bắn ra khi thực hiện các động tác làm tăng áp lực trong ổ bụng (ho, hắt hơi hay gắng sức...). + Loãng xương

- Thiếu hụt estrogen đã được chứng minh là một nguyên nhân làm giảm mật độ xương. Hiện tượng này xảy ra khi chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu không đều trong giai đoạn quanh mãn kinh. Từ 1,5 năm trước mãn kinh đến 1,5 năm sau mãn kinh, mật độ xương giảm khoảng 2,5% mỗi năm, so với mức giảm 0,13%/năm giai đoạn tiền mãn kinh. Xương xốp mất xương nhiều hơn xương đặc. Mật độ xương đạt đỉnh tối đa vào khoảng tuổi 20-30, chịu ảnh hưởng của nội tiết sinh dục. Mật độ đỉnh càng cao thì càng ít nguy cơ loãng xương sau mãn kinh, dù cho có giảm mật độ xương theo tuổi.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương

- Di truyền: nữ da trắng hay da vàng. Gia đình có người bị loãng xương, vóc dáng thấp bé
- Dinh dưỡng thiếu can-xi, uống nhiều rượu, nhiều cà phê, ăn nhiều đạm động vật. 
- Hút nhiều thuốc lá. 
- Mãn kinh sớm hay đã bị cắt bỏ 2 buồng trứng 
- Béo phì, ít vận động. 
- Uống các thuốc: corticosteroid, thuốc trị ung thư, chống co giật, lợi tiểu. 
-  Bệnh nội khoa: cường giáp, tiểu đường type I , viêm khớp dạng thấp, thiếu máu, cường cận giáp. 
- Gãy xương. 

Mức cholesterol thay đổi 
Suy giảm lượng estrogen có thể dẫn đến những thay đổi bất lợi mức cholesterol trong máu, bao gồm sự gia tăng cholesterol mật độ thấp (LDL) lipoprotein - những cholesterol "xấu" - góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Đồng thời, lipoprotein mật độ cao (HDL) cholesterol - "tốt" cholesterol - giảm trong nhiều khi phụ nữ có tuổi, cũng làm tăng nguy cơ bệnh tim. 

Các bệnh lý tim mạch 
- Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở phụ nữ mãn kinh nhưng ít được quan tâm. Các bệnh tim mạch tăng từ 2 đến 4-8 lần ở phụ nữ mãn kinh.

- Một số yếu tố làm tăng nguy cơ của bệnh tim mạch là: Béo phì, cholesterol trong máu cao, tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, ít vận động, thần kinh thường xuyên căng thẳng, tiền sử gia đình có bệnh tim mạch, uống thuốc viên tránh thai liều cao trên 10 năm, thiếu hụt estrogen do mãn kinh. Trong đó Cholessterol máu cao và hút thuốc lá là hai yếu tố nguy cơ chủ yếu của bệnh mạch vành. Những yếu tố này kết hợp với sự suy giảm estrogen ở phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh làm tăng đáng kể nguy cơ bệnh tim.

- Trong giai đoạn tiền mãn kinh, khi lượng estrogen bắt đầu suy giảm thì nguy cơ bệnh tim mạch ở người phụ nữ cũng gia tăng. Tuy nhiên ở tuổi dưới 40, nam giới có nguy cơ bị bệnh tim mạch gấp 2 lần nữ giới. Sự cách biệt này giảm đi với tuổi tác, nhất là sau mãn kinh. Nồng độ estrogen cao trong giai đoạn hoạt động sinh dục có vai trò bảo vệ trong các biểu hiện sớm của bệnh tim mạch thông qua một cơ chế duy trì nồng độ HDL cao và LDL thấp. Sự thiếu hụt estrogen nội sinh khi mãn kinh làm cho tỷ lệ này thay đổi theo hướng ngược lại, tạo điều kiện cho sự hình thành các tổn thương xơ vữa. Khi các mảng xơ vữa to lên, nó sẽ không bám chắc vào thành mạch, có thể rời ra, di chuyển, gây biến chứng tắc nghẽn động mạch xung yếu như ở não, ở phổi và gây tai biến nghiêm trọng.

Hậu quả trên các yếu tố đông máu
Nguy cơ bị thuyên tắc mạch máu tăng lên, nhất là khi có kèm các yếu tố nguy cơ như nghiện thuốc lá, béo phì, tăng huyết áp. Cần chú ý là việc sử dụng estrogen tự nhiên không làm tăng nguy cơ thuyên tắc, nhưng các estrogen tổng hợp lại có nguy cơ này qua tác dụng làm tăng nồng độ thrombine giảm fibrinogen và FDP (fibrinogen degradation products).

Thay đổi da, tóc và móng 
- Da là cấu trúc nhạy cảm với hormone. Sự thay đổi hormone ở phụ nữ thời kì mãn kinh ảnh hưởng đến độ dày của da, độ đàn hồi (mất collagen), giảm tiết tuyến bã nhờn, giảm tưới máu làm da mỏng, ít đàn hồi, khô và dễ tổn thương, xuất hiện nếp nhăn trên mặt. 
- 30% collagen ở da bị mất trong vòng 5 năm sau mãn kinh và giảm #2%/năm trong 10 năm đầu sau mãn kinh.

- Sau mãn kinh, phụ nữ thường bị rụng tóc hoặc tăng mật độ phân bố lông trên cơ thể. Cơ chế do giảm sản xuất estrogen và tăng nồng độ testosterone máu (hoạt tính androgen). 
- Móng tay trở nên mỏng và dễ gãy hơn, nhưng tình trạng này có thể tự phục hồi về bình thường. 

Cận lâm sàng 
Xét nghiệm định lượng FSH và estradiol, Cholesterol toàn phần, triglycerid, HDL, LDL, lipoprotein, chức năng gan, thận, điện tim, chụp nhũ ảnh, sàng lọc ung thư cổ tử cung, nội mạc tử cung bằng tế bào âm đạo - cổ tử cung, soi cổ tử cung, nạo sinh thiết niêm mạc tử cung, đo mật độ xương.

Chẩn đoán mãn kinh 
- Phụ nữ > 45 tuổi: Chẩn đoán mãn kinh khi có ít nhất 12 tháng không kinh mà không có nguyên nhân khác. Không cần dựa vào nồng độ FSH cao để chẩn đoán. 
- Phụ nữ 40 - 45 tuổi: Chẩn đoán tương tự phụ nữ > 45 tuổi. tuy nhiên phải lưu ý loại trừ những nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt (đánh giá nội tiết: hCG, prolactin, TSH). Có thể xét nghiệm FSH để chẩn đoán. 
- Phụ nữ < 40 tuổi: Có triệu chứng mãn kinh, gồm không hay không thường xuyên hành kinh và FSH huyết thanh > 40mIU/ml, đo 2 lần (cách nhau ít nhất 1 tháng)…

Tiền mãn kinh - mãn kinh có thể xảy ra sớm hơn không?
Một số phụ nữ có thể xảy ra sớm hơn ở những người khác. Một số yếu tố có thể gây tiền mãn kinh ở độ tuổi sớm hơn: 
- Hút thuốc lá. Sự bắt đầu của thời kỳ mãn kinh xảy ra 1-2 năm trước đó ở những phụ nữ hút thuốc lá, so với những phụ nữ không hút thuốc. 
- Tiền sử gia đình. Phụ nữ có xu hướng trải nghiệm thời kỳ mãn kinh khoảng cùng tuổi với mẹ và chị em của họ, mặc dù mối liên hệ giữa lịch sử gia đình và tuổi mãn kinh vẫn không thuyết phục. 
- Không sinh con. Một số nghiên cứu cho thấy không sinh con có thể đóng góp vào nguyên nhân gây nên thời kỳ mãn kinh sớm. 
- Điều trị ung thư thời trẻ. Điều trị ung thư khi còn trẻ với bệnh vùng khung chậu hoặc hóa trị xạ trị có liên quan đến mãn kinh sớm. 
- Cắt bỏ tử cung. Cắt bỏ, loại bỏ tử cung, nhưng không bỏ buồng trứng, thường không gây mãn kinh. Mặc dù không còn kinh, buồng trứng vẫn còn sản xuất estrogen.

 Chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ giai đoạn này như thế nào? 

Theo Y học hiện đại: 
Thầy thuốc sẽ hỏi tiền sử: bản thân, gia đình: về loãng xương, tim mạch, các bệnh ung thư… - - Điều trị: 
+ Nội tiết: liều thấp nhất có hiệu quả. Thời gian sử dụng tùy thuộc vào thể trạng và yêu cầu từng người. Phối hợp estrogen/progestogen. Để giống với sinh lý, estrogen được dùng là estrogen tự nhiên hoặc gần giống với tự nhiên.
+ Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt: Giữ tinh thần thanh thản, vui tươi, cảm thấy có ích cho gia đình và xã hội. Cần có hoạt động chân tay kèm theo hoạt động trí tuệ. Dinh dưỡng theo khoa học: ăn uống đủ chất, bổ sung các loại vitamine, vi khoáng. Cần có dinh dưỡng tốt vì nguy cơ loãng xương và bệnh tim tăng lên vào thời gian này, chế độ ăn uống lành mạnh là quan trọng hơn bao giờ hết. Chất béo, chế độ ăn uống giàu chất xơ bằng nhiều trái cây, rau và ngũ cốc. Thêm các loại thực phẩm giàu canxi hoặc cần bổ sung canxi, cung cấp vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi và giúp bảo vệ chống lại sự mất xương. Tránh uống rượu và caffeine, có thể gây nóng ran. 
+ Thường xuyên tập thể dục: hoạt động thể chất thường xuyên giúp ngăn ngừa tăng cân, cải thiện giấc ngủ, tăng cường xương và nâng cao tâm trạng. Cố gắng tập thể dục trong 30 phút hoặc nhiều hơn hầu hết các ngày trong tuần, đơn giản nhất là đi bộ. Các môn khác có thể giúp giảm căng thẳng như thiền hoặc yoga giúp thư giãn và tăng cường sức khỏe. 

Có nên tự bổ sung nội tiết?
Sử dụng phối hợp estrogen và progestine có tác dụng làm giảm các cơn bốc hỏa, khô âm đạo, đổ mồ hôi…, kéo dài tuổi thanh xuân. Tuy nhiên đây là con dao hai lưỡi làm gia tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung và một số bệnh lý tim mạch. Do đó, các bác sĩ sẽ rất cân nhắc khi sử dụng liệu pháp này, mỗi người không nên tự ý sử dụng nội tiết cho bản thân.

Đến gặp bác sĩ khi nào? 
- Một số phụ nữ cảm thấy cơ thể mình có sự thay đổi và thấy khó chịu nên cần sự chăm sóc y tế. Một số phụ nữ khác thì thầy không có gì quá nghiêm trọng. Tuy nhiên tất cả phụ nữ ở độ tuổi này đều nên thăm khám định kì để tầm soát sức khỏe cho dù có gặp các triệu chứng khó chịu của tiền mãn kinh hay không.

- Nếu có các triệu chứng khó chịu của tiền mãn kinh, nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được can thiệp điều trị nếu cần, được tư vấn về dinh dưỡng, lối sống, cách làm giảm nhẹ các triệu chứng để nâng cao chất lượng cuộc sống. Đừng chủ quan cho rằng chỉ là các dấu hiệu của tiền mãn kinh rồi sẽ qua, bác sĩ sẽ giúp bạn kiểm tra đó là vấn đề của tiền mãn kinh hay vấn đề bệnh lý nào khác. Cần chẩn đoán phân biệt với nguyên nhân thực thể gây rối loạn kinh nguyệt, đặc biệt là các bệnh lý ung thư phụ khoa. Cần tầm soát các bệnh ung thư có thể xảy ra cho phụ nữ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh như ung thư cổ tử cung, ung thư vú...

- Y học cổ truyền có thể hỗ trợ gì cho sức khỏe của phụ nữ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh?

Y học cổ truyền dùng pháp trị chủ yếu là Tư bổ Can Thận, điều trị các triệu chứng như đau lưng mỏi gối, tiểu đêm, ngủ kém, đổ mồ hôi, bốc hỏa… rất hiệu quả. Các phương pháp gồm 2 nhóm chính là dùng thuốc và không dùng thuốc, hướng đến cân bằng âm dương, lập lại cân bằng sinh lý cho người phụ nữ.
- Dùng thuốc:
Tùy thể bệnh mà dùng các bài thuốc thang uống như Tri Bá Địa Hoàng Hoàn gia giảm, Kỷ cúc địa hoàng hoàn gia giảm, Mạch vị địa hoàng hoàn, An thần định chí hoàn, Thận khí hoàn…. Thuốc dùng ngoài có thể dùng các bài thuốc ngâm tắm giúp an thần, dễ ngủ, thư giãn, hạ hỏa.
- Không dùng thuốc
+ Các phương pháp châm cứu: nhĩ châm, đầu châm, thể châm, điện châm… với các phương huyệt bổ Can Thận, bổ khí huyết, an thần. 
+ Xoa bóp bấm huyệt: xoa bóp bấm huyệt vùng đầu giúp an thần, giảm căng thẳng, điều hòa giấc ngủ; xoa bóp các vùng cơ thể giảm đau nhức cơ xương khớp. 
+ Dưỡng sinh: các động tác Yoga như Thư giãn giúp tăng cường quá trình ức chế thần kinh, giúp ngủ ngon, an thần; Thở bốn thời có kê mông và giơ chân giúp cân bằng quá trình hưng phấn và ức chế…

Giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh là giai đoạn người phụ nữ rất cần được chăm sóc sức khỏe và sự quan tâm từ những người xung quanh. Bản thân người phụ nữ cần lưu ý khám sức khỏe định kỳ cho dù có gặp vấn đề về sức khỏe hay không, người thân cần để ý chăm sóc cho người phụ nữ của mình giai đoạn này nhiều hơn và đừng quên nhắc người thân của mình khám sức khỏe định kỳ.

Quy luật hình thành, phát triển, thinh vượng, suy thoái là điều tất yếu của vạn vật và con người cũng không phải là ngoại lệ. Chính vì vậy, chị em phụ nữ hãy đón nhận sự thay đổi tâm sinh lý của mình như một món quà mà tạo hóa đã ban cho chúng ta. Phụ nữ hiện đại dù mạnh mẽ và tự tin, phải cân bằng rất nhiều thứ giữa công việc và gia đình, nhưng cũng nên lắng nghe cơ thể mình, hiểu về sức khỏe của bản thân để có sự chuẩn bị tâm lý và kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho chính mình, giúp cho chị em phụ nữ có thể tự chăm sóc bản thân mình, có cuộc sống tích cực hơn, thêm yêu đời hơn. Và mọi người ai cũng nên biết các vấn đề sức khỏe của chị em phụ nữ để cùng chia sẻ và chăm sóc cho người phụ nữ thân yêu của mình.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X