Hotline 24/7
08983-08983

Vàng da, vàng mắt… là bị bệnh gan?

Thông thường bệnh gan được nhận biết khi bệnh nhân hoặc những người xung quanh phát hiện thấy mắt hoặc da của bệnh nhân bị vàng. Tuy vậy, không phải lúc nào thấy vàng da cũng là bị bệnh gan.

Vàng da trong bệnh gan là do tăng Bilirubin vượt quá mức bình thường trong máu. Thực tế có nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám  bệnh vì thấy da bị vàng nhưng khi bác sĩ hỏi ra mới biết là gần đây, do táo bón họ đã ăn rất nhiều đu đủ liên tiếp trong nhiều ngày và chỉ xuất hiện vàng da mà không có vàng mắt.

Quan trọng nhất là khi xét nghiệm máu thì Bilirubin hoàn toàn bình thường. Hiện tượng đó là do trong đu đủ hoặc một số hoa quả khác như cà rốt có chứa nhiều chất β-caroten là tiền chất của vitamin A. Khi ăn nhiều, chất này sẽ ngấm vào da làm cho da có màu vàng. Và dĩ nhiên nếu ngưng ăn chừng vài tuần thì vàng da sẽ biến mất.

Một số thuốc như Chcloroquine, Quinine... khi uống nhiều cũng có thể làm cho da bị vàng nhưng cũng không làm vàng mắt. Chỉ cần ngưng các thuốc trên, màu da sẽ trở về bình thường như xưa.

Một số trường hợp bị thiếu máu nhiều, nước da của bệnh nhân có thể bi “xanh xao, vàng vọt” dễ nhầm lẫn là bị vàng da. Khi khám kỹ sẽ thấy da và niêm mạc rất nhợt nhạt do thiếu máu.

Đi tiểu nước tiểu vàng đậm là triệu chứng thường được bệnh nhân nhận biết sớm nhất, trước khi thấy có vàng da, vàng mắt. Tuy nhiên, không phải lúc nào đi tiểu nước tiểu vàng đậm là bị bệnh gan. Màu nước tiểu bình thường có thể từ không màu cho đến vàng nhạt và vàng đậm tùy theo lượng nước được uống nhiều hay ít. Ví dụ như thời tiết nóng nực hoặc khi bị sốt đổ mồ hôi nhiều mà uống ít nước sẽ là cho nước tiêu bị cô đặc lại, màu nước tiểu sẽ vàng sậm hơn. Tình trạng này chỉ xảy ra thoáng quá và khi uống nước đầy đủ thì màu nước tiểu sẽ lợt đi.

Màu nước tiểu có thể bị thay đổi khi ta uống một số thuốc, ví dụ như Chcloroquine hoặc vitamin B2 (Riboflavine có trong thuốc bổ đa sinh tố như Becozyme, Hydrosol polyvitaminé, Alvityl...). Do các thuốc này có màu vàng nên khi được thải ra nước tiểu cũng làm nước tiểu có màu vàng sậm.

Một số thuốc khác như Risampicine dùng để trị bệnh lao, khi thải qua nước tiểu có thể làm cho nước tiểu có màu đỏ sậm và thường là do bệnh nhân hoảng sợ vì tưởng mình bị tiểu ra máu hoặc bị bệnh gan. Nước tiểu dĩ nhiên là phải “nóng” vì nhiệt độ bằng với nhiệt độ của cơ thể (vào khoảng 37 độ C). Vì  vậy, nước tiểu “nóng” không liên quan gì đến việc “nóng” hay “mát” gan.

Theo PGS-TS-BS Bùi Hữu Hoàng - Phó chủ tịch Hội Gan Mật TPHCM
Người đô thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X