TS.BS Trần Chí Cường tư vấn trực tuyến về cách phòng đột quỵ tuổi tứ tuần
Trước những nỗi lo của bạn đọc tuổi ngoại tứ tuần về căn bệnh đột quỵ, TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ, Chủ tịch Hội can thiệp thần kinh TPHCM đã nhận lời mời của AloBacsi tham gia chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề “Mối nguy đột quỵ tuổi tứ tuần - Phòng bệnh hơn chữa bệnh” vào lúc 15g ngày 7/6/2019. Mời bạn đọc đón xem.
TS.BS Trần Chí Cường trả lời:
Cuối năm 2015, đầu năm 2016, trung bình 1 tỉnh (với 1 triệu dân) thì có 1.000 bệnh nhân đột quỵ, đó chỉ là con số thống kê. Ví dụ: Tỉnh Đồng Tháp, chỉ riêng Bệnh viện Sa Đéc, 1 năm có đến 1.000 bệnh nhân đột quỵ. Tỉnh Vĩnh Long cũng tương đương Đồng Tháp. Ngoài ra 1 số tỉnh thành có số bệnh nhân đột quỵ gấp đôi, gấp 3 như Cần Thơ, có hơn 2.000 bệnh nhân nhập viện. An Giang khủng khiếp hơn, hơn 3.000 bệnh nhân đột quỵ trong 1 năm.
Cộng chung lại chúng ta có từ 10.0000 - 15.000 bệnh nhân đột quỵ trong 1 năm ở miền Tây.
Trung bình có 30%-50% bệnh nhân bị đột quỵ tử vong, suy ra có hàng ngàn người bị đột quỵ trong năm.
Trong 1 năm (theo thống kê của Bộ Y tế), Việt Nam có khoảng 200.000 bệnh nhân đột quỵ. Đây là con số tương đương các nước trong khu vực, ví dụ như Thái Lan có 250.000 bệnh nhân đột quỵ.
Đây là những con số gây ám ảnh của toàn thể cộng đồng.
Nếu như nói về yếu tố nguy cơ, đột quỵ không phải là căn bệnh quá xa vời mà chúng ta không thể hiểu biết về nó, ngược lại hiện nay đã chẩn đoán và điều trị rất tốt.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu nguyên nhân đột quỵ là gì, mặc dù nó hiện diện ngay trong cuộc sống, đó là: hút thuốc lá, rượu bia nhiều, tiểu đường, béo phì, mỡ máu cao, tăng huyết áp, ô nhiễm môi trường nặng, tiếp xúc hóa chất độc hại, thực phẩm bẩm... Đây đều là những yếu tố tác động bên ngoài.
Bên cạnh đó còn có những yếu tố khó tránh khỏi như: tuổi tác (tuổi càng lớn thì nguy cơ đột quỵ càng cao); Dị tật, dị dạng mạch máu não (đây là một trong những yếu tố làm người trẻ bị đột quỵ, ngoài lý do lối sống không lành mạnh như đã nêu trên), đôi khi có người khỏe mạnh nhưng lại đột quỵ ở tuổi đời còn rất trẻ, đang trong độ tuổi cống hiến, dấn thân vì sự nghiệp.
TS.BS Trần Chí Cường trả lời:
Ở Việt Nam và trên thế giới, đột quỵ ngày càng trẻ hóa, đây là vấn đề báo động. Môi trường ô nhiễm, bản thân không quan tâm đến sức khỏe như: ít vận động, hút thuốc lá, uống rượu bia, áp lực công việc… là những nguyên nhân đột quỵ trẻ hóa và có khuynh hướng gia tăng. Có cả những ca đột quỵ mới ngoài 20 tuổi…
Trước đây chúng ta quan niệm đột quỵ phải trên 60 tuổi, nhưng ngày nay, lứa tuổi dưới 50 gặp rất nhiều. Thậm chí 50% số bệnh nhân đột quỵ ở dưới 50 tuổi.
Khi bị đột quỵ có phải sẽ xuất hiện cùng lúc các triệu chứng hay diễn tiến từ từ, chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác? Cần phải chờ bao lâu 5 - 10 - 15 phút kể từ khi xuất hiện triệu chứng để xác định đó có phải là đột quỵ hay không?
Đột quỵ có 20% là xảy ra đột ngột và có đến 80% là xuất hiện triệu chứng báo trước. Nhưng những dấu hiệu này thường ít được cộng đồng quan tâm. Theo kinh nghiệm của tôi, người bệnh bị nghẽn mạch máu não lúc đến bệnh viện, khi bác sĩ hỏi bệnh sử thì 80% đều nói có xuất hiện các triệu chứng. Đó là dấu hiệu của cơn thiếu máu não thoáng qua.
Bạn đọc cần biết 3 dấu hiệu rất dễ nhớ. Đó là:
- Mặt méo 1 bên, không phải nụ cười đẹp, duyên dáng như chúng ta thường thấy.
- Tay chân yếu, đưa lên mà rớt xuống. Chẳng hạn như đang cầm đũa, cầm chén, điện thoại… thì tự nhiên làm rơi xuống, không nhặt lên được.
- Nói khó, ú ớ, một số trường hợp ngất xỉu.
Đây đều là những triệu chứng rất dễ nhận biết mà không cần đến gặp bác sĩ. Có thể vài giây hay vài phút trước người bên cạnh chúng ta bình thường, khỏe mạnh mà tự nhiên gặp 3 dấu hiệu trên thì hãy chẩn đoán ngay là đột quỵ chứ không phải trúng gió như dân gian truyền miệng.
Lúc này cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện đột quỵ hoặc bệnh viện có khả năng cấp cứu, điều trị đột quỵ gần nhất. Bởi điều trị tốt đột quỵ liên quan đến thời gian vàng.
Nói tóm lại, đột quỵ hoàn toàn có triệu chứng báo trước, quan trọng là chúng ta phải tìm hiểu, nhận biết nó. Dù là triệu chứng chỉ xuất hiện vài phút, vài giây thì không nên chủ quan mà cần tìm đến bác sĩ để đưa ra hướng xử trí tốt nhất.
Vậy, khi người thân bị đột quỵ cần xử trí như thế nào? Sai lầm nào cần tránh? Để cấp cứu đột quỵ, cơ sở y tế đó cần những điều kiện gì? Làm sao để đến đúng cơ sở y tế, không bỏ lỡ cơ hội sống?
Bác sĩ có thể chia sẻ một vài trường hợp cấp cứu đặc biệt trong thời gian qua được không ạ?
TS.BS Trần Chí Cường trả lời:
Ý nghĩa của thời gian vàng trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ: Ngày nay, đối với các trường hợp tắc nghẽn mạch máu nhỏ, trong 4h30 từ lúc bệnh nhân có triệu chứng đầu tiên đến lúc nhập viện. Nếu người bệnh đến trong khoảng thời gian 4h30 sẽ được sàng lọc và điều trị bằng thuốc làm tan cục máu đông. Thuốc này chỉ được sử dụng tại bệnh viện, bác sĩ chích thuốc vào tĩnh mạch bệnh nhân, thuốc đó đi vào vòng tuần hoàn làm tan các cục máu đông nhỏ.
Các bệnh nhân bị tắc nghẽn động mạch lớn, thời gian vàng được nới rộng một chút, tuy nhiên thời gian để điều trị hiệu quả nhất theo kinh nghiệm của tôi cũng như những khuyến cáo của thế giới là 6h đầu. Có nghĩa là nếu bệnh nhân bị đột quỵ tắc nghẽn các mạch máu lớn trên não nhưng không dược điều trị tốt trong khoảng thời gian 6h đầu thì việc điều trị càng xa, tổn thường não càng nặng và thậm chí có nhiều trường hợp lẽ ra cứu được thì bệnh nhân lại tử vong bởi đến bệnh viện quá muộn.
Vì vậy chúng tôi đã huy động mọi nguồn lực để xây dựng các bệnh viện chuyên khoa sâu cấp cứu đột quỵ, điển hình là Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ đã đi vào hoạt động chính thức 3 tháng nay.
Khi chúng ta đã hiểu biết về thời gian vàng thì sẽ tránh được những quan niệm sai lầm như: coi bệnh đột quỵ là trúng gió nên cạo gió, vắt chanh, giật tóc mai, chích lễ… Nếu làm như thế, thì 1 phút trôi qua bệnh nhân đột quỵ sẽ mất 2 triệu tế bào thần kinh. Nếu nhân lên theo thời gian thì trong khoảng 1 giờ não của người bệnh gần như tàn phế.
Có những trường hợp rất gần bệnh viện nhưng mất 4 ngày mới đến bệnh viện do người bệnh được điều trị ở nhà, uống thuốc nam, thuốc bắc, châm cứu, chích lễ, đông y gia truyền… Vì vậy bà con nên tránh xa những sai lầm đó và điều trị sớm, phòng ngừa di chứng và điều trị dự phòng tái phát.
Đối với một bệnh viện có thể điều trị đột quỵ, điều kiện tối thiểu là chụp CT. Nếu bệnh viện không có máy CT thì không thể biết được bệnh nhân bị xuất huyết não hay nhồi máu não. Đối với bệnh nhân bị xuất huyết não không được phép chích thuốc làm tan máu đông, vì điều này sẽ tiễn bệnh nhân ra đi sớm hơn.
Xuất huyết não hay nhồi máu não được phân định sau khi chụp CT. Bệnh nhân đến bệnh viện có các triệu chứng điển hình của đột quỵ nhưng không thể biết được ở thể xuất huyết não hay nhồi máu não.
Theo thống kê, có 80% bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não, 20% là xuất huyết não. Mặc dù tỉ lệ đột quỵ nhồi máu não nhiều hơn nhưng chúng ta không được phép sử dụng các loại thuốc lẫn lộn giữa 2 nhóm. Cần phải chụp CT càng sớm càng tốt để trả lời bệnh nhân bị đột quỵ thể nào nhằm điều trị tốt nhất.
Tại bệnh viện, chúng tôi có thể xử lý bằng các phương pháp can thiệp trong lòng động mạch để lấy cục máu đông ra nếu bệnh nhân có những tắc nghẽn mạch máu lớn. Trường hợp bệnh nhân đến bệnh viện muộn việc tái thông thường không hiệu quả và để lại di chứng nặng nề, thậm chí có thể tử vong. Cùng là mạch máu nên có thể khai thông được khi đến trong vòng 6h hay 10h, nhưng bệnh nhân đến trước 6h thì việc khai thông mạch máu não sẽ phục hồi tốt, nhưng sau 10h thì não không thể phục hồi được. Đó là ý nghĩa của thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ.
Đối với người chưa từng bị đột quỵ hoặc có tiền sử mắc phải căn bệnh này thì mục tiêu hàng đầu là phòng ngừa.
Nếu bệnh nhân đã từng bị đột quỵ thì cần tuyệt đối tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ. Tùy theo nguyên nhân gây đột quỵ, chẳng hạn như bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường thì cần có biện pháp kiểm soát thật tốt, có mỡ máu cao thì cần sử dụng thuốc để giảm mỡ máu, thừa cân - béo phì thì phải vận động, tập thể dục để kiểm soát cân nặng, nếu có hút thuốc lá thì tuyệt đối phải tránh xa, loại bỏ.
Tôi đã gặp nhiều trường hợp và từng đặt câu hỏi cho bệnh nhân giữa thuốc lá và bệnh đột quỵ chỉ được chọn 1 thì bạn sẽ quyết định chọn điều gì?
Có nghĩa là nếu lựa chọn thuốc lá thì phải chấp nhận nguy cơ đột quỵ tái phát. Bệnh nhân phải hiểu rõ vấn đề, thuốc lá chính là tác nhân độc hại với bệnh đột quỵ.
Đó là 2 vấn đề cần bàn luận đầu tiên. Thứ 3 nữa là chúng ta phải tập thể dục, vận động phục hồi chức năng, vật lý trị liệu để phục hồi các cơ.
Nhiều bệnh nhân sau đột quỵ chỉ nằm một chỗ, bị ám ảnh, trầm cảm nên không muốn tập. Chúng ta phải cố gắng bằng hết năng lực để cho cơ thể thêm cơ hội được phục hồi tốt.
Đối với việc sử dụng thực phẩm chức năng, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng chung với toa thuốc chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, khi sử dụng thực phẩm chức năng tốt nhất là cần có ý kiến của bác sĩ. Đó là nguyên tắc thứ nhất.
Thứ 2 là sản phẩm phải có xuất xứ rõ ràng, kiểm chứng nhà sản xuất, thành phần, nguyên liệu, giấy phép lưu hành của Bộ Y tế. Vì trên thị trường hiện nay chúng ta đã biết có rất nhiều thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, được truyền miệng. Sẽ rất nguy hiểm nếu đưa những thực phẩm chức năng mà chúng ta không nắm rõ được thông tin gì cả, thậm chí có nhiều trường hợp đã được báo chí đưa tin thời gian gần đây bị dị ứng, sốc thuốc, tổn thương gan…
Tuy nhiên, thực phẩm chức năng không thể thay thế thuốc đặc trị. Cần phải kết hợp tốt mới đạt hiệu quả tốt nhất, chứ không phải dùng rồi ngó lơ chỉ định của bác sĩ.
Với câu hỏi dấu hiệu nào cần ngưng thì thực sự rất khó để đưa ra câu trả lời cụ thể. Bởi chúng ta không biết ngưng như thế nào, do vấn đề gì mà ngưng… Giả sử bệnh nhân đang uống thuốc huyết áp, nhưng huyết áp tăng cao 180, nhức đầu mà chúng ta cảnh báo ngưng thuốc thì điều đó không hợp lý.
Do đó, nếu chúng ta đang sử dụng các loại thuốc mà cơ thể có những biến đổi bất thường, chẳng hạn đang uống thuốc ngừa đột quỵ mà có dấu hiệu yếu tay chân thì phải nhanh chóng đến gặp bác sĩ hoặc đến bệnh viện nào gần nhất chuyên sâu đột quỵ để chẩn đoán, điều trị, điều chỉnh toa thuốc kịp thời xử lý các tình huống.
Vì như Mỹ Thi thấy như người Nhật Bản nổi tiếng về cường độ làm việc cao nhất nhì thế giới, song tỷ lệ đột quỵ ở xứ Phù Tang lại rất thấp. Liệu họ có bí quyết nào khác chăng?
TS.BS Trần Chí Cường trả lời:
Tại sao người Nhật ít đột quỵ? Ngoài yếu tố môi trường, lối sống, thực phẩm thì người Nhật sử dụng thực phẩm chức năng và tầm soát sớm khi có nguy cơ.
Theo các số liệu đã được thống kê, nước Nhật tầm soát đột quỵ và sức khỏe nhiều nhất so với các nước trên thế giới. Số lượng máy MRI 3 Tesla đứng đầu trong khu vực châu Á. Điều này cho thấy người Nhật rất quan tâm đến sức khỏe.
Người Nhật có tuổi thọ cao nhất thế giới nhưng số bệnh nhân đột quỵ rất thấp.
Tôi cũng được chứng kiến chuyên gia người Nhật trình bày thí nghiệm kiểm chứng enzym nattokinase làm tan sợi máu đông. Khi sử dụng men của sản phẩm NattoEnzym vào dĩa thạch có cục máu đông thì trong vài giờ đồng hồ cục máu đông bắt đầu tan ra.
Thực phẩm chức năng nên chưa có nghiên cứu trên người mà chỉ trên động vật. Tuy nhiên, sản phẩm NattoEnzym có đầy đủ chứng từ, giấy phép lưu hành của Bộ Y tế, hơn nữa được một cộng đồng lớn đón nhận và sử dụng nhận thấy hiệu quả.
Ngoài ra, tôi xin lưu ý bạn đọc không nên sử dụng một số chất hoặc nghe theo những lời đồn như mua thuốc tích trữ đề ngừa đột quỵ. Thực chất, thuốc làm tan cục máu đông phải được tiêm tại bệnh viện, có chỉ định của bác sĩ, chi phí khoảng trên 10 triệu đồng chứ không phải 2 triệu đồng 1 viên như được truyền miệng ngoài cộng đồng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Để phòng ngừa đột quỵ và chúng ta thực sự quan tâm đến sức khỏe thì trước hết cần bỏ thuốc lá, tránh xa rượu bia. Bởi rượu bia ngoài việc gây ung thư gan, tổn thương não, mất trí nhớ, giảm năng suất lao đồng thì tổn hại đến tim mạch rất nhiều. Chúng ta chỉ cần sống lành mạnh thì đã góp phần giảm nguy cơ đột quỵ rồi, chứ không phải dùng thực phẩm chức năng rồi về hút ngày bao thuốc, rượu bia thoải mái thì đương nhiên sẽ không tốt và cũng không có bí quyết nào để ngừa được đột quỵ.
Những thành quả đầu tiên gặt hái được sau lớp học tháng 3 là gì thưa bác sĩ? Ông có thể chia sẻ thêm về ước mơ, hoài bão cho độc giả cũng như đồng nghiệp hiểu rõ hơn được không ạ?
TS.BS Trần Chí Cường trả lời:
Tôi đã từng đến những bệnh viện hàng đầu ở Mỹ - nơi đào tạo các bác sĩ can thiệp đột quỵ, trên nóc của các bệnh viện luôn có 4 trực thăng cấp cứu bệnh nhân đột quỵ, đó là vùng Tennessee.
Tôi ôm ấp giấc mơ từ đó. Thời điểm năm 2008, một bệnh viện ở Mỹ thiếu người, họ sẵn sàng nhận tôi và đưa cả gia đình sang Mỹ để tôi phát triển chuyên môn ở đó, nhưng tôi đã mạnh dạn từ chối với lý do ở Việt Nam hơn 80 triệu người ở thời điểm đó không có một bệnh viện chuyên sâu về vấn đề can thiệp đột quỵ, càng không có 1 bác sĩ điều trị đột quỵ/1 tỉnh thành.
Tại thời điểm 10 năm trước số lượng bác sĩ can thiệp mạch máu não ở Việt Nam đếm chưa hết 10 đầu ngón tay. Do đó với số lượng bệnh nhân đông, 1 năm có hàng trăm ngàn trường hợp đột quỵ thì tôi không đành lòng ở Mỹ sống và làm việc, nếu chỉ lo cho bản thân và gia đình thì tôi cảm thấy cuộc sống không còn ý nghĩa, bỏ lại sau lưng biết bao bệnh nhân đột quỵ đang cần mình nên tôi rất khó chịu trong lòng.
Đó là niềm đam mê và sự dấn thân. Chính vì vậy trong 10 năm qua tôi đã vận động và xây dựng bệnh viện đột quỵ đầu tiên ở miền Tây, đó là Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ để phục vụ cho hơn 15 triệu dân ở vùng ĐBSCL. Hiện nay, sau 3 tháng hoạt động, chúng tôi đã điều trị hơn 2.000 trường hợp bệnh nhân đột quỵ với thành quả tốt. Chúng tôi cũng đã thành lập tổng đài cấp cứu đột quỵ với đường dây nóng miễn phí 1800 1115. Tổng đài này phục vụ cho người dân cả nước, nghĩa là nếu như bạn đọc và bà con có người thân hoặc xuất hiện những triệu chứng nghi ngờ đột quỵ thì gọi vào tổng đài này, chúng tôi bằng mọi giá sẽ kết nối với quý vị đến nơi điều trị đột quỵ gần nhất.
Nhân tiện đây chúng tôi xin giới thiệu một số bệnh viện ở các khu vực điều trị đột quỵ tốt:
- Khu vực phía Bắc: Bệnh viện 108, Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện 103
- Miền Trung: Bệnh viện Trung ương Huế, BVĐK Đà Nẵng, BVĐK tỉnh Bình Định
- TPHCM: Bệnh viện 115, Chợ Rẫy, Thống Nhất, BVĐH Y Dược, Gia Định
- Đặc biệt ở khu vực miền Tây hiện nay có Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ. Với khoảng cách 2 giờ đi xe từ các tỉnh miền Tây như Kiên Giang, An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… đều có thể điều trị đột quỵ cụm miền Tây.
Niềm mơ ước của tôi là làm sao nhân rộng được mô hình này ra nhiều nơi như khu vực miền Trung. Cứ mỗi khoảng cách 2 giờ đi xe thì chúng ta phải có 1 bệnh viện điều trị đột quỵ tốt nhất, bằng đủ mọi phương pháp chúng ta phải trang bị được máy chụp CT, máy chụp mạch máu xóa nền… Đó là niềm mơ ước của nền y tế cũng như những người đam mê về điều trị đột quỵ giống như tôi. Điều này giúp cộng đồng được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, đặc biệt là trong những trường hợp bất khả kháng, không báo trước.
Thưa bác sĩ, tôi là nam giới, 52 tuổi, vì công việc nên cũng thường xuyên đi công tác bị chênh lệch múi giờ, thời tiết thay đổi giữa vùng miền, các nước…
Tôi thì thỉnh thoảng mới rượu bia vì xã giao thôi nhưng có bị mỡ máu. Xin hỏi với trường hợp của tôi có nguy cơ đột quỵ hay không? Khi thay đổi múi giờ, thời tiết tôi cần làm gì để phòng ngừa đột quỵ?
Anh Đăng Trình thân mến,
Đây là thắc mắc của nhiều khán giả, đột quỵ không loại trừ một ai và cũng không ai dám chắc 100% những ai có thể loại trừ được đột quỵ.
Trường hợp của anh có thể tự kiểm tra chính mình, nếu chỉ đơn thuần bị mỡ máu cao thôi thì nguy cơ rất thấp. Nhưng nếu có nhiều hơn 2-3 yếu tố nguy cơ như mỡ máu cao, rượu bia, thuốc lá nhiều thì nguy cơ đột quỵ cao hơn rất nhiều.
Do đó, giả sử anh càng có nhiều yếu tố nguy cơ thì nên quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn. Chẳng hạn khi xuất hiện những dấu hiệu sớm của cơn thiếu máu não thoáng qua như tê yếu tay chân, chóng mặt, nói khó, thậm chí là cơn mất ý thức thoáng qua thì cần nhanh chóng đi tầm soát đột quỵ để loại trừ vấn đề tắc nghẽn mạch máu não.
Có thuốc ngừa đột quỵ chưa thưa 2 chuyên gia? Có nên tích trữ aspirin, An Cung để lỡ đột quỵ thì sử dụng? Với người bệnh tăng huyết áp, nếu bị đột quỵ có nên sử dụng thuốc hạ áp ngay.
TS.BS Trần Chí Cường trả lời:
Hai loại thuốc Aspirin và An Cung ngày nay không dùng đại trà để phòng ngừa.
Aspirin đơn thuần để dự phòng cục máu đông. Nếu người bệnh bị xuất huyết tiêu hóa, hoặc bệnh lý nghiêng về chảy máu nếu uống Aspirin rất hại đường tiêu hóa. Thậm chí nếu có yếu tố nguy cơ của phình mạch máu não hoặc dị dạng mạch máu não mà uống Aspirin thì vô hình chung làm tăng nguy cơ xuất huyết não.
Tại các nước sở tại như Trung Quốc, Đài Loan chưa công bố tài liệu chính thống nào để chứng minh đó là thuốc, mới chỉ dừng lại ở thực phẩm chức năng, không được khuyến cáo trong điều trị đột quỵ cấp.
An Cung chỉ có tác dụng trong trường hợp tắc nghẽn mạch máu. Nếu người thân có dấu hiệu đột quỵ, người nhà cho 1 viên An Cung vào, nếu chẳng may bệnh nhân bị đột quỵ xuất huyết não thì người nhà vô hình chung làm hại bệnh nhân.
Cốt lõi là chúng ta dự phòng các yếu tố nguy cơ.
Tôi năm nay vừa đúng 50 tuổi nhưng có cả 2 căn bệnh mãn tính, huyết áp và tiểu đường. Chỉ số huyết áp, đường huyết là bao nhiêu thì dễ dẫn đến đột quỵ? Thú thực với bác sĩ, tôi thi thoảng có để 2 chỉ số này chao đảo vì các món ngọt, rượu bia.
Đây là vấn đề bác sĩ giải quyết khá thường xuyên. Đa số bệnh nhân có 2 yếu tố nguy cơ là huyết áp, tiểu đường rồi cộng thêm hút thuốc lá, rượu bia. Như vậy, tổng lại chúng ta có 4 yếu tố nguy cơ.
Trên một người sở hữu 4 yếu tố nguy cơ đều dẫn đến đột quỵ thì chúng ta phải có ý thức tốt hơn để bảo vệ sức khỏe của mình. Vì giả sử nếu huyết áp, đường huyết, mỡ máu đều tăng mà có thêm rượu bia nữa thì nguy cơ đột quỵ rất cao.
Lời khuyên chân thành cho anh Lâm là nên tiết chế lại vấn đề ăn uống, kiểm soát cân nặng, mỡ máu, điều trị huyết áp cho thật tốt để giảm nguy cơ mắc bệnh đột quỵ.
Đợt nắng nóng vừa qua có hôm em đang đi xe máy thì đột nhiên choáng váng, bủn rủn tay chân, tê nửa người nhưng sau đó hết. Lúc đó em nghĩ bị trúng nắng nhưng về tìm hiểu thì có khả năng là cơn thiếu máu não thoáng qua và có đến 40% người mắc phải bệnh lý này, đặc biệt từ 40 tuổi trở lên thì sẽ bị đột quỵ.
Mong bác sĩ giải đáp giúp em, triệu chứng em gặp phải có thực là thiếu máu não thoáng qua. Nếu đúng thì trường hợp của em cần làm gì để phòng ngừa đột quỵ? Các xét nghiệm cần làm và bao lâu nên đi khám định kỳ? Khám ở chuyên khoa nào ạ?
TS.BS Trần Chí Cường trả lời:
Trong trường hợp của bạn, nếu có kèm theo chóng mặt, choáng váng nhiều lần, lặp đi lặp lại thì nên đi khám chuyên khoa về thần kinh, mạch máu não hoặc đột quỵ để tầm soát và loại trừ nguy cơ, đồng thời nên kiểm tra huyết áp, đường huyết, đo điện tim…
Tuy nhiên nếu ở độ tuổi trên dưới 40, nữ giới không có nguy cơ đột quỵ nhiều nên tôi nghĩ trường hợp của bạn không có nguy cơ cao.
Ba tôi bị mỡ máu. Ba tháng gần đây, ba thường hay bị xây xẩm, chóng mặt và chụp MRI cho thấy xuất hiện cục máu đông nhỏ. Bác sĩ nói chưa đến mức cần thiết phải phẩu thuật, giờ phải điều trị mỡ máu trước. Mà tôi biết bệnh mỡ máu có nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Xin hỏi, giai đoạn này Ba phải điều trị và phòng ngừa như thế nào?
Nếu như bạn có người thân có dấu hiệu cục máu đông trên não thì cần tìm yếu tố nguy cơ, sau đó liệt kê các yếu tố của mình và người thân để loại bỏ nguy cơ đó.
Trong trường hợp này, ba bạn có mỡ máu não, nếu có kèm theo huyết áp, hút thuốc lá thì trước hết cần tránh xa chất độc hại này, tập thể dục, xây dựng lối sống lành mạnh, kiểm soát tốt huyết áp, sử dụng thuốc chống tăng mỡ máu, hạ mỡ máu về mức bình thường… Nếu thấy có các triệu chứng nói ngọng, khó nói, yếu liệt tay chân, méo miệng… thì cần chụp MRI để kiểm tra diễn tiến của cục máu đông, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra hướng xử trí kịp thời.
Em đọc được thông tin, món ăn truyền thống của người Nhật Natto làm từ đậu tương lên men có tác dụng ngừa đột quỵ. Vì Việt Nam không có món này nên em tìm hiểu thì được biết đã có sản phẩm chứa Nattokinase nhưng giờ trên thị trường nhiều loại quá. Xin hỏi làm cách nào để chọn được Nattokinase đúng chuẩn Nhật Bản?
Bố em có các yếu tố nguy cơ của đột quỵ như tiểu đường, hút thuốc thì uống như thế nào để phát huy tác dụng thưa dược sĩ?
TS.BS Trần Chí Cường trả lời:
Mong 2 chuyên gia hướng dẫn giúp tôi cách ăn uống, thể dục để phòng ngừa đột quỵ ạ? Tôi đang ở độ tuổi trung niên, nam giới. Xin cảm ơn.
Chào bạn Quốc Việt,
Tập thể dục thế nào là câu hỏi rất thông dụng. Thông thường, theo khuyến cáo chung thì nên tập vận động khoảng 30 phút là tối thiểu, tập đủ nặng để ra mồ hôi, nhịp tim thay đổi chứ không phải tập “thụ động”, chẳng hạn như ngồi tại văn phòng lắc tay, xoa đầu một chút thì không phải là tập. Tập khoảng 30 phút, khi cơ thể thấy mệt thì nên nghỉ là tốt nhất.
Trân trọng!
Thưa bác sĩ, bố tôi bị tăng huyết áp 6 năm nay. Đợt nắng nóng cao điểm vừa rồi do không kiểm soát tốt nên đã bị đột quỵ não, đến trong thời gian vàng được tiêu sợi huyết. Hiện ông đã xuất viện nhưng còn yếu.
Dạo trước chưa đột quỵ ông cũng hay bị bệnh vặt như cảm, ho, sổ mũi. Nay thời tiết thay đổi, xin bác sĩ tư vấn giúp tôi cách để phòng ngừa bệnh cơ hội trên những người có tiền sử đột quỵ?
TS.BS Trần Chí Cường trả lời:
Về vấn đề các triệu chứng còn lại, chúng ta phải có thời gian tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng hoặc sử dụng thuốc hay thực phẩm chức năng hỗ trợ sự phục hồi của tế bào não.
Đối với các vấn đề cảm, ho, sổ mũi, những bệnh vặt, cách đơn giản đó là tránh tiếp xúc với thời tiết cực đoan. Nếu người lớn tuổi đi ngoài thời tiết quá nắng, quá nóng, quá lạnh hoặc mưa bão thì nên hạn chế; hoặc đi vào những nơi có bệnh lây nhiễm như bệnh viện thì nên tránh tiếp xúc nguồn lây…
Cần giữ gìn sức khỏe, tập thể dục, vận động, không rượu bia, không hút thuốc lá, đi ngủ sớm để phòng tránh nguy cơ.
Anh trai tôi bị đột quỵ khi trong tay có tất cả, từ gia đình, sự nghiệp, tiền tài. Dù được bác sĩ cứu chữa nhưng giờ anh ấy yếu hẳn, sức khỏe không được phong độ như trước nữa. Điều này làm anh ấy rất tự ti, từ một con người quảng giao giờ cái gì anh cũng sợ, gia đình trầm hẳn vì căn bệnh này.
Bác sĩ tư vấn giùm gia đình tôi nên làm gì để giúp anh ấy trong thời gian này? Có cần thiết phải đi bác sĩ tâm lý, vì tôi sợ càng như vậy anh ấy sẽ càng tủi thân?
Khi trải qua giai đoạn giành giật sự sống, anh trở nên sợ hãi và lo lắng hơn, sợ cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào. Xin hỏi bác sĩ, người đột quỵ nếu được chăm sóc tốt thì tuổi thọ có như người bình thường không?
BS Cường rất chia sẻ với bạn và gia đình trong trường hợp bạn vừa kể.
Khi có tiền sử đột quỵ thì việc quan trọng nhất là nên tầm soát để kiểm tra nguyên nhân gây đột quỵ, não bị tổn thương ở đâu, ảnh hưởng đến chức năng nào. Để tư vấn, điều trị, dự phòng tái phát một cách tốt nhất, vì bạn ở Cần Thơ nên có thể đến gặp trực tiếp BS Cường tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ từ thứ 2 - thứ 5 bác sĩ có khám ở đây. Bệnh viện có đầy đủ các phương tiện tầm soát, điều trị, thậm chí là máy MRI 3 Tesla.
Đa phần bệnh nhân sau khi bị đột quỵ đều ảnh hưởng đến tâm lý, do đó rất cần liệu trình điều trị tâm lý, chúng tôi có nhiều kinh nghiệm sẽ giúp cho anh trai của bạn Thủy lấy lại phong độ, có thể là không hoàn toàn nhưng BS Cường sẽ giúp đỡ hết mình để có thể quay lại cuộc sống bình thường.
Tôi năm nay 45 tuổi, thỉnh thoảng có uống rượu bia, thuốc lá nhưng vì công việc áp lực nên tôi stress lắm. Tôi có tìm đến Natto Enzym nhưng vợ tôi thì bảo nếu dùng quá nhiều thực phẩm chức năng sẽ tích lũy tại gan, lâu dài có thể dẫn đến ngộ độc. Xin bác sĩ cho lời khuyên, uống bao lâu thì nên dừng? Dấu hiệu nào cho thấy bị ngộ độc thực phẩm chức năng và cách xử lý?
Tôi cũng thuộc hàng có yếu tố nguy cơ đột quỵ. Nếu đang dùng có tác dụng mà dừng lại thì liệu đột quỵ có tìm đến không?
TS.BS Trần Chí Cường trả lời:
Nếu sử dụng một vài thực phẩm chức năng có nguồn gốc rõ ràng thì không có tác dụng phụ, vì thực phẩm chức năng được định nghĩa như những thực phẩm chúng ta ăn uống hằng ngày.
Do đó, đối với người sử dụng thực phẩm chức năng cần cân nhắc giữa lợi và hại, đúng đối tượng sử dụng. Đối với người từng bị đột quỵ, sử dụng NattoEnzym hay các thực phẩm chức năng khác thì hoàn toàn hợp lý. Chúng tôi đã gặp nhiều bệnh nhân uống thực phẩm chức năng lâu dài, và tác dụng phụ là không có.
Khi chúng ta sử dụng quá nhiều thực phẩm chức năng như bổ khớp, bổ tim, bổ não, làm đẹp, giảm cân… sẽ ảnh hưởng đến gan thận. Bạn nên chọn thực phẩm chức năng phù hợp với mình, thực sự có lợi cho sức khỏe. Còn những loại không có lợi thì bạn không nên dùng để tránh tương tác thuốc và tốn kém chi phí.
Thưa bác sĩ, tôi 49 tuổi, hiện có sở hữu 1 công ty. Trước tôi đi khám thì được chẩn đoán cơn thiếu máu não thoáng qua. Tôi nghe nói đây là yếu tố dẫn tới đột quỵ. Vì giao tiếp nhiều nên tôi cũng dùng kha khá cả rượu lẫn bia, lại kèm theo gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp. Vợ thì hay cằn nhằn nhưng tôi thấy các bác nhà tôi nay cũng gần 70 rồi, trước cũng đủ bia rượu, thuốc lá giờ vẫn khỏe.
Vậy có phải ai rượu bia, thuốc lá cũng đột quỵ không bác sĩ hay mỗi người sẽ khác nhau? Hay trên 1 người càng có nhiều nguy cơ thì càng dễ đột quỵ? Tỷ lệ người bị đột quỵ do “thói hư, tật xấu” này gây ra như thế nào? Nếu vẫn phải xã giao dùng các loại trên thì nên uống liều lượng ra sao để ngăn ngừa căn bệnh này?
Kính chúc bác sĩ nhiều sức khỏe.
Đây là câu hỏi hay được giới doanh nhân hoặc những người đang có công việc tốt, thu nhập cao quan tâm rất nhiều.
Câu hỏi chúng ta thường đặt ra là, con người đang khỏe mạnh 70 tuổi, hút thuốc mấy mươi năm mà vẫn khỏe mạnh thì “tội chi” ta phải kiêng cữ. Nhưng đây là quan niệm sai lầm.
Có thể những người chúng ta thấy thì vẫn còn đó, còn những người không nhìn thì có khả năng bị đột quỵ rồi mà chúng ta không biết. Chỉ có các bác sĩ làm ở bệnh viện mới nhìn thấy sự việc này thôi.
Tôi đã từng chứng kiến nhiều người doanh nhân đang có mọi thứ trong tay có cái kết rất buồn vì đột quỵ.
Do đó, chúng ta không nên nghĩ rằng, đột quỵ không “ghé thăm” nhà mình đâu nên cứ thoải mái, “xả láng” luôn, rượu bia - thuốc lá đều có đủ. Bởi nếu chẳng may bị đột quỵ thì sẽ mất tất cả, trong khi phòng ngừa chúng ta chẳng mất gì, vẫn giữ được công ty mà vẫn giữ được sức khỏe, gia đình.
Các tổ chức y tế trên thế giới đều đã công nhận, thuốc lá - rượu bia là nguyên nhân trực tiếp gây đột quỵ, đã có ý nghĩa thống kê, sử dụng càng nhiều thì càng có nguy cơ cao.
Vậy uống thế nào hợp lý? Về lý thuyết, 1 ngày chúng ta có thể sử dụng 60ml rượu vang nhưng phải làm từ nho chứ không phải rượu không rõ nguồn gốc.
Tuy nhiên, theo tôi thấy thì trong tiệc tùng ở Việt Nam ít ai dùng có 60ml mà thậm chí còn gấp 10 số lượng này, tính cả két bia.
Nếu chúng ta có quá nhiều yếu tố nguy cơ như gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp, rượu bia, thuốc lá… thì cách phòng ngừa đột quỵ tốt nhất là loại trừ nó.
Khi xuất hiện các triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua như chóng mặt, nói khó, tê tay chân… thì cần nhanh chóng đến bệnh viện để tầm soát đột quỵ vì hiện nay đã có thể tầm soát tốt căn bệnh này. Hiện nay, chúng ta có thể chi vài triệu thì có thể biết được nguy cơ 10 năm sau có dị dạng hay không, nhất là chụp bằng máy MRI 3Tesla không cần thuốc cản quang, có thể loại trừ yếu tố sốc thuốc cho người bệnh.
Em trai tôi mới 42 tuổi nhưng đã bị đột quỵ nhẹ. Trước đó là con người khỏe mạnh, nhưng vì stress quá độ, căng thẳng từ công việc đến gia đình khiến em tôi không may mắc phải căn bệnh này, giờ sức khỏe tương đối yếu bác sĩ ạ.
Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi, với người có tiền sử đột quỵ nhẹ thì nên chăm sóc, sinh hoạt sao cho điều độ để căn bệnh không tái phát?
Em trai tôi có nên chơi bóng chuyền, tập gym và cả bơi lội nữa không hay chuyển sang những môn nhẹ hơn như đi bộ, chạy bộ hoặc đạp xe. Thời gian tập luyện trong bao lâu và cần những lưu ý gì khi tập luyện ạ? Nếu tập luyện điều độ thì có phòng ngừa đột quỵ không thưa bác sĩ?
TS.BS Trần Chí Cường trả lời:
Nếu bị xuất huyết não thì nghĩ ngay đến dị dạng mạch máu não tiềm ẩn chưa phát hiện ra. Do đó nên nhanh chóng đi chụp cộng hưởng từ hoặc MRI 3 Tesla để tầm soát đột quỵ.
Trường hợp bị nhồi máu não (tắc nghẽn mạch máu), nếu chỉ bị mạch máu nhỏ thì cần uống thuốc, tập thể dục, vận động, ăn uống điều độ, bỏ thuốc lá, giảm cân… sẽ giúp phòng ngừa tái phát.
Nếu mạch máu lớn bị hẹp, việc đặt stent phòng ngừa hoặc sử dụng thủ thuật can thiệp giúp bệnh nhân tránh tái phát trong thời gian dài.
Khuyến cáo tập thể dục vừa sức, không quá nặng cũng không quá nhẹ. Đối với người đã từng bị đột quỵ, việc tập luyện thể dục do chính người bệnh làm mới đạt hiệu quả cao nhất. Do đó bạn nên khuyên em mình bằng mọi giá phải vượt lên chính mình. Chỉ trong trường hợp không vận động được tay chân thì mới nhờ đến nhân viên vật lý trị liệu tập vận động thụ động, nghĩa là tập ở mức độ thụ động nhằm tránh cứng khớp, chống lở loét. Nếu vận động được thì nên hướng đến những vấn đề tích cực, không suy nghĩ tiêu cực. Nếu bạn tập luyện sớm sẽ đạt hiệu quả cao.
Thưa BS, tôi đã đặt stent mạch vành được 2 năm, hiện vẫn đang uống thuốc điều trị, xin hỏi có nguy cơ bị đột quỵ không? Tôi nên làm gì để phòng ngừa căn bệnh này. Kính nhờ BS tư vấn giúp tôi.
Chị Thanh Phương thân mến,
Nếu như chị được đặt stent mạch vành thì chắc hẳn đã trải qua kinh nghiệm về vấn đề đột quỵ. Bệnh mạch vành cũng có điểm tương đồng với đột quỵ, nó có thể xảy ra cấp tính, đột ngột và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chị đã đặt stent mạch vành thì việc phòng tránh tái phát cực kỳ quan trọng và nó tiềm ẩn một tỷ lệ nhỏ tái hẹp trong stent mạch vành.
Sau 5 năm chị nên đến bác sĩ tim mạch để làm các xét nghiệm kiểm tra xem stent có bị tái hẹp không. Ngoài ra, sau đặt stent để phòng ngừa tái phát thì chúng ta đặc biệt cần tránh các yếu tố nguy cơ đột quỵ. Những yếu tố ở đây không đơn thuần chỉ là rượu bia, thuốc lá mà cần kiểm tra cơ thể mình có những nguy cơ nào để phòng tránh và điều trị triệt để.
Ở những người có tiền sử bệnh mạch vành thì rất có nguy cơ xảy ra bệnh lý mạch máu não nói chung. Do đó, chúng ta càng có chiến lược phòng tránh tích cực hơn, nếu có điều kiện thì hoàn toàn có thể đi tầm soát để loại trừ yếu tố có hẹp mạch máu não giống như hẹp mạch vành hay không... từ đó có hướng xử trí thích hợp.
Đôi nét về TS.BS Trần Chí Cường Quá trình đào tạo: |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình