Hotline 24/7
08983-08983

Áp lực tứ phía khi Tết cận kề

Gần Tết, khối lượng công việc đồ sộ cùng với những nỗi lo về kinh tế sau một năm đầy biến động, sự thay đổi nhiệt độ, môi trường dễ dàng hạ gục bất kỳ ai, khiến cơ thể căng thẳng gây ra tình trạng đau đầu, nhức mỏi toàn thân.

1. Cuối năm, stress vì việc “ngập đầu”

Năm 2020 sắp khép lại nhưng đây cũng là thời điểm “chạy nước rút” cho mọi lĩnh vực, ngành nghề. Chưa kể, cận Tết thời tiết bắt đầu thay đổi, yếu tố môi trường có nhiều chuyển biến lại thêm áp lực vì giải quyết vô số công việc, các mối bận tâm về gia đình, con cái xoay vần khiến ai nấy đều rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, uể oải, đau nhức cơ thể và nhất là đau đầu, cảm lạnh.

Cuối năm khiến bạn quay mòng mòng trong công việc, không còn thời gian nghỉ ngơi dẫn đến đau đầu do căng thẳng (Ảnh minh họa)

Theo TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115, tỷ lệ đau đầu căng thẳng ngày càng càng gia tăng ở người trẻ tuổi bởi những áp lực trong cuộc sống, công việc và học tập. Cho đến nay, cơ chế gây ra đau đầu căng thẳng vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng, song có một số yếu tố khởi phát tình trạng này như mất ngủ, thường xuyên stress, lo lắng, lo âu quá mức. Khi bị căng thẳng, một lượng hormone được giải phóng đưa cơ thể vào chế độ “chiến đấu”, thắt chặt các cơ, từ đó gây ra tình trạng nhức đầu.

Không chỉ đau đầu, công việc cuối năm dồn dập còn khiến những người làm việc thụ động cơ bắp có lượng acid lactic trong tế bào cơ tăng cao, lượng ion kali trong tế bào bị thoát ra bên ngoài dẫn đến tình trạng nhức mỏi chân tay, uể oải nhiều hơn.

Nhất là tình trạng đau vai gáy triền miên thường gia tăng trong giai đoạn cận Tết. Nếu ở những người làm công việc ngồi hoặc đứng lâu (như kinh doanh, nhân viên văn phòng, tài xế, phi công, giáo viên, thợ may…) có đặc tính đổ người về phía trước để nhìn sát vào màn hình máy tính, phải ngồi trong nhiều giờ liền, đứng lâu đánh máy và di chuyển chuột liên tục… thì người lao động chân tay hội tụ đủ các hành động bưng bê, mang vác vật nặng trên vai tạo áp lực lên lưng, vai cổ, làm cột sống bị trẹo sang một bên, gây nên tình trạng đau vùng cổ gáy và đau lưng.

2. Tăng cường trí lực dẻo dai, chiến thắng deadline cuối năm

“Đặc điểm của đau đầu loại căng thẳng là cơn đau thường ê ẩm, cảm giác bóp siết ở vùng đầu, đè ép thắt chặt, vị trí đau thường ở vùng da đầu, thái dương, vai gáy, thường đau cả 2 bên.

Cơn đau này không theo nhịp đập, không nôn ói, buồn nôn, không sợ ánh sáng hay tiếng động nhưng thường xảy ra hoặc đau tăng lên khi làm việc căng thẳng, gặp stress trong cuộc sống. Tính chất cơn đau ổn định và cường độ không dữ dội. Ngoài ra, người đau đầu loại căng thẳng cũng dễ bị mất ngủ, hay hồi hộp, lo lắng” - TS.BS Đinh Vinh Quang cho biết.

Còn đối với tình trạng đau vai gáy, giai đoạn đầu bệnh chỉ biểu hiện bằng đau nhức mỏi vùng cổ, vùng vai, sau đó sẽ lan xuống nhức mỏi cánh tay, gọi là hội chứng cổ, vai, cánh tay. Nguy hiểm của hội chứng này không chỉ bởi nguy cơ dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến dây thần kinh. Nếu không kịp thời giải quyết, người bệnh không chỉ đau đớn, khó chịu mà còn sa sút tinh thần, ảnh hưởng đến công việc và giảm chất lượng cuộc sống.

Đau lưng, mỏi vai gáy là tình trạng thường gặp ở người làm công việc có tính chất đứng nhiều hoặc ngồi nhiều (Ảnh minh họa)

Trước tiên, để giảm tình trạng đau đầu, đau mỏi vai gáy, đủ sức chạy đua với hàng tá deadline cuối năm, mỗi người có thể xây dựng chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý bằng cách:

- Sắp xếp công việc hợp lý: liệt kê các công việc cần làm theo thứ tự ưu tiên, tập trung để làm việc nào xong việc ấy.

- Xây dựng chế dộ dinh dưỡng hợp lý, cung cấp đầy đủ vitamin, khoáng chất, chất chống ô xy hóa và các chất dinh dưỡng khác, duy trì cân nặng hợp lý.

- Không nên ngồi hoặc đứng quá lâu, dù bận rộn cũng đừng quên mỗi 2-3 tiếng nên đứng lên thư giãn khoảng 10 phút, thực hiện các động tác căng giãn vai, lưng đơn giản để phục hồi tinh thần, tránh đau mỏi do ngồi lâu một chỗ.

- Chú ý, tự điều chỉnh tư thế ngồi làm việc, đặc biệt khi phải ngồi từ 8-9giờ/ngày. Chân phải đặt sát sàn nhà, đùi song song với mặt đất, lưng cần có gối tựa. Khuỷu tay đặt trên một điểm tựa, không cách quá xa cơ thể. Vai thả lỏng, không cao vượt cầu vai.

- Có thể sử dụng thuốc giảm đau trong 1 vài trường hợp

Làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, nên giảm đau khi cần thiết sẽ giúp bạn điều hòa công việc, cuộc sống tốt hơn (Ảnh minh họa)

3. Thuốc giảm đau - dùng sao cho hiệu quả?

Có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn paracetamol dạng viên dành cho người lớn - đây là một trong những nhóm giảm đau an toàn và ít tác dụng phụ trên cơ thể nhất.

Về liều lượng thuốc có thể tính trên cân nặng của người bệnh:

- Người từ 33-50kg thường dùng liều paracetamol 500mg

- Từ 43-65kg dùng liều 650mg

- Từ 67-100kg dùng liều 1.000mg

Theo khuyến nghị của y tế thế giới chỉ sử dụng hàm lượng thuốc từ 10-15mg paracetamol/kg/lần, các lần uống uống 4-6h và không quá 4g/ngày. Cũng cần lưu ý, không được dùng paracetamol để tự điều trị giảm đau quá 10 ngày ở người lớn hoặc quá 5 ngày ở trẻ em, trừ khi do thầy thuốc chỉ định. Việc dùng thuốc giảm đau kết hợp thay đổi lối sống lành mạnh mà tình trạng đau đầu, nhức mỏi vai gáy, đau lưng không thuyên giảm nên tìm đến bác sĩ để khám, tìm nguyên nhân và hướng điều trị tốt nhất.

Video clip:

Đau đầu do căng thẳng, stress ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống?

4. Hỏi - đáp: Vượt qua cơn đau đầu, nhức mỏi cơ thể, cân bằng cuộc sống

• Thưa BS, ngày bình thường thì em không đau nhức gì cả, nhưng hễ chuyển mùa, thời tiết thay đổi là lại bị những cơn đau đầu hành hạ, nhất là vào mùa lạnh cuối năm hoặc nắng nóng gay gắt. Vậy xin hỏi BS, thời tiết tác động thế nào đến thần kinh mà lại có thể gây ra triệu chứng đau đầu như vậy ạ? Làm thế nào để “cắt cơn” đau này ạ? (Huỳnh Thị Thảo Quyên - quyenqn12…@gmail.com)

TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 trả lời:

Bạn thân mến,

Ngoài nóng và lạnh còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến chúng ta như độ ẩm, khói bụi trong môi trường… Khi thời tiết giao mùa cũng kéo theo sự thay đổi của các yếu tố này, như vậy sẽ kích thích lên các bộ phận cơ thể như niêm mạc mũi, niêm mạc mắt, miệng hay da, cơ, mạch máu đều bị ảnh hưởng.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy khi nhiệt độ thay đổi thì sự co thắt của mạch máu, đặc biệt là mạch máu trên não sẽ thay đổi, từ đó sẽ gây ra các triệu chứng như đau đầu sổ mũi, hắt hơi…

Để tránh được những cơn đau đầu gây ra do thay đổi thời tiết, mỗi cá nhân cần hiểu cơ thể của mình, khi trời bắt đầu trở lạnh nên chuẩn bị quần áo ấm. Hoặc nếu đang ở trong môi trường nóng và cần ra ngoài trời lạnh thì bên cạnh việc mặc quần áo ấm bạn còn phải dùng thêm khăn quàng cổ, đeo khẩu trang để thích ứng dần với việc thời tiết thay đổi.

• Thưa bác sĩ, dạo này em bị mệt mỏi trong người, bao gồm hay buồn nôn và nhức đầu, thỉnh thoảng em bị đau bụng dưới và ngực của em rất đau khi chạm vào. Buổi tối hay nhức lưng, như vậy bác sĩ cho em hỏi em bị bệnh gì? Cảm ơn bác sĩ nhiều.(Nguyễn Huy Hùng - Phamcuong…@gmail.com)

TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 trả lời:

Các triệu chứng của em mơ hồ chủ yếu là đau mỏi khắp cơ thể. Hiện tượng này có thể do ít vận động gây ra. Em cần tập thể dục mỗi ngày để thư giãn các cơ bắp và khớp, đồng thời cũng tăng sức đề kháng bảo vệ cơ thể. Với các triệu chứng hiện tại em có thể đến khám bác sĩ Nội tổng quát bước đầu để định hướng nguyên nhân và điều trị em nhé.

Những tư thế ngồi, mang vác vật nặng đúng và sai (Ảnh minh họa)

• Vị trí đau đầu nói lên điều gì thưa BS? Vì có lúc thì em đau đầu bên phải, có lúc lại đau bên trái, nhưng thỉnh thoảng lại đau trên đỉnh đầu, thái dương… Đau đầu nên chụp X-quang, CT, hay MRI sẽ giúp chẩn đoán bệnh tốt hơn ạ? (Nguyễn Duy Tâm - nguyenluduytam17…@gmail.com)

TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 trả lời:

 

Bạn thân mến,

Tất cả cấu trúc trên đầu của chúng ta như da đầu, cơ đầu, các thần kinh, mạch máu đều có những thụ cảm thể về đau. Khi các cơ quan, những cấu trúc này bị ảnh hưởng sẽ kích thích lên các thụ cảm thể đau và chúng ta dần cảm nhận được đây là đau đầu. Tùy vào cơ quan nào bị kích thích mà vị trí đau đầu sẽ khác nhau, có thể đau đầu bên trái hoặc phải, đau đầu vùng đỉnh, gáy…

Để có thể đưa ra phương pháp cận lâm sàng X-quang, CT hay MRI là tối ưu, bạn cần phải biết nguyên nhân gây ra đau đầu này là gì. Vì vậy, khi bác sĩ khám cho người bệnh cần dựa trên các triệu chứng lâm sàng, khai thác tiền sử bệnh, gia đình… mới hướng đến nguyên nhân nào là nhiều nhất, từ đó mới có thể chọn lựa cận lâm sàng tương ứng.

Chẳng hạn, nếu người bệnh có triệu chứng đau đầu liên quan đến tai biến mạch máu não thì để tiết kiệm thời gian nên được chụp CT não là tốt nhất. Với các bệnh lý không phát hiện được trên CT hoặc X-quang thì lúc này cần phải chụp MRI não…

Sử dụng phương pháp cận lâm sàng nào để chẩn đoán tình trạng đau đầu còn tùy thuộc vào mỗi trường hợp người bệnh cụ thể, nguyên nhân hướng đến dựa trên triệu chứng lâm sàng, khai thác tiền sử bệnh, gia đình… (Ảnh minh họa)

• Thưa BS, cuối năm công việc nhiều nên cứ tối đến là em lại đau đầu, khó ngủ. Em có nên dùng thuốc tăng cường tuần hoàn não để sử dụng không ạ? Em cảm ơn BS. (Trần Ánh Tuyết- Anhtuyettran…@gmail.com)

TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 trả lời:

Bạn thân mến,

Trên thực tế, các triệu chứng như đau đầu, khó ngủ thường gặp ở nhiều bệnh lý khác nhau, không phải chỉ riêng bệnh thiếu máu não. Vì thế, người bệnh nên đến bệnh viện chuyên khoa để được bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác, từ đó đưa ra loại thuốc bổ sung máu lên não phù hợp. Không nên cứ thấy đau đầu là tìm mua thuốc bổ não hay tăng cường tuần hoàn não để sử dụng.

Trước mắt, bạn nên xem lại chế độ sinh hoạt của mình, các yếu tố gây căng thẳng có không và đi khám tổng quát để tầm soát có bệnh lý tiềm tàng nào hay không.

Để cải thiện tình trạng mất ngủ, đau đầu, bạn có thể áp dụng những điều sau: Không nằm hoặc ngủ vặt ban ngày, chỉ ngủ trưa 30 phút đến 1 giờ; Nên tắm nước ấm trước khi ngủ tối; Phòng ngủ bố trí thoáng mát, yên tĩnh, ít ánh sáng.

Đồng thời, không sử dụng các chất kích thích như cà phê, trà, rượu, bia, đồ uống có gas và các gia vị cay nóng và không ăn no và ăn các chất khó tiêu trước khi ngủ tối; Tập thể dục đều đặn mỗi ngày, hạn chế suy nghĩ bi quan, căng thẳng.

Đau đầu do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể do thay đổi thời tiết, căng thẳng, thức khuya… (Ảnh minh họa)

• Em bị đau đầu, mệt mỏi, kéo dài, làm thì rất mau mệt. Có phải em bị suy nhược thần kinh không ạ? Em đi khám thì không phát hiện gì nghiêm trọng mà người cứ mệt hoài. Em cảm ơn BS. (Đinh Bảo Châu - dinhbaochau0201…@gmail.com)

TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 trả lời:

Chào bạn,

Khi bạn làm việc quá sức thì năng lượng sẽ bị cạn kiệt, các cơ quan không được máu nuôi, thiếu năng lượng sẽ gây ra tình trạng mệt mỏi. Nếu tình trạng này tiếp diễn và kéo dài thì sẽ dẫn đến một tình trạng nghiêm trọng hơn đó là suy kiệt như bạn vừa đề cập.

Để tránh tình trạng này thì tốt nhất bạn phải có một chế độ làm việc vừa phải, hợp lí, chế độ ăn uống đầy đủ về các chất như đạm, rau, củ, quả, ngủ đủ giấc ít nhất phải được 6 - 7 tiếng/ ngày. Có như vậy thì cơ thể mới nạp lại năng lượng; nâng cao chất lượng cuộc sống, cũng như công việc của bạn mới cải thiện nhiều hơn.

• Thưa BS, em làm thiết kế đồ họa, làm việc nhiều với máy tính. Gần dây do cuối năm việc dồn nhiều nhưng em không tập trung được, không biết vì sao cứ đụng đến máy tính là em lại bị đau đầu, cảm giác đau cổ, mỏi người. Em bị bệnh gì thưa BS? Làm sao để chấm dứt tình trạng này? Em có dùng paracetamol 500mg nhưng không giảm đau, có phải do không đủ liều? Em cảm ơn BS. (Thanh Phương - 55kg, nữ, TPHCM).

TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 trả lời:

Paracetamol 650mg phù hợp với thể trạng của người Việt trong thời đại mới

Bạn thân mến,

Trường hợp của bạn có thể nghĩ đến nguyên nhân gây đau đầu là do làm việc căng thẳng. Hơn nữa, với những người có tính chất công việc văn phòng, làm việc nhiều với máy tính thường sẽ có thói quen ngồi lâu, ít vận động, chưa kể là có thể ngồi làm việc sai tư thế… khiến các dây thần kinh ở cổ bị chèn ép, cản trở tuần hoàn máu gây ra mỏi cổ.

Trước hết để thay đổi các triệu chứng khó chịu này bạn nên cố gắng giữ tinh thần thoải mái bằng cách cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi, giải trí, tránh thức khuya, ngủ đủ giấc. Ngoài ra, trong quá trình làm việc bạn nên vận động nhiều hơn, không ngồi yên một chỗ, làm việc sau 1-2 giờ nên đứng lên đi lại để máu huyết lưu thông và thư giãn cơ hoặc bạn có thể tập thể dục tại chỗ.

Song song đó cần sửa lại tư thế ngồi, mũi bàn chân chạm đất, gót chân nhún lên sau đó hạ xuống, làm đi làm lại trong vòng 30 - 50 lần. Giúp thúc đẩy lưu thông máu trong tĩnh mạch của chân, tránh căng thẳng cho tĩnh mạch chân, kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung vitamin D và các thực phẩm giàu canxi.

Khi bị đau đầu, mỏi cơ thể thì nên nghỉ ngơi, thư giãn, massage. Nếu các biện pháp không dùng thuốc chưa cải thiện tình trạng này, bạn có thể sử dụng thêm các loại thuốc giảm đau tương đối lành tính và ít tác dụng phụ trên cơ thể như Paracetamol. Đây là thuốc không kê đơn, có thể mua tại hiệu thuốc, ngoài công dụng điều trị triệu chứng đau do đau đầu, đau nửa đầu, còn giúp giảm đau răng, đau nhức do cảm cúm, đau họng, đau nhức cơ xương, đau do viêm khớp…  Lưu ý, khi dùng cần đúng hàm lượng, liều dùng không quá 4g/ ngày.

Bạn cân nặng 55kg, nếu dùng paracetamol 500mg không thấy hiệu quả rõ rệt thì có thể sử dụng hàm lượng cao hơn như paracetamol 650mg, như vậy số lượng viên bạn sử dụng cũng sẽ ít đi, có thể mỗi ngày bạn chỉ cần dùng khoảng 3 viên là đủ.

Nếu như cơn đau thuyên giảm, bạn có thể tạm thời yên tâm nhưng nếu sau khi dùng Paracetamol mà vẫn bị đau đầu kèm theo thêm những triệu chứng khác thì lúc này chúng ta nên đi khám để bác sĩ có những chẩn đoán và điều trị một cách chính xác nhất.

Trân trọng!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X