Hotline 24/7
08983-08983

Xuất huyết tiêu hóa do đâu?

Khi bị xuất huyết tiêu hóa (XHTH) người bệnh thường nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu. XHTH chỉ là triệu chứng của rất nhiều bệnh.

Ảnh minh họa - nguồn internet
Ảnh minh họa - nguồn internet

 Kẻ giấu mặt

Ống tiêu hóa bắt đầu từ thực quản và kết thúc ở “cửa sau”. Giới y khoa chia làm hai phần, ống tiêu hóa trên và và ống tiêu hóa dưới. Ranh giới của XHTH trên và dưới là chỗ nối tá tràng và hổng tràng.

Khi bị XHTH, người bệnh có thể nôn ra máu hoặc đi tiêu ra máu. XHTH có thể ra máu đỏ tươi hay máu đen.

Ví dụ, vỡ tĩnh mạch thực quản nếu ồ ạt và khối lượng lớn cũng có thể đi cầu ra máu đỏ, ói ra máu đỏ.

Còn đi tiêu phân đen cũng có thể do vỡ tĩnh mạch thực quản, loét dạ dày tá tràng, máu đã được tiêu hóa ở đường ruột nên không còn hồng cầu (hemoglobin)...

XHTH trên thường gặp các bệnh: loét dạ dày, tá tràng, dãn vỡ tĩnh mạch thực quản, u thực quản, polyp thực quản, do dùng thuốc kháng viêm… Còn XHTH dưới có thể do các bệnh: polyp, bệnh đa polyp, ung thư đại tràng, trĩ, viêm hậu môn, nứt hậu môn… Ngoài ra, XHTH còn do các bệnh lý về máu, do ngộ độc.

Bất kỳ vị trí nào của ống tiêu hóa từ miệng tới thực quản, dạ dày, ruột, hậu môn đều có thể chảy máu. Nhiều trường hợp XHTH khó phát hiện do máu chảy ít, người bệnh không hề hay biết… vì ít ai xem xét kỹ màu sắc "chất thải" của mình mỗi ngày. Có trường hợp lại kiểm tra quá kỹ, khiến rơi vào trạng thái lo lắng.

Nhận diện

Người bị xuất huyết âm thầm từ ngày này qua ngày khác thường có triệu chứng thiếu máu như: da xanh, mặt trắng, hay chóng mặt… Có người biết mình thiếu máu nên tự bổ sung viên sắt. Việc chữa không tận gốc này có thể làm bệnh diễn biến nặng hơn.

Thoạt đầu chỉ là đi phân đen, nhưng không điều trị lâu ngày sẽ bị ngất xỉu do thiếu máu não, tay chân lạnh toát, nhức đầu… XHTH ở người mắc bệnh mạn tính sẽ trầm trọng hơn, chẳng hạn, người bị thiểu năng tuần hoàn não sẽ bị nhũn não, còn người mắc bệnh tim mạch thì bị nhồi máu cơ tim…

Cấp cứu và điều trị

Khi trong nhà có người bị ngất xỉu do XHTH, cần đặt bệnh nhân nằm duỗi tay chân, đầu hơi thấp để máu dồn lên não. Gọi điện thoại cấp cứu để có hướng xử trí đúng.

Người đã từng mắc bệnh và cả người khỏe mạnh cần tập thói quen quan sát những gì mình “thải” ra để nắm tình hình sức khỏe. Nếu thấy phân có màu đen và có mùi khác lạ, cần đi thử phân. Nếu thấy phân có màu đỏ của máu tươi, nhiều khả năng bị trĩ nội. BS Dương Phước Hưng - Đại học Y dược TP.HCM khuyên: “Khi đi tiêu ra máu, cần đi nội soi trực tràng để tìm nguyên nhân”.

Tùy theo nguyên nhân và “địa điểm” xuất huyết mà hướng điều trị có khác nhau. Vì vậy, việc đầu tiên là phải tìm ra vị trí và nguyên nhân gây XHTH.

Dù hiện nay có nhiều phương tiện chẩn đoán, nhưng nguyên nhân gây XHTH rất đa dạng và phức tạp, nên vẫn có trường hợp không xác định được. Trường hợp tìm ra và điều trị được bệnh thì lại phải đối mặt với nguy cơ dễ tái phát. Đã có không ít trường hợp nhập viện điều trị khỏi bệnh nhưng sau đó về nhà không tuân theo hướng dẫn của bác sĩ nên tái phát.

Để phòng bệnh, cần ăn uống hợp vệ sinh, ăn đúng giờ, không ăn thức ăn nhiều gia vị cay, chua, nhiều dầu mỡ, thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh; ăn thức ăn mềm, nhiều chất xơ (phòng bệnh trĩ nội, trĩ ngoại, táo bón), suy nghĩ tích cực, tránh lo âu, căng thẳng…

 

AloBacsi.vn
Theo Vũ Âu - Phụ Nữ Online

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X