Ám ảnh cứ đẻ là bị… ‘rạch’
Về chuyện đi đẻ, có đến hơn 50% chị em ám ảnh nhất với nỗi đau rạch tầng sinh môn.
Cứ đi đẻ là bị… rạch
Theo khảo sát của chúng tôi với những chị em đã từng sinh nở, thì ám ảnh lớn nhất của họ sau một ca sinh thường đó là sự đau đớn do vết rạch tầng sinh môn để lại. Nhiều chị em còn ví những cơn đau này nặng nề gấp bội phần đau đẻ. Oái oăm nhất là ngày nay, hầu như phụ nữ mang thai nào bước lên bàn sinh thường cũng đều phải rạch tầng sinh môn.
Vẫn biết rằng thủ thuật này nhằm giúp chị em có một ca sinh nở nhanh chóng và em bé chào đời dễ dàng hơn nhưng sau đó là cả chuỗi ngày dài chị em phải đau khổ chịu đựng sự đau đớn và đó là nỗi ám ảnh mà họ không dễ quên trong một sớm một chiều.
Nhìn con gái lê từng bước một từ nhà vệ sinh ra vì đau đớn do vết rạch tầng sinh môn mà bà H lắc đầu ngán ngẩm: “Chẳng hiểu sao bây giờ bọn trẻ cứ đi đẻ là bị rạch. Nhìn chúng nó đau đớn còn hơn là đau đẻ mà tôi xót quá. Ngày xưa chúng tôi đẻ sòn sòn 3-5 đứa mà có phải rạch bao giờ đâu”. Còn chị H thì mặt tím tái mãi mới ngồi được xuống giường tha vãn: “Do đầu con to quá mà em bị rạch và khâu đến 11 mũi. Từ hôm sinh bé đến giờ đã 3 ngày mà vết khâu vẫn chưa có dấu hiệu lành lại. Em sợ nhất là lúc đi vệ sinh, đau và xót vô cùng. Nhiều lúc muốn uống tí nước, ăn thêm chút đồ ăn gì đó vì đói nhưng lại nhịn miệng vì sợ phải đi vệ sinh. Bà đẻ khổ thế này đấy.”
Đây dường như là nỗi khổ không của riêng ai. Lướt qua một vài trang trên diễn đàn dành cho chị em bàn về vấn đề sinh nở, chúng ta mới thấy họ than vãn thế nào với chứng đau do rạch tầng sinh môn để lại.
do vết rạch tầng sinh môn để lại. (ảnh minh họa)
Mẹ Nhím còi chia sẻ: “Ôi em đã sinh con gần 2 năm rồi nhưng nghĩ lại bây giờ vẫn sợ. Em bị thai ngôi cao nên rặn đẻ vất vả lắm. Đến lúc đầu bé tụt xuống thì em hết hơi mãi con không chịu ra thế là bác sĩ rạch cho một đường. Em bị rạch sát gần hậu môn luôn, đau đớn vô cùng. Những ngày sau đó em toàn phải đứng, chẳng dám ngồi vì ngồi xuống là coi như đau chết điếng. Khi cho con bú cũng toàn phải đứng. Khổ vô cùng. Nghĩ lại vẫn thấy sợ”.
Mẹ Sáo: “Mình sinh nhanh nhưng phải cái con to nên không thể thoát khỏi cảnh bị rạch. Lúc rạch mình chẳng có cảm giác gì nhưng đến khi bác sĩ khâu thì đau thấy trời luôn. Mình chưa bao giờ có cảm giác đau đớn kinh khủng thế. Mà hình như bác sĩ khâu sống luôn hay sao ấy mà khâu đến đâu mình biết đến đó. Thật là dã man.”
Mẹ Bi: “Dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước là chắc chắn sinh sẽ bị rach nhưng mình không nghĩ rạch tầng sinh môn lại đau đến thế. Những ngày sau sinh, lúc đi vệ sinh vừa đi vừa gọi mẹ để đỡ đau. Lúc đó tự nhủ với lòng mình sẽ không bao giờ đẻ nữa hoặc sẽ đẻ mổ chứ không thể để tiếp tục bị rạch. Mà mình còn bị nhiễm trùng vết khâu nữa chứ. Mãi đến gần 1 tháng các vết khâu mới liền. Một tháng chiến đấu với vết đau này khiến mình ám ảnh đến tận bây giờ”.
Hãi hùng đau đẻ
Nói đến chuyện đau đẻ thì chị em có đến hàng nghìn lẻ chuyện để buôn mãi mà không hết. Chắc chắn chị em nào đã từng sinh nở cũng có những kí ức mãi không quên và hầu như mọi người đều có chung một cảm giác ám ảnh. Theo kết quả một cuộc khảo sát mới đây, có đến 80% bà đẻ bước ra khỏi phòng sinh thề sống thế chết sẽ không bao giờ đẻ lại nữa. Tại sao vậy, hãy cùng nghe các mẹ chia sẻ nhé:
Mẹ Susu: “Ám ảnh lớn nhất của em khi đau đẻ là khám sinh. Cứ 10-15 phút các bác sĩ lại khám một lần. Đang phải chiến đấu với cơn đau mà các bác sĩ cứ thọc tay rồi các dụng cụ ý tế vào vùng nhạy cảm khó chịu vô cùng. Mà khám đi khám lại vẫn chưa thấy cho mình lên bàn sinh mới càng sốt ruột. Cũng may là con yêu chào đời an toàn, lúc đó, mọi phiền muộn cũng tan đi hết”.
Việc đau đẻ kéo dài và bị rạch tầng sinh môn khi sinh nở phần nhiều là
do chị em ngày nay lười vận động. (ảnh minh họa)
Mẹ Sóc: Nhớ lại cảnh đau đẻ đúng là khủng khiếp thật. Đứa đầu nhà mình 4.1kg, sinh thường. Ngôi cao, nên rặn mãi không ra. Đau bụng từ lúc 5h sáng - 11h mới sinh. Cứ 2-3 phút đau một cơn. Bạn mình làm bác sĩ, không đỡ được. Nhờ thêm 2 hai anh bác sĩ to cao lực lưỡng, quấn lấy váy rồi ép bụng xuống để cho ra em bé. Mình rặn mạnh kinh khủng, hơi dài kinh khủng mà không ra được. Đến lúc đẻ xong thì tóe máu mắt. Hai tháng mới hết vết đỏ trên mắt. Đúng là nhớ muôn đời”.
Mẹ Bil: “Mình sinh lần một sinh thường. Dù biết đau đẻ - ngứa ghẻ - hờn ghen thật kinh khủng nhưng trải qua mới thực sự thấm thía. Khi từ phòng đẻ về câu đầu tiên nói với chồng và mẹ chồng: Con không bao giờ đẻ nữa đâu. Thế mà 4 năm sau có bầu bị rau tiền đạo lai phải mổ. Mổ xong thì lại: Có dát vàng từ đường cái về con cũng không đẻ nữa đâu”.
Kết
Theo các chuyên gia khoa sản, việc đau đẻ kéo dài và bị rạch tầng sinh môn khi sinh nở phần nhiều là do chị em ngày nay lười vận động. Đa số các ca đau đẻ thường rất lâu, thậm chí cạn ối mà tử cung vẫn chỉ mở được hơn 1 phân, nhiều mới được 3 – 4 phân. Trong khi đó, em bé nào cũng đạt tiêu chuẩn trên dưới 3 kg, thậm chí có em bé hơn 4 kg. Như thế thì buộc phải mổ hoặc đẻ thường thì cũng bị rạch rất nhiều là điều đương nhiên.
Theo ý kiến chuyên môn của các bác sỹ sản thì phụ nữ sinh sản tốt nhất là đẻ thường. Nhưng thật khó để không đụng dao kéo, không “rạch chỗ nọ, khâu chỗ kia vì chị em tẩm bổ nhiều, lười vận động. Một số chị em cũng … lười rặn đẻ nữa”. Vì vậy, lời khuyên để giảm thiểu những nguy cơ các mẹ có thể gặp phải khi sinh nở là nên chăm chỉ vận động, có chế độ ăn uống cân bằng và tuần thủ những nguyên tắc của bác sĩ trong thai kỳ.
AloBacsi.vn (Theo Eva.vn)
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình