Hotline 24/7
08983-08983

Thời điểm nào tuyệt đối không được nhổ răng khôn, BS.CK1 Phan Bá Ngọc ơi?

Răng khôn nhưng... mọc dại bởi nó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sâu răng, viêm lợi... cũng như hàng tá những rắc rối khác với sức khỏe. Vậy khi nào cần nhổ răng khôn? Nếu nhổ thì cần tránh thời điểm nào? BS.CK1 Phan Bá Ngọc - Nha khoa Hạnh Phúc đã giải đáp vấn đề này. Mời bạn đọc theo dõi.

BS.CK1 Phan Bá Ngọc đến từ Nha khoa Hạnh Phúc là người thường xuyên nghe điện thoại của bạn đọc AloBacsi nhờ tư vấn về các vấn đề răng miệng - Ảnh: Viết Hưởng

1. Có thể nói chiếc răng khôn (răng số 8) gây phiền toái cho khá nhiều người. Xin BS cho biết về chiếc răng này, nó thường mọc ở độ tuổi nào? Người trung niên có thể mọc răng khôn hay không, và liệu có người nào không bị mọc răng khôn không ạ?

Chiếc răng này có nhiều tên gọi: răng khôn, răng số 8, răng cấm, răng cùng... Được gọi là răng khôn vì răng này mọc ở giai đoạn chúng ta trưởng thành, thường 17-21 tuổi, có một số trường hợp răng khôn mọc sớm khi 15-16 tuổi, mọc muộn khi 25-30 tuổi. Đặc biệt, một số người không mọc răng khôn hoặc 80 tuổi mới mọc răng khôn.

Cả hàm trên dưới chúng ta có 32 chiếc răng. Mỗi hàm răng trên hoặc dưới có 16 chiếc (bao gồm răng khôn). 14 chiếc đếm từ ngoài vào, chia làm 2 bên, đếm từ răng cửa là răng số 1 đến số 7, răng mọc cuối cùng là răng số 8 chính là răng khôn.

2. Khi răng khôn mọc, trường hợp nào được BS chỉ định nhổ, trường hợp nào bệnh nhân có thể chung sống hòa bình với nó ạ?

Răng khôn cũng như tất cả những răng khác, khi snh ra đã là 1 bộ phận của cơ thể, có trường hợp phải nhổ và có trường hợp không cần nhổ. Nếu răng khôn mọc thẳng, đều không ảnh hưởng răng bên cạnh cũng như chức năng ăn nhai, không cản trở quá trình khớp cắn, không bị sâu thì nó có thể sống chung với chúng ta suốt đời, không gây ảnh hưởng.

Răng khôn rất ít chức năng, vì là răng trong cùng nên khi ăn nhai không cần sử dụng tới, tất cả răng số 7 trở ra đã thực hiện đầy đủ chức năng ăn nhai, thẩm mỹ, còn răng khôn không cần sử dụng tới. Vì vậy khi nào có biến chứng sẽ được chỉ định nhổ.

Một số trường hợp phải nhổ, đặc biệt là răng khôn hàm dưới, khoảng cách giữa hàm và góc trong cùng của hàm rất bé, lúc răng mọc sau cùng lên không đủ khoảng trống dẫn đến tình trạng nướu và lợi nhô lên trên có tình trạng thức ăn nhồi nhét dẫn đến đau, viêm, uống thuốc khỏi nhưng về sau lại bị lại, nên việc đầu tiên phải giải quyết việc cắt lợi chùm.

Chúng ta cũng nên nhổ răng khôn khi: răng khôn đâm vào răng bên cạnh gây tình trạng viêm nướu, sâu răng số 7. Hoặc khi răng khôn mọc đẩy cả hàm bị xô lệch thì mới cần nhổ răng khôn, chứ không nhất thiết răng khôn nào cũng cần nhổ.

Nói vậy nhưng không phải là răng khôn hoàn toàn vô ích. Một số từ hợp khi đến phòng nha đã mất sẵn răng số 6. Lý do là vì răng số 6 mọc từ 6-8 tuổi, khi đó khả năng vệ sinh của các em kém, răng vĩnh viễn lại không thay thế được, khi đã mất đi có thể có cách giải quyết là chỉnh nha. Chúng ta sẽ kéo răng số 7 vào vị trí răng số 6 đang bị trống, kéo răng số 8 vào vị trí răng số 7. Lúc này, răng số 8 đảm nhiệm vị trí và chức năng của răng số 7, từ một chiếc răng thừa thãi và “thất nghiệp”, sau khi chỉnh nha nó đã có “công ăn việc làm”, đó cũng là một số ít trường hợp răng khôn trở nên hữu ích.

Thông thường, răng khôn đâm vào răng bên cạnh gây tình trạng viêm nướu, sâu răng số 7 thì sẽ có chỉ định nhổ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

3. Răng khôn mọc lệch nếu không được xử trí kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả gì?

Răng khôn mọc lệch làm cho cho răng số 7 hư, chẳng hạn răng số 8  đẩy răng số 7 ra. Một số bạn bạn từ 18-20 tuổi hàm răng rất đều nhưng sau một thời gian cảm giác hàm răng bị xô lệch không hiểu nguyên nhân thế nào, đó là trường hợp răng khôn mọc ngầm, không trồi lên trên hoặc trồi lên ít, dẫn đến đẩy cả hàm xô lệch thì chúng ta nên nhổ chiếc răng đó.

Còn răng đã mọc lệch thường có chỉ định nhổ, vì răng khôn gần như là răng thừa, có một số người nói đùa gọi là “răng dại”. Khi răng mọc lệch tạo thành một khe giữa răng số 7 và răng số 8, thức ăn dễ đọng vào đó. Việc đánh răng đối với răng trong cùng thường khó hơn và chúng ta cũng ít để tâm chuyện đó, dẫn đến tình trạng sâu răng. Đầu tiên là sâu răng số 8, chúng ta nhổ thì không sao, nếu nhổ răng số 7 sẽ dẫn đến mất chức năng.

4. Nhờ BS cho biết quá trình điều trị răng khôn mọc lệch sẽ diễn ra như thế nào ạ? Nhổ răng khôn có về trong ngày được không ạ?

Trước tiên chúng ta cần nhổ chiếc răng đó, có 2 phương pháp:

- Cần rạch nướu và mài xương

- Không cần rạch nướu

Một số trường hợp răng đã trồi lên, không có nướu hay xương trồi lên thì cũng nhổ như những răng khác, không cần thủ thuật nhiều. Có một số trường hợp răng mọc ngầm hay chỉ trồi lên 1 phần thì khi nhổ cũng ta phải rạch nướu, cắt xương sau đó khâu lại và 1 tuần sau cắt chỉ.

Đối với nhổ răng khôn cũng như răng khác, bệnh nhân đến với bác sĩ thường răng đã có vấn đề, răng đau nhức hoặc bạn soi gương thấy răng mọc lệch, nhồi nhét thức ăn hay viêm nướu, viêm lợi chùm răng dưới. Việc đầu tiên, bạn được thăm khám, bác sĩ thực hiện một số cận lâm sàng như xét nghiệm máu, chụp Xquang. Xét nghiệm máu để xem có bệnh gì khác không, chảy máu có đông không. Tiếp theo chúng ta chụp Xquang để xem hướng răng mọc để lấy ra cho dễ và chân răng có nằm trong ống thần kinh không để tránh những dây thần kinh răng dưới hay thần kinh răng trên.

Nếu bệnh nhân không mắc những bệnh khác như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, mang thai hay đang trong kỳ kinh nguyệt, khi đảm bảo sức khỏe bác sĩ sẽ tiến hành nhổ. Vì đây là tiểu phẫu nên bệnh nhân có thể về trong ngày, có một số ít trường  hợp bệnh nhân cần can thiệp sẽ cần nằm lại nhưng phần lớn bệnh nhân về trong ngày. Một số trường hợp nhổ răng nhanh chỉ mất 5-10 phút, có một số bệnh nhân nhổ mất 1-2 tiếng

5. Sau khi nhổ răng khôn mọc lệch, bao lâu thì hố răng sẽ lành, thưa BS? Bệnh nhân được kê thuốc gì đem về nhà? Liệu bệnh nhân có thể gặp biến chứng sau khi nhổ răng không ạ?

Sau khi nhổ răng khôn cũng như những răng khác, bác sĩ sẽ khâu vết thương để mau lành và thức ăn không đọng xuống hố răng. Việc hố răng lành nhanh hay chậm tùy thuộc vào từng bệnh nhân, thường trong thời gian 4-5 tuần thì hố răng sẽ lành.

Thuốc thường kê cho bệnh nhân sau khi nhổ răng là kháng sinh (bệnh nhân uống 3-5 ngày để chống tình trạng viêm nhiễm), thuốc chống viêm, thuốc giảm đau.

Trong quá trình nhổ răng sẽ không đau vì bệnh nhân được gây tê, sau khi nhổ răng xong và hết thuốc tê thì bệnh nhân có cảm giác đau. Việc đau nhiều hay ít tùy thuộc vào khi nhổ răng để lại hố răng có to không, thủ thuật can thiệp có nhiều không, tùy theo ngưỡng chịu đau của bệnh nhân nhiều hay ít nên bệnh nhân cần được uống thuốc giảm đau. Thuốc giảm đau thông thường là paracetamol hay biệt dược chứa thuốc giảm đau, bệnh nhân uống 4-6 tiếng/lần.

Nhổ răng hay tất cả những phẫu thuật khác đều có thể có biến chứng. Một số biến chứng của bệnh nhân khi nhổ răng là:

- Chảy máu, nhiễm trùng có thể do sức đề kháng không tốt hoặc thức ăn đọng xuống hố răng gây tình trạng viêm. Có một số bệnh nhân sau khi nhổ răng không uống thuốc mặc dù đã được kê đơn.

- Bệnh nhân sau nhổ răng có động tác thô bạo gây trật khớp cắn.

- Trên dưới chân răng có ống thần kinh, nếu việc nhổ răng vào ống thần kinh có thể gây tổn thương dây thần kinh đó có thể gây tê nửa hàm kéo dài.

- Có một số biến chứng khác như bệnh nhân bị bệnh lý tim mạch, cao huyết áp hoạc bệnh lý van tim vì trong quá trình nhổ răng được can thiệp bằng thuốc tê có thể làm tăng huyết áp. Có một số trường hợp huyết áp tăng quá cao có thể dẫn đến tai biến.

- Một số trường hợp có thể tử vong do ngộ độc thuốc tê khi nồng độ thuốc tê quá cao vào trong mạch máu.

Tuy nhiên không phải ai cũng gặp biến chứng khi nhổ răng nếu chúng ta thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ: xét nghiệm đầy đủ, chụp phim đầy đủ, thực hiện đúng y lệnh của bác sĩ: sau khi nhổ răng súc miệng bằng nước muối sinh lý, vệ sinh sạch sẽ và uống thuốc đầy đủ có thể tránh được những biến chứng đó.

Đặc biệt khi nổ răng chúng ta nên báo cho bác sĩ những bệnh chúng ta đang mắc phải, có những người sợ có bệnh bác sĩ không nhổ răng nên giấu chuyện họ đã từng bị tai biến, đang bị tiểu đường, bệnh tim mạch, thậm chí một số người mang thai hay trễ kinh hay trong giai đoạn kinh nguyệt cũng chống chỉ định nhổ răng.

6. Thường thì sau khi nhổ răng khôn bao lâu, tình trạng tê lưỡi sẽ hết ạ?

Nguyên nhân gây tê lưỡi do thuốc tê, đặc biệt bệnh nhân nhổ răng sẽ được gây tê vùng, tức là gây tê nửa hàm và nửa lưỡi bên tê. Sau khoảng 2-4 tiếng bệnh nhân sẽ hết tình trạng tê lưỡi khi thuốc tê hết tác dụng.

7. Việc vệ sinh răng miệng khi hố răng chưa lành cần lưu ý những điều gì, thưa BS?

Việc chúng ta đưa bàn chải vệ sinh khi vết thương chưa lành là rất đau và khó chịu. Vì vậy chúng ta nên súc miệng thật kỹ, khi thức ăn đọng trên hố răng thì chúng ta nên dùng tăm bông vô trùng hoặc dụng cụ vô trùng để lấy ra.

Chúng ta hay có thói quen súc miệng bằng nước muối nhưng thành phần nước muối nếu tự pha thường không đúng tỷ lệ sẽ dẫn đến tình trạng lâu liền và loét vết thương. Chúng ta nên dùng nước súc miệng theo chỉ định của bác sĩ như dùng chlorhexidine để chống nhiễm trùng hay dùng nước muối sinh lý 0.9% được bán rất rẻ, rất hiệu quả.

8. Bạn đọc từng hỏi AloBacsi rằng có nên nhổ 1 lần 4 răng luôn để đỡ phải đi lại nhiều, BS có ý kiến thế nào về việc này ạ?

Thông thường thì bác sĩ sẽ nhổ 1-2 cái trước, tuy nhiên một số trường hợp đủ sức khỏe khi khám và chỉ định được thì bạn vẫn có thể nhổ 1 lúc 4  răng khôn. Nếu nhổ cùng lúc 4 răng bạn nên thực hiện trong bệnh viện vì nơi đây có đầy đủ trang thiết bị và bạn có thể nhập viện nằm 1-2 ngày để theo dõi, tránh biến chứng vì khi nhổ 4 răng khả năng biến chứng tăng gấp 4 lần.

Phụ nữ mang thai hoặc đang trong kỳ kinh nguyệt sẽ tăng tình trạng chảy máu nhiều hơn nếu nhổ răng khôn. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

9. Xin BS cho biết thêm về những thời điểm cần tránh nhổ răng nói chung và nhổ răng khôn nói riêng kẻo gây biến chứng?

Khi nhổ răng nói chung và nhổ răng khôn nói riêng chúng ta cần tránh các thời điểm:

- Răng đang viêm nhiễm, sưng đau không nên nhổ vì khi can thiệp tiểu phẫu sẽ tăng tình trạng nhiễm trùng.

- Khi mắc bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường hoặc bệnh về nội tiết như tuyến giáp chưa điều trị ổn định.

- Phụ nữ mang thai hoặc đang trong kỳ kinh nguyệt sẽ tăng tình trạng chảy máu nhiều hơn.

- Khi tinh thần chưa ổn định, chưa sẵn sàng thì cũng không nên nhổ răng.

- Chúng ta nên nhổ răng vào buổi sáng hơn buối chiều và tối, vì buổi sáng sau khi mới ăn sáng và sức khỏe sau 1 đêm nghỉ ngơi tốt hơn so với buổi chiều tối. Nhổ răng buổi sáng thì việc theo dõi cũng thuận tiện hơn, bởi vì sau khi nhổ răng thường bị chảy máu, nếu bạn nhổ buổi chiều và tối mà đêm bị chảy máu nhiều, việc đến cơ sở y tế sẽ khó khăn hơn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X