Hotline 24/7
08983-08983

8 thắc mắc thường gặp xoay quanh vấn đề ngộ độc thực phẩm

Tình trạng ngộ độc thực phẩm và nhiễm độc thực phẩm đang ngày càng gia tăng với mức độ nghiêm trọng, thậm chí đã có nhiều trường hợp tử vong vì sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn. Vì vậy, BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ đã có những đề cập liên quan đến vấn đề này trong bài viết dưới đây.

1. Thực phẩm là gì?

Thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá và các chất sử dụng như dược phẩm. 

Nhờ có thực phẩm mà con người được cung cấp dinh dưỡng cho sự phát triển của cơ thể, đảm bảo cơ thể hoạt động và làm việc có hiệu quả, tăng sức đề kháng, chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. 

Tuy nhiên, thực phẩm cũng là một trong những nguồn gây bệnh tiềm ẩn nếu chúng ta sử dụng không đảm bảo vệ sinh an toàn thì rất dễ bị ngộ độc, trúng thực. 

Nếu ngộ độc ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể khỏe lại sau vài ngày; trong trường hợp nặng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời và theo dõi. Vì vậy cần nhận biết sớm các biểu hiện của ngộ độc thực phẩm để có hướng xử trí kịp thời, và luôn đảm bảo an toàn thực phẩm để phòng tránh ngộ độc.

2. Ngộ độc thực phẩm là gì? 

Ngộ độc thực phẩm hay còn gọi là ngộ độc thức ăn hay trúng thực, là tình trạng gây ra do ăn, uống phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hay những loại thực phẩm bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, chất phụ gia... 

3. Nguyên nhân do đâu gây ngộ độc thực phẩm? 

- Ăn, uống thực phẩm bị ôi thiu, bị nhiễm khuẩn (vi khuẩn E.coli, khuẩn tả, khuẩn lỵ hoặc tụ cầu vàng trên da, giun, sán,...)

- Thực phẩm quá hạn sử dụng, thực phẩm bị ô nhiễm hóa học (thực phẩm nuôi trồng bị nhiễm kim loại nặng, thực phẩm chứa hóa chất độc hại, độc tố vi nấm,…)

- Thực phẩm có độc (cá nóc, cóc lạ, nấm độc, mầm khoai tây, …), thực phẩm tươi sống hay chưa chín kĩ,…

- Xuất phát từ khâu sản xuất, bảo quản, chế biến thực phẩm. ngộ độc thực phẩm có thể do chất bảo quản, chất ép chín trái cây nhanh, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, phụ gia…

- Sức đề kháng và sự thích nghi của cơ thể mỗi người với thức ăn lạ là khác nhau, do đó, cùng ăn một loại thực phẩm lạ/thực phẩm nhiễm bẩn thì có người ăn bị ngộ độc, có người không bị.

4. Trường hợp nào gợi ý ngộ độc thực phẩm?

- Có những biểu hiện khác thường liên quan đến việc ăn, uống một thực phẩm nào đó.

- Thực phẩm vừa ăn, uống có mùi vị lạ, ôi thiu hoặc quá hạn sử dụng,…

- Nhiều người có biểu hiện tương tự nhau sau khi cùng ăn uống một loại thực phẩm nghi ngờ, còn những người không ăn uống loại thực phẩm đó thì không bị gì.

- Có biểu hiện các triệu chứng ngộ độc thực phẩm gợi ý: Tùy theo nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, loại độc tố, mà triệu chứng ngộ độc có thể xảy ra ngay hoặc xảy ra sau nhiều giờ sau đó, có thể dao động từ ít nhất là 30 phút đến lâu nhất là 8 tuần. Những triệu chứng và biểu hiện thường gặp của ngộ độc thực phẩm như: Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi và thiếu năng lượng, đau cơ, đau đầu, ớn lạnh,… 

5. Ngộ độc thực phẩm khi nào được xem là nghiêm trọng?

Bệnh thường không nghiêm trọng, hầu hết bệnh nhân có thể cảm thấy khỏe hơn sau vài ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trong các trường hợp ngộ độc thực phẩm có các triệu chứng nặng sau đây cần đến cơ sở y tế điều trị ngay để tránh đe dọa đến tính mạng: 

- Tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày, đau bụng dữ dội

- Nôn mửa thường xuyên, nôn ra máu hoặc đi cầu ra máu, nước tiểu có máu

- Sốt cao hơn 38,9°C

- Các dấu hiệu mất nước nặng (mắt trũng, khát nước, khô miệng, đi tiểu ít hoặc không đi tiểu,..), 

- Cơ thể yếu trầm trọng, hoa mắt, chóng mặt, tay hoặc chân lạnh, thở nhanh hoặc thở dốc, tụt huyết áp, …

- Thể trạng yếu: người già, trẻ nhỏ, giảm miễn dịch

- Nhiều người bệnh cùng lúc.

6. Xử trí ra sao khi bị ngộ độc thực phẩm?

- Đối với bệnh nhân còn tỉnh táo: Ngưng ăn uống thực phẩm đó ngay. Gây nôn cho người bệnh, hoặc người bệnh tự gây nôn. Dùng tay đã rửa sạch đặt vào đáy lưỡi người bệnh để kích thích phản xạ gây nôn. Khi tiến hành kích thích gây nôn cần để người bệnh nằm nghiêng, kê hơi cao phần đầu hoặc ngồi đầu cúi thấp hơn ngực, để chất nôn không bị trào ngược vào phổi. 

- Đối với bệnh nhân ngộ độc không tỉnh táo, hôn mê, co giật: Không áp dụng kích thích nôn vì dễ gây hít sặc, nghẹt thở. Đặt người bệnh nằm nghiêng an toàn để đường thở thoáng, không hít sặc đờm dãi vào phổi. Nếu người bệnh bị ngừng thở, ngừng tim, hãy hô hấp nhân tạo, gọi người hỗ trợ, gọi cấp cứu ngay. 

- Sau khi sơ cứu, hãy đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để tùy triệu chứng mà có hướng xử lý hợp lý. Giữ lại các mẫu thực phẩm nghi ngờ khi nghi hóa chất, độc tố tự nhiên, nhiều người cùng bị, để giúp cho việc xác định nguyên nhân gây ra ngộ độc và có cách xử lý phù hợp.

7. Sau ngộ độc thực phẩm người bệnh nên ăn gì, uống gì? 

- Sau khi nôn ói nhiều, tiêu chảy nhiều cơ thể dễ bị mất nước, chất điện giải khiến người mệt mỏi, nên cho người bệnh uống nhiều nước (uống dần dần) và nghỉ ngơi. Uống ORESOL thay nước, khi còn khát, sốt hoặc tiêu chảy và theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Các đồ uống khác có thể dùng như: nước lọc, nước khoáng, nước dừa tươi.

- Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu để giảm bớt gánh nặng cho dạ dày và ruột. Bổ sung các loại thực phẩm chứa lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa như yaourt, sữa chua, men tiêu hóa, …

- Hạn chế uống nước đường, các sản phẩm từ sữa (phomai,..), thức ăn béo, đồ chua cay, các thức ăn ảnh hưởng dạ dày, sẽ dễ gây sinh hơi, chướng bụng,…

8. Ngộ độc thực phẩm có thể ngăn ngừa được không? 

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là bí quyết phòng tránh ngộ độc thực phẩm:

- Chọn lựa thực phẩm đảm bảo, rõ nguồn gốc, còn hạn sử dụng

- Bảo quản thực phẩm đúng cách, từ bảo quản thực phẩm chưa chế biến (đông lạnh, ướp muối...) hoặc đã chế biến (đậy, dằn, hâm, ướp lạnh...)

- Giữ vệ sinh trong khâu chế biến, khi ăn uống: Phải vệ sinh tay trước khi chế biến thực phẩm và trước khi ăn uống; Vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nấu nướng, dụng cụ ăn uống; Khi nấu nướng chế biến thức ăn, cần dùng riêng các dụng cụ; Sơ chế, chế biến thực phẩm hợp vệ sinh, đúng cách; Sử dụng nguồn nước sạch; Chọn hàng quán ăn ở ngoài cần uy tín, cẩn thận khi ăn uống ở hàng quán bên ngoài. 

- Phương châm cần lưu ý là “ăn chín, uống sôi” (ăn, uống thực phẩm đã chín kỹ)

- Khi đi du lịch đến khu vực lạ, khi ăn nên ăn lượng vừa phải để cơ thể thích nghi dần, chỉ nên uống nước đóng chai.

- Ngoài ra, có một số loại vắc xin có thể giúp ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng. Vắc xin Rotavirus được tiêm cho trẻ sơ sinh như một phần của quá trình tiêm chủng cho trẻ khi còn nhỏ. Còn có các loại vắc xin khác có thể được khuyến nghị sử dụng trước khi đi du lịch nước ngoài.

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm là cả một quá trình. Để chăm sóc sức khỏe tốt nhất, chúng ta nên nắm rõ các biện pháp an toàn thực phẩm, nhận biết được những dấu hiệu ngộ độc thực phẩm để phát hiện sớm, nhanh chóng đi khám và điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X