Hotline 24/7
08983-08983

Tôi bị trầm cảm vì áp lực kinh tế gia đình, xin BS cho biết cách điều trị?

Câu hỏi

(AloBacsi) - Tôi nghĩ là mình đã mắc bệnh trầm cảm, chỉ không biết là mức độ nặng nhẹ thế nào. Tôi đang ở TPHCM thì có thể khám bệnh ở đâu?

Trả lời
Xin chào AloBacsi,
 
Tôi năm nay 26 tuổi. sau khi tìm hiểu những thông tin lien quan đến bệnh trầm cảm, xét lại bản thân mình, tôi thấy mình có rất nhiều biểu hiện của căn bệnh đó, cụ thể như sau:
 
Vì gia đình khó khăn, cho nên 3 năm gần đây (ngay sau khi ra trường) tôi phải lao đầu vào làm việc để kiếm tiền phụ gia đình trả nợ và lo cho đứa em ăn học. Áp lực tài chính luôn khiến tôi đau đầu, cộng với công việc không suôn sẻ (vì tôi làm trái với ngành nghề đã được đào tạo, lương lại thấp), tôi càng cảm thấy áp lực hơn.
 
Đã rất nhiều lần tôi định xin nghỉ làm, nhưng vì gia đình, tôi lại tiếp tục chịu đựng. Cho tới tháng 7/2011, vì chịu không nỏi áp lực, tôi đã xin nghỉ làm, trong khi đó gánh nặng tài chính vẫn đè nặng lên vai tôi. Tôi về quê để thăm họ hàng và gia đình (gia đình tôi ngoài Bắc). Tháng 8 tôi quay lại TPHCM và bắt đầu tìm việc làm, đầu tháng 11 tôi tìm được công việc mới.
 
Trước kia, tôi đã cảm thấy áp lực vì gánh nặng tài chính của gia đình và công việc của bản thân, nhưng từ tháng 7/2011 đến nay, tôi cảm thấy lúc nào con người mình cũng căng ra. Tôi luôn cảm thấy mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần, đã có lúc tôi ao ước mình có thể chết đi để thoát khỏi những khó khăn này (tuy vậy tôi chưa bao giờ lên kế hoạch cho việc tự tử).
 
Từ lúc ra trường đến giờ, tôi gần như chỉ lo làm việc kiếm tiền để phụ giúp gia đình, vì đồng lương ít ỏi, nên tôi cũng chẳng dám…ăn diện, cũng chẳng tụ tập bạn bè chơi bời (vì sợ tốn kém), kết quả là bây giờ tôi thấy mình chẳng còn người bạn nào thân thiết ở bên cạnh.
 
Giờ đây, tôi luôn cảm thấy tự ti về bản thân mình, tôi thấy mình chẳng làm được gì, và chẳng biết phải làm gì cho đúng nữa, tôi cũng không làm chủ được cảm xúc của mình nữa. Khi đi làm, mỗi khi làm việc gì sai, tôi cứ luôn có cảm giác lo lắng, sợ hãi, cái cảm giác đó cứ luôn ám ảnh tôi từ lúc sự việc xảy ra cho tới khi nó kết thúc, thậm chí hình ảnh về con người và công ty đó cứ luôn ám ảnh tôi.
 
Thậm chí đã có lúc tôi ăn không ngon, ngủ không yên vì lo lắng. Cảm giác thất bại, và tội lỗi cứ luôn hiện trong đầu tôi, tôi không thể nào loại nó ra khỏi đầu mình được. Tôi muốn được nghỉ ngơi lắm, tôi chẳng muốn làm gì cả. Nhưng nghĩ về hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi lại phải gồng mình lên để làm việc, và thế là… tôi càng cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng.
 
Tôi cứ luôn ở trong cái vòng luẩn quẩn ấy đã gần 3 năm nay. Cũng đã rất nhiều lần tôi tự an ủi, động viên mình cố gắng. Tôi cũng đã tìm đọc những sách viết về cách vượt qua khó khăn và suy nghĩ tích cực.
 
Cũng có lúc tôi vui và cảm thấy thoải mái, nhưng cảm giác đó không lâu, chỉ được vài ngày hoặc vài tuần là tôi lại cảm thấy chán nản, nhất là khi tôi gặp một trở ngại, khó khăn hay làm sai một điều gì đó trên công ty mà liên quan đến người khác. Cái cảm giác mặc cảm, tự ti, tội lỗi, hay lo lắng, sợ hãi mấy tháng gần đây tôi cảm nhận rõ ràng hơn trong con người mình.
 
Tôi chưa lập gia đình và cũng chẳng có hứng thú gì về việc lập gia đình. Tôi chỉ mong sao giải quyết được vấn đề tài chính của gia đình để được thanh thản.
 

Tôi nghĩ là mình đã mắc bệnh trầm cảm, chỉ không biết là mức độ nặng nhẹ thế nào thôi. Xin bác sĩ cho biết bệnh của tôi và cách điều trị. Tôi đang ở TPHCM thì có thể khám bệnh ở đâu?

Chân thành cảm ơn bác sĩ.
 
 
Ảnh minh họa
 
Trả lời:
 
Chào bạn,

 

Trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong cuộc đời, nhưng thường gặp ở độ tuổi lao động, và nữ dễ mắc bệnh hơn nam. Đây là một hội chứng bệnh lý được đặc trưng bởi cảm xúc buồn bã cùng với một số triệu chứng khác duy trì trong thời gian kéo dài trên 2 tuần.

 

Căn bệnh này có thể dẫn đến rối loạn về nhận thức và trí nhớ, ức chế hoặc kích thích tăng vận động. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh sẽ sa sút tâm thần, mất định hướng về không gian - thời gian, mất khả năng phán đoán và làm việc độc lập. Để chẩn đoán trầm cảm, người ta thường dựa vào chuẩn ICD-10 của WHO.

 

Theo như mô tả, khoảng 4 tháng nay, bạn luôn có cảm giác ăn không ngon, ngủ không yên, luôn lo lắng, sợ hãi, không còn sức lực, mệt mỏi, tự ti về bản thân và có lúc nghĩ đến cái chết… nếu dựa vào các tiêu chuẩn của WHO thì bạn đang bị trầm cảm nhẹ

 

Các nguyên nhân gây trầm cảm có thể xếp vào 3 nhóm chính:

 

Trầm cảm nội sinh (trầm cảm chưa rõ nguyên nhân): có nhiều giả thuyết cho là do di truyền, miễn dịch, môi trường sống và yếu tố xã hội... (thường xuyên tiếp xúc với các cảnh bạo lực, sự ruồng bỏ, sự lạm dụng hay sự nghèo khổ thì sẽ dễ bị trầm cảm).

 

Trầm cảm do stress: bị mất việc làm, công việc không phù hợp, bị trù dập ở nơi làm việc, có mâu thuẫn trong gia đình, làm ăn thua lỗ, bị phá sản hoặc có người thân chết đột ngột...

 

Trầm cảm do các bệnh thực thể như các rối loạn nội tiết (suy giảm chức năng tuyến giáp (hypothyroidism), tiểu đường, hội chứng Cushing), các rối loạn thần kinh (tai biến mạch máu não, khối máu tụ dưới màng cứng (subdural hematoma), bệnh xơ cứng rải rác (multiple sclerosis), u não, bệnh parkinson, …..)

 

Trầm cảm là loại bệnh nếu được chữa trị sớm và đúng cách thì tỷ lệ bệnh ổn định khá cao (70-80%).

 

Điều trị trầm cảm gồm thuốc, trị liệu tâm lý tư vấn, hỗ trợ xã hội và thay đổi cách sống.

 

Trong giai đoạn này, bạn cần chia sẻ với những người thân trong gia đình và bạn bè cảm xúc, suy nghĩ của bạn, đồng thời nhanh chóng đến khám chuyên khoa Tâm thần ở các bệnh viện để BS tư vấn điều trị sớm bệnh của mình, bạn nhé! Hoặc bạn có thể đến khám tại:
 
Bệnh viện Tâm Thần TPHCM, 179 Bến Hàm Tử Đông - Tây, quận 1, ĐT: 08 3923 4675.
 
Chúc bạn nhanh chóng vượt qua căn bệnh trầm cảm!
 
BS Chuyên khoa của AloBacsi

 
 

AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.


 

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X