Hotline 24/7
08983-08983

Vợ tôi mổ van tim 1 năm rồi, giờ đi máy bay được không AloBacsi?

BS Tố Uyên trả lời các vấn đề: đi máy bay sau khi mổ van tim, nặn mụn làm má sưng, ngứa ở đầu ngón tay, bong điểm bám dây chằng chéo trước khớp gối, trẻ bị viêm tai giữa...

BS.CK1 Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - BV Nguyễn Tri Phương
Nội dung tư vấn của BS Tố Uyên với bạn đọc AloBacsi


- Thiện Tâm - tttam…@gmail.com

Kính gửi BS,

Tôi tên Tâm, nam, 60 tuổi, hiện sống tại TPHCM. Năm 1986 tôi bị bệnh chàm gây ngứa ngáy khó chịu vô cùng, uống và bôi đủ thứ thuốc của thời đó. Sau đó bệnh hết cũng không hiểu do đâu.

Một tháng nay, sau khi má tôi mất, bệnh tái phát lây lan rất nhanh 2 ống chân và đùi, giống hệt như 30 năm trước. Xin BS hướng dẫn cách điều trị và giới thiệu giùm địa điểm chuyên khoa để đến khám.

Chân thành cám ơn.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào chú,

Ngứa có thể do bệnh lý tại chỗ như chàm, nấm da, phản ứng dị ứng… nhưng cũng có thể là biểu hiện của các bệnh lý gan, thận, chuyển hóa, nội tiết… Do đó, tình trạng của chú trước hết cần phải tới BV Da Liễu TPHCM để các BS xem bệnh trực tiếp, tìm nguyên nhân gây ngứa là gì thì mới điều trị đúng bệnh được.


- Đức Ninh - Đồng Nai

Chào BS,

Cháu hay bị ngứa ở đầu ngón tay và ngón chân cái. Thường thì ban đêm ngứa nhiều. Nhưng không phải là ngứa ngoài da. Mà kiểu như ngứa bên trong máu. Khi cháu dùng dây quấn quanh ngón chân (tay) và chích cho máu ra thì thấy máu màu đen.

Và mỗi lần làm vậy cháu lại thấy đỡ ngứa hẳn. Nhưng không hết dứt điểm được. Cháu bị cách đây tầm 10 năm vậy rồi.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Ninh thân mến,

Ngứa ở ngón tay và ngón chân, nhiều vào ban đêm có thể do 1 vài nguyên nhân thường gặp như bệnh ghẻ, dị ứng da, bệnh lý thần kinh cảm giác ngoại biên, đái tháo đường… Mỗi nguyên nhân có cách điều trị khác nhau.

Do đó trước hết em cần khám BS Da Liễu để tìm nguyên nhân xem có phải do bệnh lý tại chỗ hay do bệnh lý toàn thân gây ra, em nhé!


- Loan Luong - phuongloan…@yahoo.com

Triệu chứng của tôi là viêm xoang xuất tiết. Tôi đã bị khoảng 4-5 năm rồi. Nhưng điều làm tôi khó chịu nhất là dịch từ trên mủi chảy xuống cổ họng. Vì vậy tôi phải lận chất dịch khạc ra thường xuyên nên tôi hay bị viêm họng.

Cách đây 2 tháng có lẽ bệnh của tôi nặng hơn vì sáng thức dậy tôi khạc ra đàm đặc từng cục màu xanh và vàng, và mất tiếng. Tôi đã đi BV và BS chẩn đoán là viêm mũi họng cấp. BS cho tôi 1 tuần thuốc, uống đã khỏi được phần đàm đặc và tắt tiếng.

Nhưng triệu chứng dịch trên mũi xuống họng vẫn như cũ và do tôi hay khạc ra nên tiếng nói hay bị khàn. Và tôi đã chụp CT mũi xoang. Kết quả mọi thứ đều bình thường. Vậy chất dịch trên mũi chảy xuống cổ họng theo lời BS nói là niêm mạc tiết dịch.

Vậy có phải tôi bệnh viêm xoang hay không? Vì tôi thường tìm hiểu thông tin về bệnh viêm xoang thì thấy triệu chứng của mình giống như viêm xoang.

Vui lòng giải thích giúp tôi. Vì tôi muốn uống thuốc cho hết tiết dịch. Tôi cảm thấy lo lắng cho sức khỏe của mình.

Chân thành cám ơn!

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào chị Loan,

Trong điều kiện môi trường không khí ô nhiễm như hiện nay, tình trạng viêm mũi xoang mạn tính ngày càng trở nên phổ biến, và những triệu chứng mà chị mô tả không nằm ngoài chẩn đoán này.

Điều trị bệnh đòi hỏi kiên nhẫn, sử dụng thuốc xịt, thuốc uống theo đúng phác đồ của BS chuyên khoa Tai mũi họng. Mỗi đợt điều trị thường cần ít nhất 2 tháng, kết hợp với rửa mũi thường xuyên bằng nước muối, sử dụng khẩu trang chống bụi khi phải ra ngoài, giữ ấm cho vùng mũi họng và tránh xa các loại thức ăn, mùi thơm dễ gây sổ mũi, ngứa mũi…

Ngay từ giờ, chị nên đi khám chuyên khoa Tai mũi họng tại BV để được kê toa phòng ngừa sớm, tránh để bệnh trở nặng mới dùng thuốc, chị nhé!


- Bạn đọc Loan - loanhuynh…@gmail.com

Chào BS,

Em tên Loan, nhân viên văn phòng. Cho em hỏi khoảng 1 tháng nay, mí mắt trên (mắt bên phải) của em ngứa, sưng lên, nổi cộm bên ngoài, làm cho da vùng mí mắt bị chùng lại, khi nhắm hay mở, mí mắt không bình thường nữa. Không ảnh hưởng tầm nhìn của mắt.

Xin BS tư vấn giúp em bị bệnh gì, cách chữa trị, thuốc ra sao ạ? Em cảm ơn BS.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em Loan,

Triệu chứng ngứa, sưng mi mắt có thể là bệnh viêm kết mạc dị ứng, thường do cơ thể phản ứng với một dị ứng nguyên như tiếp xúc với côn trùng, mỹ phẩm, thức ăn… Nếu tránh xa dị ứng nguyên này thì tình trạng mắt sẽ cải thiện.

Tuy nhiên, em vẫn nên khám BS Mắt để xem bệnh trực tiếp và kê toa thuốc giúp giảm nhanh triệu chứng.


- Như Thủy - Đà Nẵng

Chào BS,

Cháu bị nổi mụn ở lông mày trái, nó sưng to, đau nhức, cháu có nặn thử nhưng chỉ thấy huyết tương, không có mủ. Rồi nó làm mắt cháu sưng to, rồi giờ má trái trái cũng sưng.

Bây giờ cháu phải làm sao cho nó thuyên giảm ạ? BS giúp cháu với, cháu cảm ơn!

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em Như Thủy,

Việc xử lý vết thương không đúng cách có thể đã làm nhiễm trùng lan rộng ra vùng xung quanh, nếu không can thiệp sớm có thể gây nguy hiểm, nhiễm trùng có nguy cơ lan tràn toàn thân hoặc nhiễm trùng vào ổ mắt ảnh hưởng thị lực.

Do đó em cần đến khám BS ngay để đánh giá mức độ nặng của nhiễm trùng, tìm kiếm tác nhân và điều trị càng sớm càng tốt, em nhé!


- Tuyến Nguyễn - nguyenthi…@gmail.com

Em chào BS, BS cho em hỏi,

Em bị té xe cách đây 24 ngày, em có đi khám ở BV Chấn thương Chỉnh hình 3 lần. BS kết luận em bị bong nơi bám dây chằng chéo trước của chân phải.

Lần 1: BS kêu em mổ và hẹn em lịch khám 3 ngày sau (vào thứ 2) để chuẩn bị mổ.

Lần 2: Em đi tái khám để mổ (thứ 2) thì 1 BS khác lại kêu em không cần mổ và chỉ cần mang nẹp Zimmer trong 2 tuần và uống thuốc.

Lần 3: Sau 2 tuần khi mang nẹp Zimmer em tiếp tục đi tái khám theo lời dặn của BS, thì 1 BS khác lại nói em nên mổ.

Hiện tại em rất hoang mang và không biết phải làm thế nào, khi quá trình điều trị cứ kéo dài, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống cũng như công việc của em. Em mong nhận được lời khuyên của AloBacsi! Em xin cảm ơn ạ.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Tuyến thân mến,

Bong điểm bám dây chằng chéo trước khớp gối là một thương tổn khá thường gặp khi bi chấn thương do tai nạn giao thông hoặc tập luyện thể thao. Tổn thương được phân thành 4 mức độ:

Độ I: Không di lệch mảnh gãy bong

Độ II: Di lệch một phần mảnh bám phía trước(mảnh xương bong ra di lệch lên trên khỏi vị trí bám vào mâm chày) – giống hình mỏ chim khi nhìn trên pim X-quang chụp nghiêng.

Độ III: Mảnh bám di lệch hoàn toàn khỏi diện bám (không còn sự tiếp xúc giữa mảnh xương bong ra và mâm chày), nhưng mảnh bám còn nguyên

Độ IV: Bong hoàn toàn, mảnh bám gãy phức tạp nhiều mảnh gai chày.

Chỉ định điều trị nội khoa hay phẫu thuật phụ thuộc vào mức độ tổn thương qua hình ảnh học, qua triệu chứng và đáp ứng của bệnh nhân với điều trị ban đầu.

Giai đoạn đầu quan điểm của một số BS có thể ưu tiên điều trị bảo tồn, theo dõi đáp ứng của bệnh nhân.

Trường hợp bệnh nặng và dai dẳng, có nguy cơ ảnh hưởng vận động khớp gối thì BS sẽ xem xét chỉ định phẫu thuật.

Do không trực tiếp thăm khám nên tôi không rõ diễn tiến bệnh của em ra sao. Tuy nhiên, em có thể tái khám lần nữa và nêu rõ vấn đề của mình với BS điều trị để được tư vấn cụ thể hơn, em nhé!


- Hoang S. - hoang…@gmail.com (hỏi tiếp)

Câu trước: Cách nào giúp vượt qua chứng cuồng ăn?

Chào BS, thưa BS,

Sau 1 quá trình dài (3 tháng) nhịn ăn để giảm cân. Em cảm thấy trao đổi chất trong cơ thể em bị chậm lại. Ăn ít mà no lâu. Làm thế nào để trao đổi chất hoạt động nhanh trở lại thưa BS?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Tình trạng no lâu dù ăn ít không phải do trao đổi chất chậm lại như em nghĩ mà nhiều khả năng là do vấn đề tại hệ thống tiêu hóa của em mà ra.

Những căng thẳng về tâm lý, lo lắng quá mức, tình trạng nhịn đói kéo dài, ăn uống vô độ sau đó lại ép nôn ra… có thể gây nên bệnh lý như viêm loét dạ dày tá tràng, khó tiêu chức năng… Mặc dù là tình trạng xấu đi của sức khỏe nhưng lại là điều em rất mong muốn trước đây (lần trước em đã hỏi BS làm sao để hạn chế việc thèm ăn và ăn uống vô tội vạ).

Từ những điều trên có thể thấy vấn đề lo lắng, căng thẳng trong chuyện ăn uống và cân nặng của em càng ngày càng nghiêm trọng chứ không hề giảm đi, dù đã được tư vấn một số cách thức để cải thiện. Do đó, em cần khám chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ tư vấn và kê toa thuốc khi cần.


- N.T. Bé Quyên - quyenlh…@gmail.com

Em bị bệnh bướu cổ, đã cắt một bên thùy trái, hiện thùy phải có nhân echo hỗn hợp dạng đặc và nang # 25x40mm, không vôi hóa, không tăng sinh mạch máu.

Kết quả xét nghiệm T3: 3, 08; T4 1, 35; TSH là 1, 61.

Kết quả miễn dịch anti thyroglobulin (A-TG) 13, 05 IU/ml, Anti Microsomal(TPO-Ab) là <5, 00IU/ml.

Kết quả xét nghiệm huyết đồ thông số PLT (MPV) 11, 8H là như thế nào BS?

Em rất lo lắng, rất mong BS tư vấn giúp em! Xin cám ơn!

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em Quyên,

MPV hay Mean Platelet Volume là thể tích trung bình của tiểu cầu trong máu ngoại vi, do máy đo được. Chỉ số này tăng cao trong một số bệnh lý viêm nhiễm và tự miễn.

Tuy nhiên, giá trị đo được trường hợp của em có thể xem như bình thường. Anti thyroglobulin và Anti Microsomal là những kháng thể thường được tìm thấy khi có bệnh lý tự miễn liên quan đến tuyến giáp, các chỉ số kháng thể này trong máu của em trong giới hạn bình thường, chức năng tuyến giáp bình thường.

Như vậy, em đang có một nhân tuyến giáp mật độ hỗn hợp, với tình trạng bình giáp. Nguy cơ tiến triển ung thư của tổn thươgn dạng này, khoảng 5%.

Do đó, em cần thực hiện siêu âm tuyến giáp bởi một BS siêu âm có kinh nghiệm để đánh giá nguy cơ ung thư, nếu nghi ngờ cần làm thêm xét nghiệm chọc hút tuyến giáp bằng kim nhỏ (FNA) để kiểm tra bất thường tế bào.


- Nguyễn Văn Lợi - ntrtuan…@mail.com

Thưa BS,

Vợ tôi đã mổ van tim gần 1 năm vậy có thể đi máy bay từ đà nẵng đến mỹ được không? Theo tôi nghe chuyến bay đi kéo dài 2 ngày vậy có được đi không?

Tôi xin hỏi thêm một câu người mổ van tim có đi xe và máy bay có triệu chứng gì không ? Tôi cảm ơn BS!

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Mổ van tim không hẳn là tình trạng không được đi máy bay mà phụ thuộc vào yếu tố khác như tình trạng suy tim, đau thắt ngực, tuổi tác và các bệnh đi kèm khác của bệnh nhân.

Nếu tình trạng bệnh ổn định hoặc được kiểm soát tốt bằng các thuốc điều trị, không có các biến chứng, vẫn hoạt động gắng sức bình thường thì bệnh nhân có thể đi máy bay như những hành khách thông thường khác.

Cần chú ý mang đủ các thuốc cần dùng, nhất là thuốc kháng đông và tái khám BS tim mạch để tối ưu hóa điều trị hiện tại trước khi thực hiện các chuyến đi dài ngày, bạn nhé!


- Trần Thị Liên - tranlien…@yahoo.com

Cho em hỏi,

Cháu nhà em bị amidan dạng mủ. Nay cháu bị ra nước trắng, nhìn giống mủ ngứa tai nhưng không hôi tanh. Cháu bị ho và sổ mũi. Vậy không biết cháu có sao không và phải làm như thế nào ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Liên thân mến,

Viêm amidan do nhiễm khuẩn có thể lan rộng đến các vùng khác của cơ quan hô hấp trên, thậm chí lan vào tai giữa, gây viêm tai giữa.

Đối với trẻ em, viêm tai giữa có diễn tiến rất khó lường, có thể gây viêm tai - xương chũm, viêm màng não, hoặc những di chứng lên thính giác của bệnh nhi.

Do đó, bạn cần phải đưa bé đến khám chuyên khoa Tai mũi họng để kê toa thuốc uống và nhỏ tai càng sớm càng tốt, bạn nhé!


- Vo Thanh - vothanh…@gmail.com

Kết quả xét nghiệm phẫu bệnh.

Mô tả đại thể: FNA tuyến giáp.

Mô tả vi thể: Dịch hút cho thấy các tế bào biểu mô nhân tròn, xếp thành đám nhỏ giữa keo giáp.

Nhuộm H&E: Nhân tế bào tăng kích thước.

Chẩn đoán: FNA tuyến giáp: ở 1 vị trí

Thùy T: 1/3 trên có 1 cấu trúc echo kém, giới hạn rõ d#5x6mm.

Kết quả tế bào học: Tổn thương tuyến giáp dạng nang (Follicular lesion). Đề nghị tiến hành sinh thiết lạnh nếu phẫu thuật.


Vậy BS cho em hỏi dạng nang tuyến giáp này là lành hay ác. Và có cần phải phẫu thuật hay không? Nếu phẫu thuật có ảnh hưởng gì sau này không và phẫu thuật như thế nào?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Kết quả FNA này cho thấy, về mặt tế bào học khó xác định được bướu giáp này là lành hay ác. Cần phải làm thêm xét nghiệm mô học (sinh thiết nguyên khối bướu khi phẫu thuật) thì mới có thể trả lời chính xác.

Tỷ lệ ác tính của tổn thương tế bào học Follicular lesion dao động từ 7-20%. Ngay cả khi FNA cho kết quả lành tính thì cũng có tới 3% khả năng nguy cơ tiến triển đến ung thư.

Kết quả đọc FNA cũng chưa nhất quán, còn phụ thuộc vào kinh nghiệm của người đọc.

Như vậy, quyết định có phẫu thuật hay không sẽ dựa vào dấu hiệu lâm sàng, kết quả đánh giá của siêu âm, nhưng do bạn không cung cấp cho chúng tôi những thông tin này nên rất khó để tư vấn cụ thể hơn cho bạn.

Thông thường, với kết quả nghi ngờ, BS sẽ dựa trên kết quả sinh thiết lạnh trong quá trình phẫu thuật để quyết định cắt tuyến giáp 1 thùy hay toàn bộ. Nếu nghi ngờ ung thư, phải phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, bệnh nhân cần phải sử dụng hormone giáp thay thế suốt đời, bạn nhé!


- Bạn đọc có email lagibeach…@gmail.com

Nhờ BS đọc giùm kết quả xét nghiệm bướu giúp em. BS cho em hỏi tình trạng của em là bệnh nặng hay nhẹ?


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Kết quả xét nghiệm chức năng tuyến giáp cho thấy bạn đang có tình trạng cường giáp. Bệnh có thể diễn tiến khó lường nếu để kéo dài thêm, nhất là biến chứng trên tim mạch, mắt, bão giáp gây nguy hiểm tính mạng.

Bạn cần khám chuyên khoa nội tiết để BS khảo sát thêm hình ảnh học tuyến giáp, tìm nguyên nhân và chữa trị càng sớm càng tốt, bạn nhé!


- Tien Dat - dangtiendat…@gmail.com

BS cho cháu hỏi, liệu có phải cháu bị viêm họng hạt không, cháu bị viêm xoang, và thường ngứa họng ho nhiều.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào Tiến Đạt,

Hình ảnh em cung cấp phản ánh tình trạng viêm nhiễm vùng hầu họng tái đi tái lại nhiều lần, có lẽ do nguyên nhân dịch viêm từ xoang mũi chảy xuống thường xuyên.

Do đó em cần khám BS chuyên khoa Tai mũi họng để điều trị dứt điểm bệnh lý xoang, chặn đứng nguyên nhân, từ đó tình trạng ho mới có thể cải thiện.


- Andy Nguyễn - tieudong…@gmail.com

Chào BS,

Em năm nay 27 tuổi (ít vận động). Cách đây em bị sốt và thấy mệt mỏi nên đi do điện tim và xét nghiệm máu. Kết quả tim và xét nghiệm nằm trong ảnh đính kèm.

Từ hôm đó đến nay, tim em đập nhanh mỗi khi vận động hoặc ngồi lâu. Xin BS cho em lời khuyên và cách điều trị. Em cảm ơn!


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Qua kết quả xét nghiệm cho thấy em có tình trạng rối loạn đường huyết lúc đói và tăng triglyceride máu. Tình trạng này có thể diễn tiến đến bệnh lý tim mạch và đái tháo đường trong tương lai, do đó em cần phải điều chỉnh lại vấn đề ăn uống, tập luyện của mình ngay từ bây giờ.

Chỉ số bạch cầu tăng nhẹ có thể do nhiễm trùng.

Nhịp tim thường tăng dạng nhịp nhanh xoang trong bệnh cảnh sốt, khi vận động, khi lo lắng nên rất có thể chỉ là phảnứng sinh lý bình thường của tim.

Như vậy, em cần khám BS để kiểm tra lại tình trạng tim mạch trong giai đoạn ổn định, không có bệnh lý, để xác định thực sự bản thân có vấn đề rối loạn nhịp tim hay không. Nếu khám ngay tại thời điểm em thấy hồi hộp thì càng tốt.


Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:

› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X