Ăn Yến bổ gì?
Đây là loại thực phẩm được xếp vào hàng cao lương mỹ vị ở các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam.
Yến sào là một thực phẩm độc đáo được sử dụng đã trên 400 năm, được xếp vào hàng cao lương mỹ vị ở các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam... Chỉ có tổ của một số loài chim yến biển thuộc họ Vũ yến (Apodidae) được khai thác và sử dụng làm thực phẩm, dược phẩm.
Phân loại tổ yến
Yến sào tự nhiên có ở một số địa phương Nam Trung bộ như Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Nam, Đà Nẵng... Từ đây, phong trào nuôi yến trong nhà lan rộng đến nhiều địa phương khác trong cả nước, đặc biệt là khu vực miền Tây Nam bộ.
Tổ yến tự nhiên khai thác từ các hang động (wild/cave nest) có giá trị thương phẩm cao nhất, có thành dày và đế cứng chắc hơn những loại tổ yến nuôi trong điều kiện nhân tạo.
Chưa có nhiều nghiên cứu so sánh về thành phần và tác dụng sinh học của các loại tổ yến, cho nên giá thành của tổ yến đảo cao có thể là do khan hiếm về nguồn cung cấp, tính chất khó khăn nguy hiểm của việc khai thác tổ yến tự nhiên trong hang động.
Yến nuôi trong nhà chủ yếu là loài Esculanta. Chất lượng tổ yến trong nhà tùy thuộc rất nhiều vào thực phẩm yến ăn được trong khu vực.
Các nhà kinh doanh còn chia tổ yến dựa vào màu sắc: Yến huyết (blood nest) có màu đỏ tươi, giá cao nhất vì hiếm gặp; yến hồng (pink nest) có màu hồng cam, màu càng đậm giá càng cao; và yến trắng (white nest).
Số lượng yến huyết và yến hồng chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng tổ yến trên thị trường. Yến trắng là loại thông dụng nhất (chiếm 90% tổng sản lượng). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng màu của yến huyết, yến hồng là do thành phần sắt nơi yến làm tổ.
Kinh nghiệm sử dụng yến sào
Theo Đông y, yến sào vị ngọt, tính bình, vào kinh phế, vị, có tác dụng dưỡng âm, bổ phế, tiêu đàm, trừ ho, định suyễn.
Yến sào thường được dùng cho người hen suyễn, ho ra máu, suy nhược. Tổ yến được phối hợp với nhân sâm, đại táo, liên nhục, hoài sơn, đương quy, câu kỷ tử... để làm thuốc bổ cho người già yếu, người bệnh lâu ngày.
Yến sào còn có hiệu quả trong điều trị hiếm muộn, suy thận, suy giảm trí nhớ. Sử dụng dài ngày làm đẹp da, tăng sức đề kháng của cơ thể. Liều dùng trung bình từ 6 - 12g mỗi ngày.
Để chế biến, người ta ngâm tổ yến vào nước ấm khoảng 2 giờ cho nở hoàn toàn, loại bỏ tạp chất và lông chim, rửa sạch, để ráo; sau đó đem tiềm (chưng cách thủy) với các thực phẩm khác (như gà ác, gà giò, bồ câu) hoặc các vị thuốc nói trên. Cách đơn giản nhất là chưng với đường phèn để ăn.
Trong yến sào có gì?
Chưa có nhiều nghiên cứu về thành phần dinh dưỡng và tác dụng của yến sào. Kết quả phân tích hiện đại cho thấy yến sào rất giàu chất đạm (53-65%), các dưỡng chất khác (khoảng 10%), bột đường khoảng 38,7% (acid sialic, hexosamine, hexose, deoxyexose), khoáng vi lượng (canxi, sắt, kali, phosphor, magne), glucosamin thiên nhiên (yếu tố cần thiết tạo nên sụn khớp), chất xơ...
Thành phần đạm của yến sào chủ yếu là dạng hòa tan, dễ hấp thu. Acid amin chiếm khoảng 6%, có đủ 18 loại acid amin thiết yếu. Trong đó, amide, humin, arginine, cystine, histidine, lysine... chiếm tỷ lệ lớn.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy trong yến sào có chứa yếu tố tăng trưởng biểu bì (epidermal growth factor - EGF). Điều này giải thích lý do các thầy thuốc Đông y khuyến khích sử dụng yến sào cho trẻ chậm lớn không rõ nguyên nhân.
Những kết quả nghiên cứu độc lập cho thấy, trong yến sào chứa glyco-protein hòa tan, dễ hấp thu, có tác dụng thúc đẩy quá trình phân chia tế bào của hệ thống miễn dịch.
Những khám phá này càng củng cố niềm tin về tác dụng thúc đẩy tăng trưởng cơ thể, tăng khả năng đề kháng, phục hồi sức khỏe của yến sào, đặc biệt thích hợp với các chứng ho kéo dài, hen suyễn, bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, miễn dịch.
Với phụ nữ, yến sào giúp làn da trở nên đẹp và rạng rỡ hơn. Tác dụng trẻ hóa da là do các yếu tố kích thích tăng trưởng biểu bì (mitogen-MSF-EGF), được gọi là “gen beauty”, có tác dụng thúc đẩy hệ miễn dịch, chống lão hóa, giảm nếp nhăn, giúp da mềm và tươi sáng hơn.
Sử dụng yến sào như thế nào?
Do sự khác biệt lớn về màu sắc, trọng lượng, nguồn gốc của các loại tổ yến. Việc lựa chọn sản phẩm biết rõ nguồn gốc xuất xứ của yến sào là vấn đề hàng đầu.
Trên tạp chí “American Journal of the Medical Sciences” năm 1999 có một bài viết về việc tổ yến chứa thạch tín khiến người dùng bị ngộ độc. Khi môi trường nuôi yến không được thuần khiết thì các nguy cơ khác cũng có thế xảy ra.
Chỉ nên sử dụng yến sào cho người suy nhược, ốm bệnh lâu ngày, giai đoạn hồi phục sau giải phẫu. Nhưng cũng không nên lệ thuộc quá lớn vào loại thượng phẩm này, vì khá nhiều thực phẩm và vị thuốc thiên nhiên khác cũng có tác dụng không kém mà giá thành không đạt “đỉnh” như yến sào.
Cho đến nay, chưa có nhiều công bố so sánh tác dụng của yến sào với các vị thuốc, bài thuốc bổ, tăng cường miễn dịch khác. Có lẽ trải qua quá trình chưng nấu yến sào với các thực phẩm, vị thuốc khác đã tạo nên một số thành phần có giá trị dinh dưỡng và bồi bổ cơ thể, chứ chưa hẳn là một mình yến sào làm nên tác dụng này.
Chính vì vậy, việc sử dụng yến sào trong điều trị cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc, và nhất là cần cân đối với điều kiện tài chính.
Theo Phó chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền - ĐH Y Dược TP.HCM
Doanh nhân Sài Gòn
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình