Hotline 24/7
08983-08983

Ứng phó thế nào với dị ứng hải sản

Hải sản là thức ăn bổ dưỡng được nhiều người ưa chuộng. Tuy vậy, một số người lại dị ứng với các món ăn hấp dẫn này. Vậy cần xử trí, dùng thuốc ra sao khi dị ứng hải sản?

Vì sao hải sản gây dị ứng?

Các loại hải sản có thể gây dị ứng như: cua, tôm, ghẹ, cá nhám, cá ngừ, sò, mực, ốc... Những người có nguy cơ cao dị ứng hải sản (DƯHS) là: trẻ em, người cao tuổi, người mắc một trong các bệnh dị ứng (suyễn, chàm, phát ban, viêm mũi xoang dị ứng, viêm da cơ địa…, hoặc gia đình có nhiều người (cha mẹ, anh em) có cơ địa dị ứng.

Nguyên nhân là do hải sản có chứa nhiều loại protein bổ dưỡng nhưng cũng có những protein “lạ”, khi ăn vào cơ thể sẽ là những kháng nguyên thực sự. Những kháng nguyên này sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể gây dị ứng.

Biểu hiện của DƯHS rất đa dạng và xảy ra rất nhanh, thường chỉ sau khi ăn vài giờ, có người chỉ chừng chục phút. Phản ứng dị ứng không phụ thuộc số lượng ăn nhiều hay ít mà phụ thuộc vào độ mẫn cảm của từng cá thể.

Trường hợp dị ứng nhẹ thì nổi mề đay, ngứa, nôn nao khó chịu. Bình thường vài giờ sau, các triệu chứng sẽ giảm và hết dần. Cũng có trường hợp có các biểu hiện thần kinh như đau đầu, chóng mặt, ngất. Người bị nặng thì ngoài nổi ban và ngứa còn phù nề mặt, khó thở, ói, đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy… Các triệu chứng hô hấp như hắt hơi, ngạt, chảy nước mũi, khó thở kiểu hen, co thắt thanh quản.

Biểu hiện dị ứng trên đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, nôn. Đặc biệt là sốc phản vệ khi có trụy tim mạch với các triệu chứng: da tái lạnh, mạch nhanh nhỏ, nổi vân tím, tụt huyết áp... Các trường hợp tối cấp như co thắt thanh quản, sốc phản vệ có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Ăn hải sản sao cho an toàn?

Biện pháp phòng ngừa DƯHS tốt nhất là ăn chín uống chín, tuyệt đối tránh ăn cá mực hoặc các loại cá biển còn sống, tái hay chưa nấu chín, nhất là cá hồi, cá mòi, cá thu…; không ăn hải sản đã chế biến từ lâu; không ăn tôm, cua, sò, hến chết.

Bên cạnh đó, bạn không nên ăn hải sản cùng thực phẩm giàu vitamin C vì hải sản chứa hàm lượng lớn asen pentavenlent. Bình thường, những chất này không gây hại cho cơ thể, nhưng nếu ăn kèm với lượng lớn thực phẩm giàu vitamin C thì asen pentavenlent sẽ chuyển hóa thành asen trioxide (thường gọi là thạch tín) gây ngộ độc thạch tín cấp tính, nếu nghiêm trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Hải sản có sẵn tính hàn, do đó khi ăn tốt nhất nên tránh ăn kèm với những thực phẩm mang tính hàn khác (rau muống, dưa leo, dưa hấu, lê, thức uống có gas, nước lạnh…) vì dễ gây cảm giác khó chịu, đầy bụng, khó tiêu. Hải sản được đánh bắt ở vùng có thủy triều đỏ có thể mang tảo độc và gây ngộ độc, đặc biệt là các loài động vật thân mềm có hai mảnh vỏ (như trai, sò, nghêu…) cũng không nên ăn.

Khi ăn những món hải sản lạ, bạn nên thử từng ít một. Trẻ em cần cẩn trọng với hải sản do hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, nguy cơ dị ứng, ngộ độc cao hơn. Người có cơ địa dị ứng, cũng cần cẩn trọng khi ăn hải sản.

Xử trí khi dị ứng hải sản

Để đề phòng DƯHS, những người đã bị dị ứng với loại nào thì nên tránh dùng lại. Khi có các biểu hiện của dị ứng, cần gây nôn để loại bỏ các chất dị ứng trong thức ăn không vào cơ thể thêm nữa. Trường hợp nặng phải đưa ngay người bệnh đến bệnh viện. Đặc biệt, không được sử dụng bừa bãi các loại thuốc chống dị ứng mà chưa có chỉ định của bác sĩ.

Việc dùng thuốc khi bị DƯHS nhằm giảm nhẹ hoặc mất các triệu chứng dị ứng, quan trọng nhất là chống phản ứng phản vệ. Đối với một phản ứng dị ứng nhẹ (mề đay cấp, ngứa, chảy nước mũi, hắt hơi…), chỉ cần dùng thuốc kháng histamin như: phenergan, cetirizin, chlopheniramin, loratadin... để giảm triệu chứng.

Về ngoài da có thể bôi kem dịu da, chống ngứa có methol, phenol, sulfat kẽm. Lưu ý, bệnh nhân không được gãi vì càng gãi càng tăng ngứa, tăng sẩn nề. Các biểu hiện DƯHS nặng hơn cần phối hợp thuốc kháng histamin như trên để loại bỏ nhanh các triệu chứng dị ứng kết hợp vài loại thuốc uống hoặc tiêm, truyền:

Epinephrin: giúp nâng huyết áp, chống suy tim, trụy mạch cấp. Phải dùng sớm, chích trong vòng ít phút sau khi phản ứng dị ứng xảy ra. Việc dùng muộn dễ dẫn đến gia tăng dạng phản ứng phản vệ 2 pha, tăng tỷ lệ tử vong.

Thuốc chống co thắt phế quản: trường hợp DƯHS có phù thanh quản, đặc biệt ở người có bệnh hen thường bị cơn hen cấp, nên thường phải dùng thuốc kích thích thụ thể beta-2 dạng hít (salbutamol, salmeterol), có kết hợp với corticoid hít (beclomethazon, fluticazon) hoặc có thể dùng loại ống hít phối hợp hai chất này.

Coticoid (methyprednisolon, prednisone…) đường uống hoặc truyền tĩnh mạch: nhằm giảm cơn co thắt, hoặc đề phòng phản ứng phản vệ muộn.

Trường hợp DƯHS có các biểu hiện về tiêu hóa (buồn ói, tiêu chảy…), cần cho người bệnh dùng dung dịch oresol để bù nước và điện giải; không vội cho bệnh nhân dùng thuốc cầm tiêu chảy vì cơ thể cần thải trừ hết độc tố, thì tình trạng tiêu chảy mới đỡ dần.

Khi dùng thuốc cần lưu ý, các thuốc kháng histamin và corticoid tuy có tác dụng đặc hiệu trong dị ứng nhưng đều có thể gây tác dụng phụ và tai biến đôi khi nghiêm trọng.

Theo DS Hải Thanh - Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X