Hotline 24/7
08983-08983

6 nguyên tắc dinh dưỡng trong phòng tránh loãng xương

Điều chỉnh cân nặng lý tưởng, duy trì khối cơ, cung cấp đủ nhu cầu canxi, vitamin D, chất đạm và các khoáng chất khác là những nguyên tắc dinh dưỡng giúp phòng tránh loãng xương được TS.BS Trần Quốc Cường nhấn mạnh trong bài viết sau. Ngoài ra vị chuyên gia cũng nêu bật các tác động từ lối sống trở thành yếu tố nguy cơ dấn đến loãng xương.

Những yếu tố tác động gây loãng xương

TS.BS Trần Quốc Cường - Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Dinh dưỡng Lâm sàng Bệnh viện Thống Nhất

TS.BS Trần Quốc Cường - Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Dinh dưỡng Lâm sàng Bệnh viện Thống Nhất nhấn mạnh, tình trạng dinh dưỡng dẫn tới loãng xương bao gồm: suy dinh dưỡng, thiếu cơ và béo phì.

Ngoài ra, lối sống cũng là một yếu tố tác động ảnh hưởng đến mật độ xương. Trong đó có uống ít sữa, rượu bia nhiều, hút thuốc lá, thiếu vận động…

Thứ nhất, về vấn đề uống ít sữa, TS.BS Trần Quốc Cường nhận định đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ loãng xương. Bởi vì sữa là nguồn thực phẩm chứa nhiều canxi nhất, kèm theo lượng photpho cân đối, dễ hấp thu canxi.

Ngoài các chế phẩm từ sữa còn rất nhiều thực phẩm tự nhiên giàu canxi như: rau củ quả, đậu đỗ, mè, cá nhỏ nguyên xương, tép nguyên vỏ…

Thứ hai, thiếu vận động thể lực là một trong các nguy cơ gây loãng xương đáng báo động ở người Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ. Chuyên gia dẫn chứng nghiên cứu cho thấy những người tập luyện thể lực ở cường độ cao như chạy bộ hoặc các môn tương đương có tác dụng phòng chống loãng xương.

Thứ ba, uống rượu bia làm tăng nguy cơ loãng xương dù bất cứ liều lượng nào. Ví dụ những người uống từ 0.5-1 đơn vị cồn/ngày (1 đơn vị cồn tương đương 1 lon bia) nguy cơ loãng xương tăng 1.38 lần; uống ≥ 2 đơn vị cồn/ngày nguy cơ loãng xương tăng 1.63 lần. Vị chuyên gia cho biết, theo điều tra mới nhất của quốc gia, có 43,8% người Việt Nam uống rượu bia thường xuyên, trong đó phần lớn là nam giới.

Thứ tư, hút thuốc lá, theo vị chuyên gia, Việt Nam hiện có tỷ lệ hút thuốc lá đứng nhất/nhì khu vực Đông Nam Á, trong đó tỷ lệ nam giới chiếm phần lớn.

Ngoài ra, ăn mặn cũng là thói quen ảnh hưởng sức khỏe và dẫn tới nguy cơ loãng xương. Việt Nam có lượng muối tiêu thụ trung bình 9,4g/người/ngày, gần gấp đôi so với nhu cầu khuyến nghị của WHO là 5g/người/ngày.

Chuyên gia khuyến cáo nên “Uống sữa cả đời”

Trong bài báo cáo, TS.BS Trần Quốc Cường đã nhấn mạnh 6 nguyên tắc dinh dưỡng phòng chống loãng xương.

Thứ nhất, điều chỉnh cân nặng lý tưởng. Trong đó, cân nặng bình thường là 18.5-23 kg/m2; cân nặng lý tưởng ở người trưởng thành là 21kg/m2; và cân nặng lý tưởng ở người cao tuổi là 22 kg/m2.

Thứ hai, duy trì khối cơ, do khối cơ mất dần theo thời gian, tình trạng này không chỉ liên quan đến mật độ xương mà còn các vấn đề bệnh lý khác nhau như chất lượng cuộc sống.

Thứ ba, cung cấp đủ nhu cầu canxi. Đây là khoáng chất quan trọng cần cung cấp từ chế độ ăn bên ngoài. Canxi còn còn đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia vào nồng độ máu và nhiều chức năng khác, trong đó có chức năng đông máu, dẫn truyền thần kinh và co cơ.

Bên cạnh đó, canxi còn được cơ thể điều phối từ xương để giữ được độ hằng định trong máu, điều này lý giải cho nguyên nhân phụ nữ bị loãng xương nhiều hơn. Một trong các yếu tố tác động là sinh đẻ, khi phụ nữ sinh phải tạo sữa cho con, cơ thể rút canxi từ xương để tạo thành phần này trong sữa, lâu dần bị giảm canxi nếu không bổ sung đầy đủ chất.

TS.BS Trần Quốc Cường cho biết một trong những nguyên tắc cung cấp canxi là ưu tiên thực phẩm tự nhiên hơn dùng thuốc, vì canxi hữu có giá trị sinh học cao hơn canxi vô cơ. Nhưng nếu chế độ ăn không cung cấp đủ, bắt buộc phải uống thuốc bổ sung.

Thực tế, chế độ ăn uống của một người không bao giờ đạt đủ nhu cầu canxi (nhu cầu canxi từ 800-1000mg/ngày/người). Do đó, nếu không có sữa và các chế phẩm từ sữa, việc ăn uống thông thường không thể cung cấp đủ canxi cho một người.

Vị chuyên gia nhấn mạnh thông điệp “Uống sữa cả đời”, tùy nhóm người, độ tuổi mà bổ sung lượng sữa phù hợp.

Thứ tư, cung cấp đủ nhu cầu vitamin D. Trong đó, 80% được sản xuất từ da thông qua tiếp xúc ánh nắng mặt trời; 20% có trong thực phẩm. Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo nên tiếp xúc ánh nắng mặt trời, khoảng 10-15 phút trong thời gian từ 8-9 giờ. Nếu cần phòng chống loãng xương và những người có nguy cơ loãng xương cao, ngoài việc bổ sung thành phần vitamin D từ viên canxi phải uống thêm một viên vitamin D rời.

Thứ năm, cung cấp đủ nhu cầu chất đạm. Đạm có trong thịt, cá, trứng, sữa…. tham gia vào quá trình tạo khối cơ và cấu tạo của xương. Mỗi người cần ăn khoảng 60g thịt, cá/một bữa sáng, và khoảng 80g thịt, cá/ một bữa trưa hoặc bữa chiều.

Thứ sáu, có chế độ ăn đa dạng để cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất khác.

Chủ tọa phiên khoa học trong buổi sinh hoạt CLB Loãng Xương bệnh viện Thống Nhất

Những kiến thức trên được TS.BS Trần Quốc Cường chia sẻ trong bài báo cáo “Dinh dưỡng phòng tránh loãng xương” tại Lễ ra mắt CLB Loãng Xương Bệnh viện Thống Nhất, tổ chức ngày 24/9/2024.

Đây là CLB loãng xương đầu tiên được thành lập và xây dựng tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại nhằm truyền tải các thông tin, kiến thức và nâng cao hiểu biết về căn bệnh loãng xương, hướng dẫn cách phát hiện và dự phòng loãng xương. Đồng thời sử dụng các biện pháp dinh dưỡng, thực phẩm chức năng và tập luyện để có hệ cơ xương khớp chắc khỏe, trong đó làm giảm biến chứng của loãng xương như gãy xương hoặc các biến chứng khác.

Để tham dự CLB Loãng xương Bệnh viện Thống Nhất qua những thông tin sau sau:

Zalo CLB Loãng xương Bệnh viện Thống Nhất: 0768 582 829

Facebook CLB Loãng xương Bệnh viện Thống Nhất

Sau buổi sinh hoạt này, CLB Loãng xương sẽ tiếp tục tổ chức sinh hoạt lần 2 vào ngày 21/11/2024.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X