Hotline 24/7
08983-08983

Ung thư phổi - Nguyên nhân và triệu chứng

Ung thư phổi là một trong những loại ung thư gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam và trên trên thế giới. Tần suất và tỉ lệ tử vong tương tự nhau. Tỉ lệ sống 5 năm thấp (13%).

Bệnh liên quan đến việc hút thuốc lá, yếu tố môi trường và yếu tố gen. Ước tính trên toàn thế giới có khoảng một triệu trường hợp ung thư phổi mới xuất hiện mỗi năm và dự đoán sẽ tăng đến mười triệu vào năm 2025. Tại Hoa kỳ, hàng năm tử vong do ung thư phổi là 156.900 người, trên toàn thế giới hàng năm chết 5,4 triệu người do ung thư phổi.

Tỉ lệ ung thư phổi gia tăng với sự gia tăng hút thuốc lá. Tỉ lệ ung thư phổi ở phụ nữ ngày càng tăng, liên quan đến hút thuốc.

Chẩn đoán ung thư phổi thường ở giai đoạn rất trễ do bệnh thường không có triệu chứng gì đặc hiệu.

Bệnh cũng không có phương tiện giúp sàng lọc để phát hiện sớm, ngay cả ở đối tượng nguy cơ cao như hút thuốc nhiều.

Điều trị ung thư phổi

Nguyên nhân gây ung thư phổi

Những nghiên cứu gần đây về di truyền học phân tử đã phát hiện thấy sự tồn tại của các gen ung thư hoạt hóa trong các tế bào ung thư phổi. Đây là mục tiêu nghiên cứu trong tương lai để phòng ngừa và điều trị ung thư phổi.

Các yếu tố nguyên nhân của ung thư phổi gồm:

- Hút thuốc lá

- Di truyền, đột biến gen

- Nghề nghiệp

- Môi trường

- Chế độ ăn

- Virus

1. Hút thuốc lá

    Là nguyên nhân hàng đầu. Khoảng 85-90% bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá. Khoảng 1 trong số 10 người hút thuốc lá sẽ phát triển thành ung thư. Hút thuốc lá nhiều có thể liên quan đến thay đổi gen, đột biến gen. Có sự tỉ lệ thuận giữa số lượng thuốc, thời gian hút và tuổi bắt đầu hút thuốc lá với ung thư phổi.

    Người hút thuốc có nguy cơ cao gấp 20 lần người không hút (hút dưới 100 điếu trong đời). Nguy cơ càng cao nếu hút thuốc trên 20 năm. Khi ngừng thuốc lá thì nguy cơ sẽ giảm dần. Trong thuốc lá có những chất độc hại và những gốc tự do phá hủy cấu trúc về mặt phân tử, tổn thương tế bào có thể dẫn đến COPD hay ung thư phổi hoặc cả hai bệnh cùng lúc. Hút thuốc lá thụ động là hít khói thuốc trong môi trường cũng có nguy cơ bị ung thư phổi.

    ho


    2. Di truyền

    Tuy nhiên, yếu tố di truyền có thể có vai trò quan trọng vì chỉ có khoảng 10% người hút thuốc sẽ bị ung thư phổi trong cuộc đời. Những nghiên cứu gần đây thấy một số đột biến gen liên quan đến ung thư phổi như: p16, PIK3CA, EGFR…

    3. Nghề nghiệp

    Ung thư phổi liên quan nghề nghiệp chiếm khoảng 9-15%.

    Công nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc với một số hoá chất có nguy cơ bị ung thư phổi. Theo các nghiên cứu trên thế giới, có 5 chất có vai trò quan trọng trong ung thư phổi nghề nghiệp: các chất phóng xạ, nicken, chrome, amiante, và các chất phát sinh khi chưng cất hắc ín.

    Nguy cơ này càng tăng nếu có kèm nghiện thuốc lá.

    Chloromethyl và radon thường liên quan đến ung thư tế bào nhỏ.

    4. Môi trường

    Ung thư phổi gặp nhiều ở thành phố công nghiệp hơn ở nông thôn. Người ta đã chứng minh tác dụng gây ung thư phần lớn là do các chất benzopyren trong các chất hữu cơ của bụi thành phố, khói xăng, nickel… Hàng ngày chúng ta hít thở 10.000 lít không khí. Những chất có nguy cơ gây ung thư trong không khí được hít thở và tích tụ và có thể gây bệnh.

    Ô nhiễm môi trường trong nhà như khói thuốc lá (thường tụ rất lâu trong nhà), vật liệu xây dựng, khói gas, than, khói do nấu bếp…

    5. Virus

    Thử nghiệm cho thấy virus có thể gây ung thư phổi trên động vật. Nghiên cứu cũng cho thấy HPV (human papillomavirus) có liên quan đến ung thư phổi. Siman virus 40 có liên quan đến mesothelioma. EBV (Epstein Barr virus) có liên quan đến mesothelioma và lymphoma ở phổi.

    6. Chế độ ăn

    Vai trò của chế độ ăn đối với nguy cơ ung thư phổi cũng được nghiên cứu nhiều. Chế độ ăn cần nhiều rau và trái cây sẽ ít nguy cơ bị ung thư phổi hơn vì trong rau và trái cây có các chất vi lượng có hoạt tính chống oxy hóa, chống ung thư.

    Triệu chứng của bệnh ung thư phổi

    Bệnh ung thư phổi diễn tiến âm thầm và không có triệu chứng gì đặc biệt. 98% bệnh nhân ung thư phổi chỉ được phát hiện khi bệnh nhân đã có những triệu chứng bất ổn phải đi khám bệnh. Một số ít được phát hiện một cách tình cờ do khám sức khỏe định kỳ.

    Triệu chứng thường gặp:

    - Ho: Đầu tiên thường ho khan, sau đó khạc đàm nhày trắng, đổi màu khi có nhiễm trùng, có thể ho ra máu hoặc đàm vướng máu. Bệnh nhân ho dai dẳng không hết sau những đợt điều trị thông thường.

    - Ho ra máu: dấu hiệu quan trọng, bệnh nhân nam trên 40 tuổi có hút thuốc lá kèm ho đàm máu cần lưu ý khả năng ung thư phổi.

    - Đau ngực: hiện diện trong 25-50% trường hợp, đau dai dẳng, mơ hồ, không hết với các thuốc giảm đau thông thường, đau có thể cản trở hô hấp sâu và tăng thêm khi ho.

    - Nhiễm trùng, tắc nghẽn phế quản: Có thể nhiễm trùng tái đi tái lại tại vị trí sau tắc nghẽn.

    - Khó thở: Có thể thay đổi theo tư thế do khối u thay đổi vị trí theo tư thế.

    - Khàn tiếng: Một khối u vùng rốn phổi trái có thể xâm lấn vào dây thần kinh quặt ngược trái gây khàn tiếng. Triệu chứng này định hướng chẩn đoán khối u vùng rốn phổi trái.

    - Sụt cân nhiều

    Triệu chứng di căn, xâm lấn: Các triệu chứng liên quan đến các cơ quan bị di căn như:

    - Di căn hạch hoặc xâm lấn trực tiếp trung thất gây hội chứng trung thất, hạch to có thể gây tắc bạch huyết, hay xâm lấn bạch huyết lan tỏa.

    - Di căn ống ngực gây tràn dịch màng phổi dưỡng trấp.

    - Di căn não, tủy sống, các dây thần kinh (buồn nôn, nôn, rối loạn tri giác, cảm giác, vận động,…), xương,…

    Một số hội chứng đặc biệt:

    - Hội chứng Pancoast - Tobias:

    Gặp ở các u ở đỉnh phổi, gồm:

    + Triệu chứng rễ thần kinh: Đau xuất hiện sớm nhất, ban đầu ở vùng trên đòn và bả vai, sau đó lan xuống ngực và cánh tay, có thể đau dữ dội.

    + Triệu chứng giao cảm: Hội chứng Claude Bernard - Horner: sụp mi, co đồng tử, rối loạn vận mạch làm da phù nề, đỏ và tiết nhiều mồ hôi nửa bên mặt.

    + X quang: Bóng mờ ở đỉnh phổi, đôi khi xuống dưới xương đòn. Khi u ăn vào thành ngực sau, nó có thể phá hủy cung sau của xương sườn thứ nhất và thứ hai. Đôi khi hủy xương lan đến mỏm ngang và thân đốt sống lưng thứ nhất và thứ hai.

    - Hội chứng cận ung thư:

    + Là những biểu hiện ngoài phổi không do di căn của ung thư phổi.

    + Gồm ngón tay dùi trống, to đầu chi, sưng đau các khớp, rối loạn thần kinh cảm giác, vận động, thay đổi ở da, các hội chứng nội tiết như tăng ACTH, tăng ADH, tăng Calci máu,…

    Xét nghiệm chẩn đoán ung thư phổi

    Không có phương tiện giúp phát hiện bệnh sớm, giúp sàng lọc bệnh cho những đối tượng nguy cơ cao.

    - XQuang ngực thẳng: thường quy chụp hàng năm có thể làm giảm tử vong do ung thư phổi 10% nhưng kết quả cuối cùng cũng không đáng kể. XQuang có thể phát hiện khối u, hạch nhưng không thể đánh giá di căn.

    - CT ngực xoắn ốc: có thể phát hiện sớm khối u với kích thước nhỏ, chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm, có thể điều trị sớm và kéo dài sự sống còn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, xét nghiệm này mắc tiền và không được làm thường quy. CT là phương tiện quan trọng để đánh giá kích thước, vị trí, đặc điểm của khối u nguyên phát, đánh giá di căn xương, thành ngực, màng phổi…

    - PET - CT: Kết hợp với PET đánh giá thêm được hoạt động sinh học của tế bào ung thư. Bệnh nhân uống Glucose phóng xạ và dựa vào mức độ hấp thu Glucose của tế bào ung thư so với tế bào bình thường nhằm đánh giá chức năng của khối u. Tuy nhiên, một số u hạt, nhiễm trùng hay viêm cũng hấp thu PET. PET đánh giá chức năng, CT đánh giá giải phẫu. PET- CT rất tốt để đánh giá giai đoạn ung thư phổi cũng như để theo dõi điểu trị.

    - Nội soi phế quản: Giúp chẩn đoán mô học, vị trí, mức độ xâm lấn của khối u.

    Các kỹ thuật có thể thực hiện qua nội soi phế quản: rửa phế quản, phế nang tìm tế bào ung thư, sinh thiết niêm mạc phế quản, sinh thiết xuyên phế quản mù và dưới hướng dẫn của X quang, hướng dẫn của CT.

    - Tế bào học trong đàm:

    + Có độ nhạy 20-77%, tỉ lệ cao hơn với khối u ở trung tâm, thùy dưới, u lớn.

    + Tỉ lệ dương tính thấp và không có giá trị chẩn đoán vị trí.

    + Có lợi ở bệnh nhân từ chối hoặc có nguy cơ khi thực hiện các thủ thuật xâm lấn.

    - Sinh thiết: hạch, sinh thiết màng phổi, sinh thiết phổi xuyên thành ngực, nội soi trung thất, mở ngực thám sát giúp chẩn đoán tế bào học.

    - Các chất đánh dấu ung thư: CEA, SCC-A, NSE, CYFRA21-1: không có ý nghĩa chẩn đoán, truy tầm ung thư mà chỉ để theo dõi diễn tiến của ung thư phổi.

    - Các xét nghiệm khác giúp đánh giá giai đoạn ung thư: CT scan, MRI sọ não, xạ hình xương, sinh thiết tủy xương, siêu âm, CT scan bụng,…

    Điều trị ung thư phổi

    Phân loại ung thư phổi tế bào nhỏ và không phải tế bào nhỏ có ý nghĩa trong điều trị.

    I. Ung thư phổi không tế bào nhỏ:

    A. Mục tiêu điều trị:

    Giai đoạn bệnh khi chẩn đoán có 30% là GĐ I- IIIa, 70% GĐ IIIb- IV. Ở GĐ IIIb- IV bệnh nhân tiên lượng xấu, tỷ lệ sống còn 01 năm # 33%, 02 năm # 11%. Vì vậy mục tiêu điều trị là:

    + Làm chậm tiến triển bệnh.

    + Kéo dài thời gian sống toàn bộ.

    + Làm chậm sự xấu đi của triệu chứng.

    + Duy trì hay cải thiện chất lượng cuộc sống.

    B. Các yếu tố tiên lượng xấu:

    + Có các triệu chứng của phổi.

    + Bướu > 3 cm.

    + Mô học không phải tế bào vẩy.

    + Di căn đến nhiều hạch trong xếp hạng TNM.

    + Xâm nhiễm mạch máu.

    C. Điều trị gồm:

    - Phẫu thuật

    - Xạ trị

    - Hóa trị.

    Theo Phòng khám đa khoa Ngọc Minh

    Đối tác AloBacsi

    Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

    Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

    Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

    hoàn toàn MIỄN PHÍ

    Khám bệnh online

    X