ThS.BS Nguyễn Anh Trung: Chăm sóc vết thương hở đúng cách?
ThS.BS Nguyễn Anh Trung - Trưởng khoa Ngoại cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ hướng dẫn bạn đọc AloBacsi cách chăm sóc vết thương hở: chọn dung dịch sát khuẩn nào, có cần băng kín hay không, dấu hiệu nhiễm trùng, khi nào cần uống kháng sinh…
NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN
1. Thưa BS, vết thương hở được phân chia theo những mức độ nào ạ?
Vết thương hở được phân chia như sau:
Vết thương đâm chọc nhỏ:
- Do kim chích, đạp đinh, súc vật cắn…
- Tổn thương giải phẫu không đáng kể
- Cần coi chừng nhiễm trùng và dị vật bên trong vết thương,…
Trường hợp kim y tế đâm chọc phải xem có khả năng nhiễm HIV hay không.
Vết thương sắc gọn:
- Do vật sắc bén cắt như dao, mảnh kiếng…
- Tổn thương giải phẫu đáng kể (giập nát mô mềm nhiều, có khi rất sâu rộng)
- Coi chừng chảy máu nhiều gây choáng, chấn thương
Cần khám kỹ để xem có bị đứt gân, mạch máu, thần kinh hay không. Nếu có thì đây là vết thương đứt gân, vết thương đứt mạch máu, vết thương đứt thần kinh chứ không phải vết thương phần mềm.
Vết thương lóc da:
- Da bị lóc ra khỏi mô bên dưới, mang theo cả gân cơ xương hoặc không
- Da lóc có thể rời hẳn ra (xem như mất da), có thể còn lại cuống nuôi đưa máu tới nuôi một phần hoặc toàn bộ da
- Khi bị lóc da rộng, nguy cơ choáng rất cao và da mất mạch nuôi sẽ chết,
- Mất hoặc lóc da rộng có thể làm lộ các mô quý, nguy cơ nhiễm trùng cao
Vết thương giập nát:
- Thường do chấn thương nặng nề như bị máy cuốn, súng đạn, tai nạn giao thông tốc độ cao
- Súng đạn có thể gây ra tổn thương lớn hơn mắt thường thấy được do lực truyền đi trong môi trường lỏng sẽ phát tán thứ cấp ra chung quanh
- Các vết thương giập nát thường có nhiều mô bị tổn thương chứ không chỉ riêng phần mềm
- Nguy cơ mất máu, choáng, nhiễm trùng
2. Các bước cơ bản xử lý vết thương hở gồm những gì, nhờ BS hướng dẫn?
Xử trí cấp cứu:
- Đánh giá vết thương cẩn thận trước khi băng bó
- Băng ép cầm máu, chống sốc (truyền dịch, vận mạch…)
- Băng vô trùng vết thương
- Bất động chi tổn thương
Điều trị thực thụ
- Chống nhiễm trùng
- Cắt lọc
- Kháng sinh
- Bất động
- Kê chi (chân, tay) cao vừa phải
- Có thể chườm lạnh nếu có phù nề, không chườm trực tiếp lên miệng vết thương. Một ngày chườm 4-6 lần, mỗi lần từ 5-10 phút. Không chườm nóng vì có thể sẽ gây sưng nhiều hơn.
- Phục hồi tổn thương giải phẫu
- Tập vận động phục hồi chức năng
3. Khi nào chúng ta có thể tự xử trí vết thương hở tại nhà, khi nào cần phải đến cơ sở y tế?
Đối với các vết thương đâm chọc nhỏ, vết thương cắt gọn đơn giản, tổn thương nông, sạch, nguy cơ nhiễm trùng thấp có thể xử trí tại nhà. Tuy nhiên, nếu xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng như sưng, đỏ, có mủ… thì bạn nên đến cơ sở y tế để BS kê thuốc điều trị.
Các trường hợp vết thương còn lại nên đến ngay cơ sở y tế để xử trí sớm và đầy đủ.
4. Hiện nay có nhiều dung dịch sát trùng như: cồn 70 độ, cồn 90 độ, oxy già, povidine, nước muối sinh lý… làm sao để lựa chọn dung dịch phù hợp với vết thương? Các dung dịch này có nên thay đổi theo các giai đoạn của vết thương không ạ?
Tùy theo loại vết thương, nếu vết thương sắc gọn, đơn giản sử dụng povidine pha loãng, vết thương giập nát nhiều thì sử dụng oxy già pha loãng.
Cồn ít sử dụng để rửa vết thương, thường chỉ sử dụng ở bề mặt vùng da lành (ví dụ sát trùng trước khi tiêm).
Oxy già có thể rửa vết thương nhiễm trùng, giập nát, dính nhiều dị vật.
Nước muối sinh lý được sử dụng rộng rãi để rửa mọi vết thương (vết thương sạch, vết thương dơ…), dùng để rửa vết thương tại nhà, xử trí ban đầu trước khi đưa đến BV. Đây là dung dịch rất an toàn, không sợ gây tổn thương cho bệnh nhân.
5. Có quan niệm là băng kín quá khiến vết thương khó lành, điều này có đúng không thưa BS? Nếu vậy thì khi nào nên băng kín, khi nào nên để hở?
Đối với vết thương sạch thì nên băng kín, còn với vết thương dơ thì phải để hở. Bởi vì vết thương dơ sẽ tạo ra nhiều dịch tiết, nếu băng kín vi khuẩn sẽ phát triển nhanh hơn. Có thể băng nhưng không kín mít mà có dẫn lưu, tránh để tụ dịch.
6. Dấu hiệu nào cho thấy vết thương bị nhiễm trùng, thưa BS? Lúc này cần phải dùng thêm thuốc gì ạ?
Nguyên nhân vết thương nhiễm trùng: vết thương xử lý chưa tốt, sức đề kháng của bệnh nhân kém, có thể có dị vật tại vết thương.
Dấu hiệu vết thương nhiễm trùng: sưng, nóng, đỏ, đau quanh vết thương và có chảy dịch đục (mủ) tại vết thương. Triệu chứng toàn thân: sốt, mệt mỏi. Lúc này bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để được xử trí: cắt lọc, sử dụng kháng sinh, lấy dị vật trong vết thương (nếu có)…
Đối với vết thương sạch thì không cần dùng kháng sinh, đối với vết thương có nguy cơ nhiễm trùng thì có thể dùng kháng sinh dự phòng, đối với vết thương nhiễm trùng, bắt buộc sử dụng kháng sinh điều trị.
7. Dịch vàng trong rỉ ra từ vết thương là gì vậy ạ? Vết thương chảy dịch vàng nên được vệ sinh như thế nào, có nên băng kín không ạ?
Dịch vàng trong là dịch tiết của cơ thể tiết ra để giúp vết thương mau lành. Bởi vì dịch tiết này cũng là môi trường để cho vi khuẩn phát triển, cho nên vết thương có dịch tiết cần được rửa và thay băng mỗi ngày cho đến khi vết thương khô.
8. Bông gòn tự tiêu được làm từ chất gì, và dùng trong trường hợp nào ạ?
Bông gòn tự tiêu được sử dụng trong nha khoa, được gọi là polymer cellulose oxy hóa, dùng để cầm máu tại chỗ và tan ra luôn. Kích thước thường dùng để nhét vào vết thương chảy máu là 3cm x 0.5cm, thường sẽ tan hết trong 2 ngày.
Trong nha khoa, bông gòn tự tiêu có hình dáng cục tròn, dùng để nhét vào chân răng. Trong ngoại khoa, nó có hình dáng dài, dẹp.
9. Thuốc trị sẹo nên bôi lúc nào là phù hợp, thưa BS?
Những vị trí cử động nhiều, nếp gấp (cổ tay, cổ chân, khuỷu tay…) sẽ dễ tạo sẹo lồi. Còn trường hợp sẹo lõm là do cơ thể không tạo đủ collagen (thiểu dưỡng), thường gặp ở những vị trí ít máu nuôi: mặt trước xương chày, trán…
Thuốc trị sẹo nên bôi lúc vết thương vừa mới liền da (4-5 ngày sau khi khâu vết thương). Nếu sau 6 tháng, bôi thuốc trị sẹo sẽ không có tác dụng nữa.
10. Xin BS cho biết thời gian lành của vết thương được ước lượng như thế nào?
Thời gian lành vết thương kỳ đầu được tính từ khi vết thương được tạo ra cho đến khi 2 mép vết thương liền lại, trung bình từ 5-7 ngày.
Còn những vết thương dơ, vết thương nhiễm trùng thì thời gian sẽ kéo dài hơn, chia ra nhiều giai đoạn:
- Chảy máu
- Viêm
- Tăng sinh mạch máu
- Tái tạo
11. Trường hợp nào khi có vết thương hở cần phải tiêm phòng uốn ván ạ?
Đối với những vết thương hở do ngoại vật (dao, đinh, vật sắc nhọn…) gây ra đều nên tiêm phòng uốn ván, vừa an toàn vừa ít tốn kém (mỗi mũi khoảng 60-70 ngàn đồng) và nên tiêm phòng sớm. Những trường hợp đã tiêm phòng trong 6 tháng thì không cần tiêm lại.
~~~~~~~~
Hy vọng qua những chia sẻ của ThS.BS Nguyễn Anh Trung - Trưởng khoa Ngoại cơ xương khớp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, quý vị bạn đọc đã hiểu rõ hơn về cách xử trí khi bị vết thương hở. Thay mặt bạn đọc, xin chân thành cảm ơn bác sĩ!.
Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn
Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của các buổi tư vấn trực tuyến qua số điện thoại: 08983 08983
Ngoài ra, quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe tại kênh: AloBacsi - video.
Trân trọng!
Thực hiện: Hồng Nhung
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình