Hotline 24/7
08983-08983

Ăn uống chung, giao tiếp thông thường không lây nhiễm HIV

BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch LCH Truyền nhiễm TPHCM nhấn mạnh, HIV lây qua 3 con đường (tình dục, máu và các chế phẩm máu, mẹ truyền sang con trong kỳ thời mang thai, cho con bú), KHÔNG lây qua giao tiếp thông thường (nói chuyện, ôm, bắt tay, ho, hắt hơi), hay ăn uống chung bát đũa, ly chén hoặc dùng chung nhà tắm, ngồi chung ghế…

Có thể kết hôn, sinh con với người nhiễm HIV nếu phòng ngừa đúng cách

Thưa BS, người bị nhiễm HIV có thể kết hôn và sinh con với người không mắc phải căn bệnh này hay không và nguy cơ nhiễm HIV sẽ giảm thiểu nếu tuân thủ theo nguyên tắc nào?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trước đây, nhiều người nghĩ rằng HIV sẽ lây cho người có nguy cơ. Tuy nhiên, hiện nay bệnh nhân HIV có thể sống chung với người bình thường nếu biết cách phòng ngừa. Vì vậy, nếu phòng ngừa tốt, người mắc HIV có thể kết hôn, quan hệ tình dục và sinh con với người bình thường, đứa bé sinh ra được bảo vệ đúng cách sẽ không bị nhiễm HIV.

Sử dụng chung vật dụng không gây nhiễm HIV

Khi sống chung nhà với người bệnh HIV có cần sử dụng riêng tất cả các đồ vật, dụng cụ nào có thể dùng chung và những dụng cụ nào bắt buộc sử dụng riêng, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Sử dụng chung vật dụng như: chén, đũa, ăn uống chung, nói chuyện, tiếp xúc không thể lây HIV, thậm chí sử dụng chung đồ cắt móng tay, bàn chải đánh răng,… hiếm khi xảy ra trường hợp lây bệnh. Việc lây nhiễm chỉ xảy ra khi quan hệ tình dục và có vết thương chảy máu của bệnh nhân HIV nhiễm sang vết thương người bình thường.

Gia đình có bệnh nhân HIV xử lý rác thải thế nào?

Việc sử lý rác thải đối với những gia đình có bệnh nhân HIV cần thực hiện như thế nào, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Rác thải sinh hoạt trong gia đình không gây lây nhiễm HIV.

Các con đường lây nhiễm và không lây nhiễm HIV

Ai cần điều trị dự phòng HIV?

Nếu trong gia đình có người bị HIV, thành viên trong gia đình có cần điều trị dự phòng hay không, những ai cần dự phòng trong trường hợp này và diều trị bằng cách nào, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, việc điều trị dự phòng chỉ thực hiện cho người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV, các mối quan hệ khác không cần điều trị dự phòng.

Hiện nay, dự phòng cho nhóm người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV sẽ điều trị bằng thuốc, uống 1 viên/ngày, được gọi là PrEP (phòng ngừa trước khi phơi nhiễm), mang lại hiệu quả. Ngoài ra, biện pháp này có thể áp dụng cho người có quan hệ tình dục với nhiều người trong cộng đồng không rõ việc mắc HIV.

Khi nào được ngưng dùng PrEP?

Vợ, chồng hoặc bạn đời của người nhiễm HIV được chỉ định dùng PrEP trong tình huống nào, việc điều trị kéo dài bao lâu, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu xác định quan hệ với người nhiễm HIV suốt đời thì việc điều trị PrEP sẽ uống trong suốt thời gian đó. Nếu đến thời điểm không còn quan hệ nguy cơ với người nhiễm HIV, có thể ngừng điều trị dự phòng bằng PrEP.

PrEP chỉ ngừa được HIV

Cần lưu ý gì khi sử dụng PrEP, có phải khi sử dụng PrEP thì không cần lưu ý gì khi quan hệ tình dục không, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: PrEP chỉ ngừa được HIV, nếu quan hệ tình dục không kiểm soát, có thể lây bệnh đậu mùa khỉ, giang mai và các bệnh lý tình dục khác. Vì vậy, cần quan tâm đến các vấn đề này để phòng ngừa vì đây đều là các bệnh lý khó chữa.

Người bệnh HIV nên đến đâu để nhận tư vấn, điều trị?

Các cặp đôi có nhiễn HIV nên đến đâu để được tư vấn về những giải pháp bảo vệ bạn đời trước nguy cơ lây bệnh?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, một người nhiễm HIV hoặc cặp nhiễm “khác dấu” (1 người nhiễm HIV, 1 người bình thường), có thể đến OBC (phòng khám ngoại trú) chuyên tư vấn về HIV hoặc đến trung tâm y tế dự phòng của địa phương để nhận tư vấn đề cách phòng ngừa. Do đó, nên tìm hiểu, đặc biệt ở những cặp đôi nhiễm HIV khác dấu.

Bệnh nhân đã bị nhiễm HIV nên tìm đến các địa chỉ trên để được điều trị tốt nhất. Bởi vì khi nhiễm HIV, nếu tuân thủ uống thuốc giúp nồng độ virus có trong cơ thể thấp, giảm khả năng lây HIV cho người khác.

Làm gì để tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con?

Để sinh con khỏe mạnh và không nhiễm HIV về sau thì trước khi mang thai, nên kiểm tra những gì?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Người phụ nữ nhiễm HIV có ý định mang thai, nên báo cho bác sĩ điều trị để cơ sở cấp thuốc ARV. Nhiều trường hợp không nói ra vì sợ uống thuốc sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, tuy nhiên, loại thuốc này không gây hại cho mẹ bầu và cần uống nhiều giai đoạn khác nhau.

Người phụ nữ sẽ được sét nghiệm lượng virus để đánh giá khả năng an toàn nếu mang thai, nguyên tắc thuân thủ điều trị dùng thuốc và sau khi sinh, em bé cần thuốc gì và làm những gì?... Những điều đó giúp người mẹ và em bé có cuộc sống an toàn khi mang thai, không lây HIV cho con và bé lớn lên khỏe mạnh.

Nhiễm HIV có được xuất ngoại?

Người nhiễm HIV có được ra nước ngoài du lịch hoặc đi công tác hay không? Nếu được thì cần cung cấp những thông tin gì về sức khỏe và có những lưu ý gì không, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: HIV không bắt buộc khai báo khi xuất cảnh hoặc nhập cảnh sang một quốc gia khác. Vì vậy, hãy sống như một người bình thường và phải có trách nhiệm tuân thủ uống thuốc, tránh lây lan ra cộng đồng.

Cần làm gì khi sống chung với người HIV?

Sống chung với người nhiễm HIV, gia đình cần thực hiện như thế nào để không lây nhiễm HIV và không khiến người bệnh có cảm giác bị bỏ rơi, xa lánh, xem thường, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Hiện nay, HIV như một bệnh mạn tính, thậm chí họ có chất lượng sống tốt hơn những người bị cảm cúm nặng hay viêm phổi mạn tính,… Vì vậy, không nên mặc cảm khi bị HIV. Nếu uống thuốc tốt, nồng độ virus thấp sẽ khó lây cho người khác.

Do đó, khi sống chung với người HIV, nên xem như người bệnh bình thường, có thói quen uống 1 - 3 viên thuốc một ngày. Lưu ý đường lây của HIV không qua tiếp xúc bình thường, phải có quan hệ tình dục hoặc truyền máu, lây từ mẹ sang con, vết rách ngoài da dính máu sang người khác,…

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X