8 câu hỏi đáp nam giới quan tâm về bệnh tuyến tiền liệt
Theo ThS.BS Lê Vũ Tân - Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân, bệnh tuyến tiền liệt chỉ xảy ra ở nhóm tuổi nhất định do đó các bạn trẻ không nên lo lắng các vấn đề ung thư tuyến tiền liệt, viêm tuyến tiền liệt, tăng sinh tuyến tiền liệt…, trừ khi có các dấu hiệu nhận biết rõ vấn đề tuyến tiền liệt mới cần đi khám.
1. Nhóm người trẻ dưới 40 tuổi không cần quan tâm nhiều đến bệnh tuyến tiền liệt
Nếu bị viêm tuyến tiền liệt sẽ có những dấu hiệu nào và bệnh nhân cần biết được mình có những triệu chứng, dấu hiệu nào để đến thăm khám sớm nhất?
ThS.BS Lê Vũ Tân trả lời: Triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt (TTL) rất mơ hồ và có nhiều triệu chứng tùy thuộc vào nguyên nhân khác nhau. Hiện nay nếu tìm kiếm từ khóa “viêm tuyến tiền liệt” trên google sẽ có rất nhiều kết quả hiển thị, trong đó nhiều bài hướng dẫn người bệnh đến các phòng khám không chính thống và lừa đảo bệnh nhân.
Cơ sở y tế đó sẽ dùng kết quả viêm TTL để hướng dẫn bệnh nhân cắt bao quy đầu, cắt thần kinh dương vật, chiếu đèn, chiếu tia… làm các thủ thuật không tốt cho sức khỏe người bệnh.
Do đó người bệnh cần nhớ viêm TTL chỉ xảy ra ở nhóm tuổi có nguy cơ mắc bệnh TTL là nhóm tuổi trung niên, nếu ở giai đoạn trẻ tuổi không cần quan tâm nhiều đến vấn đề TTL, các triệu chứng của viêm TTL sẽ thay đổi rất khác nhau như tiểu buốt, tiểu máu, xuất tinh đau hoặc đi cầu khó khăn…
Tùy thuộc vào những nguyên nhân mà các triệu chứng thay đổi khác nhau rất nhiều, vì vậy không có triệu chứng nào đặc biệt của viêm tuyến tiền liệt nên bệnh nhân không nên lo lắng nhiều về vấn đề này, đặc biệt là những người trẻ không có các triệu chứng hay nằm trong độ tuổi gợi ý.
2. Chỉ số xét nghiệm PSA: kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt
Nhiều người thắc mắc về chỉ số PSA trong chẩn đoán bệnh tại tuyến tiền liệt, nhờ BS chia sẻ cụ thể và chi tiết hơn?
ThS.BS Lê Vũ Tân trả lời: PSA là chất rất quan trọng trong TTL, dịch ra tiếng Việt là kháng nguyên đặc hiệu của TTL.
Dựa vào chỉ số PSA có thể biết được bướu TTL là bướu lành hay bướu ác. Nếu bướu lành chỉ số PSA không tăng trên 4, trường hợp bướu ác hoặc thậm chí di căn thì chỉ số PSA rất cao.
Một trường hợp bình thường, có triệu chứng của TTL và xét nghiệm ra PSA < 4, nguy cơ ung thư TTL của người này rất thấp. Nếu xét nghiệm PSA tăng cao, bác sĩ có thể do viêm nhiễm… nếu sau 1-2 lượt điều trị PSA không thay đổi các bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết TTL để xác định bệnh nhân có bị ung thư hay không và gợi ý các lựa chọn tiếp theo.
3. Tiểu nhiều lần, tiểu khó, tiểu rắt, triệu chứng nghi ngờ phì đại tuyến tiền liệt
Khi nhắc đến phì đại tuyến tiền liệt nhiều người rất lo lắng bởi các triệu chứng của nó, nhờ BS chia sẻ rõ hơn các triệu chứng của phì đại tuyến tiền liệt là gì và điều trị được tiến hành như thế nào?
ThS.BS Lê Vũ Tân trả lời: TTL là cấu trúc nằm ở giữa ngã ba đường tiết niệu và sinh dục, TTL góp phần rất nhiều vào quá trình đi tiểu, nếu một nam giới có các triệu chứng tăng sinh lành tính của TTL sẽ xuất hiện tình trạng tiểu nhiều lần, tiểu khó, tiểu rắt, tiểu đau, đặc biệt là tia nước tiểu yếu hơn. Những triệu chứng trên cho thấy bệnh nhân đó có nghi ngờ vấn đề bệnh TTL, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân làm các phương pháp khác nhau để đưa ra chẩn đoán.
Phẫu thuật được áp dụng khi điều trị nội khoa không ổn. Trong đó phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay là cắt đốt nội soi tuyến tiền liệt. Bác sĩ sẽ dùng một lưỡi dao phẫu thuật để cắt TTL làm rộng hơn đường hầm đi tiểu, cải thiện vấn đề đi tiểu một cách đáng kể.
4. Xét nghiệm giải phẫu để phân biệt phì đại tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt
Khi bị chẩn đoán là ung thư nhiều người cho rằng đây là án tử và họ khá lo lắng giữa phì đại tuyến tiền liệt và ung thư thì phân biệt như thế nào?
ThS.BS Lê Vũ Tân trả lời: Cách phân biệt duy nhất giữa phì đại TTL và ung thư TTL là xét nghiệm giải phẫu bệnh, trước khi cho bệnh nhân tiến hành sinh thiết giải phẫu bệnh, bác sĩ phải thăm khám rất kỹ, kết hợp khám lâm sàng để xem mật độ TTL có cứng, chắc hay bình thường.
Kiểm tra chỉ số PSA của bệnh nhân, PSA tăng cao là dấu chỉ điểm của ung thư, bệnh nhân được chỉ định làm sinh thiết, nếu bệnh nhân bị ung thư TTL, dựa trên giai đoạn bệnh kết hợp với chẩn đoán hình ảnh bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
5. Nang tuyến tiền liệt, u nang tuyến tiền liệt có nguy hiểm không?
- Nang hay u nang tuyến tiền liệt là gì và được điều trị như thế nào? Liệu có nguy hiểm?
ThS.BS Lê Vũ Tân trả lời: TTL bao gồm các tuyến nhỏ, khi các tuyến này tăng sinh và dày lên tạo thành nang, tùy thuộc vào độ dày mà nang có kích thước to hoặc nhỏ. Đa phần các nang TTL là bệnh lý lành tính, nếu vô tình phát hiện ra nang TTL nghĩa là trước đó bệnh nhân đã có tình trạng viêm nhiễm hoặc tăng sinh bất thường, dày thành bất thường của vùng nang, những vấn đề này bệnh nhân không cần để ý đến nhiều vì phần lớn là bệnh lành tính.
6. Phân biệt u xơ tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt
Bên cạnh nang, bạn đọc khá lo ngại vấn đề u xơ, vậy u xơ tuyến tiền liệt liệu có nguy hiểm và điều trị như thế nào? Nhiều người lo lắng nếu không điều trị có thể dẫn đến ung thư.
ThS.BS Lê Vũ Tân trả lời: Hiện nay trong ngành niệu không sử dụng từ “U xơ”, trước đây gọi là u xơ TTL nhưng hiện nay gọi là tăng sinh lành tính TTL. U xơ (tăng sinh lành tính) là bướu lành của TTL, còn ung thư TTL là bướu ác.
7. Nốt vôi hóa tuyến tiền liệt là gì?
ThS.BS Lê Vũ Tân trả lời: Trong TTL có các vùng tăng sinh canxi oxy hóa nhiều hơn và đây cũng là vấn đề khá thường gặp ở TTL, bệnh lý này không gây triệu chứng, không phải ung thư nên bệnh nhân không cần quá quan tâm.
8. Làm gì để có tuyến tiền liệt khỏe mạnh?
Cuối cùng nhờ bác sĩ chia sẻ một vài lời khuyên làm sao để có một tuyến tiền liệt khỏe mạnh?
ThS.BS Lê Vũ Tân trả lời: Muốn có một TTL khỏe mạnh cần có một lối sống lành mạnh, đặc biệt là hạn chế viêm nhiễm đường tiết niệu sinh dục như các bệnh lây truyền qua đường tình dục, không quan hệ quá nhiều bạn tình hoặc cần có biện pháp bảo vệ khi quan hệ.
Thứ hai là bệnh lý TTL chỉ xảy ra ở một độ tuổi nhất định, do đó các bạn trẻ không nên lo lắng các vấn đề ung thư TTL, viêm TTL, tăng sinh TTL.., trừ khi có các dấu hiệu nhận biết rõ vấn đề TTL thì nên sắp xếp đi khám.
Bạn không nên lên mạng tìm thông tin và nghĩ bản thân đang mắc bệnh TTL, từ đó lo lắng và tiền mất tật mang khi đến các cơ sở y tế điều trị không chính thống, vẽ ra rất nhiều phương pháp điều trị.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình