Hotline 24/7
08983-08983

TS.BS Thú y Nguyễn Văn Nghĩa tư vấn: Bảo vệ thú cưng nhà bạn trước bệnh dại

Sáng 26/4, tại Phòng khám SaiGonPet Clinic, TS.BS Thú y Nguyễn Văn Nghĩa tư vấn cho bạn đọc những vấn đề liên quan đến bệnh dại và cách bảo vệ thú cưng trước bệnh dại.


Gần đây báo chí đưa tin, nhiều vụ chó cắn người gây hậu quả nghiêm trọng. Mới đây nhất, trường hợp bé trai 7 tuổi ở Thái Nguyên bị chó căn dẫn đến tử vong gây hoang mang trong xã hội, đặc biệt là những gia đình nuôi thú cưng.

Chính vì vậy, AloBacsi đã có mặt tại Phòng khám SaiGonPet Clinic để gặp gỡ TS.BS Thú y Nguyễn Văn Nghĩa - Giảng viên ĐH Nông Lâm TP.HCM để trao đổi và tư vấn cho bạn đọc những nội dung liên quan đến chủ đề "Bảo vệ thú cưng nhà bạn trước bệnh dại".

Mời bạn đọc theo dõi!

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Thời tiết quá nóng có tác dụng kích thích tiêu cực đối với thú cưng như thế nào ạ?

TS.BS Thú y Nguyễn Văn Nghĩa

Thời tiết nắng nóng gây bực bội, khó chịu, ngay cả với người, thú nuôi cũng vậy. Do đó chúng ta cần hạn chế mang thú cưng ra ngoài, tránh để thú cưng bực dọc, khó chịu, hung dữ.


2. Đó có phải là lý do liên tiếp gần đây có những vụ chó nhà tấn công người một cách tàn bạo không ạ?

TS.BS Thú y Nguyễn Văn Nghĩa

Thời gian qua, báo chí đưa tin chó tấn công trẻ em. Vô cớ, nếu em bé dẫm trúng đuôi của chó hoặc dùng cây đánh chó sẽ làm kích hoạt tính hung dữ của con chó.

Chó có tính bầy đàn, một số trường hợp em bé đang đi bị một bầy chó tấn công. Vì vậy, cần tránh các yếu tố: không kích động nó, tránh tính bầy đàn của nó. Khi nuôi chó, nếu mình thương yêu nó, có thể tránh được tính bầy đàn của nó.


TS.BS Nguyễn Văn Nghĩa nhấn mạnh: khi nuôi thú cưng cũng phải quan tâm tới tâm lý và cá tính của chúng


3. Theo BS, có những cách nào giúp thú nuôi trong nhà bớt bị kích thích?

TS.BS Thú y Nguyễn Văn Nghĩa

Thứ nhất, nuôi một con chó cũng như nuôi trẻ nhỏ, phải dạy nó.

Thứ hai, phải dẫn nó đi dạo, không cột xích vì sẽ tạo cho nó tính hung hăng. Về nguyên tắc, chó hung hăng sẽ bảo vệ chủ của nó, khi gặp người lạ, nó sẽ sủa và cắn. Cũng như con người, có người hiền dịu, có người cá biệt, hung dữ, đua xe, trộm cắp thì chó cũng y như vậy.


4. Trong thời tiết này, khi lựa chọn và chế biến thực phẩm, thức ăn, nước uống... cho thú cưng cần lưu ý điều gì ạ?

TS.BS Thú y Nguyễn Văn Nghĩa

Thời tiết nóng ẩm vào mùa hè sẽ gây ra những bệnh về tiêu hóa, tiêu chảy ở người do côn trùng và vi khuẩn dễ phát triển. Thức ăn cho chó, cho mèo về mặt nguyên tắc cũng giống như vậy, cần cho nó ăn trong vòng 10 phút, nếu chó không ăn thì lấy nó ra, không cưng chiều, cho ăn nguyên cả ngày khiến thức ăn ôi thiu. Tốt nhất dùng thức ăn có sẵn, cho chó ăn xong thì thôi, không ủ hoặc để lâu dễ gây bệnh.

5. Vì sao cứ đến mùa nóng là mùa chó dại bùng phát? Virus dại từ đâu đến với chó nhà?

TS.BS Thú y Nguyễn Văn Nghĩa

Virus dại tồn tại ở việt Nam, xứ nhiệt đới và kể cả châu Âu, châu Mỹ, xứ lạnh. Trên lý thuyết, virus bắt nguồn từ cá thể mang virus. Khi thời tiết nóng lên, người ta hay ra ngoài, hoạt động và vô tình tiếp xúc với nguồn dại, có thể từ những con thú hoang như chồn, cáo, hoặc chó hoang, chứ không hẳn mùa nóng mới có virus dại.

TS.BS Thú y Nguyễn Văn Nghĩa và BTV Mỹ Thi trong chương trình tư vấn "Bảo vệ thú cưng trước bệnh dại", sáng 26/4. Ảnh: Anh Khoa.


6. Cách nhận biết chó bị dại như thế nào, thưa BS? Ngoài đường nhiều con chó nằm thở hổn hển vì nắng nóng. Đó là dấu hiệu của bệnh dại không?

TS.BS Thú y Nguyễn Văn Nghĩa

Bệnh dại có 2 thể, dại điên cuồng chiếm khoảng 25% và dại thầm lặng, tức là dại câm. Thể dại câm rất nguy hiểm.

Với thể dại điên cuồng, con chó bị khùng, chạy ngoài đường, chảy dãi, không nhận thức được chủ nhân. Đây là giai đoạn biểu hiện bệnh ra bên ngoài. Còn giai đoạn nó im lặng, ở trong nhà, có biểu hiện trốn thì lúc này virus dại đã có trong nước dãi, người chủ không biết lấy tay sờ hoặc khám cho nó sẽ có nguy cơ bị lây virus dại.

Cho nên triệu chứng nhiều khi không rõ ràng. Chúng ta cứ nghĩ con chó chạy ngoài đường, thở hổn hển là chó dại nhưng không phải, có khi nóng quá nó cũng thở hổn hển.

7. Khi bị chó tấn công ta nên ứng phó như thế nào?

TS.BS Thú y Nguyễn Văn Nghĩa

Bệnh dại đã xảy ra thì chỉ có thể chết. Vì vậy, khi bị chó hoặc thú dại cắn, nên xử lý bằng cách rửa vết thương, ít nhất từ 5-10 phút bằng xà phòng hoặc bằng cồn. Virus này nếu ngoài cơ thể sẽ chết rất nhanh.

Nếu bị chó cắn, không nên đánh chết hoặc rượt đuổi mà nên theo dõi.

Nếu con chó mất tích, nên đến bác sĩ ở địa phương gần nhất để điều trị dự phòng.

Nếu nuôi con chó ở trong nhà, nên quan sát trong vòng 10 ngày. Virus hướng thần kinh, nếu cắn ở vùng tay, chân xa não thì không sao nhưng nếu cắn ở vùng cổ, mặt và những nơi gần não thì nên điều trị dự phòng bằng vắc xin hoặc huyết thanh có chứa kháng thể, hiệu quả 100%. Tránh mê tín dị đoan, dùng thuốc nam, phản khoa học vì có thể gây nguy hiểm.

8. Quy trình tiêm phòng dại cho cún cưng như thế nào, thưa BS?

TS.BS Thú y Nguyễn Văn Nghĩa

Bệnh dại 99% là từ chó gây ra, kể cả bên Mỹ.

Gần đây, khoa học đã chứng minh, chó khỏe mạnh không mang virus. Chúng ta có thể yên tâm nuôi chó khỏe mạnh.

Chó khỏe mạnh là chó được chích ngừa đầy đủ, có khả năng sản sinh kháng thể để bảo vệ nó, không có virus trong cơ thể.

Ở Việt Nam, chó mèo từ 3 tháng tuổi trở lên phải tiêm phòng vắc xin, tiêm sớm quá không tốt. Sau đó nên lặp lại theo quy trình này khoảng 1 năm 1 lần. Vắc xin phải bảo quản tốt, chó phải khỏe mạnh thì mới có kháng thể tốt. Nếu có điều kiện nên xét nghiệm để kiểm tra cơ thể thú cưng có kháng thể bảo vệ hay không.

Chúng ta nuôi thú cưng, cho nó ăn uống, vệ sinh và chăm sóc cho nó thì nó sẽ khỏe mạnh.


Tấm thiệp tri ân từ một thân chủ có cún cưng được BS Nghĩa chữa trị hết sức tận tình


9. Mèo có cần tiêm phòng dại không? Vì sao ạ?

TS.BS Thú y Nguyễn Văn Nghĩa

Mèo cũng cần tiêm phòng dại, vì mèo hay cào. Để bảo vệ cơ thể nó và các thành viên trong gia đình thì nên tiêm văc xin. Khi nuôi chó mèo, nó cũng như những thành viên trong gia đình, nên cho nó sức khỏe tốt.

10. Ngoài bệnh dại, mùa nắng nóng chó mèo có thể bị những bệnh gì nữa ạ? Cách phòng tránh như thế nào?

TS.BS Thú y Nguyễn Văn Nghĩa

Bệnh dại thường xuất hiện ở vùng ven, những nơi thả rông. Một số bệnh khác như truyền nhiễm, viêm gan… nên phòng ngừa và xổ giun sán để thúc cưng có sức khỏe tốt. Phải là một người chủ có trách nhiệm, cho ăn uống và phải cho hoạt động, chăm sóc như một thành viên trong nhà.

Ảnh: Anh Khoa

AloBacsi trân trọng cảm ơn TS.BS Thú y Nguyễn Văn Nghĩa đã dành thời gian quý báu tư vấn cho bạn đọc cách Bảo vệ thú cưng trước bệnh dại qua đó giúp bạn đọc hiểu rõ nguyên nhân cũng như cách phòng tránh bệnh dại cho thú cưng của mình.

Kính chúc bác sĩ thật nhiều sức khỏe!

Trân trọng.

Thực hiện: Mỹ Thi - Ảnh: Anh Khoa, Hoàng Long

Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X