Nhận biết và phòng tránh ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng
Hè đến với thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus gây bệnh đường ruột phát triển. Chính vì thế đây cũng là thời điểm gia tăng nguy cơ tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm.
Vì sao mùa nắng nóng dễ bị ngộ độc thực phẩm?
Thời tiết nóng bức cùng với độ ẩm cao chính là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có hại, nhất là vi khuẩn trong đường tiêu hóa sinh sôi và phát triển. Trong khi đó, nhiều người có thói quen xử lý thực phẩm chưa đúng cách hoặc thức ăn chưa được nấu chín kĩ để tiêu diệt vi khuẩn làm vi khuẩn có cơ hội nhân lên và phá hủy thức ăn.
Một số nơi có điều kiện sinh hoạt khó khăn, môi trường ô nhiễm, nước thải sinh hoạt kém là điều kiện thuận lợi cho virus xuất hiện và gây bệnh. Nếu nấu thức ăn trong điều kiện này sẽ dễ dẫn đến tiêu chảy và ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, bảo quản chưa đúng cách, thức ăn để bên ngoài không khí nóng quá lâu… cũng là một trong số các nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.
Ngoài ra, do thời tiết nắng nóng nhiều người ngại nấu ăn nên thường mua các loại thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm bán sẵn không bảo quản đúng cũng gây ra ngộ độc và tiêu chảy.
Triệu chứng điển hình của ngộ độc thực phẩm
- Đau bụng: Đây là một dấu hiệu rất phổ biến khi bị ngộ độc thực phẩm, nó xuất hiện khá sớm sau khi ăn thực phẩm không đảm bảo. Do những tác nhân ngộ độc có thể gây hại cho cơ thể nên tạo ra phản ứng kích thích gây tăng nhu động ruột để tăng tốc độ đào thải chất độc hại và từ đó khiến cho cho người bệnh bị đau bụng. Tuy nhiên, dấu hiệu đau bụng có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác nhau nên thường khó xác định có phải do ngộ độc thực phẩm hay không.
- Buồn nôn và nôn mửa: Đây cũng là một trong những cách tự nhiên giúp cho cơ thể dễ dàng đào thải các chất gây ngộ độc cho cơ thể ra ngoài. Tuy nhiên, do nôn nhiều cũng khiến cho người bệnh dễ bị mất nước nên cần chú ý bổ sung nước khi bị nôn.
- Tiêu chảy: Là tình trạng đi ngoài phân lỏng trên 3 lần/ngày. Đây là triệu chứng phổ biến thường xuất hiện khi bị ngộ độc, do các nguyên nhân gây ngộ độc gây ra viêm niêm mạc đường tiêu hóa, khiến cho nó giảm khả năng tái hấp thu nước nên gây tiêu chảy. Đây cũng được coi là một biện pháp giúp cơ thể đào thải chất độc nhanh hơn, trong ngộ độc nhẹ biểu hiện tiêu chảy thường không kéo dài quá 3 ngày, không gây ra mất nước nặng.
- Đau đầu: Một số độc tố có trong thực phẩm gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh và gây ra đau đầu. Với mức độ nhẹ người bệnh thường chỉ đau đầu, nhưng nếu nặng có thể lú lẫn, co giật...
- Sốt: Với mức độ ngộ độc thực phẩm nhẹ thì người bệnh có thể không bị sốt hoặc sốt nhẹ. Sốt là một triệu chứng bảo vệ cơ thể giúp cho hệ thống miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp nặng người bệnh có thể bị sốt cao trên 39 độ.
- Mệt mỏi và chán ăn: Đây cũng là biểu hiện thường thấy khi bị ngộ độc thực phẩm. Người bệnh thấy mệt mỏi và chán ăn có thể do bị mất nước hay các dấu hiệu như sốt, đau bụng, tiêu chảy khiến cho người bệnh không muốn ăn uống.
- Các dấu hiệu của bệnh thường diễn ra ở nhiều người nếu cùng sử dụng chung thức ăn gây ngộ độc.
Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm nhẹ thường xuất hiện và hết sau thời gian ngắn với các biện pháp chăm sóc phù hợp. Tuy nhiên, cần lưu ý nếu như các biểu hiện này có kèm theo đi ngoài phân có máu; sốt cao; người bệnh nôn quá nhiều; có dấu hiệu mất nước như mắt trũng, tiểu ít, họng khô, chóng mặt; tiêu chảy kéo dài; người bệnh co giật...cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị phù hợp.
Những thực phẩm hạn chế ăn vào mùa hè để tránh bị ngộ độc.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), thịt sống, trái cây và rau quả có nhiều khả năng gây ngộ độc thực phẩm. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược (FDA) Hoa Kỳ, hàng năm quốc gia này có khoảng 48 triệu trường hợp mắc bệnh do thực phẩm gây ra và mỗi năm có khoảng 128.000 ca nhập viện và 3.000 ca tử vong. Dưới đây là những thực phẩm chúng ta nên hạn chế ăn vào mùa hè để tránh bị ngộ độc.
- Kem
Mặc dù kem là món ăn không thể thiếu trong mùa hè, nhưng kem có thể gây ra rất nhiều rắc rối cho sức khỏe. Theo các chuyên gia dinh dưỡng kem chứa các vi khuẩn như campylobacter, khuẩn salmonella, E. coli và listeria. Tất cả các loại vi khuẩn này đều phát triển mạnh trong nhiệt độ ấm hơn của mùa hè - khiến số vụ ngộ độc thực phẩm tăng đột biến.
Theo CDC, vi khuẩn listeria thậm chí có thể sống sót sau nhiệt độ dưới 0 của tủ đông và có thể dễ dàng lây lan sang các thực phẩm khác và bề mặt khác. Các chuyên gia y tế khuyến cáo không nên làm đông lạnh lại kem đã chảy và cũng không để cả gia đình ăn trực tiếp từ cùng một hộp kem để phòng tránh mọi loại bệnh tật, kể cả ngộ độc thực phẩm.
Theo Harvard Health, khi làm kem tại nhà, tất cả nguyên liệu nên được bảo quản trong tủ lạnh cho đến khi sẵn sàng sử dụng. Các bác sĩ khuyên nên sử dụng công thức làm kem tự làm không có trứng để có thời hạn sử dụng lâu hơn.
- Giá sống
Tất cả các loại rau mầm như giá sống, cỏ ba lá và mầm củ cải đều có thể lây nhiễm bệnh gây ngộ độc thực phẩm do hạt của chúng bị nhiễm vi khuẩn. Mặc dù giá sống là siêu thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe, nhưng chúng cực kỳ nguy hiểm khi phát triển trong điều kiện ấm áp và ẩm ướt. Đó là môi trường cho các vi khuẩn có hại như E. coli và Salmonella phát triển mạnh.
Theo FDA Hoa Kỳ, trong một năm có ít nhất 148 đợt bùng phát bệnh do thực phẩm đối với rau mầm sống hoặc chưa nấu chín kỹ đã được báo cáo. Do đó, chúng ta nên luôn nấu chín tất cả các loại rau mầm trước khi ăn.
- Salad
Được coi là một trong những loại thực phẩm lành mạnh nhất – chứa nhiều chất dinh dưỡng giúp khỏe mạnh về thể chất và tâm lý, nhưng cũng có thể gây ra rủi ro về tính mạng. Nguồn ô nhiễm salad lớn nhất là nước được sử dụng để tưới cho các cánh đồng rau này. Khi phân từ cơ sở chăn nuôi gần đó đi vào hệ thống tưới rau diếp, vi khuẩn từ phân của động vật sẽ không chết mà chúng tiếp tục phát triển mạnh khi chúng ta ăn món salad.
Theo THE CDC, trên rau lá xanh có các loại vi trùng như E.coli, norovirus, salmonella, listeria và cyclosporine, tất cả đều có thể gây tử vong. Nên ăn salad tự làm tại nhà không mua salad làm sẵn ở siêu thị. Ngoài ra, hãy đảm bảo rửa sạch các loại rau lá xanh bằng cách rửa chúng dưới vòi nước chảy trong ít nhất 2 - 3 phút.
- Đồ nướng
Trong thịt nướng chứa carcinogen là thành phần nếu tiêu thụ thường xuyên sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Đặc biệt là vào thời tiết mùa hè nắng nóng càng làm nồng độ carcinogen trong thịt tăng cao hơn. Ngoài ra, thịt nướng được nấu ở nhiệt độ cao sẽ làm cơ thể nóng bức, khó chịu.
- Món ăn nhiều gia vị
Các loại thực phẩm như gừng, tỏi, hành, quế hay ớt đều là những loại gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn. Tuy nhiên, vào mùa hè nên hạn chế ăn những món ăn có chứa các loại gia vị này, bởi chúng không những làm cơ thể sản sinh nhiệt, gây nóng bức khó chịu mà còn khiến bạn bị ợ hơi.
- Thực phẩm nhiều protein
Theo chuyên gia, thay vì ăn thực phẩm giàu protein thì nên ăn nhiều rau, củ, quả hơn vào mùa hè để làm mát cơ thể. Vì thời gian để cơ thể tiêu hoá protein nhiều hơn các chất khác khoảng 25 - 30%. Nếu ăn quá nhiều protein, cơ thể sẽ sản sinh ra lượng nhiệt lớn, dẫn đến nóng trong người.
- Các loại ngũ cốc
Trong thành phần của ngũ cốc chứa carbohydrate và polysaccharide cùng chất xơ được xem là loại thức ăn thô. Chúng sẽ khiến bạn cảm thấy no lâu hơn, tuy nhiên ăn quá nhiều vào mùa hè sẽ gây ra đầy hơi, nóng bụng và khiến cơ thể mất nước.
- Sản phẩm làm từ sữa
Nhiệt độ bên ngoài cao khiến cơ thể tăng nhiệt, lúc này nếu tiêu thụ các sản phẩm làm từ sữa như bơ, phomai… có thể làm quá trình lên men trở nên bất thường trong dạ dày, dễ gây khó tiêu và đầy hơi.
- Đồ uống nóng
Uống cà phê vào buổi sáng là thói quen của nhiều người, thế nhưng uống cà phê vào mùa hè nắng nóng sẽ làm tăng thân nhiệt và gây mất nước. Thay vì uống các loại đồ uống nóng, nên giải nhiệt cơ thể bằng một cốc trà xanh hoặc lựa chọn cà phê đá thay vì cà phê nóng.
- Hàu sống
Hàu là món ăn quen thuộc trong những chuyến du lịch biển vào mùa hè, tuy nhiên hàu và các loại động vật có vỏ chứa Vibrio Parahaemolyticus và Vibro Vulnificus, đây là 2 loại vi khuẩn gây buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, đau bụng ở người khoẻ mạnh. Với những người mắc bệnh về gan, tiểu đường, ung thư hoặc những bệnh ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, vi khuẩn Vibrio Vulnificus có thể xâm nhập vào máu và đe doạ tới tính mạng.
Phòng tránh ngộ độc thực phẩm ngày nóng
Thời tiết nắng nóng là điều kiện để vi khuẩn phát triển mạnh khiến thức ăn dễ bị ôi thiu, làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng mọi người dân cần:
- Cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm. Thời tiết nóng bức, thực phẩm rất dễ bị hỏng, vì vậy nên chọn các loại thực phẩm tươi và sử dụng trong ngày. Không nên dự trữ quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh, không để lẫn thực phẩm sống với thức ăn chín.
- Để có thực phẩm an toàn, tốt nhất chế biến vừa đủ và ăn ngay sau khi chế biến. Nếu chưa sử dụng cần che đậy bảo quản cẩn thận (dùng màn bọc PE, hộp nhựa, lồng bàn, tủ lạnh,…).
- Ăn chín uống sôi. Hạn chế ăn đồ sống hoặc tái. Không ăn thức ăn ôi thiu, đã hết hạn sử dụng.
- Lưu ý sử dụng nguồn nước sạch và đun sôi nước trước khi làm đá. Không nên uống nước lã, không uống nước đun sôi để nguội qua đêm hoặc để quá lâu.
- Đừng để thức ăn ở ngoài quá lâu mới cho vào tủ lạnh. Luôn hâm nóng thức ăn để không bị hỏng, sinh mốc quá nhanh. Có thể chia thức ăn thành nhiều phần nhỏ để mau nguội trước khi đặt vào tủ lạnh.
- Không để chung thức ăn chín và sống. Nên có vật dụng riêng chế biến thức ăn chín và sống nếu dùng chung, phải rửa sạch sau mỗi lần chế biến thức ăn sống.
- Nhiệt độ từ 37 độ C - 40 độ C là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh với cấp số nhân, gấp 3 lần so với thời tiết bình thường.
- Trừ khi dùng các loại thực phẩm có thể nấu chín mà không cần rã đông, nếu không, phải luôn rã đông thực phẩm hoàn toàn trước khi nấu.
- Đối với các loại thực phẩm đã nhiễm khuẩn ở mức độ cao thì dù thức ăn được nấu chín, đun sôi thì độc tố vẫn còn, người sử dụng vẫn có nguy cơ bị ngộ độc.
- Không cho quá nhiều đồ vào tủ lạnh. Cần đảm bảo có không khí lưu thông bên trong tủ lạnh để quá trình làm mát được hiệu quả. Có thể để nước ở các ngăn đá và dành các không gian làm mát cho các loại thực phẩm thông thường.
- Giữ bếp và các vật dụng làm bếp luôn sạch sẽ.
- Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thức ăn, trước ăn và sau khi đi vệ sinh.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình