Hotline 24/7
08983-08983

Thiếu cân, ăn không ngon, AloBacsi giúp em với?

Khắc phục tình trạng thiếu cân, các vấn đề về bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh thận mạn là những nội dung trong buổi tư vấn hôm nay, 17/6 do BS Lan Hương phụ trách.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung buổi tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

- Đào Thị Hường – Thừa Thiên Huế

Chào BS,

Em cao 1m48, nặng 35,5kg. Giờ em quá gầy, đi khám thì không có vấn đề gì nhưng em ăn không ngon BS ạ. Mỗi bữa ăn cố ăn nhưng cũng không muốn ăn. BS giúp em với.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Tính toán dựa trên chỉ số chiều cao và cân nặng của em thì tôi thấy quả thật em đang bị thiếu cân, suy dinh dưỡng.

Nếu em đã khám BS để loại trừ những bệnh lý gây sụt cân (như cường giáp, nhiễm giun sán, viêm teo dạ dày...) thì tiếp theo đây, em nên đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để BS chuyên khoa Dinh dưỡng lên kế hoạch cải thiện cân nặng tốt nhất cho em.

Chiến lược cải thiện dinh dưỡng sẽ bao gồm việc tăng độ dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn (thêm thịt cá, trứng sữa, rau xanh, củ quả, trái cây), tăng số bữa ăn trong ngày, có thể sử dụng một số thực phẩm chức năng cao năng lượng, multivitamin trong thời gian đầu.

Song song đó em cần tránh thức khuya, nên ngủ đủ giấc, không hút thuốc lá, không bia rượu, không cafe, và tập thể dục đều đặn, tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng. Em có thể đăng ký khám dinh dưỡng tại các BVĐK, ưu tiên theo tuyến BHYT hoặc lấy giấy chuyển tuyến sang bệnh viện chuyên khoa.


- Minh Trung - lmtrung…@gmai.com

BS cho em hỏi, uống 50 viên Mimosa sau đó khoảng 2h gây nôn thì nôn ra được một phần đã hòa tan, 1 phần sền sệch. Vậy em cần làm gì nữa, thưa BS?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

MIMOSA được bào chế từ các dược liệu có tác dụng dưỡng tâm, an thần, giúp ngủ. Nếu uống một liều lượng lớn thuốc Mimosa có thể gây ngủ gà, hôn mê, viêm gan, tổn thương thận... nặng nhẹ tùy cơ địa, tùy liều và thời gian thuốc hấp thu vào máu.

Sau uống thuốc 2 giờ thì thuốc đã ngấm vào máu 1 lượng tương đối, mặc dù nôn ra được thì tốt, nhưng người bệnh vẫn còn trong giai đoạn nguy hiểm, cần phải vào viện để kiểm tra và theo dõi. Thường thuốc này không để lại di chứng, nhưng qua đợt này người bệnh cần được khám chuyên khoa Tâm lý - tâm thần để tránh tái lặp việc tự tử với nguyên nhân không đáng.


- N. Bình, 42 tuổi

Chào BS,

Năm nay tôi 42 tuổi. Trước đây khoảng 10 năm tôi bị bệnh tinh thần nhiều khi hoảng loạn, đi khám Đông y BS chuẩn đoán tôi bị suy kiệt tinh lực nên dẫn đến tình trạng trên (xin lỗi BS: trước đấy tôi mắc chứng thủ dâm nặng). Tôi đã uống thuốc Đông y, tuy cơ thể có tăng cân, có con cái nhưng thi thoảng có những khoảng thời gian tự nhiên hoảng loạn, sợ hãi, dễ xúc động trước những việc buồn... Làm việc căng thẳng cũng gây cho tôi mệt mỏi và những lúc như thế tôi lại hay suy nghĩ theo chiều hướng xấu và dẫn đến sợ hãi.

Kính mong BS giúp đỡ, chuẩn đoán tình trạng bệnh tình của tôi, hoặc có lời khuyên tôi cần đến đâu để chữa trị được. Tôi xin chân thành cảm ơn!    

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Tôi mừng vì bạn ý thức được vấn đề của bản thân và muốn tìm cách thoát ra. Điều này cần sự can đảm rất nhiều. trước hết, tôi không đồng tình với từ “thằng thần kinh”. Đây là cách nghĩ của đa phần người dân - chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay - áp đặt cho những người có rối loạn tâm sinh lý do bệnh lý thật sự chứ không phải nhân cách của họ là như vậy, dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình nhưng lại giấu giếm bệnh của mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.

Những biểu hiện mà bạn tâm sự với chúng tôi, cho thấy bạn thật sự có rối loạn tâm lý vượt quá khả năng kiểm soát của bản thân bạn, và đây là bệnh, có thuốc điều trị.

Bạn nên khám bác sĩ chuyên khoa Tâm thần để BS kê thuốc điều trị và tư vấn tâm lý cho bạn; theo phân ngành y khoa, BS Tâm thần là người chuyên trị các rối loạn thuộc về tinh thần, trong đó thường gặp là trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ...

Ở TPHCM, một số trung tâm có chuyên khoa Tâm thần mạnh là BV Nguyễn Tri Phương, BV Đại học Y dược TPHCM, bệnh viện 175... Chi phí thì cũng không cao lắm và có thể sử dụng BHYT, thông tin của bạn sẽ hoàn toàn được giữ bí mật.


- Phượng Tú, 79 tuổi – phuongtu…@gmail.com

Chào BS,

Áp huyết của tôi thường xuyên dao động, ban ngày khoảng 90/60 đến 100/70, có lúc tụt xuống 85/50. Ban đêm tăng dần từ 22g đến sáng ngủ dậy đầu choáng váng, tôi đo thấy huyết áp tăng lên 145/80 có hôm 160/90 sau đó tụt dần xuống.

Tôi đã đi khám BS nhưng tại thời điểm khám áp huyết thường là 95/60 nên BS không nghe lời trình bày mà chỉ nói là hơi thấp không cần dùng thuốc. Tôi thử dùng 1/2 viên Amlodipin 0.5 chỉ sau 30 phút áp huyết tụt xuống 85/50 nên tôi không dùng nữa. Xin BS chỉ dẫn đây có là bệnh không? Cách điều trị ra sao? Tôi không nghiện thuốc lá, cafe, bia rượu…

Về bệnh tật siêu âm thận phải 1 nang thận trái 3 nang, còn nhỏ chưa phải can thiệp.

Thử máu có rối loạn lipit: HDL 0.8; LDL 3.78; Creatinin 138.

BS kết luận suy thận nhưng không chỉ định thuốc, chỉ dặn phải ăn nhạt.

Xin cám ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bác,

Theo thông tin bác cung cấp thì hiện tại bác có 3 vấn đề chính: tăng huyết áp (THA) - rối loạn mỡ máu - bệnh thận mạn.

Cháu chẩn đoán bác có tăng huyết áp vì có 2 lần bác đo huyết áp lúc nằm nghỉ cao trên 140/90 mmHg, kèm triệu chứng của tăng huyết áp (nặng đầu, choáng váng). Có tăng huyết áp thì nhất định phải điều trị tăng huyết áp, nhằm mục đích ngừa các biến chứng của THA, trong đó sợ nhất là đột quỵ, nhồi máu cơ tim (hay xảy ra vào buổi sáng sớm khi huyết áp lên cao nhất), làm thận suy nặng hơn...

Tuy nhiên, huyết áp của bác trong ngày dao động khá nhiều, có lúc lại tụt huyết áp. Tụt huyết áp thì cũng nguy hiểm không kém THA. Do vậy, để điều trị thuốc hợp lý và an toàn cho bác, tốt hơn hết là kiểm tra tổng thể, gắn máy huyết áp kế di động đo liên tục 24 giờ để xem lúc nào HA cao, lúc nào HA thấp.

Về rối loạn mỡ máu, bác đã có THA, có bệnh thận mạn thì mục tiêu hạ mỡ máu sẽ thấp hơn người trẻ nhiều, cũng để phòng đột quỵ, nhồi máu cơ tim... do vậy cần tập thể dục, giảm ăn dầu mỡ và dùng thuốc hạ mỡ máu.

Về bệnh thận mạn, dựa vào creatinin máu chưa đủ để ước tính độ lọc cầu thận (thể hiện chức năng thận) ra sao, vì tùy vào giai đoạn của bệnh thận mạn mà có phương pháp điều trị thích hợp.

Vì vậy, sau tất cả, cháu thấy bác nên đến khám và điều trị bệnh tại chuyên khoa Tim mạch uy tín, điều trị và chẩn đoán theo BS hiện tại là chưa đầy đủ.


- Vy Nguyen – vynguye…@gmail.com

Em chào BS,

Em hay bị nhức đầu, có khi là cả đầu có khi là một bên và hay kéo dài. Đang ngồi đứng dậy rất hay bị chóng mặt. Đau kéo dài từ cổ xuống vai nếu ngồi lâu. Xin hỏi những biểu hiện của em là bình thường hay là triệu chứng của bệnh lý nào không ạ? Em cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Chắc chắn là những biểu hiện trên là bất thường, vì người khỏe mạnh bình thường thì đau có đau nhức mỏi, chóng mặt, phải không em.

Hiện tại, dựa vào thông tin em cung cấp thì tôi nhận định em có 2 vấn đề chính: hội chứng đau vai gáy - đau đầu, chóng mặt nghĩ do tụt huyết áp tư thế.

Triệu chứng hoa mắt, choáng váng khi thay đổi tư thế, là do tụt huyết áp tư thế thoáng qua, ở người trẻ khỏe thường là do giảm trương lực co thắt mạch máu khi chuyển đổi tư thế nhanh. Ngoài ra còn gặp trong những nguyên nhân bệnh lý như thiếu máu, huyết áp thấp, bệnh lý tim mạch... khi đó triệu chứng sẽ dễ xảy ra và nặng nề hơn.

Hội chứng đau vai gáy có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, thường gặp nhất là bệnh lý của cột sống cổ (thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm vùng cột sống cổ, dãn dây chằng...), hay đau do căng mỏi cơ vì ngồi sai tư thế, hoạt động nhiều...

Vì vậy, tôi khuyên em nên khám tại chuyên khoa Tim mạch và cơ xương khớp, làm xét nghiệm bàn nghiêng, siêu âm tim, đo điện tim, xét nghiệm máu, chụp X-quang cột sống cổ để BS xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp. Song song đó, em cần ăn uống điều độ, đầy đủ dinh dưỡng, hạn chế dùng các chất kích thích như café, trà, bia rượu, uống tối thiểu 2 lít nước/ngày, không thức khuya, không tiếp xúc dưới máy vi tính quá lâu, không nghe điện thoại liên tục trong nhiều giờ, tập thể dục điều độ. Điều quan trọng là tránh thay đổi tư thế đột ngột từ ngồi sang đứng, từ nằm sang đứng, xoay người nhanh có thể gây choáng váng, hoa mắt dẫn đến té ngã.  


- Phương Quyên - TPHCM

Chào BS,

Em đã xét nghiêm viêm gan B cách đây 3 tháng rồi. Bây giờ em muốn tiêm ngừa thì có cần làm xét nghiệm lại hay không, thường thì bao lâu cần làm xét nghiệm lại?  

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Vậy có thể tiêm ngừa viêm gan siêu vi B (loại thông dụng nhất, không có vắc xin ngừa viêm gan siêu vi C) mà không cần xét nghiệm lại nếu em thỏa 2 điều kiện sau:

1.   Kết quả xétnghiemej lần trước cho thấy em không có nhiễm viêm gan siêu vi B và cũng chưa có kháng thể bảo vệ với virus này.

2.   Trong thời gian 3 tháng, em không có truyền máu, không có quan hệ tình dục không an toàn với người có nguy cơ nhiễm viêm gan siêu vi B.


- Xuân Trường – doxuan…@gmail.com

Chào BS,

Vợ tôi hiện tại đang mắc bệnh viêm cầu thận mãn tính. Hiện tại đang có thai 11 tuần. Xin BS tư vấn giúp là vợ tôi có nên mang thai không ạ? Nếu mang thai thì có gặp vấn đề gì không?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Trước đây, mang thai luôn được xem là nguyên nhân làm cho bệnh viêm cầu thận mạn nghiêm trọng thêm, nên đã có quy định người bị bệnh này không được mang thai, nếu có thai cũng phải bỏ. Tuy nhiên, khoảng hai thập niên lại đây, qua nghiên cứu, người ta thấy rằng người bệnh viêm cầu thận mạn vẫn có thể sinh đẻ. Điều này phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh.

Viêm cầu thận mạn nếu chỉ có albumin niệu, huyết áp không cao, urê máu vẫn bình thường thì bệnh vẫn ở mức độ nhẹ. Trường hợp này, nếu mang thai, bệnh vẫn ổn định, trẻ ra đời có thể không bị ảnh hưởng gì. Nếu trong thời gian mang thai có đủ các triệu chứng: albumin trong nước tiểu, tăng huyết áp, urê máu tăng cao là bệnh ở giai đoạn cuối, đã nặng. Việc mang thai ở giai đoạn này là quá nguy hiểm, tiên lượng rất nặng.

Vì vậy, khi có thai, người phụ nữ phải nghỉ ngơi hoàn toàn để giảm nhẹ bệnh và ngăn ngừa sự phát sinh thêm triệu chứng. Những tai biến có thể gặp cho con ở người mẹ có bệnh viêm cầu thận mạn là: sẩy thai, suy thai, thai nhi bị suy dinh dưỡng và có thể bị chết lưu, sinh non... còn ở mẹ có thể bị sản giật, xuất huyết não, suy thận nặng đặc biệt là giai đoạn những tháng cuối. Do vậy vợ em cần phải theo dõi thai kỳ sát với bác sĩ chuyên Sản tại bệnh viện sản phụ khoa lớn. Việc quyết định có nên mang thai hay không sẽ tùy thuộc vào BS theo dõi thai cho vợ em.


- Thanh Tâm, 28 tuổi - TPHCM

Thưa BS,

Gần đây 2 cánh tay em xuất hiên nhiều nốt ruồi màu đen, lốm đốm tàn nhang. Trước đây cơ thể em cũngg có nhiều nốt ruồi. Bên ngoại em ai có gen nổi nhiều nốt ruồi. BS cho hỏi liệu em có bị bệnh không? Cảm ơn BS!    

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Về bản chất, nốt ruồi chính là những khối u hắc tố, do sự loạn sản lành tính và khu trú của sắc tố melanine. Nốt ruồi xuất hiện ở tuổi thiếu niên và biến mất từ tuổi trung niên trở về sau. Số lượng và kích thước của nốt ruồi ở từng người rất khác nhau, phụ thuộc vào tính di truyền, vùng miền, cơ địa...

Khi hiện diện với số lượng lớn trên cơ thể, nốt ruồi có thể làm tăng nguy cơ ung thư hắc tố (melanoma), một dạng hiếm và nguy hiểm nhất của ung thư da, nếu nốt ruồi gặp những yếu tố kích thích kéo dài như cọ xát, phơi nắng..vv sẽ xảy ra những biến đổi ác tính và hình thành ung thư hắc tố. Khoảng 1/3 trường hợp ung thư hắc tố từ các nốt ruồi có sẵn.

Cách nhận biết nốt ruồi ung thư: Hầu hết nốt ruồi trên cơ thể trông tương tự như mọi nốt ruồi bình thường khác. Những nốt ruồi ung thư sẽ có một số điểm khác biệt với những nốt còn lại. Ví dụ như bán kính lớn hơn hoặc không đối xứng…vv

Vì vậy, hiện tại việc có nhiều nốt ruồi của em không phải là bệnh, nhưng điều đặc biệt quan trọng là em phải giữ an toàn cho da trước ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời và theo dõi sát những biến đổi của cơ thể.


- Khanh Nguyen – nguyenmai…@outlook.com.vn

Chào BS,

Em bị sưng ở bên má, không sưng to, chỉ nhỏ và cảm giác là sưng. Khi nuốt nước bọt có cảm giác khó. Liệu em bị gì thưa BS?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Bình thường ½ cơ thể của chúng ta không phải đối xứng 100% so với ½ còn lại. Khi chúng ta chú ý quá mức có thể thấy sự sai lệch. Em quan sát thấy 1 bên má “sưng nhẹ” không rõ ràng, có thể là có vấn đề thật (như viêm tuyến nước bọt mang tai, mọc răng khôn, nhai 1 bên nên hàm bên phải to hơn bên trái...) hay chỉ là cảm giác chủ quan.

Tuy nhiên, triệu chứng nuốt nước bọt cảm thấy khó khiến nghĩ nhiều đến các nguyên nhân bệnh lý thật sự hơn (đã kể trên), tuy nhiên, BS chưa thể định rõ bệnh nếu chỉ dựa vào triệu chứng này, em nên đi khám chuyên khoa Tai mũi họng hoặc Răng hàm mặt để được kiểm tra kỹ, xác định bệnh và điều trị thích hợp tương ứng.


- Linh Pham, 22 tuổi – linhpham…@gmail.com

Thưa BS,

Em đi khám ở BV Ung bướu, kết quả là đa bướu sợi tuyến 2 vú và đa nang tuyến vú. Kích thước bướu lớn nhất là 19mm và nói phải phẫu thuật. Em có một cô cũng khám bệnh có kết quả là bướu sợi tuyến 19mm nhưng BS chỉ cho thuốc uống rồi 1 tháng sau tái khám. Em đang rất hoang mang không biết nên đi khám lại hay phải phẫu thuật. Mong BS giải đáp giúp ạ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Bướu sợi tuyến vú là u bướu lành tính thường gặp ởphụ nữ 18-40 tuổi. BS chẩn đoán dựa vào khám lâm sàng, siêu âm và nhũ ảnh (không nên làm khi < 25 tuổi), một số trường hợp cần làm thêm sinh thiết nhờ kim nhỏ (FNAC) để rút dịch nhằm thẩm định là u lành tính hay u ác tính nhưng một số trường hợp quá rõ ràng thì không cần đến FNAC cũng chẩn đoán được.

Hiện tại nếu các bướu sợi tuyến <2cm và không đau, không hạch nách, tiền căn gia đình không có mẹ hay chị em gái ruột bị ung thư vú thì bác sĩ chỉ cần theo dõi mỗi 3-6 tháng. Bướu này tự giới hạn khi tuổi càng lớn. Nếu bướu sợi >3cm thì có thể tiểu phẫu lấy bướu, mổ theo đường quầng vú để giữ độ thẩm mỹ.

Theo thông tin em cung cấp thì trường hợp của em là “đa bướu sợi tuyến 2 vú và đa nang tuyến vú, kích thước bướu lớn nhất là 19mm”, nghĩa là khi các bướu này sát gần nhau thì kích thước tổng cộng của bướu sẽ lớn hơn 19 mm nhiều.

Như em thấy đó, chỉ định phẫu thuật hay điều trị thuốc dựa vào nhiều dữ kiện, không chỉ là kích thước 1 bướu. Nếu em lo lắng về việc phẫu thuật, em nên trao đổi trực tiếp với BS chẩn đoán và điều trị bệnh cho em, để BS tư vấn cho em mặt thiệt mặt hại của chỉ định điều trị, và trong trường hợp em muốn dùng thuốc trước rồi theo dõi thêm thì cũng có thể xem xét.


- Đinh Thị Huệ - Hà Nội

Chào BS,

Cháu là sinh viên chưa lập gia đình. Cháu mới đi xét nghiệm chẩn đoán u tiểu khung và kết quả máu in đậm CA 125: 170.92 U/ml. Cháu mong BS tư vấn, không biết cháu có bị ung thư gì không ạ? Cháu cảm ơn BS nhiều.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

CA 125 là một dấu ấn sinh học chỉ điểm ung thư vú và ung thư buồng trứng vì CA 125 thường tăng cao trong ung thư vú, ung thư buồng trứng nên xét nghiệm này thường được dùng để tầm soát và theo dõi điều trị, tái phát 2 mặt bệnh này. Thế nhưng, xét nghiệm CA 125 cũng cao trong nhiều trường hợp khác như: lạc nội mạc tử cung, viêm nhiễm, có thai…

Hiện em siêu âm phát hiện u ở tiểu khung, có kết quả CA 125 tăng cao, cần phải khám chuyên khoa Sản phụ khoa làm những xét nghiệm chuyên sâu hơn như CTscan khung chậu để loại trừ bệnh lý ác tính là ung thư buồng trứng, chứ không thể chỉ dựa vào kết quả siêu âm và xn CA 125 là xác định chẩn đoán ung thư ngay.


- Dương Thị Hải – Đà Nẵng

BS ơi cho cháu hỏi, uống viên sắt sau bao lâu thì uống được sữa ạ? 

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Những lưu ý khi bổ sung sắt:

Phải tuân theo chỉ định của thầy thuốc, tránh bổ sung sắt quá liều trong một thời gian dài, sẽ gây ra nguy cơ xơ gan, bệnh cơ tim, đái tháo đường…

Các tác dụng phụ thường gặp là buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy hay táo bón.

Khi uống thuốc cần tránh xa các bữa ăn 1 - 2 giờ, vì thức ăn làm giảm sự hấp thu sắt. Không uống nước chè, sữa, cà phê… ngay sau khi uống thuốc vì làm giảm hấp thu sắt. Như vậy, em có thể uống sữa trước khi uống sắt 2 giờ, hoặc uống thuốc bổ sắt trước rồi cách 2 giờ sau hãy uống sữa.

Vitamin C làm tăng sự hấp thu sắt nên thường được phối hợp với nhau.

Bên cạnh việc bổ sung sắt, cần tăng cường chế độ dinh dưỡng giàu chất sắt với các thực phẩm như thịt, đậu, bánh mì nguyên cám, trái cây, rau xanh… Các bệnh lý gây ảnh hưởng đến sự hấp thu chất sắt của cơ thể cần phải được chữa trị thật tốt.

Sau đây là lịch tư vấn tuần này (từ thứ hai ngày 13/6 đến chủ nhật ngày 19/6), AloBacsi trân trọng cập nhật để bạn đọc tiện theo dõi.

Trân trọng thông báo:

Thứ

Bác sĩ phụ trách

Thời gian tư vấn

Ghi chú

Hai

BS Trần Thị Thu Cúc

17g30 - 19g30

 

Ba

BS Trần Thị Thu Cúc

17g30 - 19g30

 

BS Trần Thị Thu Cúc

17g30 - 19g30

 

Năm

BS Cao Thị Lan Hương

17g30 - 19g30

 

Sáu

BS Cao Thị Lan Hương

17g30 - 19g30

 

Bảy

BS Cao Thị Lan Hương

17g30 - 19g30

 

Chủ nhật

BS Trần Thị Thu Cúc

 

Tư vấn qua email

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X