Hotline 24/7
08983-08983

6 nhóm người có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là một trong những loại ung thư phổ biến nhất, bệnh nhân thường được phát hiện muộn, tiến triển nhanh, tiên lượng nặng với tỷ lệ tử vong cao. Trong bài viết dưới đây, ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã chỉ ra những trường hợp cần phải cảnh giác và nên khám tầm soát sớm căn bệnh nguy hiểm này.

Vì sao ung thư dạ dày thường phát hiện muộn?

Xin hỏi BS, tại sao đa số chúng ta phát hiện ung thư dạ dày trong tình trạng khá muộn?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Đối tượng nghiên cứu của y học là con người, mà con người lại cực kỳ phức tạp. Câu chuyện bạn nữ 26 tuổi phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn cuối buổi sáng thì chiều về tử vong như báo chí đưa tin, tôi biết rằng các đồng nghiệp của tôi đã gặp một trường hợp khó.

Nếu trong hóa học, kim loại natri xút công với axit phải ra hợp chất muối kiềm, bắt buộc phản ứng phải xảy ra như vậy. Nhưng ở con người, khả năng, sức chịu đựng và triệu chứng rất khác nhau đối với mỗi cá nhân.

Như trong thời kỳ dịch COVID, 2 người cùng có kết quả xét nghiệm dương tính, nhưng có người đau họng có người không đau, có người bị ho, có người diễn tiến nặng. Phản ứng và sức chịu đựng của mỗi cơ thể con người khác nhau.

Nhất là người trẻ, sức chịu đựng tốt và triệu chứng không rầm rộ. Ông bà ta ngày xưa có câu “Bà chúa đứt tay bằng ăn mày sổ ruột”, ngưỡng chịu đau của mỗi người hoàn toàn khác nhau. Nhưng người chịu đau tốt hơn không có nghĩa là bệnh sẽ nhẹ hơn hay nặng hơn.

50 - 60 năm về trước, ung thư xuất hiện những triệu chứng điển hình như bụng to. Hơn 30 năm về trước, những phương tiện chẩn đoán khá hơn một chút nhưng vẫn không thể so với bây giờ. Chúng tôi cũng còn gặp những triệu chứng điển hình khi bệnh đến giai đoạn cuối.

Bây giờ, đất nước giàu mạnh hơn, người ta quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn, khám và tầm soát cũng được thực hiện nhiều hơn nên phát hiện ung thư sớm hơn. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp không có triệu chứng.

Đặc biệt ở người trẻ, vì có sức chịu đựng nên triệu chứng cũng không rõ ràng. Ví dụ như bệnh loét bao tử, có nhiều người đau rất dữ dội. Nhưng theo thống kê, có đến hơn 25% trường hợp người bệnh trên 60 tuổi có tình trạng loét câm, còn gọi là loét không triệu chứng cho đến khi có biến chứng xuất huyết bao tử, thủng bao tử, ung thư bao tử,... Điều này giải thích lý do vì sao có những trường hợp khi phát hiện thì đã là ung thư giai đoạn cuối.

Cũng giống như những phim ngôn tình lãng mạn, đến bờ vực thẳm giữa sự sống và cái chết mới nói “Anh yêu em”. Lúc đó đã muộn màng rồi.

Không riêng gì ung thư bao tử mà ung thư gan, ung thư phổi,... cũng vậy. Bệnh nhân không hề cảm thấy đau đớn nhưng khi phát hiện thì đã muộn.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương 

Đặc điểm triệu chứng của ung thư dạ dày rất giống với viêm dạ dày

Các triệu chứng của ung thư dạ dày có thể bị nhầm lẫn với những bệnh lý nào? Biểu hiện đặc trưng nhất mà cũng dễ bỏ sót nhất của ung thư dạ dày là gì, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Tôi đã xem qua những chia sẻ từ báo chí về trường hợp cô gái 26 tuổi bị ung thư dạ dày. Các bác sĩ ở bệnh viện không phải là chẩn đoán sót.

Triệu chứng của cô gái này là đau, đi khám ở 2, 3 bệnh viện. Đặc điểm triệu chứng của ung thư dạ dày lại rất giống với viêm dạ dày, thậm chí có những trường hợp viêm dạ dày đau nhiều hơn cả ung thư dạ dày.

Theo kinh nghiệm thực tế của tôi, ung thư bao tử ít khi đau. Càng đau quằn quại lại càng ít ung thư bao tử. Giống như mua vé số Vietlott. Nhìn 100 người đau bao tử, người đau nhiều chừng nào, xác suất ung thư bao tử lại càng thấp. Những người đau nhẹ nhẹ, đau ít mới là tỷ lệ ung thư bao tử cao.

Ung thư bao tử khiến bệnh nhân ăn ít hơn, sụt cân hơn. Nếu khám kỹ, có thể sờ thấy hạch nằm trên cổ. Với một cô gái 25 -26 tuổi, độ tuổi đẹp nhất, chưa suy kiệt nên bác sĩ chỉ nghĩ đến viêm dạ dày.

Cô gái này đến các bệnh viện vào dịp nghỉ lễ, nghỉ bù và các bước tiếp cận như soi dạ dày cũng khó chịu nên bác sĩ cho uống thuốc. Nếu bớt đau là viêm dạ dày thông thường, nếu không bớt và tiếp tục diễn tiến thì mới soi.

Cô gái này được chẩn đoán trong vòng chưa đầy 1 tháng, bệnh ung thư dạ dày khởi phát ở lứa tuổi rất trẻ. Vấn đề này có nhiều yếu tố liên quan.

Vai trò của nội soi trong chẩn đoán ung thư sớm

Xin BS cho biết, cần phải làm những xét nghiệm nào để có hể chẩn đoán chính xác được ung thư dạ dày?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Lúc tôi còn đi học, nội soi chưa phát triển, người ta thường chụp X-quang. Ung thư phải rõ thì mới thấy được.

Ngày nay, kỹ thuật nội soi phát triển, có thể đưa ống vào để quan sát bao tử bằng hình ảnh có màu, 3D, độ phân giải cao. Vì vậy, việc chẩn đoán tương đối dễ.

Bây giờ có những máy nội soi mới, phóng đại và nhuộm màu để có thể chẩn đoán ung thư từ giai đoạn sớm. Còn cả tiêu chuẩn vàng: sau khi nội soi vẫn còn nghi ngờ, bác sĩ có thể dùng máy để lấy mẫu đưa đi sinh thiết. Nhìn qua kính hiển vi có độ phóng đại lên đến 100 lần, có thể nhìn thấy cả virus. Phóng đại lên 100.000 lần để xem tế bào đó có gì bất thường.

Tôi đã từng gặp những trường hợp ung thư di căn nặng ở bệnh nhân chỉ mới 18 tuổi, đang học lớp 12. Mới đầu chỉ tình nghi lao ruột nhưng khi soi thì thấy ung thư đại tràng. Đây là những trường hợp hiếm gặp, cũng có biểu hiện đau bụng, nhưng lại là ung thư ruột chứ không phải ung thư bao tử.

Ai dễ mắc ung thư dạ dày?

Đối tượng nào có nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn những người khác, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Những người dễ bị ung thư dạ dày là:

- Người bị nhiễm vi khuẩn HP

- Người có tiền sử gia đình, người thân có liên hệ máu mủ bị Polyp, bị ung thư đường tiêu hóa. Ung thư dạ dày và ung thư ruột có yếu tố di truyền.

- Nam giới dễ mắc ung thư dạ dày hơn nữ giới.

- Người từ 40 tuổi trở lên có triệu chứng đường tiêu hóa. Người trên 50 tuổi nên đi nội soi để tầm soát ít nhất 1 lần, dù không có triệu chứng đau.

- Người thường xuyên ăn các thực phẩm muối chua, hun khói, thịt nguội. Người có tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày không nên ăn các thực phẩm có muối diêm, làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

- Người có hút thuốc, uống rượu bia.

Sử dụng thực phẩm có chứa phẩm màu về lâu dài có thể gây ung thư. Phẩm màu thực phẩm dù được phép sử dụng trên cơ thể con người nhưng chỉ trong liều lượng cho phép. Thực phẩm dính lẫn phẩm màu công nghiệp là cực kỳ nguy hiểm.

Hiện nay, tại Việt Nam, việc tiếp cận nội soi khá dễ dàng, chi phí không cao. Thông thường những ca có triệu chứng đau đều ít nhất đã được nội soi 1 lần.

Aflatoxin trong thực phẩm mốc có khả năng gây ung thư

Không chỉ ung thư dạ dày, các bệnh lý ung thư khác đều đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Có phải do lối sống, do chế độ ăn, chế độ tập luyện là nguyên nhân dẫn đến sự trẻ hóa của ung thư không, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Theo tôi là không phải. Cuộc sống hiện đại với ô nhiễm môi trường, ô nhiễm hóa chất,... phần nào ảnh hưởng. Nhưng đất nước giàu có, phát triển, ngành y học phát triển, bệnh nhân ý thức được nhiều hơn, dân trí được nâng cao nên các bệnh lý được chẩn đoán sớm.

Trước đây khi đất nước còn nhiều khó khăn, việc chăm sóc sức khỏe chưa được thực hiện tốt. Có những trường hợp không có đủ điều kiện để chẩn đoán.

Dân số tăng lên, dù tỷ lệ bệnh tật vẫn như cũ thì số người bệnh cũng nhiều hơn. Số lượng bệnh viện, bác sĩ nhiều hơn, phương tiện nhiều hơn để có thể chẩn đoán ra sớm hơn.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta thường ít quan tâm đến bữa ăn. Vấn đề đơn giản như dùng túi nilon đựng thức ăn mang về, chúng ta không nên dùng túi nilon để đựng thức ăn nóng. Ngoài vấn đề rác thải ra môi trường, dùng túi nilon đựng thức ăn nóng sẽ khiến thức ăn bị nhiễm những chất độc hại từ túi, ảnh hưởng đến gan thận và có thể bị ung thư về sau.

Những thực phẩm tinh bột bị mốc nên mạnh dạn bỏ đi, không sử dụng nữa. Dù đã loại bỏ phần bị mốc nhưng những phần còn lại vẫn có nguy cơ nhiễm độc tố aflatoxin gây xơ gan, suy thận, ung thư gan.

Ăn thực phẩm bẩn, không qua kiểm định, thực phẩm đường phố nhiều màu thực phẩm cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Người bán có thể không cố tình nhưng họ không nắm được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và những nguy cơ về sức khỏe.

Bệnh nhân triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa sẽ được nội soi trong vòng 1 tháng

Nhờ BS chia sẻ cụ thể, trường hợp nào hoặc biểu hiện nào thì bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định nội soi?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Bệnh nhân trẻ dưới 30 tuổi, mới bị đau bụng, đầy bụng, khó tiêu, nôn ói lần đầu thông thường chỉ siêu âm, xét nghiệm và dùng thuốc trước. Nếu không có đáp ứng mới chỉ định nội soi.

Những bệnh nhân trên 40 tuổi có triệu chứng khó chịu từ lần thứ hai trở lên chắc chắn phải nội soi. Nếu kỹ hơn, từ lần đầu tiên có triệu chứng, bác sĩ đã cho nội soi.

Bệnh nhân trên 50 tuổi, bác sĩ sẽ chỉ định nội soi tầm soát, nếu bệnh nhân có nhu cầu.

Hiện nay, khi bệnh nhân có những triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa, sẽ được nội soi trong vòng 1 tháng. Những trường hợp sụt cân nhiều, thiếu máu, tiền sử gia đình có người bị ung thư sẽ bắt buộc phải soi ngay.

Bệnh nhân viêm dạ dày chuyển sản ruột cần nội soi mỗi năm

Đối với nhóm người có nguy cơ cao bị ung thư dạ dày, nội soi lần đầu cho kết quả bình thường, sau bao lâu nên nội soi lại một lần nữa, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Tùy theo mức độ viêm hoặc loét và mức độ cải thiện của triệu chứng, bác sĩ có thể nội soi kiểm tra lại sau 1 hoặc 2 tháng hoặc mỗi năm.

Thông thường, nhóm bệnh nhân có viêm teo dạ dày, viêm dạ dày chuyển sản ruột dù không có triệu chứng đau nhưng bác sĩ vẫn yêu cầu nội soi mỗi năm để tầm soát nguy cơ diễn biến nặng hơn hoặc chuyển sang ung thư giai đoạn sớm.

Nhiễm vi khuẩn HP trong dạ dày có cần điều trị không?

Những người có tiền sử gia đình có người bị ung thư dạ dày thì bao lâu nên nội soi một lần? Nếu đã phát hiện có vi khuẩn HP qua nội soi, trường hợp nào cần phải điều trị?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Những người đi tầm soát phải là những người có khó chịu, hoặc có tiền sử gia đình, hoặc một vấn đề nào đó. Khi có vi khuẩn HP, việc điều trị là bắt buộc, trừ khi bệnh nhân không uống thuốc hoặc không chịu được tác dụng phụ của thuốc.

Những người khỏe mạnh, không có biểu hiện gì bất thường thì không cần phải tầm soát.

Thay đổi thói quen ăn uống để chủ động phòng ngừa ung thư dạ dày

BS có lời khuyên gì cho bạn đọc về việc làm sao để chủ động phòng ngừa căn bệnh ung thư dạ dày?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Đầu tiên, nên rửa sạch, ăn chín uống sôi để phòng nhiễm vi khuẩn HP.

Thứ hai, những trường hợp đã có triệu chứng kéo dài trên 2 tuần đến 1 tháng thì nên đi nội soi. Những người trên 50 tuổi hoặc những người có tiền sử gia đình có vấn đề về HP, về polyp, u lành, u ác của tiêu hóa nên tầm soát, nội soi và kiểm tra HP để được điều trị sớm, ngăn ngừa nguy cơ ung thư.

Thứ ba, chúng ta nên có một chế độ ăn uống lành mạnh, không rượu bia, thuốc lá. Nên ăn nhiều rau xanh và trái cây. Những món ăn nướng đến khét, thói quen dùng dầu chiên đi chiên lại rất dễ gây nguy cơ ung thư dạ dày và ruột.

Không ăn jambon thịt nguội thường xuyên cũng là một cách ngừa ung thư dạ dày.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X