Hotline 24/7
08983-08983

8 chức năng của da ở cơ thể người

Theo BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ, da của người có rất nhiều chức năng. Da còn liên qua mật thiết đến các bộ phận khác trong cơ thể, là nơi phản ánh tình trạng các cơ quan nội tạng, các tuyến nội tiết, những biểu hiện nhiễm độc, nhiễm trùng và dị ứng…

Tìm hiểu về bì mao (y học cổ truyền) và hệ da (y học hiện đại)

Hệ da theo y học hiện đại là một cấu trúc bao bọc bên ngoài cơ thể với những chức năng quan trọng như bảo vệ cơ thể, hấp thu, dự trữ và chuyển hóa các chất, bài tiết các chất bảo vệ da (chất bã), đào thải các chất độc, thu nhận cảm giác, điều hòa thân nhiệt, cân bằng nội môi.

Da còn liên qua mật thiết đến các bộ phận khác trong cơ thể, là nơi phản ánh tình trạng các cơ quan nội tạng, các tuyến nội tiết, những biểu hiện nhiễm độc, nhiễm trùng và dị ứng. Ngoài ra, da còn có chức năng thẩm mỹ quan trọng.

Bì mao được dịch ra là da lông. So sánh chức năng của hệ da và bì mao cho thấy có nhiều điểm tương đồng. Bì mao bao phủ bề mặt cơ thể, bao gồm bì, mao và khí khổng (lỗ chân lông). Bì mao được ôn ấm và nhuận ẩm bởi vệ khí và tân dịch. Chức năng chính của bì mao là tiết mồ hôi, bảo vệ cơ thể khỏi ngoại tà và điều hoài nhiệt cơ thể.

Theo y học hiện đại, da người có 8 chức năng

Da là một cấu trúc lớn và phức tạp. Hiểu rõ về cấu trúc và chức năng cơ bản của da làm tăng mối quan tâm với da như một cơ quan chính yếu của cơ thể.

1. Chức năng bảo vệ

Da là một hàng rào bảo vệ, che chắn các cơ quan như thần kinh, mạch máu, cơ, xương, phủ tạng khỏi bị tấn công của các yếu tố có hại về sinh học, cơ học, hóa học và lý học.

Do có cấu trúc biệt hóa không ngừng của các lớp tế bào thượng bì, những vi khuẩn ký sinh trên da luôn bị đẩy lùi, đào thải ra ngoài cùng tế bào sừng. Một số men tổng hợp tại da có tác dụng diệt hoặc ngăn cản vi khuẩn phát triển như lysozym có tác dụng diệt khuẩn, leucotaxin có tác dụng kích thích khả năng thực bào của bạch cầu; men tăng sinh bạch cầu, men tổng hợp huy động kháng thể.

Nhờ cấu trúc chặt chẽ của lớp Malpighi, các sợi keo, sợi liên kết làm da có tính chất dẻo dai, đàn hồi nên có thể chịu được áp lực của môi trường (da chịu được một áp lực 1,8kg/m2) chống lại chấn thương từ ngoại cảnh, ngăn cản vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.

Lớp sừng của da ngăn cản không cho ánh sáng có bước sóng 200nm xuyên qua da, lớp trung bì ngăn cản bức xạ ánh sáng có bước sóng 340 - 700nm đi qua trung bì xuống hạ bì.

2. Chức năng điều hòa thân nhiệt

Da điều hòa nhiệt độ, giữ cho thân nhiệt ở mức hằng định nhờ 2 cơ chế: ra mồ hôi và phản ứng vận mạch.

Khi nhiệt độ bên ngoài hoặc thân nhiệt tăng cao do bị nhiễm trùng hoặc một lý do nào đó, cơ thể phản ứng bằng cách giãn mạch máu dưới da để tăng cường thoát nhiệt; tuyến mồ hôi tăng bài tiết, tăng bốc thoát hơi nước để giảm nhiệt độ (cứ 1 lít mồ hôi được bài tiết và bốc hơi sẽ làm tiêu hao 540 calo).

Khi nhiệt độ bên ngoài xuống thấp, các mạch máu dưới da sẽ co lại giảm tỏa nhiệt trên da.

3. Chức năng bài tiết

a. Bài tiết mồ hôi

Tùy theo vùng cơ thể khác nhau mà số lượng tuyến mồ hôi khác nhau. Thân mình bảo đảm bài tiết 50% số lượng mồ hôi. Hai chi dưới 25%, 2 chi trên và đầu 25%.

Các vùng da khác nhau cường độ bài tiết mồ hôi cũng khác nhau: ở trán, lưng, giữa ngực, có cường độ bài tiết mồ hôi cao nhất, ở tứ chi và các nơi khác thấp hơn.

Sự bài tiết mồ hôi được điều chỉnh bởi các sợi thần kinh sọ não, thần kinh giao cảm ở xung quanh tuyến; các trung khu dọc tủy sống; trung tâm điều hòa thân nhiệt ở vùng dưới đồi. Các chất như pilocarpin, cholin, adrenalin làm tăng tiết mồ hôi, atropin làm giảm bài tiết mồ hôi.

Ngoài nhiệm vụ tham gia điều hòa thân nhiệt, mồ hôi còn có nhiệm vụ đào thải các chất cặn bã, chất độc hại cho cơ thể.

Thành phần mồ hôi gồm: 99% là nước; Các chất điện giải: NaCl, Kali, Calci; Lactat puruvat bằng đậm độ trong máu và nước tiểu; Ure 0,4 - 0,5 g/lít; Amoniac: cao gấp 50 - 200 lần trong máu (bình thường amoniac máu động mạch là 14,7 - 53,3 µmol/lít).

b. Bài tiết chất bã

Da luôn luôn bài tiết chất bã. Chất bã làm da không thấm nước, ngăn cản sự bốc hơi nước, làm da mềm mại, giúp cho da chống lại vi khuẩn, vi nấm.

*Thành phần của chất bã: 2/3 là nước, acid béo tự do no 15%, acid béo tự do 15%, triglycerid 32,5%, cholesterol 15%, sterol 2,5%, hydrocarbure 7,5%, phospholipid 0,003%, vết vitamin E.

Sự bài tiết chất bã chịu ảnh hưởng rất lớn của các nội tiết tố.

- Các chất nội tiết tố làm tăng tiết chất bã: androgen, nội tiết tố tuyến thượng thận, testosteron, gonadotrophin.

- Các chất nội tiết nữ làm tăng tiết chất bã (khi dùng liều cao progesteron).

- Các chất có thể gây giảm tiết chất bã ở cả nam lẫn nữ là oestrogen.

Chất bã làm cho da mềm mại, lông tóc mượt, móng tay, móng chân bóng. Nếu chất bã giảm bi tiết sẽ làm da thô ráp, dễ bong vảy. Bài tiết nhiều chất bã sẽ làm cho da nhờn, lỗ chân lông giãn rộng, nhiều trứng cá.

Chất bã có tác dụng chống nhiễm trùng nhưng một khi thành phần chất bã bị rối loạn, bài tiết chất bã quá mức sẽ thu hút vi khuẩn gây bệnh xâm nhập lên da.

4. Chức năng chuyển hóa

Da giữ vai trò quan trọng trong hệ thống cân bằng nước, điện giải, giữ 9% nước của cơ thể (trong cơ thể nước chiếm 64%). Nếu dùng thuốc lợi tiểu liên tục, nước ớ các bộ phận khác trong cơ thể không thay đổi, nhưng nước ở da sẽ giảm 10%.

Da là nơi chứa nhiều NaCl nhất cơ thể. Nếu tiêm dung dịch NaCl đẳng trương da sẽ giữ 20 - 70% số lượng nước. Khi ăn nhạt, lượng muối ở da sẽ giảm 60%. Khi dùng thuốc lợi niệu muối sẽ giảm 42%.

Dưới tác dụng của tia cực tím, cholesterol dưới da được chuyển hóa thành vitamin D cần thiết cho hấp thu calci ở xương. Da tham gia quá trình chuyển hóa đạm, đường, mỡ. Ở da có men amylase, cholinesterase, lipase, acginase, tyrosinose. Ở da có các vitamin như: aneurin, lactoflavin, acid penthotenic, acid nicotinic. Pyridoxin, biotin, cabolamin, vitamin C, A, D.

5. Chức năng thu nhận cảm giác

Cảm giác sờ mó, đụng chạm được phát hiện nhờ tiểu thể (hạt) Messner và Pacini. Các tiểu thể này phân bố không đều ở khắp cơ thể tập trung nhiều nhất ở lòng bàn tay. Tiếp nhận cảm giác tỳ đè là các hạt (tiểu thể) Golgi và Mazzoni.

Ngoài ra, cảm giác nóng được tiếp nhận do tiểu thể Ruffini. Cảm giác lạnh được tiếp nhận do tiểu thể Krause ở trung bì. Toàn bộ da có 30.000 điểm nóng, 250.000 điểm lạnh. Vùng nhạy cảm nhất với cảm giác nóng lạnh là vú, ngực, bụng, mũi, tai.

Cảm giác đau do tận cùng các dây đảm nhiệm. Trên diện tích 12,5mm2 ở mu bàn tay có 16 điểm đau nhưng chỉ có 2 điểm sờ mó. Khả năng thu nhận cảm giác đau không đối xứng trên cơ thể. Có người nửa cơ thể bên phải nhạy cảm với cảm giác đau hơn bên trái hoặc ngược lại.

Ngứa là một cảm giác làm cho người ta phải gãi. Khi gãi sẽ làm dập nát tế bào giải phóng histamin. Histamin tiết ra sẽ làm giảm ngứa, nhưng khi tiết ra quá mức sẽ làm ngứa tăng lên và trở thành vòng luẩn quẩn càng gãi càng ngứa.

6. Chức năng tạo sừng (keratin), tạo sắc tố (melanin)

Đây là hai chức năng đặc biệt của tế bào thượng bì. Chất sừng, sắc tố giúp bảo đảm toàn vẹn và lành mạnh của da, chống lại các tác động có hại của sinh học (vi khuẩn, vi nấm, virus), cơ học, lý học và hóa học.

7. Chức năng miễn dịch

Ở da có nhiều tế bào có chức năng miễn dịch như tế bào Langerhans, tế bào lympho T. Khi có kháng nguyên (vi khuẩn, vi nấm, virus) đột nhập vào da, tế bào Langerhans xuất hiện bắt giữ kháng nguyên, trình diện kháng nguyên với tế bào lympho có thẩm quyền miễn dịch. Tế bào sừng tiết ra interferon.

8. Chức năng tạo ngoại hình và chủng tộc

Mỗi chủng tộc khác nhau có màu da khác nhau. Da người góp phần tạo ra hình hài của chúng ta.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X