10 câu hỏi thường gặp về chứng tiểu đêm
Việc giấc ngủ gián đoạn nhiều lần do tiểu đêm sẽ khiến nhiều người khó chịu, mệt mỏi và lo lắng về sức khỏe. Dưới đây là những câu hỏi thường gặp về tình trạng này.
1. Đi tiểu 1 lần trong đêm có sao không?
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2010, đã kiểm tra tỷ lệ mắc chứng tiểu đêm. Kết quả cho thấy có tới ⅓ nam giới trong độ tuổi 20 - 40 đi tiểu ít nhất 1 lần trong đêm. Ở nữ giới, tỷ lệ này còn cao hơn, lên đến 43%. Hơn nữa, có ít hơn ⅕ nam giới và nữ giới trong độ tuổi này cho biết mình có từ 2 lần đi tiểu trong đêm trở lên.
Với những người trên 70 tuổi, hơn ⅔ số người cho biết mình đi tiểu ít nhất 1 lần mỗi đêm, có tới 60% người đi tiểu đêm từ 2 lần trở lên. Nghiên cứu này cho thấy phần lớn chúng ta đều thức dậy mỗi đêm 1 lần để đi tiểu. Tần suất sẽ gia tăng khi tuổi càng cao.
2. Đi tiểu mỗi đêm 1 lần sẽ không nguy hiểm khi nào?
- Không phải triệu chứng của bệnh lý khác.
- Không cảm thấy mệt mỏi, suy giảm chất lượng cuộc sống.
- Không bị rối loạn giấc ngủ.
- Người từ 60 tuổi trở lên.
- Tiểu đêm do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt nhưng chưa có chỉ định điều trị từ bác sĩ.
- Tiểu đêm do tác dụng phụ của một số loại thuốc, ví dụ thuốc lợi tiểu trong điều trị bệnh lý tim mạch.
3. Tần suất tiểu đêm bao nhiêu là bình thường?
Với một cơ thể khỏe mạnh, trong thời gian ngủ, hệ bài tiết giảm hoạt động làm cho nước tiểu được tạo ra ít hơn và cô đặc hơn so với ban ngày. Vì thế, phần lớn chúng ta không cần phải thức dậy vào ban đêm để đi tiểu. Giấc ngủ không bị gián đoạn trong khoảng 6 - 8 giờ.
Nếu thức dậy hơn 1 lần để đi tiểu, bạn có thể đã mắc phải chứng tiểu đêm. Ngoài việc ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ, tình trạng này cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nguy hiểm tiềm ẩn nào đó. Vì thế, người bệnh nên đi đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và có biện pháp can thiệp kịp thời.
4. Đi tiểu đêm nhiều lần có nguy hiểm không?
Tình trạng tiểu đêm nếu trì hoãn điều trị có thể dẫn tới các biến chứng như:
- Ảnh hưởng thần kinh: Thức giấc 2 - 3 lần trong đêm để đi tiểu sẽ khiến người bệnh bị mất ngủ kéo dài, ngủ không sâu giấc. Theo thời gian, người bệnh sẽ bị suy giảm trí nhớ, cơ thể mệt mỏi, uể oải khi thức dậy vào buổi sáng.
- Tổn thương lâu dài: Tiểu đêm do các bệnh lý ở tuyến tiền liệt, u xơ tử cung, đái tháo đường, bệnh thận… nếu không có biện pháp can thiệp sớm sẽ dẫn tới các tổn thương khó phục hồi, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người bệnh.
- Gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý ở tim: Ở người lớn tuổi, tiểu đêm sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh huyết áp, tim mạch do phải thức dậy nhiều lần, giấc ngủ gián đoạn.
- Đối với người già, lớn tuổi, phải thức giấc nhiều lần vì tiểu đêm sẽ làm gia tăng nguy cơ té ngã, dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng.
Xem thêm: Tiểu đêm nhiều lần, nguyên nhân do đâu?
5. Tiểu đêm nhiều lần ở nam giới gây ảnh hưởng ra sao?
Tiểu đêm nhiều lần gây mệt mỏi, khó chịu, ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ, khả năng sinh lý. Nếu trì hoãn điều trị, chức năng của bàng quang sẽ bị suy giảm dần theo thời gian.
Đặc biệt khi xảy ra ở nam giới độ tuổi trung niên rất dễ làm tăng nguy cơ đột quỵ tai biến mạch máu não vì phải thức dậy liên tục trong đêm.
Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời chứng tiểu đêm ở nam giới là điều cần được ưu tiên để hạn chế nhiều rủi ro về sức khỏe.
6. Các phương pháp nào chẩn đoán chứng tiểu đêm ở nam giới?
Người bệnh cần ghi chép lại các thông tin trong ngày như đã uống gì, lượng nước nạp vào và tần suất đi tiểu. Khi khám, bạn cần cung cấp đầy đủ những thông tin này cho bác sĩ. Ngoài ra, bác sĩ có thể đặt một số câu hỏi cho người bệnh như:
- Tiểu đêm bắt đầu đầu khi nào?
- Mỗi đêm phải thức dậy bao nhiêu lần để đi tiểu?
- Cơ thể có tạo ít nước tiểu hơn trước đây không?
- Đang dùng những loại thuốc nào?
- Có tiền sử mắc những bệnh lý ở bàng quang hay đái tháo đường không?
Ngoài ra, người bệnh có thể được chỉ định tiến hành những xét nghiệm như:
- Đo đường huyết để xác định có bị đái tháo đường hay không.
- Xét nghiệm ure máu.
- Nghiệm pháp nhịn nước (uid deprivation test).
- Cấy nước tiểu.
- Chụp CT và siêu âm.
- Nội soi bàng quang.
7. Điều trị tiểu đêm nhiều lần ở nam giới bằng cách nào?
Tùy theo nguyên nhân tiểu đêm, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, cụ thể:
- Tác động từ thuốc: Người bệnh cần dùng thuốc sớm hơn vào ban ngày.
- Chứng ngưng thở khi ngủ: Người bệnh nên đi khám những chuyên gia về giấc ngủ hoặc bác sĩ tim mạch.
- Bệnh lý: Tiểu đêm có thể triệu chứng báo hiệu một số bệnh lý nghiêm trọng như nhiễm trùng đường tiểu, đái tháo đường… Những trường hợp tiểu đêm do bệnh lý sẽ cải thiện khi bệnh được kiểm soát tốt.
Để điều trị hiệu quả, người bệnh nên lưu ý:
- Bổ sung đủ dưỡng chất cho cơ thể để tăng sức đề kháng, tăng trương lực cơ cho cơ bàng quang. Điều này sẽ giúp phục hồi lại khả năng chứa nước tiểu của cơ quan này, hạn chế kích thích đi tiểu lên hệ thần kinh trung ương, nhờ đó giảm số lần tiểu trong đêm. Ngoài ra, hồi phục chức năng bàng quang còn giúp cải thiện nhiều rối loạn tiểu tiện khác như tiểu rắt, tiểu són, tiểu nhiều trong ngày…
- Can thiệp, xử lý những yếu tố khác gây tiêu điểm nhiều lần ở nam giới như tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, mất ngủ, những bệnh lý đường tiết niệu…
- Thay đổi lối sống: Tăng cường tập luyện thể dục thể thao, hạn chế dùng những chất kích thích như bia, rượu, cà phê, trà…, đặc biệt là tránh dùng trước khi ngủ.
- Không uống quá nhiều nước trước khi ngủ.
- Dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ như thuốc kháng muscarin, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc chẹn alpha.
Xem thêm: Các phương pháp điều trị bệnh đái tháo nhạt
8. Tiểu đêm ảnh hưởng như thế nào tới nữ giới?
Tiểu đêm ở nữ giới ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động thường ngày và xáo trộn cuộc sống sinh hoạt của người bệnh, tạo cảm giác tự ti, mặc cảm đồng thời khiến sức khỏe sa sút, giấc ngủ bị đảo lộn và tinh thần cũng như thể chất suy giảm trầm trọng, cơ thể xanh xao, mệt mỏi.
Bệnh cạnh đó, tiểu đêm cũng là nguyên nhân dẫn tới việc tăng nguy cơ mắc các bệnh huyết áp, tim mạch và tăng tỉ lệ đột quỵ ở người cao tuổi do phải thức dậy nhiều lần ban đêm. Giấc ngủ của người cao tuổi thường khá ngắn, việc ngủ không ngon giấc vì tiểu đêm vô tình sẽ tạo thành một vòng xoắn bệnh lý khiến sức khỏe của bệnh nhân sa sút thấy rõ.
9. Biện pháp khắc phục tình trạng tiểu đêm ở phụ nữ
Để khắc phục được tình trạng tiểu đêm nhiều ở nữ giới thì việc tìm ra nguyên nhân chính dẫn tới biểu hiện này là rất quan trọng và đóng vai trò quyết định trong điều trị. Chính vì vậy khi có các biểu hiện của tiểu đêm thì người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được hỗ trợ tìm ra nguyên nhân và chữa trị đúng cách.
Các biện pháp giúp hạn chế tình trạng tiểu đêm không dùng thuốc mà người bệnh có thể tham khảo gồm có:
- Hạn chế sử dụng các thực phẩm hoặc đồ uống gây kích ứng bàng quang như trà, cà phê, đồ uống có ga, rượu bia, thực phẩm ngọt hoặc cay nóng đặc biệt là trước khi đi ngủ
- Xây dựng một cuộc sống lành mạnh và ít lo nghĩ, căng thẳng cũng như stress
- Đối với phụ nữ sau thai sản thì có thể áp dụng bài tập Kegels giúp tăng cường các cơ vùng chậu: người bệnh thực hiện thắt chặt các cơ để ngừng đi tiểu, giữ động tác trong 5 - 10 giây rồi thả lỏng trong 10 giây và lặp lại khoảng 10 lần. Bệnh nhân nên duy trì bài tập này thường xuyên (khoảng 3 lần/ngày) để kiểm soát hoạt động của bàng quang
10. Làm gì để tránh tiểu đêm?
Để hạn chế nguy cơ tiểu đêm, bạn nên lưu ý:
a. Chế độ ăn uống
- Hạn chế uống nước, ít nhất là 2 tiếng trước khi ngủ.
- Tránh sử dụng rượu bia, cà phê, trà vào buổi tối bởi những thức uống này có tính lợi tiểu.
- Nên ăn nhạt, nhất là trong bữa tối. Ngoài ra, cần hạn chế ăn các loại quả nhiều nước như bưởi, cam, dưa hấu, lê… vào buổi tối.
b. Thói quen sinh hoạt
- Luyện thói quen đi tiểu trước khi ngủ.
- Gạt bỏ mọi lo lắng, căng thẳng trước khi ngủ. Stress kéo dài có thể làm nghiêm trọng chứng tiểu đêm.
- Với người bệnh lớn tuổi, người nhà nên chuẩn bị lối đi thuận tiện từ giường đến nhà vệ sinh để phòng tránh té ngã.
- Tăng cường tập thể dục để giảm cân nếu đang trong tình trạng thừa cân, béo phì.
- Nếu đang sử dụng các loại thuốc điều trị tăng huyết áp, người bệnh nên hỏi bác sĩ về tác dụng phụ lợi tiểu để điều chỉnh thuốc điều trị phù hợp. Các loại thuốc huyết áp có chứa hydroclorothiazid, furosemid… làm tăng số lần đi tiểu nếu được dùng vào buổi tối. Vì thế, những thuốc huyết áp có tính lợi tiểu nên được dùng vào buổi sáng hay giữa buổi chiều.
Tiểu đêm có thể là triệu chứng của một bệnh lý hoặc đơn thuần là phản ứng của cơ thể trước những thay đổi bên trong và bên ngoài. Do đó, người bệnh cần đến các cơ sở y tế ngay từ những triệu chứng đầu tiên để tìm ra nguyên nhân và chấm dứt sớm biểu hiện này, duy trì sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt của mình.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình